I. QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH BẢO TÀNG TỈNH SƠN LA:
Ra đời từ những năm 60 của thế kỷ XX, tiền thân từ nhà Bảo tàng Khu Tự trị Tây Bắc với nhiệm vụ chủ yếu là sưu tầm, gìn giữ những tài liệu, hiện vật dân tộc học tiêu biểu, hiện vật thời kỳ kháng chiến và công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội của đồng bào các dân tộc Tây Bắc dưới sự lãnh đạo của Đảng. Qua đó, những tinh hóa văn hóa dân tộc dưới thời phong kiến, đế quốc bị mai một hoặc lãng quên, nay được khai thác, phát huy trở lại. Tuy nhiên trong điều kiện kinh tế xã hội còn gặp nhiều khó khăn, cơ sở vật chất thiếu thốn nên các hoạt động chuyên môn của phòng Bảo tàng lúc đó còn nhiều hạn chế.
Trong thời kỳ chiến tranh phá hoại của Đế quốc Mỹ (1965 – 1971), nhà Bảo tàng Khu tự trị sơ tán tại Khu Lũng Sương, xã Muổi Nọi, huyện Thuận Châu. Các hoạt động sưu tầm tư liệu hiện vật, việc trưng bày, đón khách tham quan của phòng Bảo tàng tạm dừng. Công tác văn hóa, văn nghệ của Khu lúc này chủ yếu tập trung cho việc tuyên truyền, cổ động quân và dân các dân tộc Tây Bắc nêu cao ý chí quyết chiến, quyết thắng và niềm lạc quan cách mạng. Phong trào “Tiếng hát át tiếng bom” phát triển rầm rộ trong quần chúng nhân dân, tạo ra sức mạnh tinh thần thực hiện nhiệm vụ sản xuất, xây dựng vào chiến đấu.
Sau khi kết thúc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, Nhà Bảo tàng Khu Tây Bắc rời khỏi khu Lũng Sương, Muổi Nọi, Thuận Châu về đóng tại một ngôi nhà cấp 4 trên đồi Khau Cả, thị xã Sơn La (trụ sở UBND tỉnh ngày nay) cạnh khu di tích lịch sử Nhà tù Sơn La. Cơ cấu tổ chức của Nhà Bảo tàng lúc đó có 01 giám đốc và 15 cán bộ chuyên môn thuộc các tổ nghiệp vụ như: Hành chính, thuyết minh, sưu tầm, điêu khắc hội họa và bảo quản.
Ngoài công tác nghiên cứu, sưu tầm tư liệu, hiện vật bổ sung cho các bộ sưu tập, hoạt động nổi bật trong giai đoạn này của Nhà Bảo tàng Khu chính là việc phối hợp với các chuyên gia của Viện Khảo cổ học Việt Nam tổ chức điền dã, khảo sát khảo cổ học trong khu vực lòng hồ vùng hồ ngập nước của thuỷ điện Hoà Bình. Mở đầu là cuộc điều tra khảo sát tương đối có hệ thống ở cả 2 tỉnh Sơn La và Lai Châu vào đầu năm 1972. Riêng địa bàn tỉnh Sơn La đã phát hiện mới 8 di tích khảo cổ học hang động thuộc thời đại đá mới, tương đương với văn hoá Hoà Bình tại huyện Mộc Châu.
Năm 1975 khi Khu Tự trị Tây Bắc giải thể, phòng Bảo tàng Khu được sáp nhập với Phòng nghiệp vụ của Ty Văn hoá Sơn La thành phòng Bảo tàng trực thuộc Ty và tiếp quản khu di tích lịch sử Nhà tù Sơn La (di tích đầu tiên của tỉnh Sơn la được xếp hạng đợt I, năm 1962), tháng 12/1975. Cơ cấu tổ chức của phòng Bảo tàng lúc đó có tổng số cán bộ, viên chức gồm 17 đồng chí.
Khi tiếp quản di tích lịch sử Nhà tù Sơn La, di tích này đã bị tàn phá nặng nề bởi chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ. Anh chị em cán bộ trong phòng Bảo tàng đã từng bước khắc phục khó khăn sắp xếp nơi ở, nơi làm việc; tự xây dựng 3 ngôi nhà tre, mái lợp cỏ gianh, vách thưng bằng nứa để làm việc, số lượng cán bộ ít, lại không được đào tạo về trình độ nghiệp vụ nên công tác chuyên môn gần như bị ngừng trệ. Ít năm sau, phòng Bảo tàng được tăng cường thêm một số cán bộ có trình độ đại học và trung cấp, vừa làm, vừa học vừa rút kinh nghiệm để cải thiện chất lượng công tác chuyên môn. Nhiệm vụ chủ yếu của cán bộ phòng lúc này là tổ chức các chuyến đi cơ sở để sưu tầm hiện vật, chủ yếu là hiện vật dân tộc học; viết lịch sử cho các xã thuộc vùng lòng hồ Thuỷ điện Hoà Bình, xây dựng phòng truyền thống cho một số huyện và xã như huyện Mộc Châu, xã Quang Huy (huyện Phù Yên), xã Chiềng La (huyện Thuận Châu)... Sau 10 năm thực hiện chủ trương, đường lối xây dựng chủ nghĩa xã hội, sự nghiệp văn hóa thông tin Sơn La đã giành được những thành tựu hết sức quan trọng. Công tác thông tin tuyên truyền lưu động được mở rộng đến vùng sâu, vùng xa, vùng cao biên giới. Việc nghiên cứu, sưu tầm kho tàng văn hóa các dân tộc được coi trọng, khơi dậy và phát huy nhiều loại hình văn hóa truyền thống. Trước yêu cầu của công tác Văn hóa Thông tin trong tình hình mới, Bảo tàng tỉnh Sơn La bước sang chặng đường phát triển mới của sự nghiệp bảo tồn di sản văn hóa địa phương.
II. QUÁ TRÌNH PHÁT TRIỂN CỦA BẢO TÀNG TỈNH SƠN LA:
1. Giai đoạn 1985 đến 1994:
Bộ máy tổ chức của Bảo tàng tỉnh Sơn La khi mới thành lập gồm có Ban giám đốc, 01 phòng Tổ chức hành chính và 05 tổ nghiệp vụ (bao gồm: Tổ nghiên cứu sưu tầm, Tổ kiểm kê bảo quản tài liệu hiện vật, Tổ trưng bày, Tổ công tác quần chúng, hướng dẫn tham quan tuyên truyền, Tổ di tích và phát huy tác dụng di tích). Tổng số cán bộ, viên chức và lao động là 17 người, trong đó có 03 người có trình độ đại học, số còn lại chủ yếu trình độ trung cấp và sơ cấp.
Về chức năng, nhiệm vụ của Bảo tàng tỉnh được UBND tỉnh Sơn La nêu rõ: Là cơ quan nghiên cứu khoa học và phổ biến kiến thức khoa học, nhiệm vụ chính là nghiên cứu, sưu tầm, bảo quản và trưng bày những mẫu thiên nhiên, quản lý di tích xã hội của địa phương, quản lý di tích cách mạng Nhà tù Sơn La theo quy chế quản lý di tích và chỉ đạo phong trào cơ sở, nhằm giáo dục truyền thống và nâng cao lòng tự hào dân tộc, lòng yêu quê hương, yêu tổ quốc xã hội chủ nghĩa cho nhân dân, động viên nhân dân ra sức thi đua ra sức thi đua hoàn thành tốt nhiệm vụ của Đảng, Nhà nước giao phó.
Do đặc thù của một tỉnh miền núi, điều kiện kinh tế xã hội còn gặp nhiều khó khăn, chưa có kinh phí để xây dựng Bảo tàng tổng hợp tỉnh, nên Bảo tàng tỉnh sử dụng lại một phần cơ sở vật chất của khu Trại lính khố xanh nằm trong khuôn viên di tích lịch sử Nhà tù Sơn La để đặt trụ sở làm việc. Trên cơ sở đó, bằng nguồn ngân sách đầu tư của UBND tỉnh đã xây dựng 2 tòa nhà (mỗi tòa có 2 tầng) theo lối kiến trúc thời Pháp thuộc khá kiên cố trên nền cũ của Trại lính khố xanh và nhà giám binh để làm các phòng trưng bày, kho bảo quản hiện vật và phòng làm việc của cán bộ viên chức. Đồng thời đầu tư mua sắm một số trang thiết bị phục vụ chuyên môn như tủ, bục trưng bày, lắp đạt hệ thống chiếu sáng, bàn, ghế làm việc…
Xuất phát từ nhận thức về vai trò, vị trí tầm quan trọng của từng khâu công tác Bảo tàng nói chung, công tác quản lý hiện vật nói riêng nên ngay từ khi mới thành lập Bảo tàng đã quan tâm đến công tác sưu tầm hiện vật. Đây là khâu công tác có vị trí quan trọng đặc biệt trong toàn bộ hoạt động của Bảo tàng, nó gắn kết với các khâu công tác khác, đảm bảo cho Bảo tàng hình thành tồn tại và phát triển. Dưới sự chỉ đạo của Ban giám đốc, tổ nghiên cứu- sưu tầm phân công cán bộ thường xuyên bám cơ sở tổ chức sưu tầm hiện vật trên diện rộng. Với phương châm 3 cùng là “cùng ăn, cùng ở cùng làm”, mỗi cán bộ sưu tầm ngoài thực hiện nhiệm vụ được giao là sưu tầm hiện vật, còn phải thực hiện vai trò làm công tác dân vận, vận động nhân dân hiến tặng hiện vật cho Bảo tàng. Giai đoạn này Bảo tàng tỉnh sưu tầm được trên 2.000 tư liệu hiện vật khảo cổ, cổ vật và thời kỳ kháng chiến chống Pháp, Mỹ; gần 300 hiện vật dân tộc học và khoảng 200 hiện vật thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Để khai thác, phát huy giá trị hiện vật bảo tàng, góp phần đưa di sản văn hóa đền gần với công chúng. Từ những năm đầu mới thành lập, song song với công tác nghiên cứu, sưu tầm, bảo quản hiện vật, Bảo tàng tỉnh rất quan tâm chú trọng đến công tác trưng bày triển lãm chuyên đề và triển lãm lưu động phục vụ các nhiệm vụ chính trị, các ngày lễ kỷ niệm của đất nước, của tỉnh hàng năm. Để phục vụ nhu cầu tham quan của du khách, năm 1985 Bảo tàng tỉnh đã đầu tư xây dựng phòng trưng bày bổ sung di tích lịch sử Nhà tù Sơn La tại vị trí khu nhà giám binh cũ (trong khuôn viên Trại lính khố xanh). Tuy nhiên do diện tích chật hẹp, cơ sở vật chất thiếu thốn, Bảo tàng tỉnh chỉ lựa chọn những tư liệu, hiện vật đặc trưng, phản ánh khái quát về quá trình xây dựng nhà tù, tội ác của thực dân Pháp đối với nhân dân ta và sự ra đời, lãnh đạo phong trào đấu tranh cách mạng của chi bộ Nhà tù Sơn La.
Công tác tuyên truyền, giáo dục là một trong những hoạt động cơ bản trong 6 khâu công tác của Bảo tàng. Thông qua công tác này góp phần làm cầu nối giữa Bảo tàng với công chúng để hiện thực hóa chức năng phổ biến tri thức khoa học. Vì vậy ngay từ những năm đầu thành lập, Bảo tàng tỉnh Sơn La luôn quan tâm đến chất lượng đón tiếp, phục vụ khách tham quan. Cùng với sự hình thành và phát triển của Bảo tàng tỉnh, đội ngũ làm công tác tuyên truyền cũng không ngừng được lớn mạnh, tạo thành “thương hiệu” được nhiều người biết đến.
Bảo tàng tỉnh Sơn La ra đời trong hoàn cảnh cả nước thực hiện công cuộc đổi mới toàn diện trên tất cả các lĩnh vực, đặc biệt trên mặt trận văn hóa, tư tưởng. Với chức năng cơ bản là một thiết chế văn hóa, nơi lưu giữ, bảo tồn và phát huy giá trị của di sản văn hóa. Trong giai đoạn này, bảo tàng tỉnh Sơn La vừa phải khắc phục khó khăn về cơ sở vật chất, vừa tập trung nâng cao trình độ chuyên môn cho cán bộ, nâng cao chất lượng hoạt động, đón tiếp phục vụ khách tham quan. Vì vậy công tác giáo dục tuyên truyền, giáo dục thời kỳ này chủ yếu là phục vụ hướng dẫn tham quan tại Bảo tàng, khu di tích lịch sử Nhà tù Sơn La.
Bên cạnh công tác bảo tàng, công tác bảo tồn thời kỳ này mặc dù đã thành lập tổ quản lý và phát huy giá trị di tích, tuy nhiên lĩnh vực này chưa được đầu tư, quan tâm đúng mức. Số Lượng cán bộ Tổ di tích có 5 đồng chí, trình độ chuyên môn có 3 đồng chí qua lớp sơ cấp Bảo tàng, còn lại chưa qua đào tạo. Nhiệm vụ của tổ lúc này dẫn khách tham quan khu di tích Nhà tù Sơn La và đi cơ sở xây dựng sơ thảo lịch sử cho các xã vùng lòng hồ thuỷ điện Hoà Bình và xây dựng phòng truyền thống cho các xã và huyện.
Công tác lập hồ sơ xếp hạng di tích mới chưa được đẩy mạnh, toàn tỉnh duy nhất chỉ có một di tích được xếp hạng năm 1962, đó là di tích Quốc gia Nhà tù Sơn La, còn lại các di tích khác mới chỉ dừng lại ở việc điều tra, phát hiện để đưa vào danh mục dự kiến lập hồ sơ xếp hạng ở giai đoạn sau.
Công tác khảo cổ học: Trong thời kỳ này, cán bộ Tổ di tích tập trung khảo sát một vài điểm nhỏ, hoặc thu thập những di vật khảo cổ do nhân dân phát hiện ngẫu nhiên đưa vào làm hiện vật Bảo tàng. Đến cuối năm 1989 Tổ di tích kết hợp với đoàn khảo sát của Viện khảo cổ học Việt Nam đã phát hiện ra các hoá thạch động vật Néogen trong mỏ than Hang Mon (Yên Châu). Mùa điền dã năm 1992 đã mở rộng địa bàn khảo sát khắp các huyện Mộc Châu, Yên Châu, Thuận Châu và thị xã Sơn La, cụ thể đoàn đã khảo sát 4 hang ở Mộc Châu, 9 hang ở huyện Thuận Châu và 10 hang ở thành phố Sơn La. Trong đó một số hang còn vết tích cư trú của người nguyên thuỷ, tìm thấy nhiều công cụ ghè đẽo, rìu mài toàn thân và đồ gốm thô để bổ sung cho kho cơ sở hiện vật Bảo tàng.
2. Giai đoạn từ năm 1994 đến năm 2008.
Được sự quan tâm chỉ đạo của Bộ Văn hoá, Thông tin, Tỉnh uỷ, UBND tỉnh, trưc là Sở Văn hoá, Thông tin và Thể thao, công tác bảo tồn, bảo tàng Sơn La thời kỳ này có những bước phát triển vượt bậc về tổ chức bộ máy đến các khâu công tác nghiệp vụ, có những đóng góp quan trọng cùng toàn ngành thực hiện thắng lợi Nghị quyết TW 5, khóa VIII của Đảng “xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc”.
Cơ cấu tổ chức bộ máy của đơn vị giai đoạn này có sự thay đổi, đơn vị tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng và tuyển dụng mới những cán bộ có trình độ chuyên môn nghiệp vụ, đa số cán bộ làm công tác nghiệp vụ thuộc các tổ đều có trình độ cao đẳng, đại học trở lên. Năm 1994, đơn vị đã kiện toàn bộ máy tổ chức cán bộ.
Đến năm 2001, từ các tổ chuyên môn trước đây được nâng cấp thành các phòng chức năng gồm: Phòng Hành chính quản trị, Phòng Nghiệp vụ Di tích, Phòng Nghiệp vụ Bảo tàng, với tổng số 22 cán bộ, viên chức, lao động hợp đồng 68
Trong số 2 phòng chuyên môn, phòng Nghiệp vụ Di tích được giao nhiệm vụ tham mưu, đề xuất giúp Ban giám đốc đơn vị về công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị các di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh và thực hiện công tác đón tiếp, phục vụ khách tham quan tại Bảo tàng và giáo dục truyền thống cơ sở. Phòng Nghiệp vụ Bảo tàng thực hiện chức năng tham mưu và tổ chức thực hiện 5 khâu công tác Bảo tàng gồm: Nghiên cứu, sưu tầm, kiểm kê, bảo quản, trưng bày - triển lãm.
Đây là giai đoạn đánh dấu các hoạt động chuyên môn nghiệp vụ của đơn vị được quan tâm đầu tư, tăng cường đẩy mạnh. Các chỉ tiêu kế hoạch nhà nước giao đều hoàn thành và hoàn thành vượt mức, phục vụ có hiệu quả các nhiệm vụ chính trị của tỉnh, ngành giao và luôn tạo được những dấu ấn quan trọng.
Công tác nghiên cứu khoa học là một trong những khâu bản lề, mở đầu cho các hoạt động nghiệp vụ của Bảo tàng. Năm 1998, đơn vị thực hiện đề tài khoa học cấp tỉnh “Các di tích văn hóa tiền, sơ sử Sơn La và vấn đề bảo tồn, phát huy giá trị”.
Từ ngày thành lập cho đến giai đoạn này, Bảo tàng tỉnh đã sưu tầm một khối lượng hiện vật khá lớn trên các lĩnh vực để xây dựng thành các bộ sưu tập hiện vật kháng chiến, dân tộc học, khảo cổ học, bổ sưu tập cổ vật… Ngoài các đợt sưu tầm, Bảo tàng còn tiếp nhận hiện vật từ các cơ quan chức năng, những phát hiện ngẫu nhiên của người dân… Do đó, từ năm 2000 trở về trước, đơn vị chưa có điều kiện chọn lọc, việc xây dựng hồ sơ khoa học di tích còn sơ sài, nhiều hiện vật còn thiếu thông tin, hoặc chưa được xác minh rõ ràng, việc xây dựng các để cương trưng bày triển lãm phục vụ các nhiệm vụ chính trị lớn còn gặp một số khó khăn, công tác nghiên cứu khoa học còn đơn lẻ giữa các cá nhân hoặc các tổ chuyên môn. Trước yêu cầu đặt ra phải từng bước nâng cao chất lượng công tác chuyên môn để đúng nghĩa với một cơ quan nghiên cứu khoa học. Được sự cho phép của Sở VHTT, năm 2001 Bảo tàng tỉnh đã Quyết định thành lập Hội đồng khoa học của đơn vị gồm có 9 đồng chí là những cán bộ có trình độ chuyên môn nghiệp vụ, có năng lực thực tiến trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học để tham mưu giúp Ban giám đốc đơn vị về việc thẩm định, đánh giá, nghiệm thu hiện vật sưu tầm trước khi nhập kho, các đề cương trưng bày triển lãm, hồ sơ khoa học di tích. Bên cạnh đó, giai đoạn này Bảo tàng tỉnh được giao nhiệm vụ thực hiện các chương trình mục tiêu Quốc gia về nghiên cứu, bảo tồn các di sản văn hoá phi vật thể của các dân tộc trong tỉnh.
Năm 2003 đơn vị thực hiện đề tài khoa học cấp tỉnh “Nghiên cứu bổ sung và viết thuyết minh giới thiệu một số di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh dọc quốc lộ 6 trên địa bàn tỉnh Sơn La” giai đoạn 2003 – 2013 (viết tắt là KX.03.2003). Đề tài đã đánh giá một cách tổng quát thực trạng khai thác phát huy 13 di tích, danh thắng, điểm tham quan du lịch. Đồng thời, xây dựng nội dung thuyết minh hướng dẫn du lịch, bản đồ du lịch tỉnh Sơn La, huyện Mộc Châu và thành phố Sơn La, phát hành VCD giới thiệu tiềm năng du lịch Sơn La.
Nhằm mục đích bổ sung tư liệu, hiện vật cho kho cơ sở và phục vụ cho các cuộc trưng bày triển lãm, giai đoạn này Bảo tàng tỉnh quan tâm mở rộng đối tượng sưu tầm đến các hiện vật lịch sử tự nhiên và xã hội. Ngoài các chuyến công tác cơ sở trong tỉnh, Bảo tàng tỉnh còn phối hợp với các cơ quan báo, đài của Trung ương và địa phương để sưu tầm các tư liệu ảnh về thành tựu phát triển kinh tế xã hội, văn hóa giáo dục, y tế của đất nước, của tỉnh, các sự kiện chính trị lớn… Các tư liệu, hiện vật mới sưu tầm được ghi chép đầy đủ nội dung, ý nghĩa của hiện vật, đồng thời biên bản giao nhận hiện vật cũng được ghi chép tỉ mỉ nhằm đảm bảo tính pháp lý của nó. Trung bình mỗi năm Bảo tàng tỉnh tổ chức sưu tầm từ 200 đến 300 hiện vật mới, đưa tổng số hiện vật kho cơ sở giai đoạn này trên 17.000 tư liệu, được chia thành các bộ chuyên đề: Khảo cổ học, dân tộc học, hiện vật kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, thời kỳ xây dựng CNXH.
Để quản lý, bảo quản tư liệu, hiện vật tại kho và các phòng trưng bày được tốt, từ năm 2000 – 2008 Bảo tàng tỉnh đã đầu tư trang bị phương tiện kỹ thuật như máy hút bụi, máy chống ấm, lắp đặt điều hòa nhiệt độ, mua sắm thêm hệ thống tủ, bục trưng bày, giá đựng hiện vật. Định kỳ hàng tháng tổ chức lao động dọn dẹp vệ sinh, xông hóa chất chống mối mọt, các loại côn trùng xâm hại hiện vật.
Công tác trưng bày, triển lãm phục vụ các nhiệm vụ chính trị: Để phục vụ nhu cầu tham quan, học tập và hưởng thụ văn hóa của nhân dân, vấn đề đặt ra cấp thiết của Bảo tàng lúc này là đổi mới hệ thống trưng bày, làm sao phải hấp dẫn về nội dung, chứa đựng lượng thông tin phong phú, giải pháp trưng bày sáng tạo, hài hòa... Xuất phát từ yêu cầu đó, năm 1994 Bảo tàng tỉnh thực hiện dự án trùng tu tôn tạo các hạng mục của di tích lịch sử Nhà tù Sơn La. Theo đó, toàn bộ tư liệu hiện vật về nhà từ Sơn La tại phòng trưng bày bổ sung di tích trên nền trại giám binh được chuyển đến trưng bày tại Trại lớn mới của di tích lịch sử Nhà tù Sơn La (ngay trên xà lim ngầm) để tiện cho du khách trong tuyến tham quan. Phòng trưng bày cũ được cải tạo, nâng cấp và tổ chức trưng bày “Đặc trưng văn hóa các dân tộc Sơn La”
Bằng ngân sách của UBND tỉnh và nguồn kinh phí xã hội hóa, trong 2 năm 1997 và 2008, Bảo tàng xây dựng thêm phòng trưng bày Thời kỳ tiền sử và sơ sử Sơn La và phòng trưng bày Bác Hồ với nhân dân các dân tộc Sơn La với hàng trăm tư liệu, hiện vật quý hiếm phục vụ khách tham quan.
Công tác tuyên truyền giáo dục: Giai đoạn 1994 - 2008, số lượng khách tham quan đến với Bảo tàng và các điểm di tích do Bảo tàng quản lý đã tăng lên rõ rệt so với giai đoạn trước. Vì vậy để đáp ứng như cầu của khách tham quan du lịch, đòi hỏi cần phải đổi mới, nâng cao chất lượng công tác đón tiếp, phục vụ. Trên cơ sở đó Ban giám đốc đơn vị đã chỉ đạo phòng Nghiệp vụ di tích tích cực nghiên cứu tư liệu qua các cuốn hồi ký, gặp gỡ các nhân chứng lịch sử để bổ sung nội dung thuyết minh, viết các bài text giới thiệu kèm theo nội dung trưng bày. Đồng thời quan tâm tạo điều kiện cho cán bộ tham gia các lớp tập huấn, các chương trình bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ.
Công tác bảo tồn và phát huy tác dụng di tích:
Nếu như giai đoạn 1985-1994, toàn tỉnh chỉ có 1 di tích được xếp hạng, thì đến giai đoạn này công tác bảo tồn và phát huy tác dụng di tích được quan tâm đầu tư cả về nguồn kinh phí lẫn cơ chế chính sách. Đặc biệt sau khi Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 (khóa VIII) của Đảng và Luật Di sản văn hóa của Quốc Hội ban hành, công tác bảo tồn, tôn tạo và phát huy các di tích lịch sử văn hóa ở tỉnh đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Trong số gần 100 di tích lịch sử văn hóa được phát hiện ở các địa phương trong tỉnh, đã có 36 di tích được xếp hạng, trong đó có 28 di tích được xếp hạng cấp tỉnh, 8 di tích được xếp hạng cấp quốc gia.
Cùng với công tác lập hồ sơ khoa học xếp hạng di tích mới, công tác khảo cổ học giai đoạn này cũng đặc biệt được quan tâm với việc tham gia dự án thành phần “Bảo tồn di sản văn hóa vùng lòng hồ thủy điện Sơn La” từ năm 1997 - 2009. Đầu năm 1996 cán bộ Viện Khảo cổ học Việt Nam phối hợp với Bảo tàng Sơn La, triển khai công tác điều tra khảo cổ học đợt I trong vùng ngập nước của thuỷ điện Sơn La thuộc địa bàn 6 xã của 3 huyện Thuận Châu, Quỳnh Nhai và Mường La (Sơn La), đã phát hiện được 16 địa điểm khảo cổ học thời tiền sử, thu về hàng ngàn di vật. Bước sang năm 1997, tiếp tục tiến hành khảo sát đợt II tại địa bàn 2 huyện, Quỳnh Nhai và Thuận Châu, phát hiện mới một loạt các địa điểm thuộc thời đại đá cũ: Đông Sang, Mường Chiên (xã Mường Chiên), Cồn Bẻ, Nậm Mắt (xã Pắc Ma), Pá Muội. Các di tích thời đại đá mới: Đán Thẩm (xã Cà Nàng), hang Ma Min (xã Chiềng Khoang), Gò Nàng Ủa (xã Chiềng Sại). Tháng 10 - 1998 Bảo tàng Sơn La tiếp tục phối hợp với Viện khảo cổ học Việt Nam tiến hành điều tra, khảo sát một số xã tại huyện Sông Mã. Kết quả đã phát hiện trong vùng đất này 2 địa điểm thời đại đá cũ là Nà Lốc và Nà Phé (xã Chiềng Sơ), 2 di tích sơ kỳ đá mới là hang Cô Tiên (xã Chiềng Sơ và hang Nà Hin (xã Nà Nghịu).
Với những thành tích đạt được trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc thời kỳ này, năm 2007 Đảng và nhà nước trao tặng Huân chương Lao động hạng III cho tập thể cán bộ, viên chức Bảo tàng tỉnh Sơn La và quyết định nâng hạng từ Bảo tàng loại III trở thành Bảo tàng loại II. Những phần thưởng cao quý này của Đảng và Nhà nước vừa là sự ghi nhận những đóng góp quan trọng trong công tác bảo tồn di sản văn hóa của Bảo tàng Sơn La, vừa là sự động viên, khích lệ để tập thể cán bộ, viên chức của đơn vị ra sức thi đua lao động sáng tạo, phấn đấu hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, góp phần cùng toàn ngành thực hiện thắng lợi Nghị quyết TW 5 khóa VIII của Đảng về “xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đạm đà bản sắc dân tộc”.
3. Giai đoạn từ năm 2009 đến nay.
Căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ và nhu cầu phát triển của sự nghiệp bảo tồn, bảo tàng. Tháng 7/2009, UBND tỉnh Sơn La ra Quyết định kiện toàn bộ máy tổ chức Bảo tàng tỉnh. Từ 3 phòng chức năng lên 4 phòng đó là: Phòng Nghiệp vụ Bảo tàng, phòng Nghiệp vụ Di tích, phòng Tuyên truyền Giáo dục và phòng Hành chính Tổng hợp.
Phòng tuyên truyền- Giáo dục được tách ra khỏi phòng Nghiệp vụ Di tích, với chức năng, nhiệm vụ tổ chức các hoạt động hướng dẫn, thuyết minh phục vụ khách tham quan tại Bảo tàng và các điểm di tích do đơn vị quản lý: Di tích lịch sử Nhà tù Sơn La, Nghĩa trang liệt sỹ Nhà tù Sơn La, Văn bia Quế Lâm Ngự Chế - Đền thờ vua Lê Thái Tông; Đồng thời tổ chức thực hiện công tác giáo dục truyền thống tại Bảo tàng và các cơ sở trường học trên địa bàn tỉnh. Chỉnh lý, bổ sung, nâng cao nội dung, chất lượng thuyết minh tại các phòng trưng cố định và các chuyên đề tuyên truyền, giáo dục tại cơ sở. Tham mưu phối hợp tổ chức các hội nghị, hội thảo khoa học, biên soạn, xuất bản các tư liệu nghiệp vụ, các ấn phẩm văn tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu giá trị di sản văn hoá vật thể, phi vật thể trên các phương tiện thông tin đại chúng
Năm 2011 tổng số cán bộ, viên chức và lao động của đơn vị là 29 đồng chí, trong đó trình độ thạc sỹ 01 đồng chí, đại học 24 đồng chí, còn lại trình độ cao đẳng và trung cấp.
Bám sát chặt chẽ vào sự chỉ đạo của Cục Di sản Văn hóa, UBND tỉnh Sơn La, trực tiếp là Sở VHTTDL, đồng thời tranh thủ sự ủng hộ của các ban ngành, đoàn thể và đông đảo quần chúng nhân dân trong tỉnh đối với sự nghiệp bảo tồn di sản văn hóa. Tập thể cán bộ, viên chức Bảo tàng đoàn kết khắc phục mọi khó khăn, đưa sự nghiệp bảo tồn, bảo tàng của tỉnh nhà ngày càng khởi sắc, đạt được những thành tựu to lớn trên tất cả các lĩnh vực từ nhận thức, quan điểm, cơ chế chính sách đến tổ chức thực hiện nhiệm vụ.
Giai đoạn này công tác nghiên cứu khoa học tiếp tục được xác định phải đi trước một bước, mở đầu cho các khâu còn lại của công tác Bảo tàng. Nó không những góp phần vào việc khẳng định và ngày càng nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học của Bảo tàng mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện tốt chức năng giáo dục, phổ biến tri thức khoa học. Nhận thức được tầm quan trọng đó, từ 2009 đến nay cán bộ chuyên môn nghiệp của đơn vị tích cực nghiên cứu về lịch sử xã hội, giá trị di sản văn hoá của địa phương, viết bài đăng trên các tạp chí khoa học của Trung ương và địa phương, các phương tiện thông tin đại chúng như Tạp chí Di sản văn hóa (Cục DSVH), Tạp chí Khảo cổ (Viện KCH Việt Nam), Báo Sơn La, bản tin Sơn La xưa và nay của Hội KHLS tỉnh Sơn La, Bản tin Trí thức với Khoa học và Công nghệ của Liên hiệp các Hội khoa học kỹ thuật Sơn La, bản tin Văn hóa, thể thao du lịch và gia đình của Sở VHTTDL Sơn La…
Tiếp tục kiện toàn Hội đồng khoa học của đơn vị gồm có 10 đồng chí. Thông qua các cuộc sinh hoạt thường kỳ hàng năm để đánh giá, thẩm định giá trị khoa học và giá trị kinh tế của hiện vật mới sưu tầm, xét duyệt hồ sơ khoa học di tích, các đề cương trưng bày triển lãm… tham mưu cho Ban giám đốc đơn vị các giải pháp bảo tồn phát huy giá trị di sản văn hóa vật thê, phi vật thể trên địa bàn tỉnh.
Công tác sưu tầm, xây dựng các bộ sưu tập hiện vật:
Từ con số hơn 1.000 hiện vật ban đầu thuộc phần kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ hầu như không có hồ sơ lý lịch hiện vật, có hồ sơ thì nội dung ghi chép còn sơ sài, không rõ địa chỉ chủ hiện vật và nơi sưu tầm, hiện vật không được đánh số kiểm kê… Đến nay, kho cơ sở của Bảo tàng tỉnh đã có tổng số hơn 22 ngàn tư liệu hiện vật đã được ghi chép, lập hồ sơ hiện vật tương đối đầy đủ các tiêu chí theo qui định của Luật di sản văn hóa về quản lý hiện vật bảo tàng.
Nhiệm vụ của kho cơ sở không những để bảo quản tốt hiện vật Bảo tàng mà còn để thuận tiện trong quá trình tra cứu thông tin, khai thác tư liệu. Chính vì lẽ đó mà việc sắp xếp hiện vật trong kho cơ sở phải đảm bảo tính khoa học, có hệ thống. Hiện nay hiện vật kho cơ sở của Bảo tàng Sơn La được phân thành các bộ sưu tập sau:
Trong đó đáng chú ý là bộ sưu tập hơn 1.000 cuốn sách chữ Thái cổ, bộ sưu tập hơn 20 trống đồng và nhiều cổ vật quý hiếm các loại.
Ngoài ra, thực hiện dự án bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa vùng lòng hồ Thủy điện Sơn La từ năm 2008 đến nay, Bảo tàng Sơn La phối hợp với Viện Khảo cổ học Việt Nam, Ban quản lý dự án nhà máy Thủy điện Sơn La tổ chức sưu tầm trên 1.000 tư liệu, hiện vật dân tộc học của 4 dân tộc: Thái, Khơ Mú, Kháng, La Ha sinh sống trong vùng ngập của Thuỷ điện Sơn La, tổ chức khai quật, trục vớt hơn 6.000 hiện vật khảo cổ.
Công tác trưng bày, triển lãm của đơn vị đang từng bước được hiện đại hóa với việc ứng dụng công nghệ thông tin trong khâu thiết kế mỹ thuật. Ngoài 3 phòng trưng bày cố định tại Bảo tàng, 01 phòng trưng bày bổ sung tại di tích Nhà tù Sơn La. Bảo tàng tỉnh còn quản lý, tổ chức đón tiếp phục vụ khách tham quan tại nhà trưng bày chuyên đề giới thiệu Di sản văn hoá vùng lòng hồ thuỷ điện Sơn La (tại thị trấn Ít Ong, huyện Mường La) Công trình này được khánh thành và đưa vào khai thác, phát huy tác dụng nhân dịp khánh thành công trình Nhà máy Thuỷ điện Sơn La tháng 12/2012.
Công tác Tuyên truyền giáo dục ngày càng được đẩy mạnh, góp phần làm cầu nối giữa đưa di sản văn hóa đến gần với công chúng, đáp ứng nhu cầu tham quan, học tập ngày càng lớn của đông đảo nhân dân và khách du lịch. Vì vậy trong những năm qua Ban giám đốc đơn vị luôn quan tâm đến công tác đào tạo đội ngũ hướng dẫn khách tham quan tại Bảo tàng và các điểm di tích.
Bên cạnh việc phục chu đáo các đoàn khách đến tham quan nghiên cứu, tìm hiểu tại Bảo tàng. Trong những năm qua trên tinh thần chủ động, tăng cường công tác giáo dục truyền thống. Bảo tàng Sơn La đã phối hợp với các trường phổ thông, chuyên nghiệp trên địa bàn tỉnh; các đơn vị lực lượng vũ trang như: Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh, BCH Bộ đội biên phòng tỉnh tổ chức giáo dục truyền thống cho học sinh, sinh viên và tân binh các đợt nhập ngũ. Đồng thời, tạo điều kiện cho các cơ quan đơn vị có nhu cầu tham quan học tập và tổ chức các hoạt động giáo dục thiết thực như; kết nạp Đảng viên mới tại Di tích Nhà tù Sơn La; kết nạp Đoàn, Đội, trao giấy chứng nhận cháu ngoan Bác Hồ…
Hiểu rõ được sự khó khăn của cơ sở đặc biệt là các trường học không có điều kiện đưa các em học sinh đến tham quan tại điểm di tích lịch sử nhà tù Sơn La. Từ năm 2009 đến nay, mỗi năm Bảo tàng tỉnh Sơn La đã phối hợp với phòng Giáo dục - đào tạo các huyện trên địa bàn tỉnh Sơn La tổ chức trên 60 cuộc giáo dục truyền thống thu hút trên 10 ngàn học sinh và giáo viên tham gia. Qua đó khơi dậy niềm tự hào, tình yêu quê hương đất nước trong hành trang vào đời cho các em, thực hiện có hiệu quả mục tiêu “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực’’. Công tác giáo dục truyền thống tại cơ sở không ngừng được đổi mới nâng cao về chất lượng, đa dạng hoá các hình thức tuyên truyền: Thi viết, thi rung chuông vàng… phối hợp linh hoạt các phương pháp tuyên truyền: diễn thuyết, đàm thoại, vấn đáp…
Công tác quản lý phát huy giá trị của các di tích lịch sử văn hoá và danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh ngày càng nhận được sự quan tâm của các cấp ngành và toàn xã hội, điều đó được thể hiện bằng việc ra đời các văn bản nhà nước có tính định hướng cho từng giai đoạn cụ thể: Kế hoạch 64/KH-UBND ngày 21/9/2008 về việc quản lý bảo vệ và phát huy giá trị các di tích lịch sử danh thắng trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2008-2015 và định hướng đến 2020; Kế hoạch số 52/KH-UBND ngày 20/6/2012 về việc xếp hạng các di tích lịch sử văn hoá, danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2012-2015. Trong các văn bản này, Ủy ban nhân dân tỉnh đã cụ thể hoá trách nhiệm của các ngành chức năng liên quan trong công tác lập hồ sơ xếp hạng, quy hoạch, khoanh vùng các khu vực bảo vệ di tích theo đúng Luật di sản văn hoá; là cơ sở quan trọng trong việc huy động nguồn lực đầu tư cho công tác tu bổ, tôn tạo chống xuống cấp di tích.
Đến nay toản tỉnh Sơn La đã có 51 di tích được công nhận xếp hạng, trong đó 01 di tích cấp Quốc gia đặc biệt là di tích lịch sử Nhà tù Sơn La, 13 di tích cấp Quốc gia, 37 di tích cấp tỉnh. Ngoài ra trên 20 di tích nằm trong danh mục dự kiến xếp hạng đã được UBND tỉnh phê duyệt. Sau khi được xếp hạng, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Sơn La đã tổ chức bàn giao và phân cấp cho UBND các huyện, thành phố quản lý và phát huy giá trị. Trong đó, một số di tích bước đầu đã thu lại hiệu quả, góp phần quan trọng trong việc phát triển kinh tế du lịch của địa phương, giáo dục lịch sử truyền thống của dân tộc cho mỗi người dân, đặc biệt là thế hệ trẻ.
Bên cạnh công tác lập hồ sơ, xếp hạng di tích mới, Bảo tàng tỉnh cũng đã tích cực tham mưu với Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, UBND tỉnh Sơn La quan tâm đầu tư nguồn kinh phí cho công tác trùng tu, tôn tạo di tích. Thông qua chương trình mục tiêu quốc gia chống xuống cấp hàng năm kết hợp với các nguồn lực xã hội hoá, nhiều di tích được tôn tạo, nâng cấp; điển hình như di tích lịch sử Nhà tù Sơn La, di tích Văn bia Quế Lâm Ngự chế-Đền thờ Vua Lê Thái Tông (thành phố Sơn La), di tích lịch sử Đồn Mộc Lỵ, danh thắng Hang Dơi, đền thờ Hai Bà Trưng (Sông Mã), di tích bia Căm thù bản Mạt (huyện Mai Sơn)...
Năm 2014 đánh dấu một mốc sơn quan trọng trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa vật thể của tỉnh Sơn La. Ngày 31/12/2014 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2408 xếp hạng di tích Quốc gia đặc biệt Nhà tù Sơn La. Đây là một niềm vinh dự lớn đối với Đảng bộ và nhân dân các dân tộc Sơn La nói chung, đối với ngành VHTTDL nói riêng. Bên cạnh đó, đơn vị cũng đã phối hợp với Viện KCH Việt Nam tiến hành điều tra, khảo sát lập hồ sơ di tích Bãi đá khắc Khe Hổ, xã Hang Chú, huyện Bắc Yên trình Bộ VHTTDL xếp hạng. Cuối tháng 12/2014, đơn vị tiếp tục phối hợp nhóm chuyên gia Viện KCH tiến hành khai quật khẩn cấp di chỉ khảo cổ học Hang Hua Bó, xã Mường Bú, huyện Mường La. Kết quả khai quật với rất nhiều hiện vật có giá trị …
Đồng thời năm 2014 đánh dấu cột mốc quan trọng trong công tác đối ngoại của đơn vị: Được sự quan tâm của UBND tỉnh, Sở VHTTDL, trung tuần tháng 10/2014 Bảo tàng tỉnh đã thực hiện chuyến công tác đối ngoại tại Ban phụ trách di tích 2 tỉnh Hủa Phăn, Luông Pha băng và Bảo tàng Cay xỏn Phôm vi hản (thủ đô Viêng Chăn) nước CHDCND Lào. Trên tinh thần hợp tác trao đổi, học tập, các bên đã chia sẻ kinh nghiệm trong công tác quản lý và hoạt động nghiệp vụ bảo tồn, bảo tàng. Đây là chuyến công tác đối ngoại đầu tiên của đơn vị sau chặng đường gần 30 năm thành lập. Chuyến công tác thành công tốt đẹp, để lại những ấn tượng đẹp trong lòng các đơn vị bạn.
- Về hoạt động của tổ chức Đảng, Đoàn thể:
Chi bộ Đảng của đơn vị trước đây do thiếu đảng viên nên sinh hoạt ghép với đơn vị thư Viện tỉnh, từ năm 2002 chi bộ Bảo tàng mới chính thức được thành lập, hiện nay chi bộ có 14 đảng viên. Trong quá trình hoạt động chi bộ luôn thể hiện vai trò là hạt nhân lãnh đạo của đơn vị , hàng năm luôn đạt “Chi bộ trong sạch, vững mạnh”, được Đảng ủy cấp trên tặng thưởng nhiều danh hiệu như giấy khen, bằng khen cho các tập thế, cá nhân có thành tích xuất sắc.
Tổ chức Công đoàn quy tụ và tập hợp đông đảo nhất số lượng cán bộ viên chức và lao động hợp đồng trong đơn vị. Dưới sự lãnh đạo của Chi bộ, Công đoàn đã phát huy vai trò là tổ chức chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động. tích cực tổ chức các phong trào thi đua động viên đoàn viên hoàn thành tốt các chỉ tiêu kế hoạch nhà nước và mọi nhiệm vụ cấp trên giao, hàng năm công đoàn luôn đạt danh hiệu “Công đoàn cơ sở vững mạnh".
Tổ chức Chi đoàn thanh niên Công sản Hồ Chí Minh luôn hoạt động sôi nổi, tổ chức nhiều hoạt động chăm sóc thiếu niên nhi đồng, tích cực phối kết hợp với các chi đoàn bạn tổ chức chăm sóc các di tích lịch sử trên địa bàn Thành phố. Nhân dịp kỷ niệm các ngày lễ trọng đại của đất nước như: Ngày thành lập Đảng 3/2; ngày thành lập Đoàn TNCS HCM 26/3; ngày thương binh liệt sỹ 27/7... chi đoàn tích cực phối hợp với các cơ sở Đoàn trong Đoàn Khối các cơ quan tỉnh, Đoàn cơ sở kết nghĩa Tiểu đoàn Huấn luyện Cơ động – Bộ đội Biên phòng tỉnh và các trường học trên địa bàn thành phố Sơn La để tổ chức tốt các hoạt động giáo dục truyền thống, đền ơn, đáp nghĩa như: Thăm hỏi, động viên các gia đình chính sách, tổ chức lễ thắp nến tri ân các anh hùng liệt sỹ, tham quan di tích lịch sử Nhà tù Sơn La gắn liền với công tác chăm sóc di tích, bảo vệ cảnh quan môi trường bằng những việc làm cụ thể như trồng thêm cây xanh quanh di tích lịch sử Nhà tù Sơn La; tổ chức các buổi lao động, dọn dẹp vệ sinh trong khu vực nghĩa trang liệt sỹ Nhà tù Sơn La, Cây đa Bản Hẹo... Thông qua những hoạt động này góp phần gìn giữ và phát huy tốt giá trị của các di tích lịch sử, bảo vệ cảnh quan môi trường, đồng thời thể hiện sự tri ân sâu sắc, lòng thành kính vô hạn của thế hệ trẻ đối sự hy sinh của các bậc tiền nhân cho nền độc lập tự do của Tổ quốc;
Nhiều năm qua, đoàn viên chi đoàn Bảo tàng tỉnh luôn là lực lượng xung kích đi đầu trong việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị, an ninh quốc phòng tại đơn vị; tham gia có hiệu quả các hoạt động Đoàn, xứng đáng là lá cờ đầu trong hoạt động Đoàn và phong trào Thanh thiếu nhi của Đoàn Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Sơn La.; hàng năm đều đạt danh hiệu “Chi đoàn vững mạnh”
Ngoài ra các tổ chức khác như: Ban vì sự tiến bộ phụ nữ, Ban nữ công, luôn hoạt động có hiệu quả và đạt được nhiều thành tích hàng năm, góp phần xây dựng đơn vị ngày càng vững mạnh.
4. Thành tích đạt được:
Với những đóng góp quan trọng trong sự nghiệp phát triển văn hoá, Bảo tàng tỉnh Sơn La đã được tặng nhiều phần thưởng cao quý:
- 01 Huân chương Lao động hạng Ba của Chủ tịch Nước;
- 05 Cờ thi đua xuất sắc dẫn đầu Ngành VHTTDL của UBND tỉnh Sơn La;
- 03 Cờ Thi đua xuất sắc dẫn đầu ngành BT-BT của Cục Di sản;
- 8 Danh hiệu Tập thể lao động xuất sắc của UBND tỉnh Sơn La;
- 02 Bằng khen của Thủ Tướng Chính phủ;
- 15 Bằng khen của UBNDtỉnh Sơn La và cơ quan Trung ương
Và nhiều phần thưởng cao quý khác.