MỘT SỐ THÀNH TỰU ĐẠT ĐƯỢC TRONG THỰC HIỆN CÁC KHÂU CÔNG TÁC CỦA BẢO TÀNG TỈNH SƠN LA
Bảo tàng là cơ quan nghiên cứu khoa học, giáo dục khoa học tự nhiên và khoa học xã hội. Nói đến Bảo tàng trước tiên là phải nói đến hiện vật, không có hiện vật thì không có Bảo tàng. Xuất phát từ nhận thức về vai trò, vị trí tầm quan trọng của từng khâu công tác nói chung, công tác quản lý hiện vật nói riêng và mối liên hệ với các khâu công tác nên ngay từ khi mới thành lập, Bảo tàng tỉnh Sơn La đã quan tâm đến 6 khâu công tác đó là công tác nghiên cứu khoa học, sưu tầm, kiểm kê, bảo quản, trưng bày và công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục các giá trị lịch sử, văn hoá của hiện vật.
Với sự nỗ lực cố gắng, sự tâm huyết yêu nghề của cán bộ Bảo tàng qua các thời kỳ. Đến nay Bảo tàng tỉnh Sơn La đã thu được nhiều kết quả trong lĩnh vực hoạt động chuyên môn, đóng góp vào thành tích chung về bảo tồn, khai thác phát huy giá trị di sản văn hóa của tỉnh nhà:
1. Công tác nghiên cứu khoa học.
Đối với Bảo tàng, hiện vật gốc là có vai trò quyết định trong việc hình thành một Bảo tàng. Để có được hiện vật bảo tàng chất lượng, hiệu quả và giá trị, trước hết cán bộ Bảo tàng phải tiến hành việc nghiên cứu, điều tra, khảo sát những hiện vật cần sưu tầm, đặc biệt là hiện vật gốc gắn với sự kiện lịch sử, với nét văn hóa đặc trưng vùng miền. Nhận thức được vai trò quan trọng của khâu nghiên cứu khoa học, Bảo tàng tỉnh Sơn La luôn quan tâm chỉ đạo phòng chuyên môn xây dựng kế hoạch nghiên cứu, khảo sát hàng năm để bổ sung tư liệu, hiện vật gốc có giá trị và khuyến khích cán bộ trong đơn vị dành thời gian nghiên cứu theo chủ đề như: Đặc trưng văn hóa dân tộc, hiện vật thời kỳ Tiền - Sơ sử Sơn La; hiện vật đương đại…..Qua đó, cán bộ Bảo tàng đã từng bước đáp ứng được những yêu cầu đặt ra và sưu tầm được một số lượng lớn hiện vật có giá trị chuẩn bị cho sự ra đời của Bảo tàng tổng hợp tỉnh trong tương lai gần.
2. Công tác sưu tầm.
Công tác sưu tầm hiện vật có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là sợi chỉ đỏ xuyên suốt trong mọi khâu công tác của Bảo tàng, là nền tảng quyết định cho sự ra đời cũng như tồn tại và phát triển của Bảo tàng. Trong những năm qua, Bảo tàng tỉnh đã xây dựng kế hoạch và tổ chức các sưu tầm tư liệu, hiện vật liên quan đến lịch sử hình thành và phát triển của địa phương. Sưu tầm tư liệu hiện vật tiêu biểu, đúng chủng loại, đạt các tiêu chí, có giá trị, mang nét đặc trưng riêng về văn hóa lịch sử của địa phương để bổ sung cho các bộ sưu tập hiện vật trong kho. Từ con số hơn 2000 tư liệu hiện vật khảo cổ, cổ vật, hiện vật kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, dân tộc... hồ sơ lý lịch hiện vật còn chưa đầy đủ. Đến nay, số hiện vật sưu tầm đã hơn 22 ngàn đơn vị, lý lịch hiện vật được hoàn thiện đúng qui trình và đầy đủ về nội dung theo mẫu quy định của Bộ văn hóa. Trong đó, Bảo tàng Sơn La đã sưu tầm được nhiều hiện vật quý có giá trị như: Trống đồng, Cổ vật, sách Thái cổ, sách Dao cổ...
3. Công tác kiểm kê.
Thời kỳ đầu khi mới thành lập Bảo tàng, do cơ sở vật chất còn khó khăn số tư liệu, hiện vật được lưu giữ tại kho luôn trong tình trạng chồng chất lên nhau, hiện vật sưu tầm về không có đủ hồ sơ, nội dung ghi chép còn sơ sài, hiện vật không được đánh số kiểm kê, thiết bị bảo quản không có...
Tuy nhiên, với quan tâm chỉ đạo của tập thể lãnh đạo đơn vị qua các thời kỳ và sự nỗ lực cố gắng của đội ngũ cán bộ làm công tác kho với đức tính kiên trì, chịu khó cẩn thận, lòng nhiệt tình, say mê nghề nghiệp và làm việc một cách khoa học nên tư liệu, hiện vật trong kho được kiểm kê đúng qui trình, được thông qua Hội đồng khoa học giám định. Hiện nay, Bảo tảng tỉnh đang lưu giữ trên 22 ngàn tư liệu hiện vật, trong đó có 1.673 tư liệu hiện vật gốc phục vụ cho công tác trưng bày, giới thiệu tại các phòng trưng bày cố định. Xuất phát từ nhận thức về vai trò, vị trí và tầm quan trọng của từng khâu công tác nói chung, công tác quản lý hiện vật nói riêng và mối liên hệ hữu cơ giữa các khâu công tác. Hiện vật của Bảo tàng đã được cán bộ kiểm kê, phân loại thành các bộ sưu tập hiện vật như: Sưu tập khảo cổ học, sưu tập Trống đồng, sưu tập cổ vật, sưu tập gốm cổ, sưu tập sách chữ Thái cổ, sưu tập sách chữ Dao cổ, sưu tập hiện vật kháng chiến phống Pháp, sưu tập hiện vật kháng chiến chống Mỹ, sưu tập hiện vật dân tộc Thái, sưu tập hiện vật dân tộc Hmông, sưu tập hiện vật dân tộc Dao, sưu tập hiện vật dân tộc Khơ Mú, sưu tập hiện vật vùng lòng hồ thủy điện Sơn La, sưu tập hồ sơ tù nhân chính trị bị thực dân Pháp giam cầm tại nhà tù Sơn La ( 1930 -1945).
Để đảm bảo công tác quản lý, khai thác, phát huy giá trị kho tư liệu, hiện vật theo quy định. Bảo tàng tỉnh đã thực hiện đầy đủ các qui trình trong việc vào Sổ nhập hiện vật, sổ kiểm kê hiện vật, sổ phân loại hiện vật, sổ phân loại hiện vật theo chất liệu, sổ xuất hiện vật, biên bản giao nhận hiện vật, Lệnh xuất hiện vật… và đặc biệt là Bảo tàng tỉnh đang thực thực hiện việc số hóa tư liệu hiện vật nhằm đáp ứng nhu cầu khai thác thông tin về hiện vật Bảo tàng qua trang thông tin điện tử của đơn vị.
4. Công tác bảo quản.
Tính đến hết năm 2018, Bảo tàng tỉnh Sơn La đang lưu giữ, trưng bày gần 22 ngàn hiện vật, tài liệu liên quan đến di sản văn hóa dân tộc Sơn La, hồ sơ tù nhân chính trị bị thực dân Pháp giam cầm tại Nhà tù Sơn La…với đủ các chất liệu như kim loại, giấy, gỗ, thủy tinh, vải. Tất cả những hiện vật này đều chịu tác động của môi trường tự nhiên, đặc biệt trải qua thời gian hàng chục năm đã bị ôxi hóa, ăn mòn, biến chất... không còn được nguyên vẹn, dễ bị phá hủy, hư hỏng nếu như không bảo quản đúng cách.
Để khắc phục tình trạng trên nhằm đảm bảo chất lượng hiện vật khi đưa ra trưng bày phục vụ người xem, công tác bảo quản hiện vật luôn được quan tâm chú trọng. Với những hiện vật trong kho luôn được bảo dưỡng, duy tu định kỳ hằng tháng với các phương pháp khác nhau phụ thuộc vào chất liệu và tình trạng hiện vật; với những hiện vật mới được sưu tầm, sau khi phân loại, kiểm kê được cán bộ chuyên môn thực hiện các quy trình bảo quản theo chất liệu. Các hiện vật trong kho luôn được bảo dưỡng định kỳ như lau chùi vệ sinh hiện vật, hút ẩm, điều hòa nhiệt độ. Việc làm này đã có tác dụng hạn chế thấp nhất sư xâm nhập, phá hoại của côn trùng và ảnh hưởng của môi trường.
Mặc dù đã có sự nỗ lực cố gắng nhưng công tác bảo quản hiện vật tại Bảo tàng tỉnh vẫn còn có những khó khăn. Nguồn nhân lực dành cho công tác này còn thiếu, tuy rằng đội ngũ cán bộ hầu hết được đào tạo về chuyên ngành bảo tàng nhưng chưa thực sự đáp ứng được yêu cầu đặt ra. Bên cạnh đó, các hóa chất được sử dụng trong quá trình bảo quản chủ yếu là chất đơn giản, dễ thực hiện và được làm thủ công; chưa có không gian riêng dành cho các công đoạn phục chế, bảo quản, cất giữ hiện vật.Trong khi đó số lượng hiện vật được sưu tầm ngày càng nhiều, tăng thêm hằng năm mà điều kiện cơ sở vật chất, kho của bảo tàng chưa được đầu tư, mở rộng. Vì vậy, việc bảo quản tư liệu, hiện vật trong thời gian tới vô cùng khó khăn đối với Bảo tàng tỉnh. Yêu cầu đặt ra là phải xây dựng một Bảo tàng tổng hợp để có không gian trưng bày, lưu giữ, bảo quản theo đúng quy định, quy trình.
5. Công tác trưng bày.
Công tác trưng bày Bảo tàng có ý nghĩa vô cùng quan trọng và là cầu nối giữa thành quả nghiên cứu, sưu tầm, kiểm kê, bảo quản hiện vật để phục vụ công chúng. Khắc phục điều kiện khó khăn, đơn vị tổ chức trưng bày cố định 5 chuyên đề tại Bảo tàng Sơn La như:
1. Phòng trưng bày tiền sử và sơ sử Sơn La
2. Phòng trưng bày Bác Hồ với nhân dân các dân tộc Sơn La
3. Phòng trưng bày văn hóa các dân tộc Sơn La.
4. Phòng trưng bày tư liệu, hiện vật nhà tù Sơn La.
5. Phòng trưng bày Di sản văn hóa vùng lòng hồ thủy điện Sơn La tại huyện Mường La.
Ngoài việc tổ chức thực hiện trưng bày triển lãm theo chỉ tiêu kế hoạch nhà nước giao, Bảo tàng tổ chức trưng bày triển lãm phục vụ nhiệm vụ chính trị của tỉnh của ngành giao; giúp các xã, các đơn vị, các trường phổ thông trên địa bàn toàn tỉnh xây dựng các phòng truyền thống. Phối kết hợp với các Bảo tàng trung ương và địa phương tổ chức trưng bày trình diễn giới thiệu di sản văn hóa Sơn La...
6. Công tác tuyên truyền giáo dục.
Sự thay đổi về nhận thức từ chỗ Bảo tàng lấy hiện vật làm trung tâm sang lấy cộng đồng xã hội làm trung tâm, vai trò giáo dục trong Bảo tàng ngày càng được coi trọng, tác động động tích cực mạnh mẽ đến các hoạt động khác của Bảo tàng. Với xu thế truyền bá tri thức - giáo dục của Bảo tàng từ chỗ một chiều sang hai chiều tác động lẫn nhau. Trong những năm qua, Bảo tàng tỉnh Sơn La đã quan tâm trú trọng đến công tác giáo dục tại điểm di tích và tại các cơ sở trường học. Đặc biệt nhằm tạo sân chơi bổ ích cho các em học sinh, Bảo tàng tỉnh Sơn La còn tổ chức các hoạt động mang tính tập thể với những trò chơi trí tuệ vừa bảo tồn, quảng bá di sản văn hóa địa phương vừa để các em học sinh được trải nghiệm như hoạt động Vui tết trung thu, Sắc màu văn hóa dân tộc Mông, Sắc thái văn hóa dân tộc Thái …
Bên cạnh đó, Bảo tàng tỉnh tích cực phối hợp giới thiệu giới thiệu, quảng bá di sản văn hóa trên các phương tiện thông tin đại chúng như báo chí, Đài truyền hình Trung ương, địa phương … phần nào đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hoá của công chúng.