Đường dây nóng: 0212.3850221

LỄ HỘI PANG A CỦA DÂN TỘC LA HA TỈNH SƠN LA

Cập nhật: 04:36:14 06 / 05 / 2020
Lượt xem: 1077

LỄ HỘI PANG A CỦA DÂN TỘC LA HA TỈNH SƠN LA

Người La Ha có mặt sớm ở miền Tây Bắc nước ta, cư trú tại Sơn La thuộc các huyện: Thuận Châu, Mường La, Quỳnh Nhai. Họ sống thành từng bản xen kẽ với các tộc người khác như Thái, Khơ Mú, Kháng…

Người La Ha theo tín ngưỡng thờ đa thần giáo, họ quan niệm có nhiều loại ma, ma lành giúp ích cho con người, ma dữ chuyên gieo rắc tai họa, bệnh tật. Hàng năm, thầy cúng tổ chức Lễ hội Pang A (hay còn gọi là Xek Pang Á, Đậu Pang Ả, Dâng hoa măng, Pang A nụn ban) để mời lực lượng âm binh về hưởng lộc, cầu mong họ phù hộ cho dân bản, các con nuôi được khỏe mạnh, không mắc bệnh tật. Trong dịp này, các con nuôi có dịp tạ ơn thầy cúng và các âm binh đã chữa khỏi bệnh cho mình, cầu mong thầy cúng khỏe mạnh, sống lâu để giúp cho dân bản chữa bệnh.

Hàng năm, khi hoa Ban, hoa Mạnở rộ, măng đắng đã mọc nhiều (thường là vào cuối tháng 3, đầu tháng 4 dương lịch), thầy cúng xem ngày tốt để tổ chức lễ. Lễ hội diễn ra 1 ngày đêm, tại nhà thầy cúng. Thành phần tham gia gồm cóthầy cúng, các con nuôi đã được thầy chữa khỏi bệnh và bà con dân bản.

Quy mô tổ chức Lễ hội Pang A tùy thuộc vào điều kiện gia đình, bệnh được chữa nặng hay nhẹ, là con nuôi lâu năm hay mới mà chuẩn bị các lễ vật dâng cúng phù hợp. Đến ngày làm lễ, gia đình làm lễ dựng cây Xặng Bók ở gian giữa nhà. Những chum rượu cần các con nuôi mang đến đặt xung quanh cây Xặng Bók.

Khi hành lễ thầy cúng mặc trang phục ngày thường, đầu đội khăn, tay cầm quạt. Các con nuôi và người dân trong bản mặc quần áo thường ngày. Gia đình thầy cúng chuẩn bị lễ vật gồm: một con lợn nhỏ để làm lễ cúng thần linh; một con sóc hun khói; một con gà luộc; cá nướng; tôm suối; cua suối; rượu cần; chuối xanh luộc chín; bánh trưng; mía; nõn cây chuối rừng, lá, quả đu đủ, khoai sọ luộc chín; măng đắng; rượu trắng; gạo nếp; thóc. Số lượng lễ vật còn tùy thuộc vào số lượng con nuôi, thầy cúng nào càng nhiều con nuôi thì càng nhiều lễ vật.

 

Trước khi làm Lễ, gia đình chuẩn bị một mâm lễ đặt tại nơi thờ ma nhà. Thầy cúng báo cho tổ tiên biết gia đình tổ chức lễ hội, xin phép tổ tiên cho gia đình được mời các thần linh và mọi người đến dự lễ, phù hộ cho lễ hội được diễn ra suôn sẻ, may mắn. Khi cúng xong, thầy cúng xin phép dựng câyXặng Bók.

Trong lễ cúng không thể thiếu cây Xặng Bók,Cây Xặng Bók sẽ được chuẩn bị từ trước khi lễ diễn ra 2, 3 ngày. Để làm cây Xặng bók, người ta lấy cây móc và chuối rừng, chọn cây tốt không được sâu lá và ngọn. Theo quan niệm: Cây móc được lấy cả rễ, lá, cao khoảng 4 mét, tượng trưng cho con trâu đen, cây móc chết hóa thành trâu đen, phục vụ cày bừa ruộng, nương. Cây chuối rừng, lấy phần ngọn, tượng trưng cho con trâu trắng. Trâu đen, trâu trắng là bạn nhà nông. Ngoài ra, người ta còn trang trí rất nhiều thứ lên cây hoa. Gồm: các dải hoa vải; trống chỉ làm bằng sợi chỉ màu; ve sầu, dế mèn được đan bằng lạt tre; quả còn bằng vải; chim cu gáy làm bằng gỗ; cày và bừa nhỏ bằng gỗ; hoa Mạ, hoa Ban tươi (Người La Ha ở Mường Sại dùng hoa Trạng nguyên tươi); ngoài ra có các đạo cụ không thể thiếu được để múa là: Bu (ống tre), khăn vải, cày, bừa, dương vật, âm vật, kiếm, lá chắn làm bằng gỗ, tre.

Trong khi mọi người dựng cây Xặng Bók, gia đình thầy cúng chuẩn bị một mâm lễ, nhờ một người trong gia đình làm lễ cúng hồn chủ nhà. Nghi lễ này có ý nghĩa cầu mong cho các vị thần linh phù hộ, giữ hồn cho thầy cúng trong quá trình hành lễ được may mắn, không bị lạc hồn, lạc vía.

Mọi người múa tăng bu, đánh trống. Lần lượt các con nuôi vào dâng lễ vật cho thầy cúng. Mâm lễ chính của thầy cúng đặt ở dưới cùng, sau đó đặt lần lượt mâm của các con nuôi lên trên. Mâm của con nuôi nào từng bị bệnh nặng thì đặt lên trên cùng.

Thầy cúng làm lễ mời từng người thuộc lực lượng âm binh hay các đấng siêu nhiên đã có công cùng học trò hành lễ chữa bệnh xuống thưởng thức lễ vật và phù hộ cho tất cả mọi người, cho lễ cúng được tốt lành. Trong số lực lượng âm binh có khoảng gần 20 vị gọi là các tướng như: Ông “Then”, là người quan trọng nhất được ví như ông trời; Ông “Cốc Mương”; Nàng Ỏ “Náng Ỏ”; “Mốn”; con Thuồng Luồng; “Sừng Lừng”; Ông “Môn ý liêng”; "Manh Ngoạng"; "Phia Khoảng"... mỗi vị tướng có hình dáng, tính cách sở thích hay khả năng riêng biệt, tạo nên thế mạnh của mình, đóng vai trò tiên phong mỗi khi chiến đấu với thế lực siêu nhiên cứu người bị hại.

Theo trình tự thời gian, thầy cúng làm lễ mời tổ tiên, các thầy, ma, hồn thầy cúng, rồi lần lượt cúng cho con nuôi được khỏe mạnh, không ốm đau, làm ra nhiều thóc, ngô, nuôi được nhiều con vật… sau khi cúng xong cho mỗi con nuôi, thầy cúng mời con nuôi uống rượu và ăn lộc

Sau khi cúng xong, thầy cúng diễn trò, miêu tả một số bệnh trong cuộc sống thường gặp và các hình thức sinh hoạt như giả làm người bướu cổ, người bệnh bị què chân, người ngớ ngẩn, người trông nương, làm con khỉ; cảnh cày bừa.

Bà con trong bản và các con nuôi hết sức vui mừng vì thầy cúng đã hoàn thành lễ nghi quan trọng, cầu được sức khỏe, may mắn cho mọi người, họ cùng nhau múa cầu mưa, múa  khăn, múa  kiếm, múa trống, thi ném còn và cùng nhau gõ tăng bu, say sưa xòe thâu đêm không mệt mỏi, làm cho không khí ngày hội thêm tưng bừng, náo nhiệt.

Buổi lễ đã gần kết thúc, thầy cúng khấn cho hồn về trời tại mâm lễ chính. Trong khi thầy cúng làm lễ các con nuôi lại diễn trò cày bừa lần cuối. Diễn xong mang cây móc và cây chuối chẻ ra (tượng trưng cho việc mổ trâu trắng và trâu đen), bóc lấy nõn (tượng trưng cho óc trâu trắng và ruột gan trâu đen) nấu thành một bát canh và nộm cùng với măng chua phơi khô. Đặt hai món đó lên mâm cùng với 8 chén rượu để thầy cúng mời các thần linh ăn.

Phần lễ kết thúc tại đây. Mọi người tham gia vào bữa cơm cộng đồng và tiếp tục thi uống rượu cần, vui múa tăng bu thâu đêm suốt sáng.

 

Mai Thúy Loan - BT Sơn La

 


Các tin khác:

Thống Báo

Liên Kết Website

Video - Sự Kiện

Không có video - Upload lại link

Thống Kê

Hôm nay : 76
Hôm qua : 144
Tháng này : 1341
Tổng truy cập : 184636
Đang trực tuyến : 2