Đường dây nóng: 0212.3850221

KHĂN PIÊU - NÉT VĂN HOÁ TRUYỀN THỐNG CỦA NGƯỜI THÁI ĐEN SƠN LA

Cập nhật: 04:26:48 06 / 05 / 2020
Lượt xem: 5992

      Xuất phát từ mối quan tâm đối với những yếu tố văn hoá truyền thống của các dân tộc Sơn La và suy nghĩ làm thế nào để góp phần vào việc bảo tồn và phát huy những giá trị văn hoá trong quá trình hội nhập, phát triển tôi chọn một đề tài nghiên cứu dưới góc độ dân tộc học. Bởi là người được sinh ra lớn lên tại vùng đất Sơn La, có điều kiện tiếp xúc với dân tộc Thái và lại là cán bộ công tác tại Bảo tàng tỉnh Sơn La cơ quan lưu giữ rất nhiều hiện vật văn hoá truyền thống của các dân tộc. Trong quá trình tìm hiểu nghiên cứu tôi nhận thấy khăn Piêu - một bộ phận của trang phục Thái đen có sự hội tụ khác đầy đủ về tư duy thẩm mỹ, sáng tạo, khéo léo trong lao động, những quan niệm trong đời sống tình cảm, tâm linh... của người dân. Khăn Piêu đã làm tăng thêm nét đẹp, nét duyên dáng, độc đáo cho trang phục của phụ nữ Thái.

          Như vậy việc nghiên cứu về khăn Piêu - nét văn hoá truyền thống độc đáo của người Thái đen sẽ góp phần thiết thực vào việc bảo tồn, gìn giữ và phát huy những giá trị văn hoá truyền thống của tộc người.

          Vài nét về người Thái đen:

          Người Thái chiếm số lượng đông nhất ở Sơn La. Theo điều tra dân số dân tộc Thái chiếm hơn một nửa dân số của tỉnh và có hai ngành Thái: Thái trắng và Thái đen thuộc nhóm ngôn ngữ Tày Thái.

          Hiện nay, dân tộc Thái sống đan xen cùng các dân tộc khác trong địa bàn toàn tỉnh, họ cư trú ở đôi bờ các con sông lớn hoặc thung lũng ven những con suối nhỏ và những cao nguyên màu mỡ tương đối bằng phẳng, trù phú thuận lợi cho việc sinh hoạt và các hoạt động kinh tế. Trước đây hoạt động kinh tế của họ mang nặng tính tự cấp, tự túc, tập quán sản xuất của họ chủ yếu là thuần nông với hai phương thức canh tác "khô và nước". Chính vì vậy mà người Thái có câu: Căm khảu dú năng đin,căm kin dú năng pá (Miếng cơm ở dưới đất, thức ăn ở trong rừng). Sống ở vùng núi phía bắc khí hậu khắc nghiệt, luôn luôn thay đổi nên họ phải học cách thích nghi để có thể làm chủ thiên nhiên và làm chủ cuộc sống của mình.

          Do vậy, bên cạnh hoạt động kinh tế nông nghiệp trồng lúa nước, lúa nương, săn bắn hái lượm, người dân còn phải trồng bông, trồng dâu nuôi tằm... để đáp ứng nhu cầu về vải mặc. Chính nét văn hoá vải vóc đã giúp chúng ta phân biệt được dễ dàng giữa hai nhóm Thái Các nghề thủ công truyền thống đóng vai trò hết sức quan trọng trong đời sống của đồng bào Thái. Đặc biệt là nghề trồng bông dệt vải, các công cụ do họ tự chế tạo ra để sử dụng như: công cụ cán bông, xe sợi, khung dệt...

          Sự phân công lao động được thể hiện rõ nét trong truyền thống gia đình người Thái. Tục ngữ Thái có câu: "Côn nhinh dệt phải, côn chai dệt chường mạy, chường tók" tức là: phụ nữ thì dệt vải may vá, nam giới thì bếp núc đan lát, làm đồ mộc...Người ta quan niệm "Con gái thêu, dệt giỏi rất đắt chồng, con trai có tài đan lát thì được nhiều cô gái để mắt".

          Đối với dân tộc Thái, vải vóc tượng chưng cho tính cách của người phụ nữ. Nó phản ánh sự chuyên cần khéo léo, từ những sản phẩm từ nghề dệt như: Y phục, chăn, đệm, gối khăn Piêu...Vải vóc còn thể hiện sự sung túc trong cộng đồng. Trong ngôn ngữ của mình người Thái có một danh từ ghép "phải - ngân" có nghĩa (vải tiền) để nó lên sự quí báu của vải vóc.

          Có thể nói nghề dệt thổ cẩm là một nghề thủ công truyền thống đặc trưng cho cho văn hoá cộng đồng dân tộc Thái, họ có trình độ tư duy thẩm mỹ cao và một nền văn hoá phát triển từ rất sớm.mặc dù các yếu tố văn hoá đó cũng có khá nhiều đổi thay trong sự phát triển chung của xã hội. Nhưng nó vẫn giữ được bản sắc dân tộc trải qua hàng thế kỷ của quá trình lao động sáng tạo và tích luỹ những kinh nghiệm sống.

          Khăn piêu - nét văn hoá độc đáo trong trang phục Thái:

          Khăn Piêu giữ vị trí quan trọng trong trang phục của phụ nữ Thái. Khăn Piêu còn được coi là sản phẩm tinh thần của người Thái, là sự sáng tạo, là quan niệm thẩm mỹ đặc trưng của mỗi Mường và phản ánh nét văn hoá riêng của từng vùng.

          Giai đoạn đầu Piêu chỉ là tấm vải được nhuộm chàm, người ta đội nó với mục đích che nắng, giữ ấm và tránh các cành cây mắc vào tóc khi đi rừng. Sau này, Piêu không chỉ đơn thuần mang tiện ích sử dụng mà người ta bắt đầu chú ý đến yếu tố thẩm mỹ khi làm khăn. Lúc đầu khăn được thêu trang trí những hoạ tiết đơn giản: các cặp tin sáo. Dần dần họ cách điệu nhiều loại hình côn trùng, hoa lá có ý nghĩa và có ích trong đời sống thường của họ vào khăn.Tuy nhiên mỗi vùng lại có một loại Piêu đặc trưng. Có thể từ quan niệm thẩm mĩ riêng của từng vùng đã hình thành nên những đồ án hoa văn khác nhau của Piêu. Khăn Piêu của người Thái Sơn La, Thuận Châuthì chủ yếu là hoa văn cành cây giản dị, màu sắc nhẹ nhàng. Nhưng khăn Piêu Yên Châu thì lại được trang trí sặc sỡ, tạo thành mảng lớn, thêu đậm đặc ở hai đầu khăn theo phong cách hoa văn mặt phà.

          Như vậy, Piêu đa dạng cả về thể loại, mô típ hoa văn trang trí và màu sắc. Nhưng nhìn chung Piêu giống nhau về cấu tạo các bộ phận: Cóp Piêu, cút Piêu và hu Piêu cùng với những giá trị văn hoá đặc trưng của nó.

          Các công đoạn làm khăn:

          Quá trình làm bông

          Piêu ban đầu chỉ là một sải vải trắng dệt từ sợi bông. Nhưng để có sợi vải bông để tạo ra y phục hay Piêu là phải trải qua một quá trình lao động miệt mài và đầy tính sáng tạo của người phụ nữ.

          Sau khi thu hoạch bông qua sơ chế mới tiến hành xe sợi. Quá trình này trải qua nhiều công đoạn và đòi hỏi sự tỉ mỉ, kiên trì của người làm ra nó. Cây bông trồng trên nương 3 tháng là có thể thu hoạch. Người ta chọn những ngày nắng ráo để hái bông, bông đã hái đem phơi nắng, phơi sương (sau một lần phơi sương lại phơi nắng).Cứ như vậy cho đến khi bông nở hết, trắng xốp là được. Từ bông để tạo thành sợi vải phải trải qua 5 công đoạn:

          - Chọn lựa bông trắng xốp (lựa phải)

          - Bông được tách ra khỏi hạt và cán (ỉu phải)

          - Bật bông (tháp phải), làm cho bông tơi, xốp bằng một dụng cụ gọi là (lạp hụ) cần bật bông.

          - Quấn bông (lọ phải) đây là giai đoạn làm cho bông rời thành những cuộn nhỏ.

          - Se sợi (pắn phải) những cuộn bông tiến hành rút thành sợi trên chiếc sa mà tiếng Thái gọi là nay pắn phải.

          Trong suốt quá trình này phải giữ cho sợi bông được trắng sạch và tránh lửa (vì bông rất dễ bén lửa). Qua đó, có thể thấy rõ rằng công việc này không hề đơn giản mà cần có sự khéo léo, thành thục và đòi hỏi có tay nghề cao.

          Mỗi lần dệt người ta thường dệt từ 30 - 40 sải vải, do vậy cần rất nhiều sợi. Tám cuộn bông nhỏ là 1 pay, 4 pay mới làm thành một cuộn bông lớn (bỏm) để dệt. Tiếp theo đem những cuộn bông đó đi giặt và đập cho nhuyễn sợi (tốp phải).Rồi cuộn bông vào thanh tre nhỏ và vắt cho kiệt nước. Sau đó bông được đun lên với cháo, để nguội và vò cho đến khi sợi bông thật mềm và dai đây là qui trình "hồ"  để cho sợi bông cứng.

          Nhuộm chàm:

          Trước khi thêu Piêu phải trải qua qui trình tất yếu - nhuộm chàm, Có hai loại chàm: Chàm lá hoặc chàm rắc hạt, Nhưng phổ biến vẫn là nhuộm chàm lá. Cây chàm được trồng ở những nơi đất tơi xốp, có độ ẩm cao.

          Qui trình nhuộm: Cành, lá chàm được hái và cho vào chum sành ngâm cho đến khi lá thối rữa. Sau đó vắt bỏ bã cho thêm một chút vôi hoặc tro bếp vào nước chàm (theo tỷ lệ nhất định). Dùng mạy sụa hỏm (là 1 loại que làm bằng tre, đầu được tạo dáng như một cái phễu, khuấy cho nước chàm lên bọt, cứ tiếp tục khuấy cho đến khi hết bọt (2-3 giờ).Để lắng 1 ngày, sau đó gạn bỏ nước trong, chỉ lấy nước đặc.Trước khi sử dụng dùng huốt lọc hết cặn bã - huốt giống hình chiếc phễu, đan bằng tre hoặc nứa, có 2 quai cầm trên vành miệng.Dùng lá ngải lót ở đáy huốt rồi đổ nước vôi trong hoặc nước tro với nước chàm để nước chàm giọt xuống từ từ.Trước khi nhuộm đem giặt vải qua nước lã để khi nhuộm, chàm ngấm đều vào từng sợi vải.Nhúng vải vào nước chàm cho ngấm đều sau đó đem phơi khô rồi nhuộm lại cho đến khi vải đen bóng mới thôi (nhuộm đi nhuộm lại từ 3 - 4 lần).

          Sau khi nhuộm chàm vải lại đem ngâm vào nước củ nâu hoặc vỏ cây thuộc họ hạt dẻ (co có), cây quả có gai (co nam hàn) hay vỏ cây hoa ban, cây lát... cùng với 1 bọc tro bếp. Nước này có thể đun nhưng chủ yếu là ngâm sống. Quá trình này làm cho

vải cứng và bền màu. Tiếp sau đó vải được đem nhúng bùn, giặt sạch rồi lại nhúng bùn cứ như vậy khoảng 3- 4 lần, đến khi vải cứng và có màu đen bóng. (vải cứng làm cho việc thêu trở nên dễ dàng hơn).

          Cấu tạo của khăn Piêu:

          Đa số khăn Piêu đều có kích thước gần giống nhau. Chiều dài của Piêu bằng chiếc chiếu đơn hoặc đo bằng 1 sải tay, dài khoảng 2m, chiều ngang thì bằng 2 gang tay (40cm). Thường thì không có sự phân biệt rõ rệt khăn của người lớn và khăn của trẻ em (khăn của trẻ em thì ngắn hơn một chút).Một phần quan trọng làm nên nét độc đáo của khăn Piêu chính là ở kết cấu của nó. Ngoài những đồ án hoa văn thêu trên khăn người ta còn đính thêm các bộ phận khác như: Cút Piêu, Cóp Piêu và Hu Piêu làm tăng sự duyên dáng cho chiếc khăn.

          Để giới hạn đồ án hoa văn ở hai đầu khăn và cho các sợi vải ở mép khăn không bị sổ ra người ta khâu một đường viền bằng vải đỏ bọc ở ba mép có chiều rộng trên dưới khoảng 1cm. Đó chính là Cóp Piêu, Cóp Piêu có chiều dài đúng bằng chiều dài của đồ án hoa văn, những đường viền đỏ đó được nối liền với vải chàm bằng những đường thêu xương cá - một trong những đường thêu chủ đạo của người phụ nữ Thái.

          Chỉ thêu sử dụng cho kỹ thuật này thường là chỉ mầu trắng, màu đỏ hoặc màu xanh.Tuy nhiên chỉ những chiếc Piêu thêu hoa văn dày đặc ở hai đầu mới làm Cóp Piêu (hay còn gọi là Pản Piêu).

          Sau khi thêu xong hoa văn ở hai đầu khăn người ta mới đính cút Piêu, cút Piêu được khâu từ một mảnh vải đỏ rộng khoảng 1cm người ta dùng sợi bông làm lõi rồi cuộn tròn lại. Cuộn vải được cuốn theo hình trôn ốc, Cút to thì cuốn 4 vòng, Cút nhỏ thì cuốn 3 vòng, 2 vòng. Sau đó người ta dùng chỉ màu bọc thành các múi có màu sắc khác nhau (trắng, xanh, đỏ, cam, tím) quanh hình trôn ốc đó.Cút được đính khéo léo vào các đoạn thẳng ở đầu khăn mà nhìn vào đó người ta rất khó nhận biết được đường chỉ khâu ghép. Ở những chiếc Piêu cổ thì đính Cút chùm ba  thường một Cút to và hai Cút nhỏ đính liền nhau, còn hiện nay Cút đính trên Piêu có kích thước bằng nhau.

 

Các mẫu cút piêu và hu piêu

          Phụ nữ Thái thường tranh thủ những lúc rỗi rãi để làm cút Piêu dành dùng dần.ở chùm vải giữa hai chùm Cút là đường vải gọi là Hon cáy. Hon cáy được thêu bằng chỉ trắng tuy nhiên những chiếc Piêu thời nay rất hiếm đường thêu trang trí này.

          Đa số người dân đều không biết về nguồn gốc của Cút Piêu. Theo ông Cầm Trọng nhà nghiên cứu dân tộc học  thì Cút Piêu bắt nguồn từ sự tích về người đàn ông và đàn bà hoặc có ý kiến cho rằng nó được cách điệu từ cây rau Dớn, cây Guột. Cút thường đính thành từng chùm 3; 5 hoặc 7 chiếc. Vì họ cho rằng đó là con số tượng trưng cho sự dư thừa sẽ mang đến cho họ cuộc sống no ấm, sung túc và nhiều may  mắn, còn số chẵn là con số đã hoàn chỉnh chỉ dành cho người chết thì không nên dùng. Tuy nhiên cũng có rất nhiều Piêu đính Cút chùm 4 hoặc 6. Người Thái có câu:

"Piêu Cút sam khák me da pả

Piêu Cút hả Khák me da lua"

(Khăn Piêu chùm ba tặng các bác bên chồng

Khăn Piêu chùm năm tặng thím gái)

Piêu đội hằng ngày chỉ đính Cút chùm 2 hoặc 3 còn Piêu đem tặng thì đính cút chùm 4; 5; 6 hoặc 7 để thể hiện sự kính trọng với người được tặng. Phần vải thừa sau khi làm cút được tết thành hình bông hoa cách điệu đính vào bốn góc của hai đầu khăn gọi là Hu Piêu. Như vậy mong muốn hướng tới cuộc sống tốt đẹp của người Thái đen được phản ánh qua hệ thống những quan niệm và những đồ vật do họ làm ra.

          Khăn Piêu trong đời sống văn hoá của người Thái đen:

          Trong đời sống văn hoá Thái Piêu không chỉ giữ một vị trí quan trọng trong trang phục của dân tộc Thái  đen mà còn đóng vai trò tích cực đối với đời sống của họ. Piêu làm nên nét duyên dáng cho người phụ nữ Thái và không biết từ bao giờ nó đã gắn bó với họ ở mọi lúc, mọi nơi. Piêu cũng có thể để địu trẻ, làm khăn quàng cổ hoặc làm đạo cụ múa, nhưng chủ yếu vẫn là để đội đầu. Tuỳ từng vùng, từng địa phương mà Piêu có sắc Thái khác nhau, có loại thêu bằng chỉ màu sặc sỡ hoa văn dày đặc ở hai đầu khăn, có loại chỉ trang trí bằng những cặp tin xáo hay hình khau cút... hoặc đơn giản Piêu chỉ là những tấm vải bông nhuộm chàm. Piêu có tác dụng che đầu khi nắng gắt hoặc giữ ấm vào mùa đông giá lạnh... Piêu còn là vật trang trí quan trọng của các cô gái Thái vào những dịp hội xuân, lúc đi chơi, dự đám cưới và ngay cả trong sinh hoạt hàng ngày, Piêu còn là vật để làm tin (vật đính ước) trong tình yêu đôi lứa của cô gái tặng cho chàng trai khi họ đem lòng quý mến nhau. Đó cũng là cách mà các cô gái thể hiện tình cảm và muốn cho chàng trai thấy tài năng và sự khéo léo của mình và cũng là một nét văn hoá rất đẹp của người Thái

          Người con gái Thái khi về nhà chồng phải tặng rất nhiều khăn, chăn đệm cho nhà chồng, với các chú, các bác là nam giới thì họ thường tặng gối, chăn đệm, còn các thím, chị em gái thì tặng Piêu, váy... điều đó thể hiện sự kính trọng của cô gái với gia đình nhà chồng và như thầm khoe với gia đình nhà chồng kỹ thuật thêu, dệt, chọn lựa màu sắc. Đó cũng là thước đo (tiêu chí) của các chàng trai khi đi chọn vợ. Vì vậy từ khi còn nhỏ các cô gái đã được mẹ, chị dậy cách thêu khăn.

          Piêu phản ánh sinh động, phong phú cuộc sống thường ngày, thể hiện nét đẹp tâm hồn của người thêu khăn có thể nói thêu Piêu đã trở thành truyền thống của phụ nữ Thái. Dù rằng ngày nay họ không biết hết nguồn gốc suất xứ của chiếc Piêu.

          Mỗi gia đình Thái khi có người thân qua đời ngoài những đồ phúng viếng theo truyền thống còn có 7 chiếc Piêu mang cùng: một chiếc để người chết che mặt, một chiếc để đội đầu, hai chiếc để buộc cổ ngựa và ô ở cây Co Heo, một chiếc buộc vào hoa chuối (Ma pi, Ma toong), một chiếc cho con rể gốc (Khơi Cốc), một chiếc chia đôi một nửa cho người chết - một nửa cho người vợ hoặc chồng ở lại (họ quan niệm rằng làm như vậy thì có thể tìm thấy nhau ở mường trời). Khăn Piêu chính là sợi dây tình cảm nối liền giữa người sống và người chết là vật bất ly thân kể cả khi họ chết đi. Như vậy khăn Piêu không còn đơn thuần là vật đội đầu, trang trí mà đã mang vào đó cả thế giới tâm hồn, cả đời sống tình cảm, tâm linh của người Thái.

          Đặc biệt khi nhà đang có tang người ta kiêng không làm gì trong ba mươi ngày kể cả việc thêu khăn. Người Thái quan niệm rằng khi đó người chết đã bước sang một thế giới khác và đang bắt đầu một cuộc sống mới. Mọi hoạt động của  người sống sẽ là chạy đua với người chết và như vậy họ có thể bị gọi đi theo.

          Hoa văn trang trí:

          Chỉ thêu:

          Để có được một chiếc Piêu hoàn chỉnh phụ nữ Thái đen phải mất từ hai đến bốn tuần hoặc một tuần nếu làm việc liên tục tuy nhiên giá trị sử dụng của một chiếc Piêu lại rất lâu dài. Tiêu chí để đánh giá một chiếc Piêu đẹp chính là ở hình thêu, sợi thêu, Cút Piêu và mầu sắc của Piêu không được phai. Điều này phụ thuộc rất lớn vào chỉ thêu và kỹ thuật thêu. Trước đây đồng bào sử dụng chỉ thêu là sợi tơ tằm được nhuộm mầu bằng các loại củ, lá cây. Hiện nay chỉ tơ tằm được thay thế bằng các loại chỉ màu, sợi len bán trên thị trường. Tuy nhiên Piêu thêu bằng chỉ sợi tơ tằm mới có độ bóng và mang nét đẹp tinh tế.

          Các chất liệu làm nên chỉ mầu:

          - Chàm (Có hỏm và Cham) tạo màu đen, xanh, lam

          - Cánh Kiến (Chăng) vỏ tô mộc, củ nâu: tạo mầu đỏ, mầu hồng

          -  Quả Xôm Pú: tạo mầu vàng cánh cam

          Các loại Hình  thêu:    

           Hai hình thêu ban đầu phổ biến là con nhện (Xính xao), con cua (Tô Pu) dùng trừ tà ma, làm thuốc.

          sau phát triển thêm hình con chuồn chuồn, khỉ hái quả (lính pít mák), hình người, hình voi, hình ngựa...

          Ngoài ra còn có một số hoa văn khác như quả mây (lai bai), hình mo cây Dừa (Lái cáp pạo)... bao bọc các hoạ tiết hoa văn là đường diềm hình quả núi. Piêu cổ thường chỉ trang trí bằng các cặp tin xáo và các đường thêu hình xương cá hoặc đường thêu móc xích. Tuỳ từng vùng mà các đường tin xáo có thể khác nhau hoặc thêu song song, đan chéo nhau hoặc cắt nhau tạo thành hình vuông. Những hoa được thêu có thể là hoa nở (bó trú), hoặc không nở (bó khay) người Thái quan niệm màu sắc của hoa văn trên Piêu đều mang ý nghĩa riêng của nó:

          - Màu trắng (đón): tượng trưng cho trời, mây, mưa, gió, sương

          - Màu đen (đăm): tượng trưng cho đất

          - Màu đỏ (lanh): tượng trưng cho lử, mặt trời

          - Màu xanh (kheo): tượng trưng cho cây cỏ, núi rừng, sự sống

          - Màu vàng cam (lương): tượng trưng cho mặt trang, ánh nắng, sự khô cằn

          - Màu tím (cắm): tượng trưng cho bóng tối

          Ngoài ra còn có các màu Hồng (đanh đáo), xanh lam (kheo tong), màu vàng nghệ (hem). Chín màu tượng trưng cho 9 tia nắng 8 tia mưa, nắng mưa tranh chấp màu sắc cầu vồng.

          Cách thêu:

          Khăn Piêu chính là một sản phẩm của nghề dệt, vải làm Piêu thường dệt bằng khung cửi, 6 ô gọi là Phươm hốc (khoảng 60 sợi là vừa đẹp) chập 6 hoặc 7 sợi (phươm chiết, phươm hốc) và dệt nong một. Piêu được thêu vào bất kỳ lúc nào rỗi rãi như khi đi làm đồng hay những lúc nông nhàn. Việc thêu thùa đã trở nên quen thuộc trong cuộc sống hàng ngày của họ, mỗi cô gái Thái đều tự tạo cho mình một thói quen và kỹ thuật riêng trong cách thêu hoa văn, đa số họ đều bắt đầu từ việc dùng que đo áng chừng chiều dài của hoa văn định thêu hoặc đếm sợi và thêu các góc trước rồi mới đến các đồ án hoa văn chính. Các góc khăn thì thường thêu hình hoa (cò bó), trung tâm hai đầu khăn thêu hình quả trám và trang trí bên trong, bên ngoài hình trám đó. Khi việc thêu đã trở nên thuần thục thì người ta không cần đếm sợi mà vẫn thêu được các hoa văn đẹp một cách chính xác.

          Khác với cách thêu bình thường là thêu từ mặt phải thì người Thái đen lại thêu từ mặt trái lên (thêu theo lối luồn chỉ) hoa văn sé hiện ra ở mặt phải và thêu dần ở giữa đồ án hoa văn ra xung quanh. Nguyên tắc chủ đạo là thêu xéo sợi (cách thêu này mang nguyên lý dệt nhiều hơn).

          Trước đây người ta chỉ thêu nong 2 nong 5, với những đường thêu chủ đạo - móc xích (xôn xau), hình xương cá (cảng pà), hoa văn cành cây (nga mạy), hoa (cỏ bó)... Các hoạ tiết hoa văn đều tuân theo nguyên tắc đối xứng .

Có thể nói trình độ thêu Piêu là một trong những tiêu chuẩn đánh giá phẩm chất, đức hạnh của người phụ nữ Thái. mà chính nó đã góp phần gìn giữ, bảo tồn nghề dệt thổ cẩm nói riêng và nghề thủ công truyền thống của dân tộc Thái nói chung.

 

ảnh2: Phụ nữ Thái thêu khăn

          Như vậy, khăn Piêu là một bộ phận của trang phục Thái đen nói riêng và văn hoá Thái nói chung. Piêu là sản phẩm văn hoá tinh thần in đậm bản sắc dân tộc Thái. Là sự kết tinh của sự sáng tạo trong lao động, quan niệm thẩm mỹ và nhận thức về cuộc sống xung quanh họ. Trong đó có cả kỹ thuật trồng bông, nhuộm chàm, dệt vải, thêu thùa... sử dụng những dụng cụ thủ công,  khai thác các nguyên liệu từ tự nhiên. Tất cả  truyền thống  đó hình thành nên nếp sống của từng gia đình trong cộng đồng Thái. Họ đã đưa chiếc khăn Piêu trở thành một tác phẩm nghệ thuật, hơn thế nữa Piêu còn chứa đựng cả thế giới tình cảm, tâm linh của người Thái đen. Biểu hiện nhiều khía cạnh tình yêu đôi lứa, tình cảm vợ chồng, gia đình, cộng đồng... Piêu còn góp phần vào việc hình thành, phát triển, lưu truyền, bảo tồn nghề dệt thêu của mình.

          Tuy nhiên, sự phát triển của xã hội đã tác động không nhỏ đến nghề truyền thống làm khăn Piêu của dân tộc Thái. Hiện nay họ không còn làm những chiếc Piêu cổ với đầy đủ các công đoạn như trước nữa. Mà ngày nay Piêu được làm từ những sải vải có bán trên thị trường. Hoạ tiết hoa văn của khăn được thêu dầy đặc bằng những sợi len, sợi kim tuyến, đính nhiều hạt kim sa trang trí để chiếc khăn thêm lộng lẫy. Phụ nữ Thái cũng không còn đội Piêu thường xuyên như trước đây, do sự tác động, giao lưu của xã hội đang phát triển hiện nay.

          Chọn đề tài nghiên cứu về khăn Piêu tôi suy nghĩ làm thế nào để bảo tồn được nghề dệt thêu khăn Piêu một nét đẹp truyền thống trong trang phục Thái Đen. mặc dù có thể đan xen, hội nhập những yếu tố văn hoá tích cực của dân tộc khác. Nhưng vẫn cần gìn giữ bản sắc riêng.

 

Người viết: Nguyễn Thị Hồng Phương


Các tin khác:

Thống Báo

Liên Kết Website

Video - Sự Kiện

Không có video - Upload lại link

Thống Kê

Hôm nay : 83
Hôm qua : 144
Tháng này : 1348
Tổng truy cập : 184643
Đang trực tuyến : 1