Lễ hội Hết Chá của dân tộc Thái Trắng là một lễ hội truyền thống đặc sắc của cộng đồng người Thái (bản Áng, xã Đông Sang, huyện Mộc Châu). Lễ hội Hết Chá được hình thành từ việc các Thầy cúng (Mọ Mun) vừa là những người bốc thuốc nam vừa cúng khỏi bệnh cho người ốm sau đó thầy cúng nhận họ làm con nuôi. Hàng năm, Mọ Mun tổ chức lễ hội Hết Chá chính là lễ tạ ơn của những người được thầy mo chữa cho khỏi bệnh và tạ ơn trời đất, tổ tiên, thần linh đã giúp cho con người sống ở trần gian duy trì được cuộc sống an vui, đoàn kết xây dựng bản làng, mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu…
Thầy cúng (Mọ Mun) sắp mâm lễ chay
Để tổ chức lễ hội Hết Chá, ngoài việc chuẩn bị lễ vật dâng lên thần linh thì việc làm cây nêu (xẳng chá) rất quan trọng, cây nêu được đặt ở vị trí trung tâm của lễ hội, mọi hoạt động của lễ hội đều diễn ra xung quanh cây nêu này. Cây nêu được trang trí nhiều sắc màu, đẹp mắt với hàng trăm tác phẩm thủ công truyền thống: trống, thuyền bằng gỗ, bằng chỉ; các loại hoa; các con vật đan bằng tre: chim muông, ve sầu, ếch…đặc biệt là những cành hoa ban, hoa mạ nở rực rỡ được cài vào cây nêu càng thêm độc đáo.
Bà con dân bản trang trí cây nêu (xẳng chá) chuẩn bị cho lễ hội
Ngoài các lễ vật được chuẩn bị chu đáo dâng lên thần linh thì lời cúng trong phần lễ cũng rất đặc biệt, được thể hiện qua lời hát dân ca gọi là “Khắp chá”. Thầy cúng hát chá để gửi thông điệp đến thần linh, cầu xin thần linh cùng về vui với các con nuôi, phù hộ cho con cháu, dân làng; Thầy mo hát chá cũng để gọi hồn con nuôi về nhà, dặn dò, dạy bảo. Khắp chá có làn điệu riêng lúc thì vui nhộn, lúc thì du dương sâu lắng, rạo rực, còn được đệm thêm nhạc của sáo mo trầm bổng, nhịp tăng bu rộn ràng càng làm cho làn điệu khắp chá thêm hấp dẫn, linh thiêng.
Lễ hội “Hết Chá” là một lễ hội mang ý nghĩa tâm linh và xã hội nhân văn sâu sắc, nó thể hiện tính cộng đồng cao, thông qua các trò diễn: Trò Trâu tập cày thể hiện sự bảo tồn văn hoá văn minh lúa nước của người Việt Nam, múa hát dân tộc, thi nấu cơm, hái măng, súc cá, đơm cá, trêu tổ ong bị đốt, chơi bịt mắt bắt dê, đóng giả nam - nữ tìm nhau…đó là những trò diễn phản ánh cuộc sống đời thường nhưng lại gây cười sảng khoái quên đi những ngày lo toan lao động vất vả mệt nhọc.
Trò diễn hái măng trong lễ hội Hết Chá
Sau mỗi trò diễn, với nền nhạc của các loại nhạc cụ dân tộc như: trống, chiêng, chũm chọe, các loại ống tre tạo nên sự rộn ràng, hào hứng, say sưa cho những người tham gia vào những điệu xòe chá. Các điệu xòe chá được thể hiện: xòe vòng quanh cây nêu; xòe khăn, xòe tăng bẳng (ống tre)…
Lễ hội Hết Chá là một trong những nghi lễ độc đáo, được lưu truyền từ nhiều đời nay trong cộng đồng dân tộc Thái. Lễ hội được tổ chức mỗi năm 1 lần với quy mô không lớn nhưng mang tính cộng đồng cao, được duy trì các nét văn hóa truyền thống được đông đảo bà con ủng hộ. Lễ hội Hết Chá là dịp để các con nuôi cảm tạ thầy cúng đã chữa bệnh cứu người mang lại niềm vui hạnh phúc cho các gia đình.
Hoàng Hằng Nga- Phòng Giáo dục – Truyền thông