Đường dây nóng: 0212.3850221

Đồng chí Tô Hiệu - nhân tố quan trọng trong công tác xây dựng và tổ chức hoạt động của chi bộ Nhà tù Sơn La

Cập nhật: 04:36:30 06 / 05 / 2020
Lượt xem: 1842

Phần I: Tô Hiệu, sáng lên ngọn lửa cách mạng nơi ngục tù tăm tối.

Ảnh: Đồng chí Tô Hiệu

 

Nhà tù Sơn La từng được biết đến là một địa ngục trần gian, nơi thực dân Pháp đã từng giam cầm, đày ải đông đảo lực lượng cán bộ lãnh đạo phong trào cách mạng  Việt Nam như: Lê Duẩn, Trường Chinh, Nguyễn Lương Bằng, Lê Văn Lương, Văn Tiến Dũng…..Các tù nhân chính trị bị đày lên nhà ngục Sơn La đều đã bị kết án, hầu hết tại tòa đại hình Hỏa Lò- Hà Nội, do đó tại nhà tù này không có các công cụ tra tấn tù nhân tàn bạo, mất nhân tính như ở nhà tù Hỏa Lò, nhà tù Côn Đảo. Nhưng họ đều bị quy vào diện nguy hiểm với chính quyền bảo hộ nên thực dân Pháp sử dụng các biện pháp thủ tiêu tù nhân một cách thâm độc. Trước hết đó là khí hậu khắc nghiệt của vùng rừng thiêng nước độc và công việc lao động khổ sai nặng nhọc để tiêu hao sinh lực tù nhân, thêm vào đó là điều kiện sinh hoạt thiếu thốn, không đảm bảo vệ sinh nhằm lan nhiễm các căn bệnh như thương hàn, kiết lị, ho lao, sốt rét rừng để tù nhân tự chết dần, chết mòn mà cai ngục không cần trực tiếp ra tay.

Theo hồi ký: “ Cách mạng và cuộc đời tôi” của đồng chí Nguyễn Văn Trân, cựu tù chính trị Nhà tù Sơn La, trước năm 1939 có đến 25% tù nhân chính trị ở nhà tù Sơn La đã chết mà không có án tử hình. Số tù nhân còn lại, thực dân Pháp cho rằng đã bị suy kiệt sinh lực bởi chế độ tù đày hà khắc, đồng thời bị thủ tiêu hoàn toàn ý chí cách mạng do bị cô lập giữa xứ Thái với bốn bề là rừng rậm hoang vu và bị bao vây bởi mạng lưới phản động địa phương dày đặc, Công sứ Sơn La treo thưởng một đầu tù nhân vượt ngục với giá 20 đồng bạc trắng hoặc 5 tạ muối. Chúng đắc ý với nhà ngục quốc gia này đã phục vụ đắc lực trong việc dập tắt phong trào cách mạng Việt Nam. Trước tình hình đó, các tù nhân đã nổ ra các cuộc đấu tranh, nhưng đấu tranh không mang tính tổ chức thì bọn cai ngục đàn áp còn tàn bạo hơn. Vì vậy, năm 1935, tù nhân chính trị đã bí mật thành lập tổ chức: “ Hội đồng thống nhất” do đồng chí Trường Chinh làm Chủ tịch Hội đồng, đã liên kết được tù nhân cộng sản, tù nhân quốc dân đảng, tù nhân thân Nhật, tù nhân phục quốc Đồng minh và tù nhân thường phạm cùng đấu tranh đòi hỏi quyền lợi, tương trợ nhau trong cuộc sống. Bước đầu đã cải thiện đời sống cho tù nhân và nhen lên phong trào cách mạng nơi ngục tù tăm tối này. ''Hội đồng Thống nhất" là tiền thân của Chi bộ Nhà tù Sơn La.

Ảnh: Cổng vào Di tích Nhà tù Sơn La

 

Từ cuối 1939 đến cuối 1942 đã có tới 7 đoàn tù chính trị bị đày lên ngục Sơn La phần đông là cốt cán cách mạng. Đồng chí Tô Hiệu trong đoàn đi đày tháng 01/1940, khi đó đồng chí đang là Ủy viên thường vụ xứ ủy Bắc kỳ, bí thư liên khu B kiêm Bí thư thành ủy Hải Phòng. Tù nhân cộng sản tại đây nhận thức được rằng: Với lực lượng Đảng viên Cộng sản đông đảo như vậy, dù khó khăn đến mấy cũng phải gấp rút thành lập được chi bộ Nhà tù - hạt nhân lãnh đạo toàn diện đời sống tù nhân, quy tụ sức mạnh tập thể mới có thể đương đầu với bọn thực dân cai ngục. Sau một tháng bị đày lên Sơn La, nhận thấy tình hình cấp thiết, Tô Hiệu đã tập hợp những đảng viên mà đồng chí nắm rõ lí lịch, có năng lực khi hoạt động bên ngoài, khi bị bắt luôn kiên định không làm lộ thông tin, trong ngục vẫn được anh em tín nhiệm và đề xuất thành lập chi bộ chính thức và đã được tổ chức nhất trí, đồng chí Trần Huy Liệu được cử làm Bí thư Chi bộ và đồng chí Tô Hiệu làm chi ủy viên. Quyết định quan trong này là tiền đề để mở ra trang lịch sử tươi sáng của công tác cách mạng không những trong ngục tăm tối mà cả đối với vùng Tây Bắc rộng lớn.

Bảo toàn lực lượng để tiếp tục hoạt động cách mạng

Công việc lao động khổ sai cực nhọc mà bữa ăn của tù nhân chỉ có một nắm cơm nếp nấu nhão với một canh rau muống già nấu suông, nước uống có thời điểm mỗi người chỉ được một ống bơ mỗi ngày, anh em tù nhân không đủ sức để làm khổ sai, chứ nói gì đến chống chọi với bệnh tật. Kinh nghiệm từ những cuộc đấu tranh tự phát cho thấy càng bọn cai ngục càng điên cuồng, đàn áp không lương tay, vì vậy chi bộ đã chuyển hướng đấu tranh mềm mỏng, tổ chức kỹ lưỡng, nắm được tâm lý của địch. Trước hết, anh em quán triệt nhau thực hiện tốt các quy định của cai ngục để chúng nới lỏng xiềng xích. Chi bộ Nhà tù đã cử Ủy ban hàng trại đại diện cho tù nhân để thương thuyết mềm mỏng nhưng cương quyết để bảo vệ nhau, đòi hỏi các quyền lợi tối thiểu như: Được viết thư, được nhận thư và quà gia đình để yên tâm đi hết án. Cai ngục cũng lo sợ tù nhân vượt ngục thì rắc rối to với quan trên nên đã nhất trí với tù nhân nhưng yêu cầu các nội dung không đúng “ tinh thần” phục vụ chính phủ bảo hộ sẽ không được thông tin qua lại, mặc dù vậy chi bộ vẫn tranh thủ liên lạc được với các tổ chức của ta ở miền xuôi.  Tiếp theo Ủy ban hàng trại “xin” được tăng gia, chăn nuôi để cung cấp rau xanh, thực phẩm cho tù nhân, cho chánh sứ . Việc này sẽ giảm bớt được rất nhiều chi phí cho nhà tù, hơn nữa người dân địa phương không canh tác được các loại rau củ mà người Pháp thích như: súp lơ, cà rốt, bắp cải, tập quán chăn thả gia súc, gia cầm tự do không đủ nguồn cung cấp cho bộ máy cai trị, xét thấy có lợi đủ đường nên cai ngục nhất trí ngay. Nhưng anh em tù nhân đã bí mật đưa một phần cải thiện bữa ăn trong nhà tù.    Qua nhiều lần va chạm giữa tù nhân và bộ máy cai quản, kinh nghiệm cho thấy thông qua Ủy ban hàng trại lãnh đạo tù nhân thì các sự vụ xử lý dễ dàng hơn, Mặt khác, do thời cuộc có nhiều chuyển biến , nước Pháp bị Phát xít Đức chiếm đóng, ở Đông Dương thì Phát xít Nhật kéo vào trèn ép bọn thống trị, phong trào cách mạng Việt Nam phát triển mạnh mẽ nên đã làm cho bọn quan lại Pháp và tay sai giao động, buộc chúng phải tỏ ra “ biết điều”. Tháng 12/1941, tên Chánh sứ Cút xô đã phải tuyên bố trả lại nhiều quyền lợi cho tù nhân, do đó dần dần Chi bộ đã nắm được quyền tự quản, đồng thời cử một số anh em tháo vát chiếm lòng tin của bọn cai ngục để được cắt cử ở những công việc quan trọng tranh thủ làm thông tin, liên lạc từ trong nhà tù ra ngoài với nhân dân có cảm tình với cách mạng và công chức, binh lính mà chi bộ đã giác ngộ được.

Việc cấp phát lương thực thực phẩm cho tù nhân do tên Xếp ngục Gabori và phó ngục H.Rioux phụ trách, cùng với ba thư ký phụ là tù nhân, trong đó có đồng chí Vũ Đình Huỳnh, sau là đồng chí Đào Đình Luống, chi bộ giao cho các đồng chí ấy ngầm theo dõi cách cai ngục ăn bớt khẩu phần của tù nhân để khôn khéo “đòi” lại. Hàng ngày làm việc ở gần phòng làm bàn giấy, đọc được chúng ghi ở sổ gốc và sổ cấp phát thực tế chênh lệch nhau 2 lạng gạo mỗi người mỗi ngày, nhưng sổ gốc tên xếp ngục cất ở văn phòng riêng, không nắm được văn bản chính thì không thể lật tẩy bộ mặt ăn bẩn của bọn chúng nên đồng chí Tạ Ngọc Phách, tổ trưởng xay sát nghĩ ra một mẹo: Thay đòn khiêng gạo từ nhà kho sang nhà bếp bằng ống bương ba đoạn đã đục thông đốt, một đầu kín còn một đầu nút lá chuối khô. Đồng chí Bùi Lâm được cai ngục tin cẩn giao nhiệm vụ thủ kho gạo sẽ chủ động việc lấy gạo vào ống bương lúc nhộm nhoạm đội xát thóc trả gạo vào kho sau mỗi buổi làm việc. Buổi trưa cũng như buổi chiều, lao động xong tất cả đều bị dồn vào trại và khóa cửa, chỉ có kíp nhà bếp là được ở ngoài để chuẩn bị bữa ăn, do đó khi nhận gạo tại kho, cứ đòn ống bương mà đàng hoàng khiêng lên nhà bếp. mỗi ống đến non chục cân, thế là thừa gạo cho tổ nhà bếp trổ tài nấu rượu chui phục vụ cho kế hoạch tiếp theo của anh em.

          Đồng chí Trần Khắc Thọ là người có nhiều sáng kiến độc đáo, chi bộ cử phụ trách tổ nhà bếp, biết được tên phó ngục H.Rioux nghiện món rượu nút lá chuối khô của người Việt Nam, mỗi lần hắn lên nhà bếp kiểm tra đều đút lót cho một cốc, khoái chí hắn không những không tố cáo việc làm của anh em mà hắn trả công sòng phẳng, những hôm mổ lợn cải thiện cho tù nhân, 10 cân thịt hắn chỉ xướng có 8 cân.

Ban đầu cai ngục chỉ cho phép tù nhân tăng gia ngoài giờ lao động khổ sai, chi bộ cử đồng chí Trần Đình Long làm tổ trưởng (Phụ trách công tác đối ngoại chính phủ lâm thời), Ban trật tự ngoài bổ sung cho đội những đồng chí có sức khỏe, có kinh nghiệm trồng trọt, chăn nuôi. Tổ đã tích cực phá hoang được thêm ba sào đất, làm được một dãy chuồng lợn. Tù nhân phải đảm nhận cung cấp rau cho cả gia đình Chánh, Phó sứ, xếp ngục, phó xếp ngục các thức rau ngon như: xu hào, cà rốt, cải bắp, xúp lơ, đỗ côve...còn tù nhân chỉ có rau muống vào mùa hè và rau cải canh, cải bẹ vào mùa đông, mỗi ngày cả nhà tù chỉ được 30-35 kg, chứa đầy đúng hai sọt lớn. Đồng chí Tạ Ngọc Phách được cử ra tiếp quản đội tăng gia, đã nghĩ ra cách để “ lấy lại” những sản phẩm do tự tay mình làm ra để cải thiện bữa ăn cho anh em. Nhưng mỗi sọt cải bắp, xu hào, cà rốt như vậy phải đến 70 cân thì khiêng từ dưới dốc lên nhà tù rất nặng, sẽ bị lộ ngay, nên đồng chí Phách đã chia chặng đường phải khiêng làm 5 quãng, bố trí 10 người khỏe khôn khéo khiêng tiếp sức. các sọt rau được ngụy trang bên ngoài toàn rau của tù nhân, những người khiêng sọt phải cố tỏ ra thong dong, nhẹ nhàng như chỉ có 35 cân. Khâu này không khó khăn bằng việc cai ngục cân đong kiểm tra trước khi đưa lên nhà bếp. Vẫn món rượu nút lá chuối với tên cai bợm rượu, rồi anh em đánh lạc hướng kể chuyện hài, cười đùa, cù mạng sườn cho hắn cười rũ ra, lúc cân, mấy anh nhà bếp đã lanh lẹ mó máy vào cân, chống sọt rau, giúp cho việc cân kẹo diễn ra nhanh chóng và bảo nhau khẩn trương đem lên nhà bếp nấu ăn cho khỏi bị nghi ngờ.

Anh em đẩy mạnh kỹ thuật chăn nuôi, trong chuồng lúc nào cũng có trên dưới chục con lợn, nửa tháng hoặc một tháng được mổ một con lợn năm, sáu chục cân, nên thực phẩm cung cấp cho chánh sứ dư dả hơn trước nhiều. Mỗi lần như vậy tổ nhà bếp còn xà xẻo được 5-7 kg thịt khi pha chế, tim, gan, bầu dục để nấu cháo cho anh em đang ốm.

Một điều thú vị đó là có thực phẩm ngon thì phải có người biết chế biến để bữa ăn thêm không khí phấn khởi nên chi bộ cử những anh em biết nấu nướng đảm nhận công việc “ xa xỉ” này, như đồng chí Nguyễn Văn Phúc( A), Nguyễn Văn Phúc (B), Nguyễn Văn Đáng, với các món thịt lợn kho xu hào, thịt lợn giả cầy, đỗ cô ve xào thịt băm… mặc dù chất độn nhiều gấp chục lần, tìm thịt như đãi vàng nhưng bữa ăn đã được cải thiện rõ rệt từ số lượng đến chất lượng, người ốm còn có cả trứng gà để bồi dưỡng, đã góp phần giảm thiểu đáng kể tỷ lệ tù nhân chết trong ngục, từ khi chi bộ thành lập đến khi giải phóng nhà ngục tháng 3/1945 chỉ có 7 đồng chí hy sinh chứ không phải 25% như trước đây.

Ảnh: Đồng chí Trần Huy Liệu ( đứng thứ 2 từ trái sang) về thăm Nhà tù Sơn La năm 1959

 

 

Nguyễn Thị Ngọc Tú- Bảo tàng tỉnh Sơn La

 

 

 


Các tin khác:

Thống Báo

Liên Kết Website

Video - Sự Kiện

Không có video - Upload lại link

Thống Kê

Hôm nay : 409
Hôm qua : 353
Tháng này : 26167
Tổng truy cập : 3761451
Đang trực tuyến : 4