Nằm trong chuỗi các hoạt động hướng tới kỷ niệm 65 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (7/5/1954 – 7/5/2019), từ ngày 20/4/2019 đến 23/4/2019 Trung tâm Giáo dục truyền thống và Lịch sử Việt Nam tổ chức chuyến đi “Về nguồn – Qua miền Tây Bắc” cho 300 đại biểu là các Chiến sỹ Điện Biên, cựu thanh niên xung phong, các gia đình chính sách và người có công với cách mạng đến từ 9 tỉnh, thành phố phía Bắc. Đây là một hoạt động có ý nghĩa nhân văn, thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn – Đền ơn đáp nghĩa” đối với các anh hùng liệt sỹ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp và đồng bào các dân tộc Tây Bắc.
Tại Sơn La, ngày 20/4 đoàn đã tổ chức dâng hương tưởng niệm các Anh hùng liệt sỹ đã hi sinh trong chiến dịch Điện Biên Phủ tại tượng đài liệt sỹ Thanh niên xung phong Ngã ba Cò Nòi, huyện Mai Sơn; dâng hương tại nhà tưởng niệm các liệt sỹ Nhà tù Sơn La, tham quan Bảo tàng tỉnh và Di tích Quốc gia đặc biệt Nhà tù Sơn La.
Các đại biểu dâng hương tại Nhà tưởng niệm các liệt sỹ Nhà tù Sơn La
Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Xuân Niêm – Giám đốc Trung tâm Giáo dục truyền thống và Lịch sử Việt Nam, Trưởng Ban tổ chức chuyến đi cho biết: Đoàn đã nhiều lần đến với Sơn La – Tây Bắc, nhưng mỗi lần đều có những cung bậc cảm xúc khác nhau. Ấn tượng về mảnh đất Tây Bắc không chỉ là những cung đường đèo dốc quanh co, những nếp nhà sàn, những bản làng chìm trong sương sớm mà ở vùng đất này còn lưu giữ nhiều di tích lịch sử, minh chứng thời kỳ đấu tranh bảo vệ Tổ quốc của cha ông ta. Trong đó, không thể không kể đến di tích Nhà tù Sơn La - một chứng tích tội ác của chế độ thực dân, nó đã trở thành một trung tâm giam cầm và đày ải những chiến sỹ cách mạng và người Việt Nam yêu nước. Nhưng vượt lên trên gông cùm và tội ác của thực dân, những người cộng sản Việt Nam đã biến nhà tù đế quốc thành trường học cách mạng, đào tạo cho cách mạng, cho Đảng nhiều cán bộ lãnh đạo xuất sắc như: Đồng chí Tô Hiệu, Trường Chinh, Lê Duẩn, Nguyễn Lương Bằng, Lê Thanh Nghị, Văn Tiến Dũng, Nguyễn Văn Trân… và nhiều đồng chí kiên trung khác.
Các đại biểu tham quan phòng trưng bày tại di tích Quốc gia đặc biệt Nhà tù Sơn La
Đã hơn 1 thế kỷ trôi qua, nhưng những chứng tích về tội ác dã man của thực dân Pháp vẫn còn hiển hiện với hàng trăm hiện vật, những công cụ tra tấn, những phòng giam ẩm thấp, nhỏ hẹp, hôi thối; hình ảnh các tù nhân bị thực dân Pháp giam cầm, hành hạ chỉ còn da bọc xương được thể hiện trên bức phù điêu lớn đặt tại phòng trưng bày của di tích... Đó là bằng chứng đối lập với tinh thần yêu nước, ý chí cách mạng không gì lay chuyển của lớp lớp những đồng chí cách mạng tiền bối đã từng bị giam cầm ở nơi này.
Mỗi du khách đến thăm di tích Nhà tù Sơn La đều cảm thấy xúc động, cảm phục tinh thần yêu nước, ý chí quật cường của những chiến sĩ cách mạng tiền bối. Ấn tượng trước hình ảnh cây đào Tô Hiệu vẫn xanh tươi, đơm hoa kết trái mỗi độ xuân về như một minh chứng lịch sử, khẳng định sức sống mãnh liệt, ý chí quật cường của những người cộng sản trung kiên trong công cuộc đấu tranh giành độc lập cho dân tộc.
Ngày 21/4 đoàn tiếp tục hành trình lên tỉnh Điện Biên thăm quan di tích Đồi A1, Đồi Độc Lập, Tượng đài Chiến thắng, Sở chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ, tổ chức lễ tri ân Đại tướng Võ Nguyên Giáp và các Anh hùng liệt sỹ tại Mường Phăng và tổ chức buổi giao lưu truyền thống với chủ đề “Điện Biên Phủ - Bản hùng ca dáng đứng Việt Nam” với cấp ủy, chính quyền, đoàn thể, nhân chứng lịch sử và tuổi trẻ tỉnh Điện Biên.
Theo lịch trình, ngày 22/4 – 23/4 đoàn quay về Sơn La tham quan, trải nghiệm văn hóa tại bản Mòng – bản du lịch cộng đồng ở xã Hua La, thành phố Sơn La; tổ chức dâng hương tưởng niệm tại di tích lịch sử Trung đoàn Tây Tiến, huyện Mộc Châu, sau đó đoàn trở về Hà Nội kết thúc các hoạt động.
Hành trình “Về nguồn – Qua miền Tây Bắc” của Trung tâm Giáo dục truyền thống và Lịch sử Việt Nam đã góp phần khơi dậy những giá trị truyền thống, nhân văn và đức hi sinh cao cả của người Việt Nam qua các thời kỳ kháng chiến và kiến quốc của dân tộc. Cuộc hành trình đã tạo ra môi trường giao lưu văn hóa, tăng cường tình đoàn kết của mỗi thành viên; đồng thời góp phần giáo dục truyền thống, lòng tự hào, tự tôn dân tộc cho nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ.
Phạm Văn Tuấn – Phòng Nghiệp vụ Bảo tồn Bảo tàng