Đầu năm 1930, Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập. Tháng 10/1930 Đảng được đổi tên thành Đảng Cộng sản Đông Dương, xác lập và định hướng đường lối cách mạng cho 3 nước Đông Dương là cuộc cách mạng dân tộc dân chủ tiến lên cách mạng Xã hội chủ nghĩa với mục tiêu đánh đổ thực dân, đế quốc, mang lại ruộng đất cho nhân dân.
Sự ra đời của Đảng Cộng sản Đông Dương đã đánh dấu một bước ngoặt lịch sử, đó là sự hình thành liên minh cách mạng giữa 3 nước Đông Dương, chuyển từ đấu tranh tự phát thành đấu tranh tự giác, tạo tiền đề cho sự phát triển của cách mạng Việt Nam , Lào và Cam Pu Chia.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương, phong trào cách mạng ở Việt Nam và Lào ngày càng phát triển mạnh mẽ. Tháng 8/1945 Việt Nam khởi nghĩa giành chính quyền thành công. Tháng 10/1945 cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở Lào bùng nổ. Sau khi chính quyền lâm thời Lào được thành lập, ngày 14/10/1945 Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa gửi điện chúc mừng, công nhận độc lập tự do của Lào và thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước.Ngày 30/10 năm 1945 Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Chính phủ Lào đã ký hiệp định thành lập liên quân Lào- Việt. Hiệp định đã đặt cơ sở pháp lý đầu tiên cho sự giúp đỡ hợp tác huấn luyện, đào tạo cán bộ quân sự và liên minh chiến đấu chống kẻ thù chung của hai dân tộc Việt Nam- Lào.
Tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Kaysone Phomvihane tại nhà trưng bày Khu di tích Lao Khô
Trong khi đẩy mạnh cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp ở Việt Nam, Đảng Cộng sản Đông dương kịp thời chỉ đạo việc mở rộng Mặt trân kháng chiến ở Lào và Cam Pu Chia, thiết lập nhiều căn cứ cách mạng trên đất Lào và Việt Nam.
Thực hiện chủ chương của Đảng, ngày 14/6/1948 Bộ chỉ huy Liên khu X ( đóng tại tỉnh Yên Bái ngày nay) ra chỉ thị thành lập Ban xung phong Lào- Bắc. Ban gồm có 14 người. Đồng chí Cay Xỏn Phôm Vi Hẳn được cử làm Trưởng ban, ông Thảo Hạnh làm Phỏ trưởng ban, ông Đông Tùng làm Chính trị viên. Nhiệm vụ chủ yếu của Ban là góp phần giúp lực lượng kháng chiến Lào xây dựng căn cứ cách mạng tại 4 tỉnh Bắc Lào là Sầm Nưa, Xiêng Khoảng, Phong Sa Lỳ và Luông Pha Bang, lấy trung tâm là Lao Hùng, Phiêng Xả, Moong Năm, Thạt Luông thuộc huyện Xiềng Khọ, tỉnh Sầm Nưa( Hủa Phăn). Gửi thư cho Ban xung phong Lào- Bắc, Bác Hồ Viết: “Kiến lập căn cứ địa Lào độc lập là nhiệm vụ cần kíp, Ban xung phong Lào- Bắc phải ra sức gây cơ sở quần chúng trong vùng địch kiểm soát. Tôi chúc Ban Xung phong Lào- Bắc chóng thành công, khu giải phóng Lào độc lập chóng thành lập”.
Tháng 4/1949 Ban xung phong Lào- Bắc hành quân qua các địa phương của Việt Nam như Mộc Hạ, Mộc Châu, Mai Sơn, Sông Mã, Phiêng Sa. Phiêng Sa là bản có 100% người Mông sinh sống, thuộc tỉnh Sơn La ( nay là bản Lao Khô, xã Phiêng Khoài, huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La). Đến Phiêng Sa, Ban dừng lại để xây dựng căn cứ và nắm tình hình trước khi tiến vào đất Lào.
Trong thời gian ở Phiêng Sa, đồng chí Cay Xỏn Phôm Vi Hẳn đã được tổ chức bố trí đến ở nhà ông Tráng Lao Khô. Đồng chí Cay Xỏn Phôm Vi Hẳn được gia đình ông hết sức giúp đỡ, cưu mang và nhận làm con nuôi. Ông Tráng Lao Khô tích cực vận động bà con trong bản Phiêng Sa tạo điều kiện cho đồng chí cay Xỏn Phôm Vi Hẳn và Ban xung phong Lào- Bắc hoạt động.
Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn về kinh tế nhưng đồng bào bản Phiêng Sa đã hết lòng giúp đỡ, cung cấp lương thực, thực phẩm, thuốc men, tiền bạc giúp Ban xung phong Lào- Bắc mua sắm vũ khí phục vụ chiến đấu. Đặc biệt ông Tráng Lao Khô đã trực tiếp dẫn đường đưa Ban xung phong Lào- Bắc vào rừng hoạt động. hàng ngày ông Tráng Lao Khô mang lương thực, thực phẩm, thuốc men vào hang Thẩm Mế nuôi cán bộ Việt Minh và các đồng chí cán bộ nước bạn Lào. Ông Tráng Lao Lử ( là con của ông Tráng Lao Khô) đã kể một câu chuyện mà ông đã từng được nghe cha kể lại nhiều lần, đó là vào khoảng năm 1949, thực dân Pháp biết Chủ tịch Cay Xỏn Phôm Vi Hản và bộ đội Việt Minh đang ở tại hang Thẩm Mế, thế là chúng liền từ Lào sang nhà ông Tráng Lao Khô để hỏi về việc này. Lúc đó, cha ông đã trả lời là trước thì có ở nhưng giờ họ đi đâu hết rồi. Sau đó gần 3 tháng, nghe tin quân cách mạng vẫn ở khu vực này, chúng tiếp tục quay lại, gặp ông Lao Khô. Lần này, ông Lao Khô nói với thực dân Pháp là chỉ có một con đường vào hang, mà nhỏ lắm, con lợn cũng không đi được, hai bên vách đá dựng đứng. Lực lượng kháng chiến đặt bẫy ở đấy, nếu các ông đi qua, họ sẽ thả đá, thả cây xuống để đè chết. Nghe thế, quân Pháp liền quay trở về Lào và không quay lại nữa. Nhờ đó, lực lượng cách mạng ở đây vẫn an toàn. Ông Lao Lử còn kể rằng Cha ông đã tặng đồng chí Cay Xỏn Phôm Vi Hẳn 50 đồng bạc trắng để mua vũ khí đánh giặc.
( với những công lao to lớn đó, tháng 10 năm 2009, Chính phủ nước CHDCND Lào tặng Huân chương Tự do cho gia đình ông Tráng Lao Khô và Huân chương hạng 3 cho nhân dân bản Lao Khô).
Toàn cảnh Khu di tích Cách mạng Việt Nam - Lào
Từ căn cứ địa ở Phiêng Sa, Ban xung phong Lào- Bắc đã tiến sang đất Lào, xây dựng căn cứ cách mạng tại 4 tỉnh phía Bắc Lào là Sầm Nưa, Xiêng Khoảng, Phong Sa Lỳ và Luông Pha Băng, góp phần xây dựng lực lượng cách mạng Lào phát triển mạnh mẽ, hình thành lực lượng vũ trang cách mạng của nhân dân Lào anh em do đồng chí Cay Xỏn Phôm Vi Hẳn làm tổng chỉ huy.
Sau khi thành lập, lực lượng vũ trang của nhân dân Lào đã hợp tác chặt chẽ với lực lượng vũ trang của nhân dân Việt Nam, cùng giúp đỡ nhau phát triển và đảnh đuổi kẻ thù chung là thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, giành độc lập thống nhất cho mỗi nước.
Di tích lịch sử cách mạng Việt Nam- Lào tại Bản Lao Khô, xã Phiêng Khoài, huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La chứa đựng những giá trị to lớn về lịch sử; tinh thần quốc tế cao cả; truyền thống đoàn kết hữu nghị, thủy chung giữa nhân dân hai nước Việt Nam- Lào, là niềm cổ vũ động viên quan trọng đối với Đảng, Nhà nước và nhân dân hai nước trong công cuộc bảo vệ và xây dựng Tổ quốc ngày nay, vì vậy đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam xếp hạng Di tích lịch sử cấp quốc gia ngày 03//4/2012.
Năm 2012 UBND tỉnh Sơn La đã tiến hành xây dựng quy hoạch tổng thể Di tích lịch sử cấp Quốc gia và động thổ xây dựng Khu di tích lịch sử cách mạng Việt Nam - Lào. Khu Di tích được quy hoạch trên diện tích gần 50 ha, gồm: Di tích gốc là khu nền nhà cũ của gia đình ông Tráng Lao Khô và các lán trại của Ban xung phong Lào - Bắc thời kỳ 1948-1951; Đài biểu tượng Hữu nghị Việt Nam - Lào; nhà trưng bày các hình ảnh, tư liệu, hiện vật quan trọng về tình hữu nghị Việt Nam - Lào; nơi dâng hương tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Cay Xỏn Phôm Vi Hản; Bia dẫn tích tổng quan giới thiệu về di tích; nhà đón tiếp, khu giáo dục truyền thống. Trong đó tiêu biểu là Đài biểu tượng hữu nghị Việt Nam - Lào được xây dựng với ý tưởng đài hoa hữu nghị mọc trên núi rừng Tây Bắc. Đài biểu tượng được xây dựng trên đỉnh đồi, cao 18m, phần đế tạo hình sóng nước với các cánh hoa sen, hoa chăm pa cách điệu, thể hiện nét văn hóa đặc trưng của hai nước Việt Nam- Lào. Toàn bộ di tích được bao bọc bởi những cánh rừng nguyên sinh rộng lớn với nhiều loài thực vật phong phú.
Di tích được khánh thành đưa vào sử dụng ngày 06/7/2017, chào mừng năm đoàn kết hữu nghị Lào- Việt Nam, Việt Nam- Lào. Đồng chí Nguyễn Thị Kim Ngân- Chủ tịch Quốc hội Nước CHXHCN Việt Nam và đồng chí Pany Yathotu- Chủ tịch Quốc hội Nước CHDCND Lào đã cùng cắt băng khánh thành công trình tôn tạo Di tích lịch sử quan trọng này.Từ đó đến nay, Di tích cách mạng Việt Nam- Lào là nơi thăm viếng của nhiều đoàn khách của Trung ương và các tỉnh của nước bạn Lào, một số đoàn khách của một số địa phương ở Sơn La; là nơi giáo dục về truyền thống đoàn kết hữu nghị thủy chung đặc biệt giữa nhân dân hai nước Việt Nam- Lào anh em.
Khu di tích Cách mạng Việt Nam - Lào tại bản Lao Khô, xã Phiêng Khoài, huyện Yên Châu
Phạm Duy Khương: Phó Giám Đốc - Bảo tàng tỉnh Sơn La