Đường dây nóng: 0212.3850221

Từ Pá Dạng - Vạn Bú đến Khau Cả

Cập nhật: 04:37:29 06 / 05 / 2020
Lượt xem: 3724

        Sau khi phong trào yêu nước ở Sơn La tạm lắng, ngày 10/10/1895, Toàn quyền Đông Dương ra nghị định thành lập tỉnh Vạn Bú, đặt sở lỵ tại bản Pá Dạng, tổng Hiếu Trai (thị trấn Ít Ong, huyện Mường La ngày nay). 9 năm sau, ngày 7/4/1904, Toàn quyền Đông Dương lại ra nghị định chuyển trụ sở hành chính của tỉnh từ Pá Dạng đến đồi Khau Cả, Chiềng Lề, đồng thời tên tỉnh Vạn Bú được đổi thành Sơn La. Trải qua 40 năm (từ 1905 đến 1945), người Pháp đã xây dựng nơi đây thành một trung tâm chính trị - kinh tế lớn nhất Sơn La. Đến nay những công trình kiến trúc trên đồi Khau Cả gần như đã mất dấu. Nhằm giúp độc giả phần nào hình dung được quá trình xây dựng tỉnh lỵ Sơn La và dáng dấp khu vực đồi Khau Cả xưa, xin được phác qua một vài nét chính trong quy hoạch kiến trúc của người Pháp ở đây.

Toàn cảnh các công trình của Pháp trên đồi Khau Cả, Sơn La, khoảng giữa TK XX

       Đồi Khau Cả là một ngọn đồi thấp, nằm ở trung tâm TP Sơn La ngày nay, cách bờ sông Đà 30 km. Được bao bọc bởi nhiều dãy núi cao xen kẽ những cánh đồng màu mỡ cùng hai con suối Nậm La và Bó Cá chảy qua. So với Pá Dạng khí hậu ở đây mát mẻ hơn, đặc biệt về mùa hè. Trong bảng so sánh của Phái viên chính phủ Vạn Bú gửi Thống sứ Bắc Kỳ ngày 17/6/1902 cho thấy nhiệt độ trung bình tháng 5/1902 ở Sơn La từ 21 – 310c, so với ở Vạn Bú là 22 – 370c; nhiệt độ trung bình 15 ngày đầu tháng 6/1902 ở Sơn La là 22 – 210c, ở Vạn Bú là 23 – 370c. Ngoài yếu tố thời tiết, điều khiến người Pháp chú ý tới khu vực đồi Khau Cả còn nhờ vị trí trọng yếu của nó. Nằm ở trung tâm của tỉnh Sơn La, phía Tây Bắc có đường đi ra sông Đà về Chợ Bờ nối với miền Xuôi; phía Bắc có đường thông lên Thuận Châu, Tuần Giáo, Điện Biên; phía Nam có đường xuống châu Mai Sơn và là cửa ngõ dẫn sang Lào. Nhận thấy được vị trí đắc địa của khu vực đồi Khau Cả nên từ năm 1904 đề án di chuyển tỉnh lỵ về đây được vạch ra và từng bước thực hiện.

        Trong tập Truyện nhỏ bản mường bằng chữ Thái cổ do dịch giả Lò Văn Lả cung cấp có nhắc đến quá trình di chuyển tỉnh lỵ vào năm 1905: “Khi đó tỉnh lớn chỉ là đồn đất, trông lên thấy toàn nhà ngói đỏ cùng cột cờ trên đồi cao bay phất phới. Là Pá Dạng bên kia sông. Thấy nhà dân cạnh nhau san sát. Chợ của người Hoa bên bờ sông có nhiều hàng. Ai qua chợ đều mua kẹo bánh, rất nhiều đồ bày biện... Khi vua Thành Thái lên ngôi được mười sáu năm (tức năm 1905 – TG), ngày 24, tháng Giêng, quan chánh lên cai quản tỉnh Sơn La... Tỉnh Pá Dạng bỏ trống không, chỉ còn người Hoa, người Kinh buôn bán ở ven sông”[2]. Việc xây dựng tỉnh lỵ mới được tiến hành khẩn trương: “…Thấy rằng người khiêng đất, khiêng cát, khiêng nước, có cả người khiêng ngói đất nung lợp nhà. Khiêng nặng lên đồi cao, tận gần chỗ quan chánh. Chỉ nghe tiếng tù đào đất, đẵn củi ầm ầm. Người Kinh nói đùa nhau cười vang. Họ xây tỉnh Sơn La có tiếng. Người Yên Châu khiêng cát, người Tuần Giáo chuyển củi đốt gạch, người Thuận Châu đi đẵn khúc củi dày, người Sơn La đầu mường chuyển đồ...”[3]. Mặc dù đã huy động tối đa nhân lực ở các địa phương và số lượng tù nhân sẵn có, nhưng do lối lao động cưỡng bách cộng với tay nghề của người bản địa còn thấp nên tiến độ xây dựng tỉnh lỵ mới hết sức chậm chạp, như trong bản báo cáo tháng 1-2/1907 của công sứ Sơn La gửi Thống sứ Bắc Kỳ đánh giá: “Tiến độ xây dựng các tòa nhà mới tại tỉnh lỵ rất chậm, rất khó dự kiến được thời gian hoàn thành. Việc làm đường giao thông phải huy động toàn bộ nhân lực sẵn có trong tỉnh".

Bản quy hoạch tổng thể đồi Khau Cả năm 1907

 

        Theo bản quy hoạch tổng thể ngày 22/10/1907 của kiến trúc sư Ligne, từ chân đồi phía Nam (khu trụ sở Đảng ủy khối các cơ quan tỉnh hiện nay) lên đến hết đỉnh đồi Khau Cả lần lượt bố trí các công trình: Nhà ở của bác sỹ, y tá và nhà thuốc - nhà bưu điện - nhà canh gác chính (garde pricipal) - nhà thu thuế (perceptrice) - khu văn phòng (bureau) - vườn cây ăn quả của Pháp (verger constitué par des arbres venant de France) - tòa nhà ủy viên (commissaire) - nhà thanh tra viên (inspecteurs) - nhà tù (prison). Quá trình xây dựng và tu bổ các công trình này luôn bị gián đoạn do bất ổn về chính trị bởi các cuộc bạo động ở địa phương, ngân sách được cấp nhỏ giọt nên phải kéo dài cho đến cuối những năm 1920 mới dần hoàn thiện.

Trại lính khố xanh năm 1951, nay là cổng Bảo tàng Sơn La

        Việc xây dựng trung tâm hành chính ở đồi Khau Cả đã thu hút dân cư tập trung ngày một đông. Sự có mặt của một số công chức, binh lính cùng tù nhân và nhất là khi người Hoa, người Kinh đến đây buôn bán tỉnh lỵ mới trở nên nhộn nhịp, dần dần hình thành phố Chiềng Lề. “Tại tỉnh lỵ, các khu tòa nhà công sứ, tòa án, bệnh viện, bưu điện, trường học, đồn lính và các khu nhà của các viên chức bản xứ đều được tu sửa. Trên đường phố có các đội tù nhân đi thu gom rác, khu người Hoa, người Kinh cũng sạch sẽ hơn. Nhà ngói dần thay thế cho nhà lá” [4]. Từ sau năm 1922, khi tuyến đường Sơn La – Tạ Bú hoàn thành, việc vận chuyển được thực hiện bằng ô tô thì kinh tế hàng hóa mới thực sự bắt đầu. Một nguyên nhân nữa có lẽ cũng không kém phần quan trọng là nhu cầu tiêu dùng khá lớn của công chức, binh lính và tù nhân cũng khiến chính quyền phải khuyến khích thương mại phát triển. Trong bản báo cáo năm 1923 có đoạn: “Chợ búa chưa có, chỉ có một số ít tiểu thương người Kinh đến Chiềng Lề. 

Tòa sứ Pháp nằm ngay bên cạnh trại lính khố xanh (1951)


        Trong các vùng thung lũng và trên các khu ruộng bậc thang, người bản địa chỉ trồng lúa và ngô đủ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng tại chỗ. Năm 1923, sản lượng lúa và ngô không đủ đáp ứng nhu cầu thực tế. Tòa công sứ cũng đang ở trong tình trạng khó khăn trong việc cung cấp lương thực, thực phẩm cho tù nhân và đàn ngựa. Tòa công sứ thường xuyên phải vay lúa gạo của các hương chức và người dân từ trước vụ thu hoạch. Do đó, dự trữ lúa gạo của người dân hoàn toàn không có”. Việc hình thành chợ là một sản phẩm tất yếu của quá trình đô thị hóa và sự phát triển của kinh tế hàng hóa ở phố Chiềng Lề, tạo nên cảnh tượng buôn bán sung túc: “các thương gia người Kinh hoặc người Hoa tăng cường buôn bán các mặt hàng thiết yếu phục vụ đời sống như đồ mỹ nghệ, nước hoa, tạp phẩm, hàng xén. Chợ Sơn La luôn là một trung tâm lớn, thu hút rất nhiều người Mèo, Mán, Xá, thậm chí là người Thái đen từ Điện Biên Phủ xuống. Ngoài ra trong năm, nhiều người Lào ở Mường Hét hoặc Mường Khoa cũng đến đây bán khăn và nhiều đồ thủ công khác”


Tòa sứ Pháp nằm 1951

       Ngoài trụ sở hành chính và các công trình quân sự, nhà tù, người Pháp còn cho xây dựng các công trình dân sự như bệnh viện, trường học, nhà thờ, trạm khí tượng... Bệnh viện ở tỉnh lỵ được xây dựng từ năm 1913, đến năm 1925 mới được trát xi măng và làm hiên mới, nhưng hoạt động không thường xuyên, trong một số năm bệnh viện Sơn La gần như bị bỏ hoang vì không có bác sỹ phụ trách. Năm 1923 bệnh viện ở tỉnh lỵ có 28 giường bệnh, từ 1/7/1923 – 30/6/1924 có 2.951 người đến khám với 5.804 lượt, 500 người nhập viện với 3.513 ngày điều trị. Tuy nhiên, phần lớn bệnh nhân đều là công chức, binh lính và tù nhân hoặc người Kinh cư trú ở khu vực lân cận, chỉ có một số rất ít bệnh nhân là người Thái. Trường học được xây dựng từ năm 1917 nhưng việc mở rộng rất hạn chế, đến tháng 9/1919 trường tiểu học Sơn La mới chỉ có 2 phòng học và 1 phòng ở cho giáo viên, năm 1920 mới xây thêm 1 phòng học nữa. Năm 1921 cả trường có 5 phòng học và 2 phòng ở cho giáo viên. Ngoài ra còn có trường thừa phái, trường nghề, nhà kho dùng làm xưởng thực hành, khu ký túc xá. Tuy nhiên các trường này đều hoạt động không hiệu quả, học phí đắt, đối tượng theo học chủ yếu là con em tầng lớp trên. Nhà thờ ở tỉnh lỵ được xây dựng vào năm 1943, nằm ngay phía sau nhà tù do mục sư Jean Funé người Canada phụ trách. Chính quyền đã dùng chữ Thái để tuyên truyền cho người bản địa, nhưng không được người dân hưởng ứng. Ngoài ra, chính quyền còn cho lắp thêm máy phát điện và trạm bơm nước để phục vụ cho khu trung tâm, đường phố được trải đá, nhiều công trình giao thông được xây dựng. Tuy nhiên, do nguồn kinh phí ít, giá nguyên vật liệu và máy móc tăng nên ngay cả điện nước phục vụ cho người Pháp cũng thường bị hư hỏng. Bưu điện và dịch vụ điện báo được thực hiện bằng ô tô vào mùa khô, nhưng thường đình trệ vào mùa mưa. Từ tháng 10/1937, các đường dây điện báo đã được thay thế bằng các trạm vô tuyến. Trạm dự báo khí tượng hoạt động khá đều đặn. Nhìn chung những thiết chế văn hóa – xã hội mới xuất hiện như bệnh viện, trường học, nhà hộ sinh, bưu điện... đều bắt nguồn từ yêu cầu củng cố trung tâm hành chính, phục vụ chính sách cai trị, khai thác của người Pháp hơn là hướng tới phát triển kinh tế và phục vụ dân sinh.

       Đáng chú ý nhất trong các công trình xây dựng trên đồi Khau Cả là nhà tù Sơn La, công trình duy nhất hiện nay vẫn còn lưu lại ít nhiều dấu tích. Được xây dựng từ năm 1908, có diện tích ban đầu lên tới 500 m2 với hai buồng giam lớn, 4 buồng nhỏ có tường xây bằng đá, mái lợp tôn, bục nằm trát xi măng có gắn cùm. Cuối năm 1930, nhà tù Sơn La được mở rộng ra phía sau với diện tích gấp ba lần diện tích cũ (từ 500 m2 lên 1.500m2) gồm 5 nhà giam chính 4 lô cốt có chòi canh ở bốn góc và một gian dùng làm xưởng xay  lúa, nhà kho, bếp, nhà thuốc và bàn giấy. Trong đợt mở rộng này, một dãy xà lim ngầm nằm sâu dưới mặt đất 3,5m, gồm có 8 xà lim và 1 buồng giam có một lối đi hẹp qua các xà lim được xây dựng thêm. Đầu năm 1940, Thống sứ Bắc Kỳ lại cho xây thêm một trại lớn, gồm 3 gian sau trại lính khố xanh. Tháng 7/1941, Thống sứ Bắc Kỳ đã ra lệnh cho Nha Công chính thiết kế và lập kế hoạch xây thêm một nhà giam lớn với diện tích rộng gấp hai lần nhà tù cũ dưới chân đồi Khau Cả, liền với khu nhà tù cũ. Thực dân Pháp đã sử dụng toàn bộ lực lượng tù nhân ở nhà tù Sơn La với những biện pháp tàn bạo nhất vào việc xây dựng nhà giam mới này. Trong thư gửi Giám đốc Nha Công chính Bắc Kỳ, Thống sứ Bắc Kỳ đã viết: “Đây là một nhà tù mới, được sử dụng đồng thời với cái cũ vẫn tồn tại. Cần lưu ý rằng không phải trả tiền nhân công. Công nhân là tù nhân, mọi thứ gạch, vôi sẽ được sản xuất tại chỗ bằng cách tự lực. Những vật liệu khác như cát, gỗ, trong khả năng có thể sẽ lấy ở rừng hoặc ở mỏ địa phương để khỏi phải trả tiền một thứ nào cả. Công việc rất khẩn cấp, nhưng công việc phải thực hiện bằng cách sử dụng triệt để mọi phương tiện sẵn có với mức chi tối thiểu và đặt dưới quyền kiểm soát hành chính của ông Công sứ, ông ấy phải dồn vào đây tất cả phương tiện mà ông ấy có[9]. Để đối phó lại, chi bộ Đảng ở nhà tù Sơn La đã lãnh đạo tù nhân lãn công, làm ẩu, không bảo đảm chất lượng của công trình. Vì thế, đến mùa mưa năm 1942, toàn bộ móng nhà với diện tích 3.900 m2 và hệ thống tường bao quanh bị sụp đổ hoàn toàn. Sau ba lần mở rộng và thay đổi thiết kế, nhà tù Sơn La trở thành một trong những trung tâm giam giữ khét tiếng ở Bắc Kỳ, đầy ải những chiến sĩ cộng sản và những người yêu nước ở giữa núi rừng Tây Bắc.

       Các thiết chế xã hội như nhà tù, trại lính, tòa sứ, nhà thờ, bệnh viện, trường học... Tất cả hợp thành bức tranh tỉnh lỵ Sơn La thời Pháp thuộc. Sự ra đời của nó xuất phát từ ý thức chủ quan của chính quyền thuộc địa, gắn liền với chính sách xâm lược, bình định, khai thác và bóc lột của thực dân Pháp. Mặt khác, nó cũng thể hiện rõ vị trí chiến lược quan trọng về chính trị - kinh tế, quốc phòng – an ninh của khu vực này. Việc xây dựng trung tâm hành chính của tỉnh ở đồi Khau Cả rõ ràng đã được người Pháp tính toán rất kỹ lưỡng, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho chính quyền thuộc địa hoạt động, hoàn toàn không phải như viên công sứ Sơn La Saint Poulof rêu rao: “Việc đặt ra nền bảo hộ xứ Bắc Kỳ và thành lập tỉnh Sơn La đã lấy lại cho Thái Đen cùng Thái Vạt nền tự trị của họ, giúp họ xây dựng lại bản mường, sống yên vui từ nay cũng đều nhờ ở sự che chở của nước Pháp mới có Sau năm 1945, các công trình trên đồi Khau Cả tiếp tục được người Pháp sử dụng cho đến khi rút khỏi Sơn La năm 1952. Năm 1954 thành lập khu tự trị.

Toàn cảnh khu đồi Khau Cả và phố chợ Chiềng Lề năm 1950 và 2017

Thái – Mèo, trung tâm đặt tại Chiềng Ly, Thuận Châu, Từ đó đến năm 1962, tỉnh lỵ Sơn La bị bỏ hoang, khi thành lập thị xã Sơn La, các cơ quan của Khu và Tỉnh mới chuyển từ Thuận Châu về thị xã, nhà cửa được xây mới, đồi Khau Cả tiếp tục được chọn làm nơi đặt trung tâm hành chính tỉnh cho đến ngày nay. Bị tàn phá bới chiến tranh và việc xây dựng sau này khiến các tòa nhà dưới thời Pháp thuộc hoàn toàn mất dấu tích, ngày nay chỉ còn lại phần móng của nhà tù và khu nhà thuốc (trụ sở tiếp dân tỉnh ngày nay) là còn nguyên vẹn. Với dự án xây dựng trung tâm hành chính tỉnh gắn với quảng trường và tượng đài Bác Hồ, mặt bằng đồi Khau Cả sẽ được giao lại cho bảo tàng Sơn La quản lý, đây là bước khởi đầu tốt trong việc khôi phục lại cảnh quan xưa trên đồi Khau Cả, nhằm đưa nơi này trở thành điểm thăm quan, du lịch văn hóa – lịch sử đầy ý nghĩa.

Chú thích:

                  [1]. Theo Nghị định ngày 23/8/1904 của Toàn quyền Đông Dương.

                  [2], [3]. Truyện nhỏ bản mường, Lò Văn Lả dịch, Tr.215 – 216.

                 [4]. Báo cáo công sứ Sơn La gửi thống sứ Bắc kỳ năm 1928.

                 [5]. Báo cáo năm 1923.

                 [6]. Báo cáo năm 1931.

                 [7]. Báo cáo năm 1925

                 [8]. Báo cáo 1920 – 1921.

                 [9]. Dẫn theo Khổng Đức Thiêm, Từ nhà tù đến nhà ngục Sơn La, https://nghiencuulichsu.com.

                [10]. Dẫn theo Tỉnh Sơn La 110 năm (1895 – 2005), NXB Chính trị quốc gia, Tr.53 – 54.

 

Hà Ngọc Hòa Hội Khoa học Lịch sử Sơn La


Các tin khác:

Thống Báo

Liên Kết Website

Video - Sự Kiện

Không có video - Upload lại link

Thống Kê

Hôm nay : 153
Hôm qua : 214
Tháng này : 85051
Tổng truy cập : 3931474
Đang trực tuyến : 3