Sau nhiều năm tổ chức sưu tầm tại các địa phương trong toàn tỉnh, đến nay Bảo tàng tỉnh Sơn La đã có một sưu tập trống đồng cổ mà theo các chuyên gia khảo cổ học đánh giá là một trong những bảo tàng miền núi phía Bắc có nhiều trống đồng nhất.
Tổng cộng đã có 33 trống đồng được sưu tầm. Căn cứ vào đặc điểm hình dáng, kích thước, hoa văn, số trống này được các chuyên gia chia thành 3 loại: loại 1, loại 2 và loại 4 ( không có loại 3 như ở một số địa phương khác).
Trống loại 1 gồm có 4 chiếc, là các trống Bản Thôm, phát hiện năm 1957 ở bản Thôm, xã Thôm Mòn, huyện Thuận Châu; trống Bản Khọoc, Phát hiện năm 1994 tại bản Khọoc, xã Tạ Khoa, huyện Bắc Yên. Trống Đá đỏ 1, trống Đá Đỏ 2 phát hiện năm 1980 tại xã Đá Đỏ, huyện Bắc Yên. Những trống loại 1 có niên đại cổ nhất; hình dáng, hoa văn thuộc loại đẹp nhất, còn được gọi là trống Đông Sơn vì ra đời trong giai đoạn văn hóa Đông Sơn và tiếp nối truyền thống văn hóa Đông Sơn.
Những trống loại 1 ở Sơn La có những đặc điểm chung là: Kích thước tương đối lớn, tang trống phình, mặt không chờm ra khỏi tang ,trên mặt không có tượng cóc; thân trống thẳng, chân choãi; các tia mặt trời ở giữa mặt trống mập. Các đồ án Hoa văn trang trí rất phong phú gồm có hình ngôi nhà mái vòm, hình người hóa trang đội mũ lông công; hình người mang vũ khí như rìu chiến, lao, giáo, nỏ; hoa văn hình chim bay, chim đi, chim mỏ dài; hoa văn nhũ đinh. Hoa văn ở thân được bố trí trong những ô hình chữ nhật đứng. Chân trống không trang trí hoa văn.
Trống đồng loại 1 được đúc với kỹ thuật rất cao, tỷ lệ hợp kim đồng, chì, thiếc tối ưu tạo cho trống vừa có độ dẻo, vừa cứng khỏe chắc chắn, bền vững với thời gian nên mặc dù đã tồn tại suốt 2000 năm những những trống này vẫn đang ở trong tình trạng bảo quản khá tốt. Trình độ đúc đồng siêu việt của những người thợ đúc đồng cổ còn thể hiện ở việc tạo ra những hoa văn rất sắc nét, rất chuẩn mà ở những trống ở giai đoạn sau không có. Tư duy nghệ thuật thể hiện qua lăng kính của người thợ đúc đồng đã phản ảnh khá rõ nét văn hóa của con người đương thời: Họ đã xây dựng và cư trú trong những ngôi nhà sàn khang trang, tránh được thú dữ, phù hợp với điều kiện khí hậu nóng ầm vùng nhiệt đới. họ đã đóng được những con thuyền lớn vượt biển khơi; đã sáng tạo ra những ngành nghề sản xuất mang lại giá trị kinh tế cao như nghề luyện kim mà sản phẩm có mặt khắp khu vực châu Á.
Trống loại 2 chiếm đa số, gồm có 28 chiếc như trống Chiềng Khương, trống Bản Pặc, trống Chiềng On, trống Vạt Hẹ, trống Noong vai, trống Bản cá, trống Chiềng Ly…Tên trống chính là địa danh nơi phát hiện, điều đó đã cho thấy trống loại 2 có mặt ở khắp các địa phương trong địa bàn tỉnh Sơn La.
Trống loại 2 dáng cao, mặt chờm khỏi tang; kích thước vừa hoặc tương đối lớn; các tia mặt trời ở mặt trống mảnh chứ không mập như ở trống loại 1, trên mặt trống có các khối tượng cóc chạy ngược chiều kim đồng hồ.Thân trống loe dần xuống dưới, Giữa thân và chân trống thường chỉ ngăn cách bởi một đường gờ nổi chứ không phân biệt rõ ràng. Các đồ án trang trí trên trống loại 2 là các vành hoa văn hình học như hoa văn hình thoi, hình thoi có chấm giữa, hình thoi lồng; hoa văn vòng tròn, vòng tròn tiếp tuyến, vòng tròn có chấm giữa; hoa văn hình chữ V, hình chữ S; hoa văn hình bông lá đề, hình cánh sen, hình hoa chanh, hoa cúc; có trống được trang trí hình rồng giun.
Trống đồng loại 2 ra đời từ những năm sau công nguyên đến thời kỳ phong kiến; lúc này Phật giáo đã du nhập, chính quyền phong kiến đã dùng biểu tượng là con rồng. Những đặc điểm đó của xã hội đã được những người nghệ nhân đưa vào các đồ án hoa văn trên trống đồng.
Trống loại 4 ở Sơn La chỉ có 1 chiếc là trống Chiềng Khương III, phát hiện được từ năm 1980 ở xã Chiềng Khương, huyện Sông Mã. Trống loại 4 có kích thước nhỏ, cao 44,5 cm, đường kính mặt trống 46 cm, đường kính chân 43,3 cm, cân nặng 13,7 kg. Mặt trống chờm khỏi tang; trên mặt trống có hình mặt trời với các tia mập, xen giữa các tia là những họa tiết lông công; mặt trống không có tượng cóc.
Trên Mặt, tang, thân và chân trống loại 4 được trang trí các vành hoa văn nhũ đinh, hoa văn người cách điệu cờ bay bố cục trong những ô hình chữ nhật đứng, hoa văn hình chữ S, hoa văn hình chữ nhật lồng nhau, hoa văn hình thoi lồng, hoa văn hình chữ V…
Sưu tập trống đồng ở Bảo tàng Sơn La là những di sản vô giá để nghiên cứu về văn hóa, khoa học, tín ngưỡng… của người Việt cổ; để trưng bày phục vụ khách tham quan khi đến với Sơn La.
Phạm Duy Khương: Phó Giám Đốc Bảo tàng tỉnh Sơn La