Trong cuộc đời mỗi con người, ai có may mắn nhận được quà Bác Hồ tặng, được gặp, nghe Bác nói chuyện, dặn dò từ cán bộ lãnh đạo, nhân sĩ trí thức đến những người lao động bình thường đều mang theo trong lòng, coi đó là những những kỷ niệm sâu sắc trong cuộc đời, là báu vật của đời người.
Ngược dòng lịch sử, nhân kỷ niệm 5 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/1959) và 4 năm thành lập Khu tự trị Thái - Mèo, Bác Hồ cùng đoàn công tác Trung ương đã về thăm, nói chuyện với cán bộ, chiến sỹ và nhân dân các dân tộc Tây Bắc. Đây là sự kiện lịch sử đặc biệt, niềm vinh dự, tự hào của cán bộ, chiến sỹ và nhân dân các dân tộc Sơn La nói riêng và vùng Tây Bắc nói chung, nguồn động viên, cổ vũ to lớn để đồng bào vượt qua mọi khó khăn, xây dựng chế độ mới.
Đã hơn 60 năm trôi qua, một trong những kỷ vật duy nhất còn lại mà Bác Hồ trao tặng trong dịp Bác và đoàn lãnh đạo cấp cao của Trung ương về thăm, nói chuyện với cán bộ, chiến sỹ và đồng bào các dân tộc Tây Bắc tại huyện Thuận Châu vào ngày 7/5/1959 đã được cụ Lò Văn Phúc cư trú tại bản Lả Mường, xã Chiềng Xôm,thành Phố Sơn La luôn gìn giữ nâng niu trân trọng như những báu vật quý hiếm của cuộc đời mình.
Cụ Lò Văn Phúc năm nay đã 109 tuổi, nhưng cụ Phúc vẫn còn minh mẫn nhớ hết về quá khứ nhìn cụ ngồi trầm tư, thỉnh thoảng lại nói cười với vẻ mặt rất vô tư và đôn hậu, khi được hỏi về việc cụ được gặp và được Bác Hồ tặng quà, đã làm trỗi dậy những câu chuyện, những ký ức về Bác năm xưa, cụ vẫn nhớ và kể liền mạch các sự việc đã diễn ra, những kỷ niệm về Bác Hồ năm ấy:
“Trước đó vào năm 1956, tôi khởi xướng làm ruộng 2 vụ tức là trồng lúa vụ chiêm và sáng kiến làm ra 7 chiếc guồng quay nước vào tưới cho đồng ruộng, vụ đầu tiên đã thu hoạch được 3 tạ thóc, thế là bà con không sợ đói, không phải đi phát rừng làm nương nhiều nữa rồi tôi và bà con rất vui, tôi đã được Chủ tịch huyện Mường La cũ lúc bấy giờ đến thăm và khen ngợi. Chiều ngày 5 tháng 5 năm 1959 tôi được thông báo sẽ được đại diện cho những người nông dân sản xuất giỏi được bầu chọn ra từ 14 xã của huyện Mường La đi dự mít tinh chào đón Bác Hồ ở Mường Muổi tức là huyện Thuận Châu ngày nay...”
Lò Văn Phúc, bản Lả Mường, xã Chiềng Xôm, thành phố Sơn La.
Trong ngày vui ý nghĩa và hết sức trọng đại năm ấy, cụ đến đón Bác trong sự hồi hộp, trong niềm vui khôn kể xiết hòa chung cùng niềm vui hân hoan của đồng bào các dân tộc Tây Bắc, đến với Thuận Châu, trong tình cảm yêu thương trìu mến của vị lãnh tụ kính yêu.
Trong lễ mít tinh trọng thể được tổ chức tại huyện Thuận Châu, Bác Hồ cùng đoàn đại biểu đứng trên lễ đài, trong biển người ai ai cũng muốn nhìn thấy Bác được rõ hơn, nghe được lời của Bác kỹ hơn, ai nấy đều ngồi im phăng phắc chú ý lắng nghe từng lời của Bác Hồ căn dặn: “... Đồng bào các dân tộc phải đoàn kết nhau một lòng để xây dựng bản mường quê hương, cùng nhau ra sức tăng gia sản xuất, cải tiến ký thuật, tiết kiệm, làm tốt mương phai…cày sâu bừa kỹ…học tập văn hóa để nâng cao hiểu biết ... Hôm đó tôi rất vui mừng và cảm động khi được Bác Hồ tặng một số món quà quý giá trong đó có, một cái cuốc, một con dao, nông cụ phục vụ cho sản xuất, một huy hiệu và một chiếc chậu men, nhưng qua năm tháng và sự bắn phá tàn khốc của máy bay mỹ vào năm 1966, huy hiệu, cuốc và dao đã bị thiêu hủy cháy và thất lạc, chỉ còn lại cái chậu men may mắn được tôi mang theo lúc đi sơ tán tránh máy bay Mỹ nên mới còn giữ được đến tận ngày hôm nay, tôi luôn giữ gìn để làm kỷ niệm”
Sau lần gặp Bác vô cùng ý nghĩa ấy, được Bác dặn dò, chỉ bảo ân cần, ấm áp như lời của một người cha rất đỗi gần gũi và yêu thương, cụ Lò Văn Phúc trở về với làng bản, như có thêm động lực và sức mạnh tăng gia sản xuất, vận động bà con trong hợp tác xã thi đua sản xuất, mở rộng thêm diện tích trồng vụ chiêm để có thêm lương thực, thực phẩm phục vụ đời sống và chi viện cho cuộc kháng chiến chỗng Mỹ cứu nước của dân tộc ta, với những đóng góp quan trọng về những sáng kiến trong tăng gia sản xuất cụ đã được bầu làm tổ trưởng nông hội và phó chủ nhiệm hợp tác xã.
Trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta, đất nước còn gặp muôn vàn khó khăn, thiếu thốn, gian khổ lúc bấy giờ cụ đã tích cực vận động con cháu trong nhà, vận động thanh niên trong bản đi tòng quân chiến đấu bảo vệ Tổ Quốc, riêng gia đình và dòng họ của cụ đã có 1 con trai và 3 cháu trai đi bộ đội thời chống Mỹ. Cụ vốn là một người nông dân chất phác, cần cù đã không quản nhọc khó khăn vượt qua nhiêu chông gia thử thách, cùng bà con nông dân bám đất bám làng hăng say lao động tạo ra nhiều của cải vật chất góp phần chi viện cho chiến trường miền Nam. Vận động con cháu lao động và học tập theo lời dạy của Bác Hồ, bản thân cụ nhận thức được mình bị thiệt thòi vì không được học chữ, vì thế cụ tạo điều kiện cho cả 8 đứa con ai cũng được đến trường học cái chữ Bác Hồ và trở thành cán bộ, giáo viên, nông dân yêu nước góp sức xây dựng quê hương, mường bản thoát khỏi cuộc sống đói nghèo và lạc hậu.
Sau khi được gặp Bác tại Khu về, nghe theo lời dặn dò của Bác, ông Lò Văn Phúc đã tích cực vận động xã viên cố gắng tăng gia sản, củng cố hệ thống mương phai phục vụ tưới tiêu, đồng thời vận động bà con nông dân thực hiện tốt chủ chương đường lối của Đảng, làm theo lời của Bác dặn, ông là tấm gương sáng cho bà con dân bản làm theo. Khắc sâu lời dặn dò của Bác, cụ Lò Văn Phúc luôn thầm nhắc nhở, trăn trở để làm những việc có ích cho bản mường quê hương, đồng thời,vận động nhân dân trong bản, con cháu trong nhà làm theo, ghi nhận những việc làm thiết thực đó cụ đã nhận được nhiều bằng khen, giấy khen của nhiều cấp nhiều ngành của tỉnh và được Nhà Nước trao tặng, trong đó có 1 huy chương kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng nhất, 2 bằng khen của Ủy Ban mặt trận Tổ Quốc Việt Nam tỉnh Sơn La về thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua ba giỏi, và thành tích phục vụ sản xuất chiến đấu, vận động con cháu đi tòng quân chống Mỹ cứu nước và chấp hành tốt chính sách hậu phương năm 1973, và chứng nhận dân công hỏa tuyến, có công phục vụ cho tiền tuyến và còn nhiều chứng nhận giấy khen khác đã bị thất lạc.
Ông Lò Văn phúc, bản Là Mường, xã Chiềng Xôm, thành phố Sơn La cùng con trai cả và các cháu bên
kỷ vật Bác Hồ tặng, ngày 7/5/1959.
Ông Lò Văn Chúng - Trưởng bản Lả Mường - Chiềng Xôm- Thành Phố Sơn La nói “Qua lời kể của cụ Phúc về Bác Hồ, chúng tôi là thế hệ trẻ sẽ học tập và phát huy những việc làm của cụ, tuyên truyền vận động bà con trong bản tăng gia sản xuất, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, phát triển kinh tế, đưa bản Lả Mường ngày một phát triển về mọi mặt. Thành phố Sơn La hôm nay, huyện Mường La cũ của 60 năm về trước đang đổi mới từng giờ, đặc biệt là xã Chiềng Xôm quê hương của cụ Lò Văn Phúc đã đạt chuẩn xã nông thôn mới năm 2017”
Sau 60 năm được gặp Bác, cũng là 60 năm cụ được trải qua và chứng kiến từng bước tiến đi lên của bản mường, mong muốn của cụ là có dịp được cùng con cháu dạo quanh Thành Phố Sơn La, đến với mảnh đất thiêng liêng Châu Thuận nơi mà cụ đã hòa vào muôn vàn trái tim của đồng bào Tây Bắc để chào đón Bác về thăm năm nào. Những hình ảnh, ký ức, lời dặn dò của Người sẽ luôn khắc sâu trong tâm trí của cụ, và kỷ vật thiêng được Bác trao tặng sẽ là kỷ niệm không phai đã được cụ và gia đình gìn giữ nâng niu, trân trọng.
Ông Phạm Duy Khương - Phó Giám đốc Bảo tàng tỉnh Sơn La (thứ nhất từ phải sang) gặp gỡ cụ
Lò văn Phúc và gia đình để sưu tầm kỷ vật về Bác Hồ
Ông Lò Văn Phúc đã chuyển trao kỷ vật mà ông giữ gìn 60 năm qua cho
Bảo tàng tỉnh Sơn La để phục vụ công tác trưng bày.
Để kỷ vật của Bác Hồ sẽ còn mãi với thời gian, phục vụ công tác nghiên cứu, sưu tầm và trưng bày tại Bảo tàng tỉnh. Cụ Lò văn Phúc đã nhất trí chuyển trao cho Bảo tàng tỉnh kỷ vật quý để phục vụ công tác nghiên cứu trưng bày.
Bảo tàng tỉnh Sơn La mong muốn trong thời gian tới sẽ tiếp tục nhận được sự quan tâm, giúp đỡ và đóng góp nhiều hơn nữa của các cơ quan, tổ chức, các nhân trong tỉnh góp phần làm phong phú, đa dạng, sinh động nguồn sử liệu về chuyến thăm của Bác và đoàn đại biểu Đảng, Chính phủ lên thăm Khu tự trị Thái - Mèo năm 1959./.
Lò Thị Tuyết- Phòng Giáo dục Truyền thông