Đường dây nóng: 0212.3850221

Di tích lịch sử văn bia Quế Lâm Ngự Chế đền thờ Vua Lê Thái Tông

Cập nhật: 01:39:32 10 / 07 / 2019
Lượt xem: 8816

Di tích lịch sử Văn bia Quế Lâm Ngự chế thuộc tổ 3, phường Chiềng Lề, thành phố Sơn La. Nơi đây đã minh chứng thời kỳ lịch sử của vị vua hùng tài, đại lược Lê Thái Tông cùng quân sỹ đi dẹp loạn vùng biên cương phía Tây của Tổ quốc, giữ yên bờ cõi nước nhà. Di tích được Bộ Văn hóa, Thông tin[1] xếp hạng cấp quốc gia ngày 05/02/1994.

Vua Lê Thái Tông sinh ngày 20/11 năm Quí Mão (1423), là con thứ của Vua Lê Thái Tổ và Cung từ hoàng hậu Phạm Thị Ngọc Trần. Năm Thuận Thiên thứ 6 (1433) lên ngôi Hoàng đế, năm 1442 đi tuần thú ở miền Đông (Chí Linh - Hải Dương) rồi băng hà, hưởng thọ 20 tuổi.

Từ khi lên ngôi, Vua Lê Thái Tông rất chú ý đến miền Tây Bắc, miền đất phên dậu của Tổ quốc. Trong 9 năm trị vì đất nước, vua Lê Thái Tông đã 2 lần thân chinh lên miền Tây Bắc dẹp loạn phản nghịch[2]. Tháng 3 năm Canh Thân (1440), nhà Vua cùng quân sỹ lên trấn Miền Tây đánh thổ quân phản nghịch Thượng Nghiễm ở Châu Mường Muổi[3]. Nhà vua đi tới đâu cũng được nhân dân ủng hộ nên quân của triều đình đã nhanh chóng dẹp tan phản nghịch. Trên đường trở về, nhà vua cùng quân sỹ nghỉ chân tại Động La[4], một hang đá tự nhiên ở châu Mường La[5]. Thấy nơi đây phong cảnh hữu tình, với ý nghĩa sâu xa, nhà Vua đã cho khắc bài thơ và lời tựa trên vách đá ở cửa Động La gồm 140 chữ Hán, nội dung được dịch như sau:

Bài thơ Quế Lâm ngự chế

               “Tù trưởng Thuận Châu là Thượng Nghiễm phản nghịch, vong ơn bội nghĩa, đem quân theo người Ai Lao làm phản. Thân chinh điều khiển sáu quân tới trị nó. Thượng Nghiễm kế cùng lực tận, dâng voi xin hàng. Ta thương nó quỳ bò không mang vũ khí, không nỡ chém, bèn tha tội cho nó, rồi đem quân trở về để lại một bài thơ rằng:

Nghĩ tới người xa đêm khổ tâm

Thổ tù sao lại dám quên thân

Thế gian đã có anh hùng chúa

Thiên hạ ai tha kẻ nghịch thần

Đường sá khó khăn đừng cậy hiểm

Hang cùng đã ấm áp hơi xuân

Yên được dân lành nhơ nhớp hết

Dân xa được hưởng tấm lòng nhân”.

(Năm đầu niên hiệu Đại Bảo

Canh Thân 1440, ngày lành giữa tháng 3)

Văn Bia Quế Lâm ngự chế tại Thẳm Báo Ké,

Tổ 3, phường Chiềng Lề, thành phố Sơn La

 

Bài thơ Quế Lâm ngự chế ra đời trong một hoàn cảnh đặc biệt, gắn với quá khứ lịch sử đấu tranh chống giặc Ai Lao và quân phản loạn Thượng Nghiễm. Nội dung của bài thơ là lời cảnh tỉnh đối với quân phản loạn, đồng thời lời kêu gọi ý thức đấu tranh chống lại quân tạo phản. Dù trải qua gần 600 năm dãi dầu mưa nắng, chứng kiến những biến động của lịch sử, bài thơ Quế Lâm ngự chế vẫn còn rõ nét, để lại những xúc cảm cho người dân địa phương và du khách thập phương mỗi lần đến thăm di tích.

Để tri ân công đức của Vua Lê Thái Tông và gìn giữ di tích Văn bia Quế Lâm Ngự Chế mãi mãi tôn nghiêm, đáp ứng nhu cầu tâm linh, tín ngưỡng của các tầng lớp nhân dân. Tháng 9/2001 tỉnh Sơn La đã cho khởi công xây dựng đền thờ Vua Lê Thái Tông, khánh thành 01/2003, lấy tên là “Quế Lâm linh từ”.

Ngôi đền được xây dựng theo hướng Đông Nam, trên thế đất địa linh “Sơn kỳ thủy tú”, lưng tựa vào núi Cằm tạo nên sự vững chắc, uy nghiêm, trước mặt là dòng Nậm La hiền hòa. Ngôi đền có diện tích hơn 800m2, theo lối kiến trúc truyền thống của những ngôi đền cổ Việt Nam, bao gồm các hạng mục: Cổng tam quan, sân đền, nhà tả, hữu mạc, tòa đại bái và hậu cung.

Cổng tam quan có 3 cửa[6], kiến trúc 2 tầng 8 mái, trang trí hoa văn ngọn trúc uốn cong mềm mại, mái ngói mũ hài âm dương. Mặt trước cổng tam quan có 4 chữ Hán đắp nổi “Quế Lâm linh từ” (Đền thiêng Quế Lâm) hai bên góc tường là 2 cột đồng trụ có trang trí tự phượng chầu về tứ phương Đông, Tây, Nam, Bắc.

Tòa đại bái có 3 cửa[7], bên trong có 3 ban thờ chính và 2 ban thờ phụ, mỗi ban thờ đều có bức võng, ân thư, đồ thờ, hoành phi câu đối được làm bằng gỗ sơn son thiếp vàng, trang trí tứ linh: Long, Li, Quy, Phượng và Hổ phù là những con vật gắn với tín ngưỡng tâm linh của người Việt. Cung giữa thờ “Hội đồng triều Lê”, hai bên đặt bộ bát bửu và chấp kích, biểu tượng cho những báu vật linh thiêng của vị thần trong ngôi đền, giúp cai quản miền đất thiêng và ban phát tài lộc cho du khách hành hương. Cung tả (bên trái) thờ đương cảnh thành hoàng Lê Thái Tông. Cung hữu (bên phải) thờ “Sơn thần bản thổ” là các vị thần linh được giáng xuống cai quản miền đất thiêng. Hậu cung đặt tượng vua Lê Thái Tông và bài vị thờ Ngài.

Những năm qua, bằng nguồn kinh phí nhà nước cấp kết hợp xã hội hóa từ nguồn công đức do nhân dân đóng góp, Di tích Văn bia Quế Lâm ngự chế - Đền thờ Vua Lê Thái Tông được đầu tư tu bổ, tôn tạo các hạng mục như đường lên Văn bia, sửa chữa nhà đại bái, nhà tả hữu mạc, sân đền, lầu hóa vàng, trồng thêm cây xanh…Qua đó, góp phần bảo vệ di tích gốc, tạo diện mạo mới về cảnh quan, môi trường và gìn giữ những giá trị văn hóa truyền thống tại di tích.

Tu bổ, tôn tạo Đền thờ Vua Lê Thái Tông năm 2018

Ngày nay, di tích lịch sử Văn bia Quế Lâm ngự chế- Đền thờ Vua Lê Thái Tông đã và đang trở thành một địa chỉ quen thuộc trong công tác giáo dục truyền thống “hướng về cội nguồn” gắn với đời sống văn hóa tâm linh của đông đảo nhân dân và du khách thập phương. Đến di tích lịch sử Văn bia Quế Lâm ngự chế và Quế Lâm linh từ thắp nén nhang thơm tưởng nhớ công đức của Vua Lê Thái Tông, du khách gửi lòng mình vào chốn linh thiêng để cảm nhận sự bình yên, càng tự hào và thêm yêu quê hương, đất nước.

Khai mạc Lễ hội Đền thờ Vua Lê Thái Tông năm 2015

Các đại biểu dự khai mạc Lễ hội Đền thờ Vua Lê Thái Tông năm 2015

 

 

 

 

 

Phạm Văn Tuấn – Phòng Nghiệp vụ Bảo tồn Bảo tàng

 



[1] Nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch

[2] Năm 1440 và năm 1441

[3] Nay là huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La

[4] Tiếng Thái gọi là thẳm Báo ké nghĩa là hang Trai già

[5] Nay thuộc tổ 3, phường Chiềng Lề, thành phố Sơn La

[6],7 Một cửa chính ở giữa, hai cửa phụ 2 bên

 

 


Các tin khác:
Thông báo (25/02/2025 07:50)

Thống Báo

Liên Kết Website

Video - Sự Kiện

Không có video - Upload lại link

Thống Kê

Hôm nay : 278
Hôm qua : 190
Tháng này : 21300
Tổng truy cập : 3968848
Đang trực tuyến : 1