Hiện vật bảo tàng trước hết phải là những hiện vật gốc của lịch sử tự nhiên - xã hội, được lấy ra trực tiếp từ hiện thực xung quanh ta, vì vậy nó có tính khách quan và tính chân thực lịch sử. Một hiện vật gốc bao giờ cũng tồn tại 2 mặt: mặt bộc lộ bên ngoài được gọi là hình thức của hiện vật, như hình dáng, màu sắc, kích thước, chất liệu, kỹ thuật chế tác… còn mặt kia ẩn chứa bên trong của hiện vật, bao hàm nội dung lịch sử, thông tin khoa học được xem là linh hồn của hiện vật. Khi chúng ta nghiên cứu, khai thác cả hình thức và nội dung lịch sử hiện vật tức là chúng ta đã làm cho hiện vật sống lại với thời kỳ hoặc một giai đoạn lịch sử trong quá khứ mà nó tồn tại. Tuy nhiên, để một hiện vật gốc trở thành hiện vật bảo tàng đòi hỏi những điều kiện nhất định.
Thứ nhất hiện vật phải có giá trị chân thực, phải là vật có thực trong hoàn cảnh lịch sử nào đó, nó không thể giả mạo được.
Thứ 2 chứa đựng giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học hoặc giá trị nghệ thuật, nó khác với hiện vật thông thường.
Thứ 3 hiện vật gốc phải có hồ sơ khoa học, pháp lý kèm theo. Nếu không có hồ sơ pháp lý, không được ghi chép nội dung lịch sử một cách đầy đủ, không đảm bảo chân thực, chuẩn xác thì hiện vật đó cũng chỉ là một thứ vô tri vô giác, không đủ điều kiện để nhập vào kho cơ sở và sổ kiểm kê bước đầu, đánh số hiện vật, không có tính pháp lý.
Đã gọi là hiện vật bảo tàng đều có các thuộc tính chung đó là thuộc tính thông tin, thuộc tính biểu cảm (gây xúc động), thuộc tính hấp dẫn và có khả năng bảo quản lâu dài. Trong đó, thuộc tính thông tin quan trọng nhất, là tiêu chuẩn để xem nó có phải là hiện vật bảo tàng hay không? Qua thông tin hiện vật biểu hiện bên ngoài như hình dáng, kích thước, chất liệu, kỹ thuật chế tác, công dụng và những thông tin biểu hiện bên trong gắn với sự kiện lịch sử tự nhiên, xã hội. Những thông tin này không có một loại tài liệu nào thay thế được.
Thuộc tính gây xúc động được thể hiện tương quan giữa tính vật chất của tư liệu gốc và nội dung bên trong, nó toát lên giá trị lịch sử, quý hiếm, lạ mà chúng ta không thể thấy ở nơi nào khác ngoài hiện vật bảo tàng, gây xúc động đối với người nghiên cứu và khách tham quan. Trong đó đáng chú ý nhất là những hiện vật có tính lưu niệm gắn với cuộc đời, sự nghiệp của các vĩ nhân, các sự kiện có tính chất xúc động mạnh đối với những ai khi tiếp xúc với hiện vật đó. Ví dụ những hiện vật gắn liền với cuộc đời, sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh như đôi dép cao su, áo caky, máy đánh chữ… là những hiện vật có sức lôi cuốn, gây xúc động đối với người xem về đức tính giản dị, kiêm nhường và sự hy sinh to lớn của Bác đối với lịch sử dân tộc.
Thuộc tính hấp dẫn thể hiện ở đặc điểm bên ngoài và sự quý hiếm, những hiện vật độc bản, đặc sắc, ví dụ những tác phẩm nghệ thuật tạo hình độc bản (Tác phẩm hội họa “Nàng Mona Lisa” của Đại danh họa người Ý Leonardo da Vinci, ngai vàng, ấn bằng vàng của các triều đại phong kiến Việt Nam…)
Thuộc tính khả năng bảo quản lâu dài: Các hiện vật bảo tàng được cấu tạo bằng nhiều chất liệu khác nhau, do vậy cần phải nắm các loại đặc tính hiện vật như chất liệu, kỹ thuật chế tác…nhằm xây dựng chế độ bảo quản phù hợp phục vụ cho quá trình nghiên cứu khoa học và giáo dục phổ biến tri thức khoa học lâu dài.
Tóm lại, hiện vật bảo tàng là nguồn nhận thức trực tiếp, cảm tính cho nhận thức của con người, tiêu biểu về văn hóa vật chất và văn hóa tinh thần do con người sáng tạo ra trong quá trình lịch sử cùng những hiện vật về thế giới tự nhiên xung quanh. Hiện vật bảo tàng được sưu tầm, bảo quản nhằm phục vụ cho công tác nghiên cứu, trưng bày và giáo dục khoa học. Nghiên cứu khoa học dựa trên cơ sở hiện vật gốc là đặc trưng quan trọng nhất trong công tác bảo tàng, nhằm mục đích đưa kết quả nghiên cứu ra trưng bày. Nếu như chỉ dừng lại ở nghiên cứu khoa học, không đưa kết quả đó ra trưng bày thì không được phát huy tác dụng. Do đó, bảo tàng là một trong những cơ quan có thể đáp ứng được yêu cầu cung cấp tư liệu cho các ngành khoa học khác.
Với vị trí nguồn sử liệu đặc biệt, hiện vật gốc là cơ sở vật chất đầu tiên đặt nền tảng để xây dựng trưng bày bảo tàng, chi phối tất cả các khâu trong hoạt động của bảo tàng, điều đó được thể hiện:
- Hiện vật bảo tàng giữ vai trò quyết định phạm vi, nội dung, cấu trúc của trưng bày. Từ việc nghiên cứu các tài liệu, hiện vật bảo tàng (hiện vật đã có, khả năng sẽ có) mới hình thành các bộ sưu tập hiện vật để xây dựng nội dung trưng bày. Trên cơ sở đó, xác định quy mô và giải pháp mỹ thuật được sử dụng trong trưng bày. Tùy vào số lượng, chất lượng tài liệu, hiện vật gốc (nghĩa là sự phong phú và mức độ quý giá, hiếm có của hiện vật) để định hướng nội dung cho từng cuộc trưng bày. Phạm vi, kết cấu nội dung của trưng bày sẽ được thể hiện qua “kế hoạch trưng bày”, từ đó biết được quy mô trưng bày (bao gồm diện tích, không gian trưng bày). Ngược lại, số lượng tài liệu, hiện vật gốc nghèo nàn thì việc tạo ra giải pháp trưng bày sẽ bị đơn điệu, nhàm chán, hoặc sẽ bị sân khấu hóa, nặng nề về kiểu dáng, các phương tiện trưng bày xa lạ với nguyên tắc của bảo tàng học.
Trong bảo tàng, hiện vật trưng bày gồm 2 nhóm (hiện vật gốc và hiện vật phục chế, kèm theo các tài liệu khoa học phụ). Trong đó, hiện vật gốc luôn giữ vai trò đặc biệt quan trọng, nó được xem là xương sống của các trưng bày bảo tàng. Các tài liệu, hiện vật gốc thường được bố trí ở diện chính, vị trí trung tâm, hay những điểm chốt quan trọng của cả hệ thống trưng bày. Các tài liệu hiện vật gốc sẽ chi phối các hiện vật trưng bày khác cả giá trị trưng bày, bố cục trưng bày và cả những thông tin của các tài liệu, hiện vật trưng bày. Các hiện vật phục chế và tài liệu khoa học phủ để phục vụ trưng bày đều có chung nhiệm vụ là bổ sung thông tin, minh họa hoặc tạo ra mối quan hệ phù hợp với tài liệu, hiện vật gốc.
Muốn tìm hiểu, nhận thức đúng quá trình phát sinh, phát triển của sự vật, hiện tượng trong tự nhiên và xã hội, cần thông qua việc nghiên cứu các nguồn sử liệu trong bảo tàng, các bộ sưu tập hiện vật được trưng bày, giới thiệu và bảo quản trong kho cơ sở của bảo tàng.
- Đối với chức năng giáo dục trong bảo tàng, thông qua trưng bày thì vai trò của hiện vật bảo tàng càng được thể hiện rõ hơn, vì trưng bày là ngôn ngữ của bảo tàng. Giáo dục trong bảo tàng là hình thức giáo dục trực quan sinh động, hiện vật bảo tàng giúp cho nhận thức từ cảm tính, trực quan sinh động đến tư duy trừu tượng và thực tiễn. Như vậy, thực chất của việc giáo dục khoa học trong bảo tàng là giáo dục thông qua các bộ sưu tập hiện vật bảo tàng.
Ngày nay, cùng với sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật nói chung và bảo tàng học nói riêng, cho phép người ta sử dụng phương pháp liên ngành trong nghiên cứu và ứng dụng khoa học. Thực tế đó càng tạo điều kiện cho trưng bày bảo tàng áp dụng các loại hiện vật vào các trưng bày nhưng dù có rộng rãi đến mức nào đi chăng nữa thì các hiện vật gốc vẫn vẫn giữ vai trò, vị trí quan trọng nhất trong trưng bày và giáo dục khoa học. Do đó, chất lượng khoa học của trưng bày tùy thuộc vào các hiện vật bảo tàng, tỷ lệ hiện vật gốc càng nhiều thì giá trị khoa học của trưng bày càng cao, hiện vật gốc càng phong phú thì tính ổn định và tính lâu dài của trưng bày càng được đảm bảo.
Tài liệu tham khảo:
1. Bảo tàng cách mạng Việt Nam (1997), “Sự nghiệp Bảo tàng – những vấn đề cấp thiết”, Nxb Lao động, Hà Nội.
2. Đại học Văn hóa Hà Nội (1990) “Cơ sở bảo tàng học”
3. PGS-TS Nguyễn Thị Huệ (2005) “Lược sử sự nghiệp Bảo tồn - Bảo tàng Việt Nam từ năm 1945 đến nay”, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội.
Phạm Văn Tuấn – Phòng Nghiệp vụ Bảo tồn Bảo tàng