Một con phố nhỏ mang tên Mai Đắc Bân tại phường Quyết Thắng, nơi đặt trụ sở của Hội Văn học nghệ thuật, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh Tỉnh. Khéo thay người đã đặt tên cho con phố nhỏ này, nó cũng lặng lẽ, âm thầm như người tù cộng sản ở ngục Sơn La năm xưa, hiến trọn cả tuổi trẻ ươm mầm xuân cho đất trời Tây Bắc. Sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo ở xã Thanh Bình, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam. Năm 1926, Mai Đắc Bân tham gia phong trào chống Pháp của Việt Nam Quốc dân Đảng, sau khởi nghĩa Yên Bái, ông bị kết án tù trung thân khổ sai tại Hỏa Lò, Hà Nội, sau đó đày lên nhà tù Sơn La. Là một trong những người chịu án tù ở Sơn La lâu nhất (1933 – 1943), ông được tiếp xúc với nhiều thế hệ tù chính trị như: Trường Chinh, Nguyễn Lương Bằng, Hoàng Đình Giong, Đặng Việt Châu, Văn Tiến Dũng, Nguyễn Văn Trân… là người đôn hậu, đầy lòng vị tha, sẵn sàng giúp đỡ anh em lúc khó khăn, Mai Đắc Bân luôn được mọi người kính trọng, thường gọi ông là “se (cher) Bân”. Ông luôn hòa mình vào các phong trào đấu tranh của tù chính trị, từ đó đã tiếp thu đường lối cách mạng chân chính, tự ly khai khỏi Quốc dân Đảng để trở thành đảng viên Đảng cộng sản từ năm 1939. Ông luôn lạc quan, yêu đời (mặc dù bụng bị báng to, mọi người thường gọi đùa ông là “cái dó mẹ”), lại nói tiếng Thái rất tốt nên được chi bộ giao nhiệm vụ xây dựng cơ sở cách mạng bên ngoài nhà tù. Ông chính là người đầu tiên tiếp xúc và giới thiệu với chi bộ các thanh niên ưu tú như: Lò Văn Giá, Cầm Văn Thịnh, Lò Văn Phụi để tiến tới thành lập Tổ thanh niên cứu quốc Mường La (10/1942). Một trong những đóng góp lớn của ông là việc chuẩn bị cho cuộc vượt ngục do chi bộ nhà tù tổ chức vào tháng 8/1943. Trong giờ phút chia tay đầy lưu luyến giữa những người tù chính trị tại nhà ngục Sơn La đêm hôm ấy, những người đồng chí thân thiết đã dành cho ông những lời lẽ chan chứa tình cảm: “... và đây, đêm cuối cùng trong nhà ngục Sơn La, tất cả mấy anh đều không ngủ được. Riêng anh Hiểu (Lưu Đức Hiểu - TG) hai tay ôm hai anh Bân và Rô nằm cạnh. Bên phải là anh Mai Đắc Bân - “sê Bân”, quê ở Hà Nam, người anh hơn hẳn về tuổi đời, người đồng chí từ Việt Nam Quốc dân đảng chuyển sang, người đã mang án chung thân khổ sai, đã từng bị giam cầm đày đọa ở đây cùng với anh Sao Đỏ hơn 10 năm nay, người tù nói được tiếng Thái nhanh như người Thái mà bà con người Thái hầu khắp các bản quanh thị xã đều quen biết coi như anh em đồng hương thân thiết, người cán bộ rất tận tụy, trung thực,
chuyên mua bán hàng hóa cho ban cứu tế và Ban kinh tế nhà tù, người đã tuyên truyền giác ngộ đầu tiên các anh thanh niên học sinh Lò Văn Giá, Cầm Văn Thịnh, Lò Văn Phụi. Giới thiệu cho chúng tôi rồi cùng chúng tôi bàn bạc, xây dựng nên tổ thanh niên cứu quốc Thái đầu tiên ở thị trấn Mường La, người đã giúp đỡ rất nhiều vào việc mua thẻ thuế thân và quần áo người Thái chuẩn bị cho cuộc vượt ngục. Anh Bân thân yêu! Kỷ niệm giữa anh và chúng tôi không bao giờ phai lạt: Sớm mai đây chúng ta sẽ xa nhau, anh sẽ đi Côn Đảo. Chúng tôi sẽ cố gắng vượt ngục ra ngoài hoạt động. Sự nghiệp cách mạng còn dài. Không biết bao giờ chúng ta mới gặp lại nhau...”[1].
Sau cuộc vượt ngục lịch sử, Mai Đắc Bân là người thu thập tin tức bên ngoài cho chi bộ nhà tù để tìm cách đối phó với sự khủng bố, đàn áp của kẻ thù. Đến cuối năm 1943, ông bị đưa ra giam tại Côn Đảo. Tại đây, ông tiếp tục gắn bó với nhiều đồng chí như Tôn Đức Thắng, Phạm Hùng, Lê Văn Lương, Nguyễn Thọ Chân, Trần Xuân Độ, Phan Trọng Tuệ, Mai Chí Thọ…Sau cách mạng tháng Tám, năm 1945 ông cùng toàn thể tù chính trị tại Côn Đảo được tự do, trở về hoạt động cách mạng sau 15 năm giam cầm. Trong thời gian đầu của cuộc kháng chiến ông phụ trách công tác tiếp tế của Khu 9 (tây Nam Bộ), năm 1950 ông được điều động ra Bắc, làm Trưởng ban tiếp tế Khu III, Chính trị viên bệnh viện Khu III. Năm 1954 là Giám đốc khu điều dưỡng Khu III, năm 1955 là Chính trị viên bệnh viện Việt Đức Hà Nôi. Năm 1957 là Trưởng phòng y tê Nhà máy dệt Nam Định, năm 1961 Được điều động về Văn phòng Trung ương Đảng, nhận nhiệm vụ Trưởng phòng sinh hoạt. Ông công tác tại đây cho đến lúc nghỉ hưu vào 1971.
Trong suốt cuộc đời cách mạng, Mai Đắc Bân phải chịu đựng 15 năm khổ sai trong nhà tù đế quốc, trong đó có 10 năm ở ngục Sơn La, gắn bó cùng đồng chí, đồng bào nuôi dưỡng những hạt nhân đầu tiên cho cách mạng. Những năm tháng khốc liệt đó đã tôi luyện ông thành một con người gang thép, tuyệt đối trung thành với lý tưởng đã chọn. Với những cống hiến to lớn của mình, Mai Đắc Bân được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng 2.
Hà Ngọc Hòa
Hội KHLS Sơn La