Đường dây nóng: 0212.3850221

Di tích lịch sử Đồn Pom Pát

Cập nhật: 04:33:00 06 / 05 / 2020
Lượt xem: 2018

DI TÍCH LỊCH SỬ ĐỒN POM PÁT

Năm 1950, Trung ương quyết định mở chiến dịch biên giới, tấn công các vị trí xung yếu trên đường số 4 (Lạng Sơn - Cao Bằng). Địch phải rút quân ở Sơn La và một số nơi khác để tiếp viện cho mặt trận biên giới. Tại Sơn La, số quân còn lại chủ yếu là lính nguỵ, tinh thần giảm sút, địch phải rút quân khỏi một số đồn lẻ, co lại để củng cố, không còn đủ lực lượng để tiến hành những cuộc khủng bố, càn quét lớn.

Từ giữa năm 1950, theo chủ trương của Huyện uỷ Mường La, toàn bộ lực lượng cán bộ địa phương hoạt động ở hầu hết các cơ sở tiêu biểu ở Nặm Khắt, Hiếu Trai, Ngọc Chiến phối hợp với cán bộ nằm vùng để gây lại cơ sở ở các xã khu tả ngạn huyện Mường La. Các lực lượng vũ trang của ta đã chặn đánh nhiều cuộc càn quét của địch, tổ chức phục kích gây cho địch nhiều hoang mang và thiệt hại lớn. Về phía địch, cuối năm 1950, đầu năm 1951 sau khi bị mất nhiều vị trí quan trọng ở tuyến biên giới Việt - Trung. Thực dân Pháp đã ra sức củng cố và tăng cường lực lượng, cố gắng giữ vững Tây Bắc từ Lai Châu về Sơn La, bổ xung thêm quân lính tăng cường xây dựng hệ thống công sự, lập thêm nhiều đồn bốt dọc các tuyến giao thông quan trọng và lập nhiều phòng tuyến tả ngạn Sông Đà. Tại xã Ít Ong huyện Mường La chúng cho lập căn cứ quân sự vững chắc trên đồi Pam Pát (Trung tâm huyện lỵ Mường La). Mặt đồi Pom Pát bằng phẳng, có độ cao khoảng 45m với đường quốc lộ, có chiều dài 200m, chiều rộng 50m, tại đồn này chúng cho xây dựng nhiều khu, khu 1 là trại lính, có hàng rào dây thép gai, khu 2 là khu công sự chiến đấu, ở đây được xây dựng tường bảo vệ, xung quanh quả đồi có chiều dài 175m, chiều rộng 45m, vật liệu xây dựng là đá cuội, tường có độ dày 0,80m, chiều cao là 3,2m, phía trên được chắn dây thép gai lô cốt chỉ huy xây dựng giữa quả đồi, có chiều dài là 9 m, chiều rộng là 7m hầm chỉ huy được xây dựng rất kiên cố. Với địa hình ở đây thực dân Pháp có thể bao quát toàn bộ, khống chế tất cả các con đường: Đường từ Phú Thọ, Yên Bái về Sơn La, Từ căn cứ địa cách mạng Hua Trai ra, từ đầu Sông Đà - Lai Châu xuống và từ tỉnh lỵ Sơn La vào. Với vị trí của đồn có tầm chiến lược quan trọng như vậy thực dân Pháp đã bố trí ở đây với lực lượng 2 địa điểm trong đó có 10 quan Pháp làm cố vấn.

          Sau khi thực dân Pháp tiến hành xây dựng và củng cố lực lượng ở đồn Pom Pát chúng đã mở nhiều cuộc càn quét ở các khu căn cứ, khu du kích của ta ở vùng tả ngạn Sông Đà, tiến hành dồn dân, lập vành đai trắng, gây những khó khăn mới cho lực lượng kháng chiến của ta trong toàn tỉnh. Tại Mường La, đầu năm 1951 cơ sở kháng chiến của ta vẫn tiếp tục được phục hồi, phát triển cả khu tả ngạn và hữu ngạn. Cơ sở Đảng tại Mường Chùm đã được củng cố, trở thành chi bộ nòng cốt của huyện, thanh niên Mường Chùm hăng hái tham gia vào bộ đội chủ lực, tham gia kháng chiến. Tháng 10/1952 khi quân Pháp cho máy bay bắn phá bản Hồng (Mường Chùm) đây là đầu mối liên lạc giữa hữu ngạn và tả ngạn, với âm mưu tiêu diệt đơn vị chủ lực của ta đóng quân tại đây. Du kích bản Hồng đã đưa bộ đội sang sông an toàn. Ở vùng tả ngạn Mường La, quần chúng cũng hăng hái tham gia ủng hộ kháng chiến. Lúc này, Ngọc Chiến đã được giải phóng, lực lượng du kích phát triển mạnh, tăng cường cho Mường La.

Tháng 4/1951, bộ đội huyện phục kích địch trên đường Ít Ong - Ngọc Chiến, buộc địch phải rút lui. Tháng 5/1951 ta bất ngờ tập kích vào một vọng gác ở bản Na, địch bỏ chạy, ta thu được nhiều vũ khí và quân trang. Tháng 5/1951 lực lượng vũ trang Mường La phối hợp với bộ đội Than Uyên (Nghĩa Lộ) tập kích đồn Nặm Khắt, địch tháo chạy, ta thu được một số chiến lợi phẩm.

Trước sự phát triển của lực lượng kháng chiến Mường La, thực dân Pháp đã tìm mọi thủ đoạn để tiêu diệt phong trào cách mạng chúng điên cuồng tàn sát đồng bào, đốt phá làng bản, đảng viên, một số cơ sở Đảng bị phá vỡ.

Trước tình hình nghiêm trọng đó, tháng 12/1951 Ban chấp hành liên khu uỷ Việt Bắc đã chỉ thị cho Tỉnh uỷ Sơn La về công tác hậu địch, chuyển hướng hoạt động, sử dụng những hình thức khéo léo chắp nối với các đảng viên, quần chúng trung kiên, bám sát dân để gây dựng lại cơ sở cách mạng.

Tiếp đó hội nghị Tỉnh uỷ Sơn La từ ngày 25 đến ngày 30/12/1951 đã rút kinh nghiệm về công tác hậu địch của tỉnh.

Thực hiện chỉ thị của Liên khu uỷ và sự chỉ đạo của Tỉnh uỷ, đầu năm 1952 công tác hậu địch của tỉnh Sơn La nói chung và Mường La nói riêng đã có bước chuyển biến, phong trào kháng chiến một lần nữa vượt qua giai đoạn khó khăn ác liệt, các cơ sở cách mạng dần được phục hồi.

Năm 1952, sau những thắng lợi của ta ở các chiến trường, đồng bằng, trung du Bắc Bộ. Trung ương Đảng chủ trương chuyển hướng tiến công của bộ đội chủ lực sang Tây Bắc. Ngay từ tháng 4/1952, Bộ chính trị Trung ương Đảng quyết định mở chiến dịch Tây Bắc nhằm tiêu diệt sinh lực địch, giải phóng đồng bào các dân tộc Tây Bắc, giải phóng một vùng đất rộng lớn của Tây Bắc.

 Để chuẩn bị chiến dịch Tây Bắc, dưới sự chỉ đạo của Tỉnh uỷ Sơn La nhân dân các dân tộc Mường La đã tích cực đóng góp sức người, lương thực, thực phẩm cung cấp cho bộ đội. Thanh niên Mường La đã hăng hái gia nhập lực lượng vũ trang để chiến đấu giải phóng quê hương.

Tháng 10/1952, một đơn vị bộ đội chủ lực do Trung ương điều lên Tây Bắc đã bố trí sẵn sàng. Ngày 14/10/1952 chiến dịch Tây Bắc đã bắt đầu.

Trong đợt I: Bộ đội ta tấn công phân khu Nghĩa lộ và tiểu khu Phù Yên. Sau khi thắng lợi tại Nghĩa Lộ các trung đoàn 209, 165 thuộc đại đoàn 312 đã tiêu diệt các đồn địch trên đường tiến quân, đuổi địch về tận đồn Pom Pát - Mường La. Các chiến sĩ thuộc đại đoàn 312 đã xung kích liên tục 4 ngày đêm diệt và làm tan dã nhiều lực lượng địch, bắt sống gần địch và nhiều tên tay sai khác. Du kích Mường La đã cùng với đội du kích Cao Pha ở Văn Chấn (Yên Bái) phối hợp với bộ đội tiêu diệt địch.

Tại tả ngạn thuộc Mường La, ngày 20/10/1952 một mũi tên tiến công của tiểu đoàn 115 (Thuộc sư đoàn 308) do đồng chí Nguyễn Ngọc Châu chỉ huy, xuất phát từ xã Ngọc Chiến lúc 4 giờ sáng tiến ra đánh đồn Pom Pát, địch bỏ chạy, đồn Pom Pát được giải phóng.

Di tích lịch sử đồn Pom Pát là một bằng chứng tố cáo tội ác của thực dân Pháp và chứa đựng giá trị lịch sử tiêu biểu cho cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp trường kỳ gian khổ và anh dũng của dân tộc ta. 

Lò Văn Thanh - Phòng NV Bảo tồn - Bảo tàng

 

 

 

 

 

 

 


Các tin khác:

Thống Báo

Liên Kết Website

Video - Sự Kiện

Không có video - Upload lại link

Thống Kê

Hôm nay : 336
Hôm qua : 302
Tháng này : 19771
Tổng truy cập : 3720898
Đang trực tuyến : 2