Đường dây nóng: 0212.3850221

Trang phục của phụ nữ H Mông bản Bó Mon, huyện Yên Châu (ngành H Mông Hoa)

Cập nhật: 04:33:09 06 / 05 / 2020
Lượt xem: 2240

            Trang phục dân tộc ra đời cùng với sự hình thành và phát triển của dân tộc H'mông. Từ xa xưa nhu cầu mặc, ngủ ấm, làm đẹp cũng là một việc làm không thể thiếu trong đời sống thường ngày của bà con. Hiện nay vào những ngày lễ, ngày hội, ngày cưới bà con vẫn có nhu cầu mặc trang phục truyền thống, đặc biệt là những người cao tuổi rất trân trọng trang phục truyền thống, hơn nữa theo tập tục: Khi về già mọi người cần có trang phục cổ truyền để về với tổ tiên. Trang phục của phụ nữ H'mông xã Tú Nang, huyện Yên Châu vẫn còn giữ được nhiều nét văn hoá truyền thống. Trang phục của phụ nữ, đàn ông, trẻ em hoặc những đồ dùng liên quan đến vải đều do phụ nữ đảm nhiệm.

            Trẻ em gái dân tộc H'mông ngay từ khi 7 đến 8 tuổi đã được mẹ hướng dẫn cách dệt vải, may, ghép vải màu trang trí, thêu các hoa văn truyền thống... Để đến khi lấy chồng sẽ may được từ 8 đến 15 chiếc váy làm của hồi môn, làm quà tặng bố mẹ chồng. Những chiếc váy, áo được cắt khâu, thêu và ghép vải màu thể hiện đức tính chăm chỉ, khéo léo của người phụ nữ. Với sự cần cù và trí tưởng tượng phong phú, phụ nữ H'mông đã trở thành người nghệ sĩ tạo nên những tác phẩm nghệ thuật độc đáo và đây cũng là tiêu chí của đàn ông khi đi tìm vợ.

             Hoa văn trên trang phục của người H'mông chủ yếu là hoa văn hình học, như: hình chữ nhật, hình vuông, hình thoi, hình răng cưa... Những mô típ hoa văn được hình thành dưới đôi bàn tay khéo léo, tài tình của người phụ nữ. Màu sắc được thêu trên váy là màu xanh, đen, vàng, trắng... Đặc biệt màu đỏ giữ vị trí chủ đạo. Khi thêu, trí tưởng tượng của phụ nữ H'mông khá phong phú, họ không có hình mẫu mà vẫn thêu được những họa tiết đẹp, lạ mắt. Đặc biệt là kỹ thuật ghép vải màu để tạo hoa văn khá độc đáo, hấp dẫn. Khi thêu, họ còn tính toán từng đường kim mũi chỉ, kích thước trên toàn bộ hoa văn trên mảnh vải vì chỉ cần nhầm một mũi kim là lại phải gỡ ra làm lại.

            Trang phục truyền thống của phụ nữ H'mông gồm:

            1. Áo (tiếng H'mông là so): áo may xẻ nách cài khuy dầy đặc ở hai bên sườn (khoảng 15 chiếc cúc và khuy áo) khuy cài tết bằng chỉ đỏ rồi khâu vào áo trông vừa đẹp lại rất bền, nẹp áo ngang ngực ghép trang trí các đường vải màu xanh, đỏ, vàng vải màu tuỳ thích. Hai ống tay áo may bó sát lấy cánh tay, thường được thêu hoa văn và ghép vải màu thành những đường vằn ngang với đủ màu sắc từ nách đến cổ tay. Đây là nơi hoa văn tập trung nhiều nhất làm nổi bật chiếc áo của người H'mông. Những người cẩn thận thường may áo hai lớp vải để khi mặc ấm vào mùa đông nhưng lại mát vào mùa hè.

            2. Váy (tiếng H'mông gọi là Ta): Váy của phụ nữ H'mông là váy mở, có nhiều nếp gấp (khoảng hơn 100 nếp gấp). Các nếp gấp được tạo bằng cách: dùng chỉ khâu mũi to thật đều rồi kéo rút thật chặt như gấp quạt, một chiếc váy tạo khoảng 5 đường chỉ như vậy, để vài ba năm khi sử dụng mới đem tháo các đường chỉ tạo nếp, khi xòe ra chiếc váy mềm mại như cánh hoa. bó chặt để Phần cạp váy khâu xếp lại cho vừa một vòng bụng và có hai dây để buộc. Trên nền váy may những sợi chỉ to với nhiều màu. Phần thêu hoa văn được thực hiện ở giữa váy trên một tấm vải lanh rộng 24cm, đây là phần cầu kỳ nhất của bộ váy. Với người H'mông hoa, sau khi đã dệt thành vải thì họ sẽ vẽ sáp ong lên vải trắng những đường hoa văn hình học theo ý muốn sau đó mới đem nhuộm chàm. Họ kết hợp cả ba kỹ thuật là thêu, vẽ sáp ong và ghép vải để tạo nên những họa tiết trên nền y phục. Trên nền váy chàm, hoa văn được thêu, in và ghép từng tấm thật ấn tượng và độc đáo. Phần thêu hoa văn được thực hiện ở nửa dưới của váy.

            Họ thêu hoa văn không cần mẫu, chỉ thêu thường dùng sợi tơ tằm có độ bền cao và giữ được màu, hiện nay họ thay thế chỉ thêu bằng các sợi len màu có bán trên thị trường, vì vừa rẻ, dễ mua lại giảm bớt thời gian làm việc và cũng chính vì văn hoá giao thoa với dân tộc khác.

            3. Yếm (tiếng H'mông là sế): Yếm là một miếng vải để che phần hở của váy, nó là vật để trang trí cho trang phục của phụ nữ thêm duyên dáng, không những thế  nó còn thể hiện ý tứ, sự kín đáo của phụ nữ. Yếm cắt hình chữ T và phần trang trí hoa văn ghép vải màu, mô típ hoa văn hình thành trên cơ sở sợi ngang, ghép vải màu những đường vằn ngang. đây là nét văn hoá độc đáo riêng biệt của dân tộc H'mông  

            4. Sà cạp (tiếng H'mông là rông)

            Sà cạp là một mảnh vải được cắt xéo dài khoảng hơn 1m, hình tam giác lệch. Dân tộc H'mông mặc váy ngắn, nên chân thường quấn sà cạp để bảo vệ đôi chân không bị  cây que cào sước và một phần cũng là để làm đẹp thêm cho trang phục của người phụ nữ và thích nghi với cuộc sống trên các vùng núi cao vào mùa đông giá lạnh.

            Người H'mông rất gắn bó với trang phục truyền thống. Hàng ngày, dù lạnh dù nóng, làm gì ở đâu như, nấu nướng, xay ngô, trông em hay tham gia các trò chơi dân gian... mọi người vẫn mặc trang phục truyền thống, ít khi vận mượn của dân tộc khác. ngày thường có thể mặc áo quần mộc mạc, nhạt màu, ít hoa văn và không đeo nhiều trang sức, nhưng đi hội thì phải thật lộng lẫy, có bao nhiêu áo váy, vòng bạc đều diện hết.

            Áo quần khi thay ra giặt được treo trên sào ngay ngoài cửa hoặc các mỏm đá. Áo, quần cần cất đi được cuộn trái lại rồi buộc dây và gác lên sà nhà hoặc cất giữ trong hòm gỗ.

            Ngày nay trong xu thế hiện đại, nhưng trang phục của phụ nữ H'mông vẫn giữ được nét văn hóa truyền thống đậm đà bản sắc dân tộc, nổi bật là nghệ thuật tạo hình trên nền trang phục được phụ nữ H'mông lưu giữ, bảo tồn và phát huy. Sự tài tình của người H'mông chính là họ có thể làm ra những bộ trang phục của dân tộc mình bằng chính nguyên liệu thiên nhiên là cây lanh. Trồng cây lanh dệt vải để làm ra trang phục là công việc hết sức vất vả và cầu kỳ, nó đòi hỏi sự khéo léo và kiên trì của những phụ nữ H'mông.

            Không những thế, người phụ nữ khi đã làm mẹ còn có nghĩa vụ dạy bảo con gái trồng lanh dệt vải và thêu ghép hoa văn. Trẻ em H'mông được hướng dẫn làm công việc này từ khi còn rất nhỏ. Và những bộ trang phục đậm sắc màu thổ cẩm được hình thành theo năm tháng nhọc nhằn của người phụ nữ H'mông.

            Khi gặp phụ nữ Mông Hoa, ngoài bộ váy, áo thêu hoa sặc sỡ nhiều màu sắc, điều đặc biệt chú ý là họ có một vành tóc rất to và nặng ở trên đầu. Búi tóc của người phụ nữ Mông Hoa được quan tâm ngay khi còn nhỏ. Những bà mẹ mỗi khi chải tóc cho các cô con gái họ đều chú ý lượm và giữ lại những sợi tóc rụng của con mình. Những sợi tóc đó được người mẹ cất vào một chỗ, khi gom được khá nhiều sợi tóc rụng cùng với sự lớn dần lên của những cô con gái, ngững lúc rảnh dỗi người mẹ đem ra trau chuốt, xe lại thành những sợi tóc to bằng ½ chiếc đũa.

            Khi đến tuổi trưởng thành các cô gái H'mông Hoa lấy búi tóc độn cùng với tóc thật chải, vấn thành một vành tóc thật to ở trên đầu; theo quan niệm của họ  người nào có búi tóc càng to thì càng đẹp và được nhiều người khen ngợi. Mái tóc của người Mông Hoa là một phần của văn hoá tộc người, cùng với tác dụng làm đẹp nó còn mang một ý nghĩa tinh thần và tình mẫu tử, giáo dục rất lớn. Ngoài tình cảm người mẹ dành cho con cái, việc làm thường xuyên nhẫn nại đó của người mẹ đã tác động rất lớn đến nhân cách con cái, là bài học về sự chăm chỉ, khéo léo mà bất cứ người phụ nữ H'mông nào cũng phải có.

Nguyễn Thị Hồng Phương

 


Các tin khác:

Thống Báo

Liên Kết Website

Video - Sự Kiện

Không có video - Upload lại link

Thống Kê

Hôm nay : 399
Hôm qua : 353
Tháng này : 26157
Tổng truy cập : 3761441
Đang trực tuyến : 3