Đường dây nóng: 0212.3850221

Khám phá di sản bãi đá khắc Khe Hổ, xã Hang Chú, huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La

Cập nhật: 04:33:33 06 / 05 / 2020
Lượt xem: 2724

Di tích bãi đá có vết khắc Khe Hổ nằm trong thung lũng hẹp và cắt xẻ sâu, thuộc bản Hang Chú, xã Hang Chú, cách huyện lỵ Bắc Yên 14,5km về phía Tây Bắc. Người dân nơi đây cho biết, ngày xưa, thung lũng có bãi đá khắc cổ là một vùng hoang vắng, hiểm trở, bao bọc bởi những dãy núi trùng điệp xung quanh. Ở giữa có dòng suối Hang Chú chảy qua và chỉ có một lối mòn duy nhất để người dân đi làm nương, lấy củi và hái măng rừng. Vào những đêm mưa to, gió lớn, xuất hiện nơi đây một con hổ ẩn nấp sau mái đá để phục bắt người và các con vật qua lại. Do đó, không ai dám bước chân tới đây, người dân trong vùng gọi đó là bãi đá Khe Hổ

Toàn cảnh bãi khắc đá cổ Khe Hổ

  1. Phát hiện và nghiên cứu

Di tích bãi đá Khe Hổ được nhân dân phát hiện và báo cho Bảo tàng Sơn La tổ chức khảo sát vào cuối năm 2011. Kết quả khảo sát bước đầu được thông tin trong Hội nghị Thông báo khảo cổ học toàn quốc tháng 9 năm 2012.

 

Báo cáo tham luận của Bảo tàng Sơn La tại Hội nghị Thông báo khảo cổ học toàn quốc, Hà Nội, tháng 9/2012

 

Tháng 5 - 2014, cán bộ Viện Khảo cổ học và Bảo tàng tỉnh Sơn La phối hợp tiếp tục điều tra, xác minh và nghiên cứu bãi đá khắc Khe Hổ với mục tiêu phát hiện mới các di tích khắc đá cổ, nghiên cứu niên đại, các loại hình hoa văn khắc trên đá. Đồng thời, đánh giá giá trị lịch sử văn hóa di tích Khe Hổ trong bối cảnh các bãi đá cổ đã phát hiện ở Việt Nam, làm cơ sở cho việc xây dựng Hồ sơ trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng.

 

PGS-TS Nguyễn Khắc Sử (Viện Khảo cổ học Việt Nam) và các cán bộ Bảo tàng tỉnh Sơn La, xã Hang Chú khảo sát bãi đá khắc cổ Khe Hổ, năm 2014

Trong đợt khảo sát này, đã phát hiện 9 hòn đá granite, bị phong hóa có vết khắc, phân bố trên bản đồ với 6 cụm[1]. Người xưa sử dụng kỹ thuật đục trực tiếp vào mặt đá, bằng một dụng cụ có đầu nhọn với độ cứng cao. Các vết đục rộng dài15cm, rộng 6,0cm, sâu trung bình 2,5cm - 3,0cm. Có một vài đặc điểm thống nhất là vết khắc được tiến hành do con người, bằng phương pháp thủ công, trực tiếp và không có hiện tượng khắc chồng đè lên nhau giữa các lần khắc. Điều này gợi ý rằng, các vết khắc ở đây là của một cộng đồng người, khắc trong một thời gian dài, liên tục và không có hiện tượng khắc chồng đè lên các lần khắc trước, hoặc cố tình khắc sửa vào các lầm khắc trước. Có thể người xưa đã khắc theo hình vẽ dự kiến trước.  

Các hình khắc Khe Hổ gồm các hình xoáy chôn ốc (lôi văn), các xoáy gấp khúc vuông (hồi văn), các hình lỗ vũm, các đường cong đều, các hình người nhảy múa, hình bàn chân hoặc đầu người. Các hình xoáy ốc ở đây cũng khá đa dạng và đặc trưng riêng cho Khe Hổ. Đó là các xoáy ốc độc lập, vòng xoáy chữ S đơn (một vòng), xoáy chữ S kép (nhiều vòng). Hai vòng xoáy ngược chiều nhau tạo hình chữ S kép (đối xứng lưỡng trục), hai vòng xoáy cùng chiều tạo hình chân con rết (đối xứng gương) hoặc nhiều hình xoáy liên kết nhau tạo chữ S chùm (đối xứng trục xoay). Các đường hồi văn ở đây đơn giản hơn, gồm các hình gấp khúc khép kín tạo hình vuông hoặc không khép kín tạo hình dích dắc. Ở Khe Hổ có mặt một số hình khắc mặt người, chân người đặc biệt là hình người trong các tư thế động (nhảy múa), dạng chân tay hoặc đứng nghiêng. Nhìn chung, những hình khắc này mang tính biểu tượng, ước lệ và chịu ảnh hưởng nhất định của nghệ thuật tạo hình thời Tiền - Sơ sử[2]

Motif gấp khúc (Hồi văn)

Motif gấp khúc vuông góc

 

2. Giá trị lịch sử - văn hoá và khoa học của di tích Bãi đá khắc Khe Hổ

- Giá trị khoa học:

Trong di sản văn hóa của nhân loại, loại hình mỹ thuật cổ xưa như chạm khắc đá cổ ở Khe Hổ luôn luôn có giá trị đặc biệt quan trọng trong nghiên cứu khoa học. Bởi vì, các di tích này này là sự kết tinh ở đỉnh cao kỹ thuật chạm khắc đá, tư duy, cảm nghĩ của con người bằng các chủ đề hiện thực phản ánh các hoạt động xã hội đã qua bằng các hình khắc, hoặc liên kết các hình khắc tạo nên “bức tranh” xã hội đương thời.

Di tích bãi khắc đá cổ Khe Hổ có ý nghĩa quan trọng trong việc nghiên cứu: Khảo cổ học, dân tộc học, văn hóa học và đặc biệt là mỹ thuật học. Từ di tích này và hệ thống các di tích bãi khắc đá cổ khác ở Việt Nam không chỉ cho phép chúng ta nghiên cứu đặc trưng, tính chất, niên đại, giá trị phản ảnh của các bức chạm khắc, mà còn góp phần tìm hiểu diễn trình phát triển mỹ thuật nước nhà trong lịch sử, một trong những ngành khoa học non trẻ, còn hạn chế rất nhiều ở nguồn tư liệu mỹ thuật tiền - sơ sử và lịch sử Việt Nam và Đông Nam Á.

- Giá trị lịch sử - văn hoá:

Di tích bãi khắc đá cổ Khe Hổ với những hình khắc vẽ mang tính biểu tượng, tính ước lệ cao, nhưng phản ánh những dấu ấn lịch sử và thành tựu văn hóa của con người về tự nhiên, về xã hội và về chính bản thân con người ở một lát cắt quan trọng của lịch sử, một khâu nối từ tiền - sơ sử đến lịch sử. Di tích khắc đá cổ Khe Hổ còn là kết quả hoạt động sáng tạo nghệ thuật tạo hình của con người trong điều kiện thiên nhiên cụ thể và của một cộng đồng người nhất định; phản ánh nhận thức cái đẹp, sáng tạo nghệ thuật trong quá trình lao động sản xuất, trong sinh hoạt cộng đồng và trong các mối liên hệ với các cộng đồng khác.

Cho đến nay, ở Việt Nam những di tích nghệ thuật khắc đá được biết còn khá ít về số lượng và loại hình khắc, nội dung còn đầy bí ẩn, hoặc bị xâm hại nghiêm trọng. Vì vậy, các di tích ở Khe Hổ sẽ đóng góp rất nhiều tư liệu cho việc nhận thức lịch sử văn hóa đại gia đình các dân tộc Việt Nam. Di tích đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng năm 2014.

Tài liệu tham khảo.

- Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Bắc Yên 2002. Lịch sử Đảng bộ huyện Bắc Yên tập 1 (1945-2000). Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội.      

- Ban Chấp hành Đảng bộ xã Hang Chú 2012. Lịch sử Đảng bộ xã Hang Chú, huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La (Bản thảo, tài liệu chưa xuất bản).

- Bảo tàng Sơn La 2014.Lý lịch di tích Bãi đá khắc Khe Hổ.

- Bùi Văn Mạnh, Phạm Văn Tuấn 2012. Phát hiện Bãi đá cổ tại xã Hang Chú, huyện  Bắc Yên, tỉnh Sơn La. Những phát hiện mới về khảo cổ học năm 2012, Hà Nội, tr.

- Nguyễn Khắc Sử, Phan Thanh Toàn, Phạm Duy Khương, Bùi Văn Mạnh, Nguyễn Đình Khương và Quàng Văn Toản 2014. Báo cáo kết quả điều tra, thám sát và nghiên cứu bãi khắc đá cổ Khe Hổ, xã Hang Chú, huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La. Tư liệu bảo tàng Sơn La.

 

Phạm Văn Tuấn – Phòng nghiệp vụ Bảo tồn Bảo tàng

 



[1]Lý lịch di tích Bãi đá khắc Khe Hổ (2014) tài liệu Bảo tàng Sơn La

[2] PGS-TS Nguyễn Khắc Sử, Phan Thanh Toàn (Viện Khảo cổ học Việt Nam), Phạm Duy Khương, Bùi Văn Mạnh, Nguyễn Đình Khương (Bảo tàng Sơn La), Báo cáo kết quả khảo sát di tích Bãi đá khắc cổ Khe Hổ (2014), tài liệu Bảo tàng Sơn La.

 


Các tin khác:

Thống Báo

Liên Kết Website

Video - Sự Kiện

Không có video - Upload lại link

Thống Kê

Hôm nay : 83
Hôm qua : 144
Tháng này : 1348
Tổng truy cập : 184643
Đang trực tuyến : 1