Đường dây nóng: 0212.3850221

Khắp Xư – Một làn điệu hát dân ca phổ biến của người Thái

Cập nhật: 04:33:45 06 / 05 / 2020
Lượt xem: 2399

KHẮP XƯ – MỘT LÀN ĐIỆU HÁT DÂN CA PHỔ BIẾN CỦA NGƯỜI THÁI

(Nghiên cứu tại huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La)

Dân ca là những thể loại hát dân gian được lưu truyền trong nhân dân từ đời này sang đời khác, hát dân ca là lời hát của đại đa số người dân lao động khi lao động sản xuất hoặc qua hội thi hát của thanh niên nam nữ. Có một điều mang tính phổ biến là hát dân ca không phân biệt tuổi tác, giới tính hay đẳng cấp, mà nó là tiếng hát được xuất phát từ văn nghệ dân gian của nhân dân lao động. Dân ca là những bài thường ở thể thơ là chính, nhưng không có tác giả vì nó là văn hóa dân gian, là tiếng hát trữ tình của người dân các vùng miền.

Khắp xư là thể loại hát dân ca phổ biến nhất trong tất cả các ngành Thái. Khắp xư có nghĩa là hát thơ, khắp xư có thể gợi cho ta nghĩ đến một thể “ngâm thơ” nào đó. Thực ra, chất lượng âm nhạc trong khắp xư đã có một vị trí cao hơn so với phần nhạc trong các thể ngâm của người Kinh. Do đó, người Thái gọi khắp có nghĩa là hát cũng đúng. Hơn nữa, xưa kia,thơ ca Thái được làm ra để hát để hát chứ không để đọc bằng mắt như ngày nay, mặc dù rất nhiều tác phẩm thơ dân ca dân gian đã được ghi chép vào các cuốn sách bằng chữ cổ .

Khắp xư có vài loại sau: Khắp xư ngoài tên gọi cho loại làn điệu, tên khắp còn dùng để chỉ một làn điệu chuyên dùng để hát lên một bài thơ, kể chuyện thơ (như Xống chụ Xon sao, khoam khắp Văn Hoan, Khun Lu Nàng Ủa...). Ngày nay các sáng tác thơ người Thái cũng được dựa vào làn điệu này. Làn điệu này đảm bảo hát lên từ đầu đến cuối một tác phẩm thơ ca. Không có chuyện đảo bố cục, nhưng có quyền thêm luyến láy ở đuôi mỗi câu hát để chuyển sang câu sau một cách nhịp nhàng vần điệu theo nhịp.

Tác phẩm hát thơ nổi tiếng nhất của Thái Mộc Châu là Khoam khắp Văn Hoan (thơ hát Văn Hoan) của tác giả Lường Quí - Vi Trọng Liên - Lường Văn Yệu) với độ dài  khoảng 60 trang gồm 2.568 câu đã được nhân dân dùng để hát vui trong  các lễ hội, hát thách đố nhau trong các dịp cưới xin, hoặc dịp tết, hoặc tiếp khách vùng này sang vùng khác bên canh để góp vui.

Tác phẩm trên được giới thiệu như một chuyến đi dài để hát , lời hát đã đưa cho người nghe thấy trước lúc đi hát đối Văn Hoan (tên chính tác giả- tác phẩm) đã dặn dò vợ con trước lúc lên đường, khi đi Chùa vái Phật, lên Mường trời, xuống sờ gầm đất... để phóng khoáng hát đối của cặp nam nữ nghệ nhân khắp nổi tiếng là Văn Khoa Và Y Liêng Nặm Oi.

Trích đoạn:

Bắt ní khói dú hươn lại khoăn chai nhin chán

Dú bán quá khoặn  ái nhin ngạu

Ái chí pạy quá mương sịa mé manh chán

Pạy quá bán sịa mé ngạu non cón nơ.

Mia khoăn ái hiêng phạnh đạ dáo ha ơi

Chơ ní ái chí pạy kịn kháu tang mương hớ bớt pại dáo

Pạy kịn kháu tang táo hớ bớt pai hươn cón nơ

Nóng dú hươn chắng mắn le quán hau nơ

Dú bán nắn chắng mắn le suộn hau nơ

Nóng dú hươn chắng má kháu váy tệm hưa

Chôn cựa váy tệm tá

Váy hớ hang bán đáy kịn dón mưa ná cáo đị

Pị tốc bượn lúc hau nha tắp

Nha hắp đắng khoam hái ma pé sịa hươn xặng nơ

.............

Dịch ý:

“Ở bản lâu hồn ta thấy buồn

Ta sẽ đi khắp các Châu Mường để tan điều biếng

Ta sẽ đi khắp các bản để để tiêu hết điều sầu

Ta sẽ về miền xuôi chèo thuyền ăn mắm

Xuống xem chợ mường Púa bán hàng

Ta sẽ sang Lào xem nến bấc đôi

Ngắt bông hoa vái Phât trong Chùa

Dọc Song Mã, Sông Sàm đến tận Luông Pha Băng

Ta sẽ lên Điện Biên, Lao Cai giáp Hán”

.............................................

“ Ta sẽ lên mường bôn thăm bà thím bá

Lên mường trời dến với hằng nga

Đi thật xa vượt khỏi vòm trời

Xuống thật sâu dể sờ gầm đất.”

 

“Em ở nhà hãy siêng coi gà lợn

Em ở bản hãy năng ngõ ruộng vườn

Năm tháng con ta em chớ đánh

Chớ rước người tình về phá nhà ta”…

Đoạn thơ trên đã nêu rõ việc đi hát đối đáp nhiều bản Mường là mục đích văn hoá, là thi ca hát đối đáp với nghệ nhân tài năng khác ở các vùng lân cận để học hỏi, thi tài ứng xử trong thơ ca của dân tộc. Đây là một trong thể loại “Khắp xư” (hát thơ) điển hình của vùng Châu Mộc, lời hát được trình bày theo lối đối đáp từ đầu đến cuối theo mô típ của đôi trai gái hát đối đáp theo lối giao duyên trữ tình xuyên suốt tác phẩm.

Hoặc khi hát đối đáp người ta cũng vận dụng lời thơ của tác phẩm xống chụ xon sao khá nhiều trong cả hát về tình yêu, hát về xin dâu về nhà chồng hoặc trong lời khắp mo...

Chẳng hạn khi xin dâu về nhà chồng người Thái hát cảm ơn người mẹ đã có công sinh con gái và nuôi khôn lớn với lời thơ bắt đầu:

Ăn ní ha chí chí cứt té cón ma lặng

Cứt té lang ma păng ăn ná

Cứt té phá pạng cón ma lứa cón nơ.

Cứt té phú song hau nhăng dú pốc mang khoa

 

Nhăng dú pa mang xái

Mé êm lá cánh mé êm panh

Chaư kin xốm pạ bọng

Ón nói kháu tong mé song bươn

Mé êm panh chaư kin xốm mác kham

 

Ón nói kháu tong mé xam bượn

Me êm panh chơ kịn xốm pa đí.

Ón nói kháu tong mé xí bượn

Mé êm phanh chớ kịn xốm pạ bá

Ón nói kháu tong mé há bượn

..........

Dịch ý:

Giờ đây ta sẽ kể từ trước về sau

Kể từ cổ xưa cho nghĩa tới đây

Kể từ xưa để lựa

Kể tư hai ta còn ở trong thai

 

Khi còn trong thai trái

Mẹ hai ta thèm ăn chua cá bọng

Khi thai hai tháng

Các mẹ thèm ăm chua me

Khi thai ba tháng

Các mẹ thèm chua cá đí (cá đòng đong)

Khi thai bốn tháng

Mẹ thèm ăn chua cá bá

Với cách hát thơ như trên xống chụ xon sao là tác phẩm được nghệ nhân hát theo chiều dài tác phẩm và ứng với từng thời kỳ của đôi nam nữ yêu nhau trong tác phẩm, tác phẩm dài 1846 câu đã là bản tình ca bất hủ về lòng thủy chung đôi nam nữ được thể hiện bằng tình sử thi nổi tiếng vùng Tây bắc.

Thể hát qua thơ cơ bản là hình thức: nam nữ yêu nhau hát đối đáp quyện chặt theo lời thơ của tác phẩm (gọi là hát bện xoắn nhau) theo không gian mô tả cảnh quan, thách đố làm cho lời thơ trở thành dòng thơ cốt lõi mà các nghệ nhân Mộc Châu thường gọi là “khắp pạy khoam Vặn hoan”, hoặc khắp theo thể xống chụ xon sao, hoặc thể tự sáng tác theo không gian nhất định. Như vậy có thể cho thấy các tác phẩm thơ dân ca Thái chủ yếu là để hát chứ không phải để đọc mặc dù rất nhiều tác phẩm thơ được ghi chép trong các tác phẩm cổ của dân tộc Thái.

Khắp xư của người Thái có mấy loại như sau:

1-  Khắp theo làn điệu:

Hát theo làn điệu là phương pháp chung không chỉ dùng cho một tác phẩm cụ thể mà còn dùng phổ biến cho cả các sáng tác mới của các nghệ nhân dân tộc Thái, chẳng hạn trong hội thi tiếng hát dân ca tỉnh Sơn La lần thứ nhất năm 2008 nghệ nhân Lường Thị Xương đã có sáng tác mới và trình bày bài hát dân ca mới nhưng làn điệu dựa vào thể thơ cổ xưa với tên bài hát là “Ơn Đảng” đã đạt giải trong kỳ thi. Bài hát được trình bày làn điệu dân ca Thái với nội dung trọng tâm là người Thái ơn Đảng và Bác Hồ đã có cuộc sống ấm no hạnh phúc và người dân ngày càng có cuộc sống tốt đẹp hơn; Nhưng nghệ thuật ở đây chính là sử dụng làn điệu khắp Thái hoàn chỉnh kết hợp biểu diễn cùng nhàn nhạc pí khúi (sáo trúc của dân tộc Thái) đã góp phần làm cho tác phẩm đạt nội dung và đỉnh cao của nghệ thuật hát dân ca. Cách hát này đã giúp các  nghệ nhân hát thể hiện được từ đầu đến cuối.

2 - Khắp xư nọm cặn: (cùng nhau hát thơ) và có thể hiểu là hát thơ đồng thanh, cách hát này dùng cho các em nhỏ hay các cô giá tinh nghịch hát đồng thanh với nhau một bài vè hay một bài thơ nào đó. Chẳng hạn trẻ nhỏ khi nhìn trăng lên có bài đồng dao:

Bướn hắn né

Sạo hắn né

Soong phú sạo tặm kháu

Soong phú tháu lốc nuốt cựa mụ

Song tộ pụ phắn chước

Soong tộ ngược kho len

Sọong tộ tẹn páu pí

Soong chí hít kéo nai

Soong chi nai tó sáng

.....

Dịch ý:

Trăng kia rồi

Cô gái kia

Hai cô gái giã gạo

Hai ông già nhổ râu cho lợn ăn

Hai con cua bện thừng

Hai thuồng luồng cổ dài

Hai Châu chấu thỏi sáo

Hai dế chũi ăn sương

Hai dế mèn đánh quay....

Đây là loại bài hát đồng thanh tương tự hát dồng dao của các cháu người kinh hát đồng dao, nhưng có điều khác là các cháu hát vẫn giữ được làn điệu dân ca trong bài thơ trên .

3- Khắp mừng xuân (chôm chiệng pị mớ): tại bất kỳ không gian nào tác giả hoặc nghệ nhân vẫn có thể hát được, chẳng hạn chủ đề mùa xuân về mừng tết nghệ sĩ Vi Trọng Liên có thể hát ngay tại mâm rượu với bài khắp thể theo hát thơ bài “ Chôm Chiệng pi maư” xin trích như sau:

Mua chiệng phá khạy ma pị mớ

Mết hánh tớ lúm phá ma muốn mua Chiệng

Hiêng hiêng đội én bịn muốn mua họm háu

Tạm dịch ý:

Khi tết  về đất nước sang xuân

Cả muôn loài mừng  vui đón tết

Đôi én bay lượn mừng đón xuân sang

Ở phần trên nghệ nhân nêu chủ đề mùa xuân với cả đất trời chuyển mình sang năm mới cùng với mừng tết với muôn loài chim thú cũng vui mừng. Tiếp đó theo làn điệu khắp người Thái Mộc Châu đặt vấn đề không phải tài giỏi nhiều chữ mới hát, không phải  tài hát mới ca mà nếu không hát sợ mất tên gọi của Bản, không hát sẽ quên mất tiếng hát của Mường ta:

Báu chứ sệnh hú chắng ma bắc

Báu chứ sệnh lắc chắng ma chạ

Báu khắp dơ dán chí xịa bán

Báu tán dớ dán chí xịa mương hau đê

Mén mén léo song hánh khoam điệu

Song yệu cặn .....

Tạm dịch ý:

Không phải tài mới khắp

Không phải giỏi mới ca

Không hát sẽ quên tên Bản

Không ca sẽ mất điệu khắp của Mường

Phải phải rồi hai ta cùng ý

Hai ta hiểu và cùng nhau khắp....

Từ câu trên lời hát theo nội dung chúc tụng mùa xuân đem lại niềm vui, mang lại tuổi mới, mùa xuân mang lại cho nhân loại những điều hay nhất sẽ được từng nghệ nhân trình bày và cuối mỗi khổ thơ hát các nghệ nhân thường kết thúc bằng lời chúc tụng tốt đẹp cho con người.

4 - Khắp xư chôm hươn mớ: (hát thơ nhà mới):

Đây là một loại hát thơ nhưng tại Mộc Châu chủ yếu dựa vào lời hát của thầy mo tam( thầy cúng nôm) vắn tắt ý nói trước đây ở nhà cũ, nay chủ nhà đã có nhà mới; Chủ nhà sẽ đón bàn thờ tổ tiên và ông bà, con cháu đến ở; Đưa đồ đạc lên nhà, cầu mong nhà mới được khỏe mạnh, ăn nên làm ra, của cải đầy nhà, con cháu đông đúc, mùa màng bội thu, trâu đầy gầm sàn, thóc đầy bồ, lợn gà sinh xôi nhiều...

Sau khi làm lễ và mo xong người nhà chuyển sang phần liên hoan uống rượu mừng nhà mới, lúc này các khách mời mới cất tiếng hát chúc mừng nhà mới của chủ, ca ngợi công lao của chủ nhà và sự giúp sức của bản làng.

5 -Khắp xư côn tháu (hát thơ người già):

Đây là một loại văn nghệ của các cụ già trên 60 tuổi, họ thường tụ tập đọc các bài thơ dựa vào các tác phẩm cổ, bình thơ từng đoạn. Tại mộc Châu các cụ Lường Nía 95 tuổi, Lường Văn Hôm, 93 tuổi, Lường Văn 90 tuổi, cố nghệ nhân Lò Văn Phượng...cư trú tại các Bản Nà Ngà, Nà Bó xã Mường Sang vẫn thường tụ tập với nhau đọc các truyện cổ hoặc tác phẩm thơ. Các tác phẩm này chủ yếu được ghi bằng chữ Thái cổ vùng Mộc Châu như Ý nọi Nàng xưa, Ỷ Ót- Ỷ Ưới (tấm cám), Tam quốc diễn nghĩa, Lương Sơn Bá Trúc Anh Đài... (các sách dịch bằng tiếng Thái) và đặc biệt là những tác phẩm thơ dân tộc Thái như: “Văn Hoan”, “Xống chụ xon sao”, “Khụn  Lu Nàng Ủa”...

Hình thức khắp này theo hình thức là đọc từng đoạn thơ, kể sự tích minh họa và bình luận...hiện nay đang có xu hướng chuyển sang nghe hát và hát theo băng đĩa các bài hát Thái từ tác phẩm cũ và sáng tác mới.

6 - Khắp xư xên mo, Xên mường (mo ban, mo mường):

Loại khắp này dùng trong cúng tế như lễ nghi trong nông nghiệp, lễ hội (như Hội xên bản, xên mường, lễ hội hết Chá...). Các loại khắp này không thể tách khỏi các cuốn sách cổ của các Thầy mo, thầy cúng.

 

Ảnh: Thầy mọ mun khắp chá trong lễ hội Hết Chá (bản Áng, xã Đông Sang, huyện Mộc Châu)

7 - Khắp xư khoam mo (hát khi mo tang lễ):

Đây là loại khắp được thể hiện trong cúng hồn người chết, thể thức này gồm lời mo, lời mo dẫn hồn người chết lên tổ tiên( tiễn đến tak nặm Khao lên trơi) và mo dẫn hồn con cháu trở về khi kết thúc bài đưa hồn người chết đi. Khi tang lễ đang diễn ra thông thường đêm thứ hai khắp xư ở đây được thể hiện qua khắp mơi mác (mo mời ăn hoa quả) cho người chết. Khoam mơi mác có chất giộng thơ cao vút to có nhịp cung điệu cao lạnh, nhưng chất liệu thơ rất hay vào lúc đêm khuya.

 

Ngoài Khắp xư, người Thái còn nhiều điệu hát dân ca nữa là: Khắp xói báy (hát mô tả đối đáp),  Khắp báo sao (hát giao duyên nam nữ thanh niên), Khắp Do luk (hát ru con), Khắp Chá (hát trong hội Chá). Trong bài nghiên cứu này tác giả tạm viết về làn điệu dân ca phổ biến nhất của đồng bào để người đọc có thể có cái nhìn cơ bản nhất về các làn điệu hát dân ca – một phần không thể thiếu được trong đời sống của con người. Có thể nói, tiếng hát dân ca là mảng văn hoá tinh thần ăn sâu vào tình cảm các dân tộc, nó là một di sản văn hoá tinh tuý của các nhóm cộng đồng dân tộc, thông qua các lễ nghi và sinh hoạt văn hoá trong cưới xin, trong các dịp hát giao duyên, tiếng hát dân ca trở thành món ăn tinh thần của nhân dân.

Lường Ngọc Ánh – phòng NV Bảo tồn – Bảo tàng

 


Các tin khác:

Thống Báo

Liên Kết Website

Video - Sự Kiện

Không có video - Upload lại link

Thống Kê

Hôm nay : 67
Hôm qua : 144
Tháng này : 1332
Tổng truy cập : 184627
Đang trực tuyến : 2