Ngày nay, khi đi trên tuyến Quốc lộ 6 từ Hà Nội lên Sơn La, ít người biết rằng tuyến giao thông huyết mạch của vùng Tây Bắc được xây dựng từ thời Pháp thuộc. Bài viết nhằm giúp độc giả hiểu được những lý do chính, cũng như quá trình người Pháp xây dựng nên tuyến đường này. Qua đó phần nào hình dung được sự chuẩn bị cho công cuộc khai thác của thực dân Pháp ở Sơn La đầu thế kỷ XX.
Ngay từ khi mới thành lập tỉnh Sơn La, người Pháp đã thấy rõ những tiềm năng to lớn của vùng đất này. Bên cạnh sự phong phú về tài nguyên thiên nhiên với rừng vàng mênh mông, giàu có và những cao nguyên mát mẻ, phì nhiêu, thích ứng với nhiều loại cây trồng; Vạn Bú còn đặc biệt quan trọng bởi vị trí làm cầu nối giữa vùng châu thổ sông Hồng của Việt Nam với vùng Vân Nam Trung Quốc. Vậy vì sao trong nhiều thế kỷ, xứ sở này vẫn bị coi là thấp kém so với vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng? Nguyên nhân lớn nhất là bởi giao thông của vùng hoàn toàn phụ thuộc vào thủy lộ sông Đà với nhiều ghềnh thác. Để khắc phục khó khăn đó, người Pháp lập ra kế hoạch chuyển trung tâm hành chính từ Vạn Bú vào Sơn La, đồng thời mở những tuyến đường trong nội địa, đặc biệt là tuyến đường bộ xuyên suốt từ Lai Châu đến Chợ Bờ, để đảm bảo khai thác được mọi tài nguyên ở đây, nhất là các cao nguyên màu mỡ Mộc Châu, Nà Sản (Sơn La), Mường Phăng, Nà Tấu (Điện Biên), Tà Phình (Lai Châu). Theo họ, đó là “những cao nguyên đẹp đẽ, giá trị còn hơn cả vùng thung lũng đồng bằng lại chưa có người ở, thật đáng cho chúng ta lưu ý đến. Một nền nông nghiệp lớn, đa canh, trồng chè, cánh kiến, bông, ngô và cả thuốc lá, thuốc phiện nữa, chỉ có thể dành cho người Pháp chúng ta”[1].
Đó là còn chưa kể đến những quyền lợi khác về chính trị, khi đường xá được mở mang, giao thương phát triển sẽ củng cố được địa vị thống trị của người Pháp đối với các vùng lân cận:“Biến Vạn Bú thành cầu nối vùng châu thổ sông Hồng với vùng Vân Nam Trung Quốc, mở rộng giao thương và mở rộng phạm vi ảnh hưởng của chúng ta đến các tỉnh này của Trung Quốc, tôi nghĩ đó mới là giá trị đích thực của xứ này”[2].
Đấy là những lý do chính để người Pháp quyết tâm mở con đường nối Lai Châu, Sơn La với vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng, hình thành nên tuyến đường huyết mạch của vùng Tây Bắc sau này. Dưới thời công sứ Hernandez (công sứ Sơn La từ năm 1910) việc xây dựng con đường Sơn La – Chợ Bờ, qua Mộc Châu và Suối Rút đã được thực hiện, nhưng mới có 30 km đoạn Sơn La – Hát Lót được hoàn thành. Đến năm 1913, việc thi công con đường này bị tạm gác lại, vì theo quan điểm của Công sứ Bouchet:“…việc xây dựng con đường nối với Suối Rút, Chợ Bờ không quá khó, nhưng trước tiên cần phải xem xét những lợi ích kinh tế mà nó có thể đem lại. Con đường mà tôi đã đi hiện vẫn còn tốt, đường rộng, ngựa thồ có thể đi từ tháng 9 đến tháng 6, và với tôi như thế là đủ (trước khi làm bản báo cáo này, Bouchet đã đi thị sát theo đường sông Đà từ Vạn Bú đến Suối Rút rồi ngược về theo đường bộ từ Suối Rút – Mộc Châu – Yên Châu – Sơn La). Sau này nếu tỉnh phát triển hơn nữa, ta có thể xây dựng tuyến đường này. Còn một lý do nữa mà tôi nghĩ không có lợi khi xây dựng tuyến đường này, đó là một khi đã xây dựng, tôi tự hỏi chúng ta có thể bảo dưỡng được toàn bộ tuyến đường này hay không. Mặc dù hiện nay trên tuyến đường có một số đoạn đèo, nhưng nhìn chung đường rất tốt. Người có thể đi ngựa, hàng hóa có thể chở bằng ngựa thồ. Người dân có thể đi qua đây để xuống các làng lớn ở Châu Mộc... Vì vậy tôi quyết định giữ gìn thật tốt 30 km đường từ Sơn La – bản Lót… Giữ gìn đoạn đường rộng 1,5 – 2 mét như hiện nay, cải tạo một số đoạn nhất là đoạn đèo dẫn đến cao nguyên Mộc”[3].
Đoạn báo cáo trên cho thấy phần lớn tuyến đường Sơn La – Suối Rút lúc đó mới đang là đường mòn và không phải vị công sứ nào cũng quan tâm tới việc xây dựng tuyến đường Sơn La – Suối Rút, hoặc chỉ được thực hiện với tiến độ rất chậm. Đến 10 năm sau, tuyến đường mới được mở đến Yên Châu và trong số 70 km đường ô tô có thể đi, chỉ có 13 km được rải đá như trong bản báo cáo của công sứ Sơn La Victor Nempont gửi về Phủ thống sứ đã nêu:“từ 1/7/1923 đến 30/6/1924 tiếp tục tập trung vào sửa chữa đường… Đường số 101[4] từ Sơn La đến Suối Rút là đoạn đường rất quan trọng vì đây là tuyến đường giao thông đầu mối của tỉnh. Tuyến đường đã được rải đá 13 km tính từ Sơn La, khoảng cuối năm ô tô có thể đi lại được trên suốt 70 km của tuyến đường”.
Trước tiến độ chậm chạp đó, cũng trong năm 1923, thống sứ Bắc Kỳ Monguillot phái quan Poulin dùng máy bay lên Sơn La để xác định lại vị trí sẽ mở con đường từ cao nguyên Mộc Châu đến Suối Rút. Đây là đoạn khó khăn nhất vì phải đi qua những dãy núi cao với nhiều suối lớn. Bản vẽ của tuyến đường vì thế phải sửa đi sửa lại nhiều lần, để đến năm 1928 Thống sứ Robin đã đích thân đến tận nơi ấn định hướng mở tuyến đường Mộc Châu – Suối Rút. Lúc này, Công sứ Sơn La là Saint Pouloff được Phủ Thống sứ giao nhiệm vụ đốc xuất xây dựng tuyến đường này. Góp sức vào việc xây dựng tuyến đường ngoài một số ít tù nhân, còn lại chủ yếu là dân phu của các châu mường thuộc tỉnh Sơn La. Giai đoạn đầu họ được thuê theo hình thức khoán, cứ mỗi ngày được phát 2 hào rưỡi và 800 gam gạo. Đến năm 1930 vì số lượng dân phu ngày càng đông nên rút xuống còn 2 hào một ngày[5]. Từ năm 1931 trở đi, công sứ Saint Pouloff đưa ra phương án không thuê trực tiếp dân phu nữa mà làm việc thẳng với các Tri châu và Phìa mường, để họ trực tiếp đốc thúc dân phu đi làm đường. Nhờ đó số lượng dân phu huy động được nhiều hơn, tiến độ công việc được đẩy nhanh. Những lúc cao điểm trong năm 1929 –1931 có tới 3.500 dân phu cùng làm trên tuyến đường này[6]. Từ tháng 11/1932, thống sứ Bắc kỳ Pagès lại lệnh cho quan công sứ Saint Poulof phải dốc sức đôn đốc công việc để kịp thông đường trước mùa mưa năm 1933.
Ngày 1/12/1932, thống sứ Pagès đích thân đi máy bay lên Sơn La thị sát việc làm đường. Đây chính là giai đoạn dân phu cực khổ nhất như bản Quam Tô Mương đã phản ánh:“Năm 1932 Tây làm đường Pha Lỷ - Pha Tổ khiến dân phu chết nhiều, đàn bà phải ở góa, bản mường không yên vui”[7].Để hoàn thành tuyến đường Mộc Châu – Suối Rút đã có rất nhiều tù nhân, dân phu, thậm chí cả những vị quan châu, phìa mường phải bỏ mạng vì tai nạn trên công trường. Đơn cử như trường hợp của tri Châu Yên Cầm Văn U và phìa Mường Chanh Cầm Văn Ba. Về kinh phí cho con đường, chỉ tính riêng số tiền chi cho con đường này từ năm 1928 đến năm 1933 đã lên tới 200.000 đồng Đông Dương[8]. |
Đoàn xe của toàn quyền Đông Dương Pasquier trên đường Sant Pouloff lên Sơn La ngày 4/4/1933 |
Ngày 4/4/1933, Lễ khánh thành con đường Sơn La – Suối Rút được tổ chức tại Suối Rút, Hòa Bình. Toàn quyền Đông Dương Pasquier và thống sứ Bắc kỳ Pagès đích thân tới dự. Sau Lễ cắt băng khánh thành, quan khách tập hợp thành một đoàn với 10 chiếc xe ô tô nối đuôi nhau vượt đèo về Sơn La do Công sứ Sơn La Sant Pouloff dẫn đường. Cùng đi còn có đại diện báo giới và các hãng xe ô tô nổi tiếng của Pháp. Trên con đường mới mở hẹp và dốc, đoàn xe phải lắp xích sắt vào bánh để chống lầy và mất 14 tiếng đồng hồ vượt 189 km đường mới lên đến tòa sứ Sơn La. Sau khi dự tiệc và thăm tỉnh lỵ Sơn La, đoàn xe của Toàn quyền Pasquier lại khởi hành lên Lai Châu. Tuyến đường ô tô Sơn La – Suối Rút lần đầu tiên được thông suốt là thành quả lao động của hàng vạn dân phu ròng rã trong suốt hơn 20 năm trời. Con đường đã trở thành biểu tượng cho sự bóc lột tàn nhẫn của chế độ thực dân đối với nhân dân Sơn La. Trên đèo Cò Nòi khi đó còn đặt một tấm bia khắc tên công sứ Sant Pouloff như một cách chính thức đặt tên cho tuyến đường này.
Tuyến đường Sơn La – Suối Rút mặc dù được khánh thành nhưng phải một thời gian sau đó mới cho phép xe ô tô đi lại và phải tiếp tục sửa chữa, nâng cấp hàng năm vì thường xuyên bị sạt lở trong mùa mưa. Đến năm 1936 đã xuất hiện dịch vụ vận tải do ông Vũ Đan Quế phụ trách, hoạt động 2 lần/tuần theo hai hướng, thay vì trước đó thư từ, bưu kiện phải đưa qua đường Yên bái đến Sơn La bằng phu khuân vác. Việc mở tuyến đường Sơn La – Suối Rút đã giúp cho việc đi lại được thuận tiện hơn, giảm thời gian đi lại từ 5, 6 ngày đường xuống còn 12 giờ chưa tính thời gian nghỉ. Con đường không những đảm bảo giao thông cho Sơn La, Lai Châu mà các tỉnh Thượng Lào đi lại Hà Nội được dễ dàng hơn. Nhờ đó, các trung tâm đô thị ngày càng sầm uất hơn ở Điện Biên Phủ, Chiềng Lề, Thuận Châu... Qua những ý tưởng lớn lao ban đầu người Pháp vạch ra để quyết tâm xây dựng tuyến đường này như đã trình bày ở trên, ta có thể phần nào đánh giá được hiệu quả mà con đường mang lại. Cho dù nó là một công cụ để chuẩn bị hỗ trợ tối đa cho công cuộc khai thác của thực dân, nhưng dẫu sao việc người Pháp xây dựng con đường này cũng là nền tảng quan trọng để hình thành nên tuyến quốc lộ 6 hiện đại như ngày nay.
Về tên gọi đường 41, qua các bản đồ thời thuộc Pháp ta có thể dễ dàng nhận ra việc đặt tên đường 41 theo quy ước chung trên toàn xứ Đông Dương. Trên bản đồ Đông Dương năm 1936 đều thể hiện có 4 loại, mỗi loại đều đánh số cùng màu và kích thước: 1. Coloniales – Đường thuộc địa; 2. Locales – Đường thuộc xứ; 3. Provinciales – Đường hàng tỉnh; 4. Communales – Đường cấp xã. Và cũng theo bản đồ đó, từ năm 1936 đã có tuyến đường thuộc xứ 41 chạy từ Suối Rút lên Lai Châu. Theo chúng tôi thì việc đặt tên đường 41 bắt đầu từ khi tuyến đường Sơn La – Suối Rút (lúc mới hoàn thành gọi là đường Sant Pouloff) được nâng cấp từ đường hàng tỉnh lên đường thuộc xứ. Theo quy ước chung trên toàn cõi Đông Dương, các con đường thuộc xứ được đánh số từ 1 đến 198 (có thể nhiều hơn). Ví dụ như đường thuộc xứ số 11, 13 ở Yên Bái; đường số 7, 37 ở Campuchia; đường số 2 ở Vientiane, Lào; đường số 159, 166, 162 ở Nha Trang… . |
![]() |
Và đường Sant Pouloff được đánh số 41.Câu hỏi lại được đặt ra là: Từ khi nào đường hàng tỉnh Sant Pouloff được nâng cấp thành đường thuộc xứ? chắc chắn phải từ sau khi khánh thành con đường này cho đến năm 1936. Trong tờ Hà Thành Ngọ Báo tháng 11/1934 có đăng bài “Cuộc kinh lý của quan Thống sứ Tholance tại Sơn La và Lai Châu” từ ngày 11 đến 17/1/1934 Trong khi viết về cuộc đón tiếp Thống sứ Bắc Kỳ tại Lai Châu có đoạn ghi: “Thủ hiến Bắc Kỳ có kể qua cái chương trình mà chính phủ bảo hộ còn làm tiếp sau khi nhân dân đã nỗ lực làm xong cái công trình lớn lao, tức là con đường Sơn La – Lai Châu”. Nghĩa là con đường Sơn La – Lai Châu cũng vừa mới hoàn thành và nối thông với tuyến đường Sơn La – Suối Rút. Trong bài viết “Tìm hiểu việc xây dựng con đường 41 (Quốc lộ 6) thời Pháp thuộc” của TS.Tống Thanh Bình cho biết: “Năm 1934, các dự án làm mới hướng đến việc quy hoạch đường liên tỉnh số 41 Suối Rút - Sơn La - Lai Châu, giữa các cây số 16 và 89. Công trình được khởi công từ ngày 1/12/1934 với 1.550 phu lục lộ làm việc trên 3 công trường chính, dưới sự điều hành của người đứng đầu địa bàn và chánh tổng, với sự hợp tác kỹ thuật của các viên chức công chính, công việc hoàn thành vào ngày 15/01/1935”[9]. Qua những cứ liệu trên có thể đường hàng tỉnh Sant Pouloff được chính thức nâng lên thành đường thuộc xứ và mang tên đường 41 từ đầu năm 1935.
Từ khi được hoàn thành cho đến nay, tuyến đường 41 xưa, Quốc lộ số 6 ngày nay trải qua nhiều lần sửa chữa, nâng cấp. Năm 1967, để tránh đi qua hai phà Chợ Bờ, Suối Rút, một tuyến đường dài 38 km theo dốc Cun đi qua Cao Phong – Mường Khến – Tòng Đậu nối ra Bãi Sang của xã Phúc Sạn, Mai Châu gọi là đường 6B được hoàn thành. Từ năm 1985, sau khi thủy điện Hòa Bình tích nước, toàn bộ khu vực thị trấn Suối Rút ngập dưới lòng hồ, tuyến đường từ ngã ba Đồng Bảng nối với Phiêng Luông, Mộc Châu, song song với đường 6 cũ cũng dần được hình thành. Năm 2003 tuyến đường số 6 lại được sửa chữa, nâng cấp trên toàn tuyến. Nhiều đoạn cua được sửa lại, đèo dốc được hạ thấp. Vừa qua Chính phủ đã phê duyệt dự án xây dựng tuyến cao tốc Hòa Bình – Mộc Châu đi theo hướng của tuyến đường 41 xưa. Dự án hoàn thành sẽ giảm tối đa thời gian di chuyển từ Hà Nội lên Sơn La – Tây Bắc. Cùng với tuyến Quốc lộ 6, tuyến đường cao tốc Hòa Bình – Mộc Châu sẽ là những tuyến giao thông huyết mạch, đóng vai trò hết sức quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội và củng cố an ninh – quốc phòng ở địa phương.
Hà Ngọc Hòa - Hội Sử học Sơn La
[1,2] Bản lược khảo về tỉnh Vạn Bú của Công sứ Sevenier, ngày 30/9/1901.
[3] Báo cáo số 149, ngày 22/12/1913 của Công sứ Bouchet gửi thống sứ Bắc Kỳ.
[4] Tên ban đầu của tuyến đường Sơn La – Suối Rút.
5, 6, 8 Theo bài diễn văn nhân dịp khánh thành tuyến đường ô tô Hà Nội – Sơn La của Thống sứ Bắc kỳ đăng trên Hà Thành Ngọ Báo, số 1694, ngày 16/4/1933.
[7] Chúng tôi cho rằng đoạn đường Pha Lỷ - Pha Tổ chính là cung đường từ xã Chiềng Yên (thuộc huyện Vân Hồ ngày nay) đi Suối Rút. Pha Lỷ là bản Pha Li của xã Chiềng Yên, còn địa danh Pha Tổ nay đã chìm dưới lòng hồ sông Đà, không rõ thuộc xã nào của huyện Đà Bắc hoặc Mai Châu, tỉnh Hòa Bình.
[9] Bản tin Sơn La Xưa & Nay, số 25, tháng 2/2017, Tr.20.