Đường dây nóng: 0212.3850221

Vài nét về chế độ ruộng đất của người Thái xưa.

Cập nhật: 04:31:16 06 / 05 / 2020
Lượt xem: 2568

Hoạt động kinh tế truyền thống của người Thái ở Sơn La chủ yếu là sản xuất nông nghiệp, ruộng đất là tư liệu sản xuất căn bản. Do đó, sự phân hóa các giai tầng trong xã hội và chế độ ruộng đất của người Thái Sơn La có sự gắn bó mật thiết. Với tên gọi chung là “ruộng toàn mường”, chế độ ruộng đất vốn hình thành lâu đời, cùng với tác động của quy luật phát triển khách quan, xã hôi Thái đã sản sinh ra một lớp người tách khỏi quá trình lao động trực tiếp trên đồng ruộng để chuyên trách việc quản lý bản mường. Nhóm người này nắm giữ luôn quyền phân bổ “ruộng toàn mường” và sử dụng nó để điều khiển các tầng lớp lao động khác phục vụ lợi ích của họ. Trên cơ sở chế độ ruộng đất được xác lập, xã hội Thái có sự phân hóa thành các tầng lớp với nhiều loại ruộng đất khác nhau, gắn với sự chênh lệch rất lớn về quyền lợi.

- Ruộng “na nả hay háng mương” và tầng lớp nông dân tự do:

Ruộng “na nả hay háng mương” (ruộng toàn mường phải đến cày cấy) ban đầu là những thửa ruộng tốt nhất mà toàn mường để chi dùng vào những công việc chung. Sau này mục đích sử dụng của loại ruộng này dần bị cá nhân hóa, tuy vẫn là ruộng công  nhưng chủ yếu phục vụ cho quyền lợi của tầng lớp thống trị. Việc cày cấy “na nả hay háng mương” do tầng lớp nông dân tự do (hay còn gọi là nông dân gánh vác) trong mường luân phiên nhau đảm trách. Để được nhận một suất ruộng khẩu phần trong số “ruộng toàn mường” gọi là “na háp” (tức ruộng gánh vác) họ phải thực hiện nghĩa vụ cày cấy trên ruộng “na nả hay háng mương”. Họ cũng có quyền từ chối thực hiện nghĩa vụ việc mường, đồng nghĩa với việc không nhận suất ruộng khẩu phần và cũng sẽ không được thừa nhận là một thành viên trong mường phìa. Khi đã ở độ đứng tuổi, người nông dân Thái phải bỏ ra một số tiền để được quý tộc trong mường phong danh hiệu “chưởng”, “quảng” hay “xự”. Được mang những danh hiệu này có nghĩa là người nông dân bước vào diện dự bị, đủ điều kiện để có thể tham gia các chức dịch trong bộ máy chính quyền châu mường. Tuy nhiên rất ít người trong số họ có đủ tiền của để có thể bon chen lên được hàng ngũ thống trị. Trái lại, một số còn bị bần cùng hóa trở thành nông dân lệ thuộc vào tầng lớp quý tộc và chức dịch Thái.

Đối với những mường phìa xa trung tâm, “chảu mường” (người đứng đầu mường) còn đặt ra lệ nộp “khảu chạn” (thóc lười) thay cho việc lao động trên ruộng “na nả hay háng mương”. Nói cách khác, “na nả hay háng mương” và “khẩu chạn” là một thứ lương bổng mà bản mường dành cho người đứng đầu mường phìa. Ngoài ra, nông dân tự do còn phải nộp các cống vật khác cho người đứng đầu châu mường. Những cống vật đó thường là lâm, thổ sản quý ở địa phương. Đến cuối thế kỷ XVIII, đầu thế kỷ XIX, nhất là thời thực dân Pháp thống trị, người nông dân Thái còn phải theo lệ đóng thuế và có nghĩa vụ đi phu, đi lính.

- Ruộng “na cuông” của phìa tạo, thủ lĩnh Thái và tầng lớp “cuông, nhốc, pụa pái”:

“Na cuông” (nghĩa đen là ruộng ở trong) vốn dĩ là suất ruộng công dành cho phìa tạo nằm trong “ruộng toàn mường”. Cũng như nông dân tự do, đáng lẽ họ phải tự cày cấy trên đám ruộng này, nhưng họ đã sử dụng uy quyền của mình để bắt người khác làm thay. Những người làm “na cuông” cho nhà phìa tạo gọi là “cuông”, “nhốc” hay “pụa pái”.

Tầng lớp “cuông” ban đầu xuất thân từ chiến tù, được phìa tạo sử dụng giống như nô lệ gia trưởng. Dần dần tầng lớp “cuông” ngày càng đông đúc, phìa tạo buộc phải cho một phần “cuông” ra cư trú thành những bản riêng rẽ, gọi là “pụa” hay “pái” (tiếng Thái cổ “dú pụa dú pái” nghĩa là ở bên cạnh). Thành phần của tầng lớp này cũng dần được mở rộng thêm từ những người nông dân Thái bị bần cùng hóa do mắc nợ hoặc thua kiện hay dân phiêu tán. Họ đã được tự do phát nương hoặc khai khẩn thêm một số ít ruộng để sinh sống gọi là “na nọi” (ruộng bé) nhưng vẫn phải lao động trên ruộng “na cuông” để làm giàu cho gia đình tạo. Về sau, việc quản lý ngày càng khó khăn do số lượng dân “cuông”, “pụa pái” ngày càng đông đúc, phìa tạo đặt ra lệ nộp “khẩu nguột” (thóc giá) đối với những dân “cuông”, “pụa pái” chuyên làm nương hoặc cư trú quá xa khu “na cuông”. Đồng thời để tiện cho việc điều hành sản xuất, phìa tạo quy định cụ thể những vùng, bản hay nhóm nhà phải đến làm ruộng “na cuông” hoặc phục dịch khi cần thiết. Những đối tượng này được gọi là “nhốc” (nghĩa đen là nhúp lấy). Lúc này, “Cuông”, “nhốc” hay “pụa pái” trở thành một khái niệm thống nhất để chỉ lớp người mang danh nghĩa những “người trong nhà” của phìa tạo hay một số chức dịch thượng đẳng ở các châu mường xưa bị cưỡng bức lao dịch trên suất ruộng gọi là “na cuông” hoặc phải nộp “khẩu nguột” (thóc giá) cho gia chủ. Tầng lớp này không phải làm việc mường mà phải chịu sự cưỡng bức lao dịch trên ruộng của quý tộc và tầng lớp thống trị hoặc phải nộp hiện vật thay thế công lao dịch. Họ có thể được sinh sống trong một bản riêng, ngoài việc sản xuất để tự nuôi sống mình, họ còn phải đi làm ruộng cho nhà chủ và phục vụ tất cả nhu cầu cuộc sống của nhà chủ. Họ không nằm trong diện được bộ máy thống trị của quý tộc đặt cho danh hiệu “xự”, “quảng” hay “chưởng” như nông dân tự do.

- Ruộng “na bớt” của quý tộc, chức dịch Thái và tầng lớp “côn hươn” (gia nô):

“Na bớt” là loại ruộng dành cho quý tộc không giữ chức và chức dịch trong mường phìa. Người đứng đầu mường sẽ nhân danh “bản mường” chia “ruộng toàn mường” cho con cháu, họ hàng gần gũi hay quý tộc bị mất chức và những chức dịch trong bộ máy cai trị tùy theo vị trí của họ (ruộng “na bớt” của chức dịch về sau được gọi là ruộng chức). Tuy nhiên, quý tộc Thái không giữ chức có quyền sở hữu phần ruộng được chia đó, còn đối với chức dịch, khi mất chức là mất ruộng.

Ruộng “na bớt” do một số “cuông, nhốc” hoặc “côn hướn” (gia nô) của quý tộc và chức dịch đó đảm nhiệm việc cày cấy. Quý tộc và chức dịch thượng đẳng như các ông lớn trong bộ máy cai trị Thái là ông Pằn, ông Pọng, Họ Luông, Lam Họ và ông Mo thường được phìa tạo giao ruộng kèm “cuông, nhốc”. Nhưng lao động chủ yếu trên ruộng “na bớt” vẫn là lớp “côn hươn”. Tầng lớp này chiếm số lượng dân số ít nhất trong mường phìa (từ 6 đến 9 % số dân Thái trong các châu mường). “Côn hươn” xuất thân ban đầu là lớp “cuông” của phìa tạo, nhưng không được phép ra ở riêng, mà bị gia chủ giữ lại làm tôi đòi trong nhà. Đặc điểm của “côn hươn” là mất tự do về thân thể, phải sống kiếp nô lệ, thuộc quyền sở hữu của gia chủ nên họ có quyền đánh đập, đổi chác hoặc mua bán, nhưng không được phép chém giết. Phải thường xuyên sống trong nhà chủ để làm ruộng, nương và để cho chủ sai vặt. Họ là hạng người  thấp hèn nhất trong xã hội Thái xưa.

H1. Sơ đồ chế độ ruộng đất của người Thái ở Sơn La xưa:

Nhìn vào sơ đồ H1 ta thấy toàn bộ ruộng đất của người Thái với tên gọi chung là “ruộng toàn mường”  chủ yếu là ruộng công, được phân chia thành 4 loại có chủ rõ rệt (mỗi loại tương ứng với một màu và độ lớn khác nhau). Những loại tốt nhất dành cho tầng lớp trên. Đối với các mảnh ruộng do các tầng lớp dưới tự khai phá thì do phìa tạo quy định thời gian để xung vào ruộng công. Việc giai cấp thống trị dùng biện pháp xung công ruộng đất của nông dân để bóc lột là cách rất phổ biến.

Cho đến cuối thế kỷ XIX, khi thực dân Pháp nắm quyền cai trị ở Sơn La, chế độ ruộng đất trước đó về cơ bản không có nhiều thay đổi. Quyền bóc lột của tầng lớp phìa tạo trên cơ sở ruộng công vẫn được duy trì tuy có phần bị thu hẹp. Thực dân Pháp đã phân bổ lại ruộng công, giảm bớt các phần ruộng của chảu mường do luật mường cũ quy dịnh, rồi đền bù sự hao hụt đó bằng cách trả lương khá hậu. Nhờ đó giảm bớt được quyền lực của tầng lớp quý tộc với các tầng lớp dưới, khiến cho chúng càng phụ thuộc vào thực dân Pháp.

Nội dung việc mường cũng được quy định lại thành hai khoản phu và thuế. Ai đi phu, đóng thuế mới được quyền hưởng ruộng công (so với luật mường dưới thời phìa tạo: ai đi việc mường mới được hưởng ruộng toàn mường). Theo đó, tầng lớp nông dân tự do chiếm tuyệt đại bộ phận dân số Thái phải đi phu và nộp thuế mới được làm ruộng để nuôi sống bản thân. Phu và thuế là hai cái tai vạ trực tiếp đe dọa tính mệnh người nông dân. Bản “Quam Tô Mương” của Mường Piềng đã miêu tả cảnh khốn cùng của người nông dân: “... Thuở đó dân trong mường rất túng tiền. Bán một gánh thóc (tương đương 30 kg) mới thu được 0,22 đồng, bán một con trâu mộng mới được 12 đồng. Nhưng người ta vẫn phải bán để nộp thuế và các khoản đóng góp khác. Nhiều người không có tiền đã phải bán cả vợ, cả con...”.

Trước kia, tầng lớp cuông, nhốc là những người lệ thuộc, bị gia chủ lấy luật mường bắt phải làm ruộng, làm nương và đóng góp tất cả những gì chủ cần thiết. Còn nông dân tự do là những người về mặt pháp lý được thừa nhận là những công dân của chế độ phìa tạo. Họ chỉ có nghĩa vụ xây bản, dựng mường bằng cách góp công lao động việc mường để được hưởng ruộng toàn mường. Trái lại dưới chế độ thực dân Pháp, địa vị của tầng lớp nông dân tự do trở nên khổ sở, tủi nhục vì vừa phải đi phu, đóng thuế lại vẫn phải đảm bảo nghĩa vụ sản xuất trên ruộng “na nả hay háng mương” và đóng góp “khẩu chạn” cho phìa tạo. Họ rơi vào tình cảnh “một cổ hai tròng”. Một bên là thực dân Pháp áp bức, và một bên vẫn tiếp tục bị phìa tạo bóc lột. Do đó đã xảy ra tình trạng “ngược đời” nhiều nông dân tự do xin với phìa tạo được làm “cuông, nhốc” cho chúng. Còn ruộng khẩu phần của nông dân lại bị quý tộc Thái tung tiền ra mua rồi lại giao cho tầng lớp “cuông nhốc”, “côn hươn” cày cấy.

Một điểm điểm đáng lưu ý là hiện tượng biến công thành tư của quý tộc Thái khá phổ biến dưới thời Pháp thuộc. Qua một số báo cáo về tình hình ruộng đất trước năm 1954 ở Sơn La lưu tại Kho lưu trữ Văn phòng Trung ương Đảng, ta có bảng thống kê sau:

Loại ruộng / Huyện

Ruộng công (bao gồm cả ruộng chức “na bớt” cho chức dịch)

Ruộng tư (bao gồm cả ruộng “na bớt” cho quý tộc)

Mộc Châu

20%

70%

Phù Yên

60%

10%

Yên Châu

43%

20%

Mường La

30%

17%

Trong thời gian 1945 – 1954, chế độ ruộng đất của người Thái ở Sơn La đang chuyển hóa mạnh mẽ từ công sang tư. Trong đó, ruộng tư nhiều nhất là ở Mộc Châu, Yên Châu và Mường La (các huyện khác không có số liệu). Phần lớn trong số đó là do quý tộc Thái chiếm ruộng công mà thành, một số ít do người nhà của họ cùng khai phá hoặc thuê mướn nhân công (như năm 1945 thuê dân ở miền xuôi chạy nạn đói lên khai phá). Ruộng công được tập trung vào tay quý tộc Thái để phát canh thu tô, một hình thức bóc lột tương tự như chế độ nông nô thời trung cổ ở Châu Âu đang manh nha hình thành trong lòng xã hội Thái. Giữa lúc đó thì cơn bão táp cách mạng của giai cấp vô sản ập đến, xóa đi mọi tàn tích của chế độ bất công đó. Cũng như ở toàn miền Bắc, với những thành quả to lớn của cải cách ruộng đất sau giải phóng mang lại, người nông dân Thái đã được hưởng mồ hôi công sức của mình sau bao đời cày cấy không công trên mảnh ruộng bị kẻ khác chiếm hữu.

Tài liệu tham khảo:

- Cầm Trọng, Người Thái ở Tây Bắc Việt Nam, NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1978.

- Tỉnh Sơn La 110 năm, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2005.

- Báo cáo Sơ kết tạm chia ruộng, số 11-B/C ngày 29/3/1954, sao nguyên văn tài liệu kho lưu trữ Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, ngày 3/5/1981.

- Báo cáo BC-26A về tình hình ruộng đất ở Sơn La, sao nguyên văn tài liệu Kho lưu trữ, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, ngày 3/5/1981.

- Nghị quyết NQ-44 về chỉnh lý ruộng đất tại Hội nghị cán bộ toàn tỉnh ngày 27/1/1954, sao nguyên văn tài liệu Kho lưu trữ, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, ngày 30/4/1981.

Hà Ngọc Hòa - Hội Sử học Sơn La

 


Các tin khác:

Thống Báo

Liên Kết Website

Video - Sự Kiện

Không có video - Upload lại link

Thống Kê

Hôm nay : 83
Hôm qua : 144
Tháng này : 1348
Tổng truy cập : 184643
Đang trực tuyến : 2