Sau hai đợt tiến công mạnh mẽ của ta trong chiến dịch Tây Bắc, phòng tuyến ven sông Đà của địch đã bị phá vỡ, quân Pháp tháo chạy theo nhiều hướng về co cụm ở Nà Sản lập một tuyến phòng thủ mới. Tại đây, đã hình thành một tâp đoàn cứ điểm mạnh. Tướng Cogny - Chỉ huy trưởng lực lượng viễn chinh Pháp ở Bắc kỳ đã đánh giá kiểu căn cứ kết hợp lục quân và không quân đó giống như “một thứ thuốc trị bách bệnh giải quyết những khó khăn của chiến trường Đông Dương”. Sự lạc quan về chiến thuật “con nhím” này đã đưa đến một hệ lụy rất lớn, tướng lĩnh Pháp phải trả giá ngay sau ánh hào quang chớp nhoáng đó của họ. Hình thức phòng ngự theo kiểu tập đoàn cứ điểm xuất hiện đầu tiên ở trận Verdun (Pháp) trong Chiến tranh thế giới lần thứ Nhất (1914 - 1918). Trong chiến tranh thế giới lần thứ Hai (1939 - 1945), quân đội phát xít Đức cũng đã vận dụng hình thức phòng ngự này dưới tên gọi chiến thuật “con nhím” nhằm ngăn chặn các cuộc phản công của quân đội Liên Xô, tiêu biểu trong trận Stalingrad… Vào năm 1951 nó được quân Pháp xây dựng ở Hòa Binh.Trong hoàn cảnh các đơn |
Quân Pháp trên một điểm cao ở Nà Sản năm 1952 |
vị của Pháp rút chạy từ các nơi về Nà Sản sau hai đợt tiến công của ta trong chiến dịch Tây Bắc (bắt đầu từ 14/10 đến 22/10/1952), tướng Raoul Salan[1] đã đồng ý thiết lập tại đây một tuyến phòng thủ mạnh, tập trung xung quanh sân bay gồm 28 cứ điểm (trong đó có 24 cứ điểm phòng ngự cấp đại đội, 4 cứ điểm cấp trung đội). Lực lượng ở đây được nâng lên thành 8 tiểu đoàn bộ binh, 1 tiểu đoàn pháo, 8 đại đội độc lập, 1 đại đội công binh. Một cầu không vận ngày đêm hoạt động, chuyên chở các đồ tiếp tế: đạn dược, lương thực, xe ủi đất, hàng ngàn tấn dây thép gai, hàng trăm xe vận tải và lừa ngựa từ Hà Nội lên Nà Sản (lừa ngựa để chuyên chở nước uống và tiếp tế lương thực đạn dược cho các đồn điểm tựa đóng trên núi). Các cứ điểm phòng ngự được bố trí đan xen với nhau, có công sự ẩn nấp vững chắc, có hàng rào dây thép gai, bãi mìn bao bọc, hàng trăm dân phu người Việt đã được huy động để đào đắp công sự và phát quang xung quanh các cứ điểm, cây lớn được chặt hạ ngổn ngang làm vật cản lên các điểm cao. Tập đoàn cứ điểm Nà Sản không đơn thuần là một điểm phòng ngự chốt giữ đường 41 và sân bay dã chiến như trước đây nữa mà đã trở thành tập đoàn cứ điểm mạnh hàng đầu ở Đông Dương vào thời điểm đó.
Một thách thức lớn được đặt ra cho các đơn vị của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Trong khi bộ đội ta chưa có nhiều kinh nghiệm trong chiến thuật công kiên lại, phải đối phó với những cứ điểm mạnh được pháo binh và máy bay hỗ trợ. Cách đánh của ta chủ yếu là đánh ban đêm, bí mật áp sát điểm cao, dùng bộc phá mở cửa cho bộ đội xung phong qua hàng rào và bãi mìn. Hỏa lực hỗ trợ chỉ có súng cối và DKZ cùng một số ít sơn pháo 75mm, không thể áp chế được những khẩu trọng pháo 105mm hiện đại của địch. Súng máy phòng không 12,7mm của ta không phải là điều mà máy bay địch quá lo ngại, chúng hoàn toàn có thể tự do hạ cánh, cất cánh, thả hàng tiếp tế cũng như oanh kích vào đội hình của ta. Rõ ràng là để tiêu diệt được một cứ điểm mạnh như Nà Sản phải có nhiều thời gian, bắt đầu bằng việc nghiên cứu cách phòng thủ của địch để tìm ra cách đánh phù hợp với điều kiện trang bị hạn chế của ta. Một hạn chế lớn nữa của ta là chưa nắm được đầy đủ về tình hình địch, cho rằng lực lượng của địch chỉ khoảng 4 tiểu đoàn rệu rã, nên rất chủ quan, đưa ra quyết tâm tiêu diệt toàn bộ quân địch ở Nà Sản. Trong khi bộ đội ta phải truy kích dài ngày liên tục từ đầu chiến dịch, chưa được nghỉ ngơi và bổ sung lực lượng, thời gian chuẩn bị gấp rút nên công tác đảm bảo hậu cần còn chưa kịp thời. Từ những lý do đó, việc tổn thất lớn trong khi tiến công các cứ điểm ở Nà Sản cũng là điều có thể thấy trước.
Ngay từ chiều ngày 23/11/1952, những đơn vị truy kích của Trung đoàn 88 (thuộc Đại đoàn 308) đã phải rút lui khi chạm phải hỏa lực mạnh mẽ của địch ở ngoại vi Nà Sản. Đêm ngày 30/11, đợt 3 của chiến dịch Tây Bắc chính thức bắt đầu, mặc dù lực lượng của ta đã chiếm được hai cứ điểm của địch ở Bản Hời (d15/ e156/ f312) và Pu Hồng (e102/ f308) nhưng lại để mất vào tay lực lượng phản kích sau những đợt pháo kích và ném bom dữ dội của địch. Đến đêm ngày 1/12 ta tiếp tục tấn công hai cứ điểm là Nà Si (e174/f316) và Bản Vạy (e209/ f312) nhưng gặp rất nhiều khó khăn. Ngày hôm sau địch gấp rút tăng cường thêm 2 tiểu đoàn dù và dùng máy bay ném bom, pháo kích dữ dội vào đội hình của ta. Trước tình hình thương vong lớn, nếu kéo dài sẽ rất bất lợi, ta phải chủ động kết thúc các trận đánh vào Nà Sản và cũng là kết thúc chiến dịch Tây Bắc. Sau này Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã chia sẻ khó khăn khi đó “Sự chệnh lệch quá lớn về vũ khí trạng bị đặt ta vào trường hợp một võ sĩ hạng nhẹ phải đọ sức với một võ sĩ hạng nặng, trên vũ đài chật hẹp, trong một trận đánh kéo dài... khi đối phương đã thuộc những miếng đánh của ta, mỗi lần vào trận càng khó”[2].
Đầu tháng 5/1953, Henry Navare được điều sang làm tổng chỉ huy quân đội Pháp ở Đông Dương nhằm cứu vãn một cuộc chiến đã sắp đến hồi kết thúc. Chỉ hai tuần sau đó, ngày 21/5/1953, Navare đến thăm “con nhím” Nà Sản trong một hoàn cảnh không lấy gì làm dễ chịu. Trên chuyến bay lên thị sát Điện Biên Phủ, máy bay chở ông ta bị trúng đạn phòng không của ta ở Mộc Châu và buộc phải hạ cánh khẩn cấp xuống Nà Sản. Quyết tâm thành lập một “con nhím” lớn hơn ở Điện Biên Phủ của Navare đã được củng cố sau khi nghe Trung tá Berteil chỉ huy Tập đoàn cứ điểm Nà Sản khoe khoang về những chiến tích của Trung tá Gille, người tiền nhiệm của ông ta đã làm ở Nà Sản. Sự nghi ngại vì lời cảnh báo “hãy coi chừng đối với những “con nhím”… chúng ta không nên quên Stalingrad" của Thống chế Alphonse Juin - Tư lệnh các lực lượng Trung Âu của khối NATO[3] đã nhanh chóng bị những thắng lợi ở Nà Sản xóa nhòa. Việc rút bỏ Nà Sản cũng được thúc đẩy bởi vai trò cản bước tiến của ta lên Tây Bắc và Thượng Lào không còn nhiều ý nghĩa khi căn cứ Sầm Nưa ở Lào đã bị ta phá tan, đồng thời lực lượng viễn chinh Pháp sẽ thu hồi được những đơn vị tinh nhuệ trong lúc ông ta đang khao khát có thêm được một lực lượng cơ động mạnh, điều mà nước Pháp cũng khó có thể có thêm cho ông ta trong thời điểm khó khăn. “Con nhím” ở Nà Sản là một hình mẫu cho Điện Biên Phủ, nó sẽ đáp ứng được những điều mà Navare đang mong muốn là che chở cho Thượng Lào và thu hút chủ lực của Việt Minh lên đó để nghiền nát họ.
Kế hoạch rút quân khỏi Nà Sản đã được Navare và Cogny lên kế hoạch kỹ lưỡng. Một cuộc hành quân mang tên “Con nhạn” (Hirondelle) diễn ra cuối tháng 7/1953, lính dù được thả xuống Lạng Sơn đốt phá những kho tàng của ta tại đây; đồng thời một vài tiểu đoàn dù đóng tại Hà Nội được lệnh sẵn sàng bay lên Nà Sản. Đây là một biện pháp nghi binh, nhằm thu hút sự chú ý và đánh lừa mạng lưới tình báo của ta trong thành phố cho rằng: “Pháp chuẩn bị tăng cường Nà Sản”. Trên thực tế, những chiếc máy bay Dakota đầu tiên hạ cánh sáng ngày 7/8/1953 xuống Nà Sản có chở theo một số lính dù. Có điều, khi bay trở về Hà Nội, chiếc máy bay nào cũng lèn chặt quân. Cuộc rút quân diễn ra gấp rút, Navare và Cogny đều hiểu nếu tướng Giáp biết tin nhất định sẽ điều động các tiểu đoàn chủ lực tới tiến công. Nà Sản đang bị suy yếu vì rút quân sẽ là một miếng mồi ngon. Vào thời điểm đó, phía ta có tổ chức theo dõi vị trí Nà Sản nhưng do điện đài liên lạc bị trục trặc nên khi tin tức đến với Quân ủy thì đã quá muộn. Đến ngày 12/8 thì cuộc di tản kết thúc, trong khi tướng Cogny tổ chức một buổi họp báo về thắng lợi của cuộc rút quân tại Hà Nội thì những đơn vị bộ đội đầu tiên mới tiến vào Nà Sản. Nhiệm vụ còn lại chỉ là thu lại một số vật chất mà quân Pháp đã không kịp mang đi, trong đó có một số kho đạn dược, một vài xe vận tải và những tấm ghi sắt phủ trên đường băng. Những bãi mìn và hàng rào thép gai dải quanh các điểm tựa cũng được ta thu hồi cẩn thận để sử dụng sau này.
Căn cứ lục quân – không quân Điện Biên Phủ nhanh chóng được hình thành sau cuộc hành binh “Hải ly” (Castor) vào cuối tháng 11/1953. Một "con nhím" khổng lồ giữa núi rừng Tây Bắc được tướng Navare hết sức kỳ vọng từ sau những nghiên cứu ở Nà Sản. Nhưng lúc này tình hình đã khác một năm trước đó, ngay từ năm 1951, Đại đoàn công pháo 351 được thành lập, gồm 3 trung đoàn: trung đoàn pháo 675, trung đoàn pháo 45 và trung đoàn công binh 151. Các đơn vị đã lần lượt đến tập huấn tại một vùng biên giới giáp ranh giữa Việt Nam và Trung Quốc. Đến tháng 4/1953, cơ bản các đơn vị pháo binh của ta đã qua huấn luyện và được bắn thử đạn thật, quý giá nhất chính là 24 khẩu lựu pháo 105mm cùng 72 khẩu pháo cao xạ 37mm. Chúng sẽ là một “món quà” bất ngờ dành cho quân Pháp. Cũng trong năm 1953, các đơn vị bộ binh đều được triển khai huấn luyện hai hình thức chiến thuật chính là đánh công kiên và đánh vận động cả ban ngày và ban đêm. Trong công kiên thì học cách đánh công sự mới (boong ke) và đánh tập đoàn cứ điểm. Trong đánh vận động thì học cách đánh địch có máy bay, pháo binh yểm trợ đang vận động hoặc chiếm lĩnh trận địa. Tháng 7-1953, Bộ Tổng tham mưu tổ chức hội nghị nghiên cứu đánh công sự mới, đánh tập đoàn cứ điểm và sử dụng một trung đoàn của đại đoàn 308 diễn tập thực binh. Sang tháng 9, Bộ Tổng tư lệnh mở lớp tập huấn quân sự trong thời gian một tháng cho cán bộ trung cấp, cao cấp toàn quân nhằm nâng cao trình độ tổ chức, chỉ huy bộ đội đánh công sự mới, đánh tập đoàn cứ điểm, đánh quân địch đang vận động. Sau lớp tập huấn của Bộ, từ ngày 15-9, các đại đoàn bộ binh bước vào đợt huấn luyện tập trung trong thời gian hai tháng. Bộ đội ta đã trưởng thành vượt bậc, trong khi Navare và các tướng lĩnh Pháp vẫn nuôi hi vọng về cái "nhọt tụ độc" Điện Biên Phủ - một căn cứ cách xa hậu phương của ta hơn so với Nà Sản, khu vực ngoài tầm với của trọng pháo Việt Minh. Phần còn lại là của lịch sử…
Sau này các tướng lĩnh Pháp mất khá nhiều thời gian để tranh cãi về ý tưởng “con nhím" đã bị vặt trụi lông cứng ở Điện Biên phủ. Cogy, Salan, Navare… những tướng lĩnh hàng đầu của nước Pháp đều đổ lỗi cho nhau. Chỉ duy có một điều không thể chối cãi là họ đã thua trong cuộc chiến ở Đông Dương. "Ánh sáng cuối đường hầm" đang le lói đã bị tắt ngấm ở Điện Biên Phủ. Chiến thuật “con nhím” có thể sẽ được các nhà quân sự tiếp tục áp dụng ở đâu đó và chắc chắn họ sẽ có rất nhiều điều tham khảo từ Nà Sản và Điện Biên Phủ.
Hà Ngọc Hòa - Hội Sử học Sơn La
[1] Raoul Salan là Tổng tư lệnh quân đội Pháp tại Đông Dương (1952-1953), tháng 5/1953, Henry Navare sang thay.
[2] Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Chân dung một huyền thoại, NXB Đồng Nai, 2013, Tr.254.
[3] Henri Nava. Thời điểm của những sự thật, Nguyễn Huy Cầu dịch, Nxb CAND, Hà Nội 1994, tr.47