Bản Nà Pát, xã Chiềng Khoang, huyện Quỳnh Nhai, tỉnh Sơn La có 89 hộ, đều là dân tộc Thái (ngành Thái đen). Bản trải dài trong một thung lũng, về phía Tây có dãy núi đá vôi có tên là Lán Le chạy theo hướng Tây Bắc - Đông Nam. Tại đây, người dân địa phương đã phát hiện một ngôi mộ cổ chứa di cốt và đồ tùy táng trong một hang đá nhỏ dưới chân núi Lán Le, cách bản Nà Pát khoảng 200 mét.
Khi phát hiện, cửa hang đã bị bịt lại bằng những hòn đá lớn. Sau đó, người dân bản Nà Pát đã tìm cách dỡ đá, lộ ra một hang luồn nhỏ. Nền hang sâu hơn mặt đất ngoài cửa khoảng 1,5m và rộng khoảng 6m2. Người dân địa phương cho biết, ngôi mộ được chôn chính giữa nền hang, rộng hơn 1m, dài hơn 2m, xung quanh xếp đá và nhô cao khỏi nền hang khoảng 30 - 40cm. Do hiếu kỳ, người dân tự “khai quật” ngôi mộ này, phát hiện di cốt cách mặt đất khoảng 1m, đầu quay ra cửa hang (hướng Bắc). Phần đầu và xưởng sọ đã bị mủn, chỉ còn lại một phần xương của hàm dưới có 4 chiếc răng, 2 đoạn xương ống chân. Kèm theo di cốt, có một số đồ tùy táng, qua đó chúng ta có thể hình dung ra cách chôn cất của người xưa. Trên đầu đặt 5 chiếc qua đồng của Văn hóa Đông Sơn, có phần lưỡi nhọn và phần đuôi để tra cán có lỗ để xuyên dây buộc. Một số lưỡi qua được khắc họa hoa văn 5 vòng tròn xoáy trôn ốc. Về kích thước, chia làm 3 loại: Loại to: 2 chiếc, phần lưỡi dài 30 cm, rộng 5 cm, phần đuôi để tra cán dài 5 cm; Loại nhỡ: Có 2 chiếc, phần lưỡi dài 27 cm, rộng 4cm, phần đuôi dài 5 cm; Loại nhỏ: 1 chiếc, phần lưỡi dài 24 cm, rộng 3,5 cm, phần đuổi dài 4 cm. Chuôi dài từ lưỡi xuống 9 cm được vát hình hơi tròn vào phía trong của chuôi. phía ngoài rìa chuôi được đục 3 lỗ theo chiều dọc chuôi, dài 3 cm, rộng 0,5 cm làm chỗ buộc dây vào cán. Đây là một loại vũ khí thường gặp trong Văn hóa Đông Sơn, được buộc dây vào đầu một chiếc cán dài, giống như một cái câu liêm, dùng để bổ, chém, chặt. Rất ít khi tìm được loại vũ khí với số lượng nhiều như vậy trong lòng đất.
05 qua đồng trong ngôi mộ cổ được phát hiện tại xã Chiềng Khoang
huyện Quỳnh Nhai, tỉnh Sơn La
Tại vị trí cổ người chết, đã tìm được một số hạt chuỗi đeo cổ, được làm bằng đá mài nhẵn, hình trụ dài có khoan lỗ, màu trắng và đen có kích thước dài từ 2cm đến 6 cm, ở giữa có khoan lỗ để xỏ dây đeo. Tại vị trí ngực di cốt phát hiện 1 hiện vật bằng đồng, có hình tròn đường kính 15 cm, ở giữa võng sâu hình lòng máng. Rìa cạnh rộng 3 cm, trang trí 3 chấm tròn, chạy xung quanh, có lỗ hai bên để xỏ dây đeo. Chưa rõ đây là loại mũ đồng hay là một loại "hộ tâm phiến" che ngực. Ngoài ra, trong ngôi mộ còn phát hiện 02 chiếc rìu đồng hình chữ nhật có họng đặt ở vị trí của 2 xương đùi di cốt. Về kích thước, chia làm 2 loại, loại to dài 10 cm, rộng lưỡi 6 cm, lỗ tra cán rộng 2,5 cm; loại nhỏ dài 8 cm, rộng lưỡi 5,5 cm, lỗ tra cán rộng 2 cm.
Sau khi đào xong, những người dân địa phương thu gom xương và chôn lại như cũ. Sau đó Bảo tàng tỉnh Sơn La đã cử cán bộ phối hợp với phòng Văn hóa và Thông tin huyện Quỳnh Nhai để đưa các hiện vật gồm 5 qua đồng, 2 rìu đồng và “hộ tâm phiến” về Bảo tàng tỉnh bảo quản. Đây là một phát hiện quan trọng về văn hóa Đông Sơn ở vùng đất Sơn La, vì vậy Bảo tàng tỉnh đã gửi thông báo đến Ban tổ chức Hội nghị thông báo khảo cổ học toàn quốc lần thứ 53/2018 tổ chức tại tỉnh Thừa Thiên Huế.
Theo PGS-TS Trịnh Sinh (Viện Khảo cổ học Việt Nam), qua nghiên cứu bước đầu các hiện vật trong ngôi mộ cổ ở Chiềng Khoang, có thể khẳng định đây là những đồ tùy táng điển hình của Văn hóa Đông Sơn. Qua đó xác định niên đại ngôi mộ này cách đây khoảng 2.000 năm.
Sơn La là địa phương đã phát hiện ra dấu tích Văn hóa Đông Sơn trước đây ở vùng Đá Đỏ, huyện Phù Yên, nằm bên bờ sông Đà. Nay lại thêm một di tích văn hóa Đông Sơn nữa ở huyện Quỳnh Nhai. Điều đó chứng tỏ từ cách đây 2000 năm, cư dân Đông Sơn đã cư trú ở vùng Sơn La. Có thể, khi đó, một cộng đồng người nào đó, tổ tiên của các dân tộc ít người hiện nay ở vùng Tây Bắc đã cùng với các tộc người ở nhiều vùng khác đã sáng tạo nên Văn hóa Đông Sơn. Do vậy, để tìm hiểu, nghiên cứu nền Văn hóa Đồng Sơn trên vùng đất này, cần có sự vào cuộc kịp thời của các cơ quan chức năng phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức các cuộc điều tra, khai quật khảo cổ học.
Phạm Văn Tuấn: Phòng nghiệp vụ Bảo tồn Bảo tàng