Đường dây nóng: 0212.3850221

Di tích lịch sử Cầu Trắng - Phường Tô Hiệu, thành phố Sơn La

Cập nhật: 15:30:17 10 / 03 / 2020
Lượt xem: 2485

      Di tích lịch sử Cầu Trắng ([1]) thuộc tổ 2 phường Tô Hiệu, thành phố Sơn La. Cầu Trắng nằm trên tuyến Quốc lộ 6A (Đường 41 cũ) bắc qua suối Nậm La nằm ở trung tâm thị xã Sơn La, là mạch nối giao thông giữa các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ với Sơn La, Điện Biên, Lai Châu. Cầu Trắng có vị trí quan trọng trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và Đế quốc Mỹ.

     Năm 1963 Ty giao thông Sơn La đã thiết kế và xây dựng Cầu Trắng theo kiểu cầu vòm với chiều dài 45 m, rộng 7 m, lan can chạy dọc hai bên thành cầu.

     Đặc biệt trong cuộc chiến tranh phá hoại Miền Bắc lần 1 của đế quốc Mỹ giai đoạn 1965- 1968, Cầu Trắng là mục tiêu bắn phá của không quân Mỹ. Trong thời gian này, đế quốc Mỹ đã huy động hàng trăm  máy bay đánh phá thị xã Sơn La 129 lần, ném 6912 quả bom các loại phá hủy hoàn toàn các công trình văn hoá, y tế, giáo dục, nhà máy, cơ quan tỉnh và quân khu Tây Bắc đóng trên thị xã (Sơn La khi đó là Thủ phủ - trung tâm chính trị - kinh tế - văn hoá xã hội của khu Tây Bắc) giết hại hàng trăm dân thường. Trong đó Cầu Trắng bị máy bay Mỹ tập trung bắn phá 34 trận, ném xuống 870 quả bom các loại và hàng trăm quả rốc két phá hủy hoàn toàn thân cầu, hai bên mố cầu và đường dẫn lên cầu.

     Thực hiện lời dạy của Bác "Không có gì quý hơn độc lập tự do"; với tinh thần “Sống bám cầu, bám đường, chết kiên cường dũng cảm”. Dưới sự lãnh đạo của Quân khu Tây Bắc, của Tỉnh ủy - ủy ban nhân dân tỉnh hệ thống phòng không nhân dân được thiết lập với các Đại đội pháo cao xạ 37 mm của Tiểu đoàn 24, Sư đoàn 316 tăng cường, các Trung đội dân quân tự vệ với hoả lực là đại liên, trung liên, súng trường của thị xã Sơn La đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đánh trả máy bay Mỹ, bảo vệ Cầu Trắng, bắn rơi 9 máy bay F105D của đế quốc Mỹ. Lực lượng Thanh niên xung phong 118 và 70 công nhân quốc phòng thuộc cung đường 5 hạt 6 giao thông và nhân dân các dân tộc thị xã Sơn La đã đảm bảo giao thông thông suốt, giúp đỡ lực lượng phòng không  kéo pháo, xây dựng trận địa và phục vụ chiến đấu.

     Năm 2003 cầu được thiết kế và xây dựng lại với kiểu dáng hiện đại hơn, cầu có chiều dài 48,1 m, rộng 14,0 m khánh thành và đưa vào sử dụng năm 2006.

     Di tích lịch sử cầu Trắng là nơi ghi dấu cuộc chiến tranh hủy diệt của đế quốc Mỹ trên địa bàn thị xã Sơn La, là nơi thể hiện tình đoàn kết, lòng yêu nước và chiến đấu kiên cường dũng cảm, chiến thắng vẻ vang của quân và dân các dân tộc Thị xã nói riêng và quân dân các dân tộc Sơn La nói chung. Vượt qua mọi khó khăn gian khổ kiên trì bám trụ để kịp thời khai thông tuyến đường vận chuyển lương thực, thực phẩm, vũ khí cho vùng Tây Bắc và tiếp viện cho vùng Thượng Lào. Đây cũng là bằng chứng tố cáo tội ác dã man của Đế quốc Mỹ đối với nhân dân ta.

    Tại di tích lịch sử Cầu Trắng có nhiều tấm gương lao động hăng say, thông minh, sáng tạo, chiến đấu dũng cảm để đảm bảo giao thông thông suốt tiêu biểu là chiến sĩ thi đua toàn quốc Nguyễn Kim Tiến. Nơi đây đã trở thành một di tích lịch sử khắc ghi và minh chứng cho tinh thần yêu nước, dũng cảm chiến đấu chống giặc ngoại xâm của nhân dân các dân tộc Sơn La.

    Đi trên cây cầu lịch sử, cảm nhận rõ nét sự đổi thay to lớn của cuộc sống hôm nay, chúng ta càng thêm trân trọng biết ơn những cống hiến, hy sinh của ông cha thuở trước. Cây cầu gắn với những chiến công và cả những bi thương, mất mát của dân tộc, sẽ mãi là gạch nối giữa quá khứ, hiện tại và tương lai, khơi dậy niềm tự hào về truyền thống cách mạng của quê hương, đất nước.

          Cầu Trắng được UBND tỉnh Sơn La xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh ngày 15/9/2008                                 

Lê Thị Liên - Phòng GD - TT

 

 


[1] Trước đây còn gọi là Cầu 308 bởi từ thủ đô Hà Nội theo Quốc lộ 6A lên tới thị xã Sơn La đến Cầu Trắng là 308km

 


Các tin khác:

Thống Báo

Liên Kết Website

Video - Sự Kiện

Không có video - Upload lại link

Thống Kê

Hôm nay : 424
Hôm qua : 353
Tháng này : 26182
Tổng truy cập : 3761466
Đang trực tuyến : 12