Quỳnh Nhai - một vùng nước non hùng vĩ và tươi đẹp cũng là mảnh đất giàu truyền thống văn hoá, truyền thống lịch sử cách mạng chống ngoại xâm. Với 2 con sông chảy qua là sông Đà và sông Nặm Giôn, các nhà khảo cổ, các nhà địa chất đã khai quật và phát hiện Quỳnh nhai là vùng đất giàu tài nguyên khoáng sản như mỏ than ở Mường Chiên và Pha Khinh, tài nguyên rừng phong phú và hệ động vật quý hiếm: hổ, báo, gấu, hươu, nai…
Bên cạnh đó, Quỳnh Nhai còn là chứng tích ghi dấu địa danh lịch sử trong cuộc đấu tranh chống thực dân Pháp của dân tộc ta trên mảnh đất Sơn La nói chung và Quỳnh Nhai nói riêng. Trong đó, Di tích cây đa Pắc Ma là một vật chứng, chứng minh trận tập kích Pắc Ma của bộ đội ta vào tháng 10/1952. Với trận thắng này đã góp phần chọc thủng phòng tuyến Sông Đà của địch giải phóng hoàn toàn huyện Quỳnh Nhai, tạo điều kiện giành thắng lợi to lớn trong đợt I của chiến dịch Tây Bắc.
Cây đa Pắc Ma, Huyện Quỳnh Nhai
Trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, huyện Quỳnh Nhai có vị trí chiến lược quan trọng về quân sự, là cửa ngõ để quân ta có thể từ Than Uyên (Lai Châu) tiến vào và đi sang Tuần Giáo, Điện Biên. Thực hiện chính sách dồn dân để dễ bề kiểm soát, năm 1948 tại bản Mứn và bản Pắc Ma,Thực dân Pháp đốt phá trên 100 nóc nhà, vơ vét tài sản của nhân dân, thẳng tay đàn áp dã man những người đi theo cách mạng.
Nhận rõ tình hình, vị trí chiến lược của Sơn La, Tây Bắc, ngày 21/01/1948 Bộ Tổng chỉ huy Liên khu X đã ra chỉ thị số 114/CT-BT và 115/CT-BT nêu rõ nhiệm vụ giải phóng đồng bào Tây Bắc và xây dựng căn cứ địa Tây Bắc là nhiệm vụ căn bản của liên khu. Thực hiện chủ trương đó, ngày 29/3/1948 Đội xung phong Quyết Tiến đã lên đường làm nhiệm vụ. Ngày 29/6/1948 đơn vị đã đến Tú Lệ, Yên Bái và dự kiến tiến lên Mường Trai (Mường La).
Tháng 9/1952, Trung ương Đảng chủ trương: tránh chỗ mạnh, đánh chỗ yếu, tìm nơi sơ hở của địch mà đánh và quyết định mở chiến dịch Tây Bắc. Mục tiêu của chiến dịch là tiêu diệt một bộ phận sinh lực địch, tranh thủ nhân dân, giải phóng một phần đất đai và xây dựng căn cứ địa Tây Bắc. Thấy rõ địa thế thuận lợi của huyện Quỳnh Nhai, căn cứ vào nhận định của Bộ tổng chỉ huy, quân chủ lực của ta đã dàn trận kịp thời, bố trí lực lượng chiến đấu. Tại khu vực cây đa Pắc Ma, xã Pắc Ma, huyện Quỳnh Nhai, bộ đội ta đã tiêu diệt được 72 tên địch trong tiểu đoàn TaBo thứ 17 quân Viễn chinh Pháp, thu được nhiều vũ khí. Trận tập kích Pắc Ma thắng lợi đã góp phần chọc thủng phòng tuyến sông Đà của địch, giải phóng hoàn toàn huyện Quỳnh Nhai, tạo điều kiện giành thắng lợi to lớn trong hai đợt của chiến dịch tiến công giải phóng Tây Bắc.
Chiến dịch Tây Bắc kết thúc thắng lợi, ta đã tiêu diệt một bộ phận quan trọng sinh lực địch, giải phóng một vùng đất đai rộng lớn 28.500 km2 với 25 vạn dân trên một địa bàn hết sức quan trọng. Tây Bắc trở thành căn cứ địa nối liền với căn cứ địa Việt Bắc. Ta đã phá thế uy hiếp của địch đối với Thượng Lào từ phía Đông, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi để phối hợp với cách mạng nước bạn. Thế đứng chân của cuộc kháng chiến ngày càng được củng cố vững chắc; thế chủ động tiến công chiến lược trên chiến trường chính Bắc Bộ tiếp tục được giữ vững, đẩy quân địch vào thế phòng ngự bị động, dẫn đến thất bại thảm hại tại chiến trường Điện Biên Phủ năm 1954, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp xâm lược của nhân dân ta.
Cây đa Pắc Ma là một chứng tích ghi dấu thắng lợi của quân và dân các dân tộc Sơn La và thắng lợi của chiến dịch Tây Bắc năm 1952. Thắng lợi này đã khẳng định tầm nhìn chiến lược của Đảng, sự chỉ đạo tài tình của Quân ủy Trung ương, sự đoàn kết keo sơn các dân tộc Tây Bắc, ý chí quyết chiến quyết thắng và sự chiến đấu ngoan cường của quân đội ta.
Hiện nay cây đa vẫn vươn cao sức sống trên đồi, xung quanh mênh mông sông nước của vùng lòng hồ thủy điện Sơn La. Để đến với di tích, du khách sẽ được ngồi trên thuyền ngắm cảnh thiên nhiên hùng vĩ, câu cá sông Đà, đặc biệt là việc thành tâm thắp một nén nhang tưởng nhớ tới các chiến sỹ đã hy sinh bảo vệ vùng đất Quỳnh Nhai tươi đẹp. Nơi đây còn là một trang sử địa phương soi sáng cho các thế hệ con cháu học tập, cống hiến sao cho xứng đáng với công lao to lớn và sự hy sinh của các thế hệ tiền bối.
Di tích được UBND tỉnh Sơn La xếp hạng ngày 28/2/2007.
Người viết: Cầm Thị May, Phòng GD-TT