Đường dây nóng: 0212.3850221

Di tích cầu Nà Hày ( Cầu Suối Muội)

Cập nhật: 15:30:47 10 / 03 / 2020
Lượt xem: 2963

          Trong âm mưu chiến tranh phá hoại Miền Bắc, Tây Bắc được coi là một địa bàn trọng điểm đối với quân xâm lược vì Tây Bắc là một vùng đất đai rộng lớn, giáp biên giới với nước CHDCND Lào có thể chi viện cho chiến trường Lào.

         Là một tỉnh miển núi của Tây Bắc, Sơn La có vị trí chiến lược quan trọng, Trục quốc lộ 6 chạy dọc các tỉnh nối liền từ Hà Tây (Hà nội), Hòa Bình, đến Điện Biên, Lai Châu là con đường huyết mạch chủ yếu để vận chuyển hàng hóa phục vụ phát triển kinh tế, văn hóa, cải thiện nâng cao đời sống cho đồng bào các dân tộc cũng như đảm bảo về an ninh, quốc phòng và vận chuyển lương thực, thực phẩm, vũ khí…phục vụ chiến trường.

          Năm 1965 Máy bay Mỹ leo thang bắn phá Mộc Châu mở đầu cho cuộc chiến tranh bắn phá Sơn La, Tây Bắc. Từ đây, nhân dân các dân tộc Sơn La thực sự bước vào cuộc chiến đấu chống chiến tranh phá hoại của  Đế quốc Mỹ.

           Giặc Mỹ bắn phá ác liệt vào Sơn La nhằm ngăn cản vận chuyển hàng hóa từ dưới xuôi lên. Vì vậy ngay từ những ngày đầu đánh phá Sơn La chúng đã đánh phá vào các tuyến đường giao thông, hệ thống cầu cống như: Cầu Sắt (Yên Châu), Cầu Trắng (Thị xã), cầu Nà Hày (suối Muội, Thuận Châu)… Cầu Nà Hày do Thực dân Pháp xây dựng bằng bê tông cốt thép vào những năm 30 của thế kỷ XX, với mục đích phục vụ lợi ích của chúng trong việc cai trị Tây Bắc.

          Cầu Nà Hày nằm trên quốc lộ 6 trên đoạn từ thành phố Sơn La đi Thuận Châu, Điện Biên, Lai Châu cách thị trấn Thuận Châu khoảng 6km, cầu nằm ở vị trí giữa hai bản: bản Nà Hày và Bản Nà Lạn (Tông Lệnh - Thuận Châu). Cầu được xây dựng ở phía thượng lưu con suối Muội (hay gọi là cầu suối Muội), đây là cây cầu huyết mạch đảm bảo thông thương con đường quốc lộ 6. Ngoài cây cầu được xây dựng bằng xi măng cốt thép, công nhân giao thông đã làm thêm một con đường ngầm để đảm bảo giao thông khi cầu bê tông bị hỏng. Con đường ngầm này được làm bằng đá hộc và để phục giao thông trong mùa khô.

          Để đảm bảo giao thông phục vụ cho Sơn La, các tỉnh Tây Bắc và chiến trường Lào, ngoài cây cầu bằng bê tông cốt thép và con đường ngầm, ở phía thương lưu công nhân giao thông đã làm thêm một cây cầu phao ở phía hạ lưu. Chiếc cầu phao này được làm bằng tre, kết thành bè theo dọc con suối đủ chịu lực cho xe có trọng tải khoảng 3 tấn đi qua, con đường bằng phao tre dùng phục vụ trong mùa mưa lũ.

          Lực lượng bảo vệ cầu Nà Hày và 30 km quốc lộ 6 có hơn 100 người trong đó có 50 người là công nhân của cung II, hạt giao thông 7 do bà Nguyễn  Thị Mỵ làm cung trưởng. còn lại hơn 50 người là đội xung kích, đội có 40% là nữ.

           Trong 4 năm chiến tranh phá hoại, giặc Mỹ đã đánh phá vào các công trình giao thông vận tải tỉnh Sơn La 826 trận bom, phá hủy hơn 10 cây cầu lớn nhỏ. Riêng Cầu Nà Hày đã bị chúng dội xuống 14 trận bom với 350 quả bom các loại. Ác liệt nhất là vào khoảng thời gian từ tháng 8/ 1965 đến cuối năm 1966, cầu Nà Hày đã bị phá hủy hoàn toàn.

          Công nhân, cán bộ, đội xung kích của hạt giao thông 7 đã dũng cảm phá bom, nhanh chóng kịp thời sửa chữa; phát huy cao độ tính thông minh sáng tạo, có nhiều biện pháp linh hoạt để giữ vững mạch máu giao thông vận tải phục vụ cho sản xuất và chiến đấu, với tinh thần ‘’ Sống bám cầu, bám đường, chết kiên cường dũng cảm’’ và ‘’ địch phá, ta sửa’’. Khi cầu đường bị đánh, bom khói chưa tan, đã lập tức được cứu chữa để thông đường. Nhân dân địa phương cũng tham gia tích cực trong việc đảm bảo giao thông với tinh thần ‘’ xe chưa qua, nhà không tiếc’’.Ngày 3/9/1965 dân quân tự vệ Nà Hày đã bắn rơi 01 chiếc máy bay F105 của Đế quốc Mỹ.

         Với những chiến công xuất sắc bảo vệ đường, bảo vệ cầu, có nhiều sáng tạo trong lao động và chiến đấu. Đầu năm 1967, tại đại hội thi đua yêu nước toàn ngành giao thông vận tải trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, bà Nguyễn Thị Mỵ cung trưởng cung II, hạt giao thông 7 là người duy nhất và người đầu tiên của ngành giao thông vận tải tỉnh Sơn La được phong tặng danh hiệu anh hùng lao động.

          Năm 1967, con đường ngầm bằng đá tiếp tục được tôn tạo để phục vụ cho việc hàn gắn viết thương chiến tranh và xây dựng kinh tế của Sơn La và Tây Bắc. Năm 1972 tỉnh Sơn La đã xây dựng một cây cầu sắt ở phía hạ lưu ( tại vị trí của chiếc cầu phao tre trong thời kỳ chống Mỹ) để phục vụ cho việc đảm bảo giao thông.

          Cùng với ngành giao thông vận tải tỉnh Sơn La nói chung. Cán bộ, công nhân, thanh niên xung kích bảo vệ cầu Nà Hày nói riêng đã đảm bảo giao thông vận tải thông suốt góp phần quan trọng vào thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, giải phóng Miền Nam thống nhất đất nước.

          Di tích Cầu Nà Hày được UBND tỉnh xếp hạng di tích cấp tỉnh ngày 28/4/

 

Di tích cầu Nà Hày

                                                                                

 

    Lò Văn Thanh - Phòng nghiệp vụ BT-BT

 


Các tin khác:

Thống Báo

Liên Kết Website

Video - Sự Kiện

Không có video - Upload lại link

Thống Kê

Hôm nay : 399
Hôm qua : 353
Tháng này : 26157
Tổng truy cập : 3761441
Đang trực tuyến : 5