Hàng năm khi hoa đào, hoa mận nở trắng rừng cũng là lúc dân tộc Mông bắt đầu đón tết. Tết của người Mông vào cuối tháng một, đầu tháng Chạp âm lịch (30/11 âm lịch). Tết thường kéo dài trong nhiều ngày với nhiều sinh hoạt cộng đồng mang đậm nét văn hóa dân tộc Mông.
Tết đến cả bản nhộn nhịp, nhà nào nhà đấy quét dọn sạch sẽ, trang trí sặc sỡ, tiếng giã bánh dày nhộn dàng khắp cả bản, những chiếc bánh dày trắng ngần làm từ gạo nếp nương được dùng để tạ ơn tổ tiên sau một vụ mùa thắng lợi và cũng là để mời nhau thưởng thức trong những ngày Tết.
Dán giấy niêm phong công cụ lao động của gia đình, một phong tục độc đáo của đồng bào Mông, cũng được người chủ gia đình thực hiện vào buổi chiều ngày cuối cùng của năm. Theo lời của các cụ già: "Những công cụ này cũng là công cụ lao động chính của mỗi gia đình. Một năm lao động sử dụng nó thì cuối năm dán giấy để cám cám ơn các công cụ lao động, vì nhờ nó mà năm nay thu được nhiều ngô nhiều ngô,lúa...
Tối hoặc nửa đêm 30, dân tộc Mông cúng ma nhà (tổ tiên) bằng một con lợn và một con gà còn sống (gà trống tơ). Sau đó cắt tiết ngay dưới ban thờ, Làm vậy là để báo với các vị thần linh, báo với tổ tiên và mời các vị về đón tết cùng con cháu. Rồi mới mang lợn, gà đi mổ (nhà nào giàu có thì thịt một con lợn từ 28, 29kg để ăn trước). Thịt xong đem cúng một mâm thịt chín, rồi ăn cơm, ôn lại những câu chuyện của năm cũ, ngồi hát những bài hát truyền thống, chờ tiếng gà gáy báo hiệu sang năm mới.
Để chuẩn bị cho ngày Tết, ngoài thịt lợn, thịt gà, nhà nhà đều phải có rượu ngô và bánh dày. Rượu ngô được nấu từ trước Tết hàng tháng. Rượu nấu xong đựng vào chum lớn, chum bé, đậy lá chuối rừng khô để giữ được mùi thơm.
Bánh dày làm từ gạo nếp nương, gói lá chuối. Người Hmông quan niệm, bánh dày tròn tượng trưng cho mặt trăng và mặt trời - là nguồn gốc sinh ra con người và vạn vật trên mặt đất. Bánh dày là thứ bánh đặc trưng của Tết người Hmông, tựa như bánh chưng của người Kinh, người Tày, dùng để cúng tổ tiên và trời đất.
Theo phong tục của đồng bào H'mông, trong 3 ngày Tết chính, mọi người chỉ được ăn thịt, không ăn rau nên ngoài ý nghĩa tạ ơn tổ tiên, thịt lợn còn là thực phẩm chính trong mâm cơm ngày Tết.
Bếp lửa theo truyền thống không thể thiếu trong 3 ngày Tết của người Mông, luôn cháy rực để sưởi ấm cho tổ tiên, các cụ về ăn tết, và cũng là sưởi ấm cho mọi người, khiến cho không khí ngày xuân ấm áp hơn trong cái lạnh nơi vùng cao.
Uống rượu "vòng" là phong tục rất độc đáo của người Mông. Với quan niệm Chén rượu "vòng" là để anh em đoàn kết. gửi đến nhau những lời chúc tốt đẹp nhất sang năm mới. Cả gia đình sang năm mới có sức khỏe mới, làm ít được nhiều, nuôi gà đầy chuồng, nuôi lợn cũng đầy chuồng, nuôi bò thì đầy bãi, làm thóc thì đầy kho. Chúc con cháu đi học đường xa, đi tốt về tốt, không có vấn đề nào xấu.
Dân tộc Mông ăn Tết trong 3 ngày chính nhưng hoạt động vui chơi lại kéo dài cả tháng. Trong những ngày tết chính, mọi người trong khắp bản đến nhà nhau để chúc tụng năm mới mừng tuổi cho trẻ nhỏ, mâm cỗ luôn được các gia đình chuẩn bị trước để tiếp khách.
Trong những ngày tết cũng như các dân tộc khác người Mông kiêng kỵ không ăn rau, bánh dày không nướng, không rán, không quét nhà nếu quét phải đánh đống không được hót, cơm canh khi ăn không được chan vào nhau mà phải dùng thìa húp, tết đến không tiêu tiền nên cha mẹ thường cho con cái tiền vào trước tết, kiêng phơi quần áo xung quanh nhà, phụ nữ không được cầm kim chỉ, con gái không phải làm việc gì trong 3 ngày tết. Bởi họ quan niệm (Tết ăn rau - cỏ nương mọc xanh như rau; Cơm chan với canh - làm cỏ nương gặp mưa cỏ sẽ không chết; Nướng bánh, rán bánh - quần áo hay bị cháy; Tiêu tiền tết - của cải sẽ đi dần; Phơi quần áo xung quanh nhà - diều hâu bắt mất gà...)
Tết truyền thống là dịp để đồng bào Mông vui chơi sau một năm lao động vất vả. Những trò chơi, những bài hát, tiếng khèn như kết nối mọi người gần nhau hơn, tăng thêm tình đoàn kết cộng đồng khắp bản làng. Đây cũng là điều kiện để đồng bào Mông gìn giữ những phong tục, nghi lễ, những nét văn hóa độc đáo của dân tộc mình
Nguyễn Thị Hồng Phương