Khi con người từ bỏ cõi trần gian để về với tổ tiên, người Mông gọi là "tùa" hay "ninh tùa" (người chết) là thuận theo quy luật của tự nhiên. Dựa trên đối tượng và nguyên nhân của người chết mà người Mông có những nghi lễ tổ chức tang ma khác nhau.
Theo phong tục truyền thống, lễ tang của người Mông bao gồm rất nhiều nghi lễ khác nhau. Sau khi gia đình có người thân qua đời, việc đầu tiên là con cháu phải báo với uỷ ban xã để uỷ ban xã có trách nhiệm báo với bà con dân bản. Trước đây họ dùng súng kíp bắn ba phát, bà con trong bản khi nghe thấy tiếng súng ở khu vực nào sẽ đổ về gia đình đó để chia buồn, đồng thời xem có việc gì thì cùng giúp đỡ.
Sau khi người quá cố tắt thở đem đặt xác xuống dưới đất, trên 1 tấm ván hoặc tấm phên để tại gian giữa, đầu quay hướng mặt trời mọc, chân hướng tây. Dùng nước lá thơm rửa mặt, lau người thay cho quần áo cho người chết, Vừa làm vừa xin để người chết được về với tổ. Người Mông quan niệm khi chết phải mặc trang phục truyền thống bằng vải lanh thì mới gặp được tổ tiên nhà mình. Bộ y phục nam gồm: quần, áo, khăn đội đầu. Bộ y phục nữ gồm: váy, áo, thắt lưng, yếm, sà cạp, khăn đội đầu.
Nếu người chết là ông, bà, cha, mẹ thì mặc rất nhiều quần áo, bởi phong tục của dân tộc Mông mỗi một cô dâu khi về nhà chồng phải có trách nhiệm, tặng bố mẹ chồng một bộ quần áo để bày tỏ lòng kính trọng và cảm ơn công sinh thành nuôi dưỡng chồng mình khôn lớn. Món quà này có thể tặng trong ngày cưới hoặc tặng bố mẹ khi tuổi đã cao. Vì vậy người chết có bao nhiêu con, sẽ mặc bấy nhiêu bộ quần áo, nếu đông con không thể mặc hết được, thì đem gấp để vào quan tài chôn theo. Thầy cúng có trách nhiệm báo với linh hồn người chết từng bộ quần áo của ai gửi, để họ nhận và mang về thế giới bên kia
Trước đây, khi xong thủ tục niệm người chết, họ Kê ván đặt người chết ở gian giữa sát tường nhà, đến giờ tốt thì treo người chết lên. Treo cao khoảng gần 2m để không nhìn thấy mặt và tiến hành nghi thức thổi khèn, đánh trống suốt 2 ngày đêm không nghỉ. Khi treo người chết, treo kèm theo dao nỏ, và một con gà trống còn sống buộc ở phía đầu của người chết. Họ quan niệm con Dao, cái nỏ gắn liền với cuộc sống của người H'mông, mang theo để bảo vệ linh hồn cho người chết trên đường về với tổ tiên. Con gà cất tiếng gáy để tổ tiên nhận ra con cháu mình và ngược lại người chết mới tìm được tổ tiên nhà mình.
Một ngày cúng cơm cho người chết 3 lần, do thầy mo đảm nhiệm. Cơm cúng của người H'mông rất đơn giản không cầu kỳ như các dân tộc khác. Cơm cúng đặt ngay ở dưới đất nơi treo người chết, dùng nửa dưới của quả bầu khô hoặc bát to để cúng cơm, mỗi bữa mang một ít cơm hoặc cháo, mấy miếng thịt, một quả trứng... để chung vào bát và rót một chén rượu, để thầy mo cúng. Thầy mo nói: con cháu dòng họ..., tên..., tuổi... hôm nay làm cơm cúng cho ông, bà, cô, chú... gồm món... mời người chết về ăn và phù hộ cho con cháu... Mỗi bữa đều cúng cơm như vậy (chỉ thêm cơm mới và không bỏ cơm cũ đi). Sau 2 ngày đem chôn bát cơm cúng cùng với người chết. Khi nấu cơm cúng tuyệt đối không được nếm, cúng xong gia đình mới được ăn cơm. Đối với dân tộc Mông những người chết già sẽ được con cháu tổ chức đám tang to hơn và không đeo tang.
Chôn người chết thường vào buổi chiều, đào huyệt sâu ngang ngực người đứng, cách chọn địa thế đất, họ thường chôn người chết, Đầu quay về hướng Đông, chân quay về hướng Tây nằm ở điểm chung giữa hai dãy núi. Chôn xong xếp đá tượng trưng, 3 ngày sau thì xếp cẩn thận lại trai thì xếp 7 tầng, gái thì xếp 9 tầng.
*Tục cúng cơm 3 ngày:
Ngày đầu người nhà mang cơm từ mờ sáng gồm: nước cháo, gan (gia súc gà, bò, lợn...) 3 ống tre đựng nước, cháo loãng, thịt trên đường đi họ hái 3 chiếc lá rừng to. Làm lõm đất ở phần mộ đặt chiếc lá lên rồi đổ nước, cơm, thịt. Dùng que tre chỉ vào từng thứ rồi mời người chết ăn. Việc này do chủ nhà làm nên không phải cúng mà chỉ nói nôm na mời người chết rửa mặt rồi ăn cơm. Trong 3 ngày đầu mỗi ngày đưa cơm 1 lần vào buổi sáng sớm, đến ngày thứ 3 sau khi mời cơm xong thì chặt lá tre phủ mộ và báo với người chết từ mai gia đình sẽ không mang cơm nữa và hẹn 12 ngày sau sẽ đón người chết về nhà để làm giỗ đầu.
*Cúng Giỗ đầu:
Sáng ngày thứ 12 Cử một số người trong gia đình đại diện ra mộ, khi đi mang theo dao, nỏ, 1 đoạn tre chẻ đôi và chiếc áo của người chết. Không đến tận mộ mà chọn 1 địa điểm rồi dừng lại dùng dao nhọn vẽ 1 vòng tròn, với dụng ý không cho ma ngoài xâm nhập theo người chết vào nhà; mang theo Dao, nỏ là để bảo vệ người chết trên đường về ăn giỗ không bị ma khác bắt nạt hoặc theo về. Dùng que tre tung vào vòng tròn để xin đón người chết về làm giỗ. Nếu 2 que tre mở là đón được, còn nếu úp là không đón được người chết. Như vậy thì chủ nhà phải làm lại và xin cho đến bao giờ được mới thôi.
* Cúng ở nhà:
Gia đình Chuẩn Bị 1 con gà trống dùng sợi dây lanh nối con gà với áo của người chết. Đặt áo, dao, nỏ xuống đất, dùng que tre tung để làm phép báo với người chết gia đình gửi cho một con gà nếu 1 que úp, 1 que mở nghĩa là người chết đã nhận được, đem gà đi cắt tiết dùng sợi dây quệt lấy 1 ít máu rồi đặt vào nơi để áo, nỏ, dao. cơm cúng cho người chết trên 1 chiếc ván, rót 1 chén rượu, đặt nghiêng 5 chiếc bát con, gà luộc chín, chặt chia vào 5 bát để cúng cơm
đàn ông thì chia như sau:
Bát 1 Cánh gà trái
Bát 2 Đùi gà phải
Bát 3 Cánh gà phải
Bát 4 Đùi gà trái
Bát 5 Phao câu
Cúng cơm cho đàn bà thì chia ngược lại, việc cúng cơm thường do người nhà làm. Dùng thìa múc 1 chút canh, cắt 1 miếng gan gà, đổ xuống đất cạnh dao, nỏ, áo, 5 bát thịt gà (Làm 3 lần như vậy) ý là để cúng tổ tiên 3 đời.
Quan niệm của người Mông đối với những đứa trẻ chết dưới ba tháng tuổi thì gia đình không tổ chức lễ tang và khi đưa đi chôn cũng phải đưa qua vách nhà, không được đưa qua cửa nhà. Bố mẹ có thương con đến mấy cũng không được khóc vì họ quan niệm nếu khóc ma nhà biết sẽ quở trách gia đình nhà mình.
Những trường hợp chết ở ngoài như: bị tai nạn, tự tử, chết đuối… thì người H'mông kiêng không cho mang xác vào trong nhà tổ chức lễ tang, mà Gia đình sẽ dựng một chiếc lán ở ngoài bãi để tổ chức lễ tang, vì người H'mông quan niệm rằng, những người chết ngoài, phần lớn là do các loại ma ác làm hại, nên nếu mang vào nhà sợ con ma này lại theo vào nhà để làm hại những người khác trong gia đình.
Những người chết trẻ mà bị chảy máu thì bị coi là những cái chết không sạch. nên lễ tang phải tổ chức gọn nhẹ hơn các lễ tang của người chết già. Trong khi niệm nếu người chết có răng đồng phải cậy bỏ đi, vì quan niệm của người H'mông chôn đồng, sắt theo người chết sẽ không tốt cho con cháu (trong 2 ngày đó con cháu trong gia đình phải cắt cử nhau để trông người chết, không sợ có người ác bỏ đồng sắt vào người chết thì con cháu sẽ bị lụn bại, không làm ăn được.
Người H’mông rất coi trọng việc tang ma và cho rằng lo tang ma cho người chết mà không đầy đủ thủ tục sẽ có ảnh hưởng hưởng tới những người đang sống. Không chu đáo thì gia đình, dòng họ, thậm chí cả bản làng phải gánh chịu hậu quả tai ương, lụi bại. Bởi vậy mà khó khăn đến đâu họ cũng phải chăm lo cho đám tang và cúng cơm cho người chết chu đáo.
(Nghi lễ tang ma của dân tộc Mông đen bản Lao Khô - xã Phiêng Khoài - Huyện Yên Châu)
Nguyễn Thị Hồng Phương