Đường dây nóng: 0212.3850221

Bộ nhạc cụ thầy cúng của người Dao Tiền - (Nghiên cứu tại bản Sao Đỏ, xã Vân Hồ, huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La)

Cập nhật: 15:28:27 10 / 03 / 2020
Lượt xem: 2615

   Người Dao Tiền tại tỉnh Sơn La cư trú chủ yếu tại các huyện Vân Hồ, Mộc Châu, Phù Yên và cũng như đồng bào Dao tại các địa phương khác, họ có tín ngưỡng thờ cúng, nghi lễ tâm linh đang được bảo tồn đậm nét thể hiện qua: Lễ cúng Bàn Vương, Lễ cấp sắc, cầu mùa, thanh minh.... trong các nghi lễ đó không thể thiếu được bộ nhạc cụ của thầy cúng dùng trong quá trình thực hành nghi lễ.

   Chúng tôi đã đến nhà ông Bàn Văn Đức – một nghệ nhân người dân tộc Dao vốn là thầy cúng có uy tín nổi tiếng khắp vùng, ông giỏi đan lát, vợ ông rất khéo thêu thùa. Bộ nhạc cụ thầy cúng do tự tay ông Bàn Văn Đức làm trống da sơn dương, sáo, sừng (tù và). Đây là một trong những bộ hiện vật đẹp, có tính thẩm mỹ và ý nghĩa tâm linh sâu sắc. Bộ nhạc cụ của người Dao Tiền bao gồm:

   Trống (bằng da Sơn Dương) gọi là “Dồ” (tiếng Dao) được cấu tạo như sau:

   Mặt trống được làm từ da sơn dương rừng, phải có độ mỏng nhất định, nếu da dày phải làm cho mỏng đi rồi để khô trên gác bếp từ 2-3 tháng là dùng được.

   Tang trống - thân trống được làm từ thân cây sồi, dùng cả thân cây gỗ đặc, rồi khoét rỗng. Độ dày của thân trống vừa phải, khoảng 1,5cm là đạt. Thân trống dày như vậy khi đánh trống mới tạo ra âm thanh vang và hay. Các dân tộc khác làm trống sẽ đóng chết mặt trống vào thân trống, nhưng với người Dao, họ lại căng mặt trống bằng cách uốn các sợi mây (vốn có ưu điểm là rất dai, bền) thành dây chắc chắn nối 2 đầu da của 2 mặt trống với nhau. Với chiếc trống này, nghệ nhân Bàn Văn Đức đã dùng 12 dây mây chắc chắn nối 2 mặt trống với nhau, trên 12 dây mây, nghệ nhân dùng 12 thanh gỗ vót hình tam giác vuông đặt lên giữa thân trống để căn chỉnh mặt trống. Độ căng, trùng của mặt trống phụ thuộc vào việc nêm đóng các thanh gỗ này, trống càng căng, độ vang của âm thanh khi gõ trống càng lớn, âm phát ra của trống trầm bổng theo ý người thợ. Các thanh gỗ để dùng để giữ mặt trống vừa có tác dụng căn chỉnh mặt trống, vừa tạo độ thẩm mỹ, sự khác biệt giữa trống của người Dao với các dân tộc khác.

   Trống được dùng trong các lễ cấp sắc, đám ma.... Để làm 1 chiếc trống ông Bàn Văn Đức phải tỉ mỉ mất thời gian 1 tháng. Chỉ có nghệ nhân như ông Bàn Văn Đức mới biết làm trống và làm rất đẹp. Dùi trống (Dồ chuồi) được làm từ gỗ xoan, không mối mọt, có phần đầu tròn, phần tay cầm thuôn mịn, đường kính khoảng 3cm để vừa tay cầm.

   Chiêng (Ló) được làm từ đồng nguyên chất để âm thanh vang và trong trẻo, đúc theo khuôn có sẵn của người thợ rèn. Chiêng này được sử dụng cùng với trống. Ở giữa tâm lõm vào 1 lỗ tròn để trở thành điểm đánh chiêng tạo ra âm thanh lan tỏa đều. Chiêng có độ khum vào bên trong mặt chiêng rỗng, trên thân chiêng có đục 2 lỗ tròn để luồn dây cây gai để trở thành tay cầm chiêng và treo chiêng trên tường nhà. Dùi chiêng được làm từ gỗ xoan, đầu được bọc vải để âm thanh thêm trầm bổng. Khi gõ, người gõ một tay cầm chiêng, một tay cầm dùi chiêng đánh theo cùng nhịp trống.

   Chũm chọe (kim xe) được làm từ đồng, đúc theo khuôn riêng, có hai phần giống hệt nhau. Chũm chọe có hình như 1 chiếc mũ thu nhỏ, có vành rộng, tổng thể được chia làm 3 vành rõ rệt: vành ngoài cùng, vành thứ 2 cách miệng ngoài khoảng 2cm vành này được đúc lõm vào hơn so với vành ngoài cùng 1 chút, đến vòng cuối cùng thì làm lõm hẳn vào, nhìn từ ngoài thì lồi lên thành 1 khum tròn, sâu vào khoảng 3cm. Bên ngoài chũm chọe có những hình hoa văn tròn nhỏ giống như dấu tay, tạo ra hoa văn này giúp cho chũm chọe không bị trơn, dễ dàng cầm nắm cũng như tăng tính thẩm mỹ.

   Bộ chũm chọe gồm 2 chiếc giống hệt nhau, được nối với nhau ở 2 điểm giữa tâm. Khi làm lễ cúng, nghệ nhân sẽ cầm 2 chiếc chũm chọe đập vào nhau để tạo ra âm thanh tùng, xòe hòa theo tiếng trống, chiêng rất rộn ràng, vui tai.

   Chuông (Lình) được làm từ đồng. Chuông có 2 phần, tay cầm và quả chuông. Chính giữa tâm từ trên đỉnh chuông có 1 quả lắc dài, thon dài xuống đến cuối phình ra để gõ vào thân chuông tạo nên âm thanh.             Chuông được dùng chủ yếu trong phần xòe của lễ Cấp Sắc, khi đó từ thầy cúng đến những người tham gia đều có thể cầm chuông để nhảy theo tiếng đọc thơ và lắc chuông theo nhịp. Điệu nhảy như được tăng thêm sự nhịp nhàng, rộn ràng, vui vẻ nhờ có tiếng chuông, tiếng chiêng trống hết sức hài hòa và âm vang. Ngoài việc được dùng trong các nghi lễ, chuông còn được dùng trong các điệu múa, vừa làm nhạc nền, vừa làm đạo cụ, tạo nên điệu múa chỉ riêng chỉ có của người Dao.

   Sáo (Diặt) được làm từ tre nứa, có thể lấy mùa nào cũng được. Từ ống tre, nghệ nhân sẽ để trên gác bếp cho khô rồi sau đó mới khoan 8 lỗ. Các lỗ khoan được hơ lửa để tránh nứt dọc theo thân sáo. Lỗ sáo đầu tiên để thổi là lỗ to nhất. Các lỗ sáo được bố trí để sao cho khi thổi người nghệ nhân đặt miệng lên đồng thời 2 tay bịt lỗ sáo là tạo ra âm thanh du dương, trầm bổng rất hay.  Sáo là lễ vật được đặt trên mâm cúng của lễ cấp sắc. Sáo ít khi được sử dụng, đôi khi sau thời gian đi làm nương rẫy về để tạo không khí vui vẻ trong gia đình người Dao sẽ thổi sáo.

   Sáo chỉ do người đàn ông Dao chế tác và sử dụng. Khi dùng xong người ta đặt sáo lên trên bàn đặt đồ cúng, không để vị trí khác trong nhà bởi họ quan niệm đây là một trong những vật dụng thiêng dùng trong thờ cúng, ít khi sử dụng thường ngày.

   Sừng (Cong) còn gọi là tù và được làm từ sừng trâu đực già. Sừng trâu được mài nhẵn bên ngoài nhưng vẫn có những vạch vân ngang không đều nhau do cấu tạo tự nhiên của sừng trâu. Đầu thổi nghệ nhân Bàn Văn Đức đã đục lỗ và bên ngoài tiện thành hình có phần để buộc dây. Tù và sừng trâu được sử dụng trong lễ cấp sắc, đám ma và lễ cầu mùa, ngoài các nghi lễ này ra thì không được sử dụng. Đặc biệt trong lễ Cấp Sắc người thầy cúng sẽ thổi tù và để gọi Ngọc Hoàng, còn các lễ khác để kèm theo các nhạc cụ trống, chiêng, chũm chọe.

   Dụng cụ xin âm dương (Cháo) được làm từ tre (còn gọi là mảnh tre xin âm dương). Yêu cầu là ống tre phải có 3 đốt tre, 1 đầu chặt bằng (phần ngọn), một đầu vót chéo (phần gốc). Họ thường dùng gốc tre già, có đốt sít vào nhau, có độ cứng, sau khi chế tác nhìn giống như hình móng chân con trâu. Dụng cụ xin âm dương gồm 2 mảnh tạo thành, mỗi mảnh là 1 nửa của ống tre. Dụng cụ xin âm dương vừa để thầy cúng gieo quẻ xin ý thần linh, vừa được dùng như nhạc cụ, gõ vào nhau để tạo ra âm thanh cùng các nhạc cụ khác. Dụng cụ xin âm dương được sử dụng trong các lễ cúng, rằm, giỗ, cấp sắc nhưng không sử dụng trong lễ hội. Cụ thể trong lễ Cấp Sắc như sau:

- Khi cúng xong, hai thầy xin phép tổ tiên rút lui để dùng cơm cùng gia đình trước khi vào làm lễ. Thầy cả sẽ tung mảnh âm dương xem tổ tiên có đồng ý hay không, nếu 2 mảnh ngửa có nghĩa là được, nếu 1 sấp một ngửa hay hai sấp là không được phải tung lại, khi tổ tiên đồng ý hai thầy ra dùng cơm cùng gia đình chờ đến giờ làm lễ.

- Khi đặt tên: Thầy sẽ gieo 3 lần quẻ nếu lần 1 là 1 úp 1 ngửa, lần 2 là 2 úp, lần 3 là 2 ngửa có nghĩa là tổ tiên và thần linh đồng ý tên đó, nếu không được như vậy thì gia đình và những người xung quanh sẽ chọn 1 tên khác cho đến khi tổ tiên và thần linh đồng ý thì thôi.

- Xin cho người cấp sắc có được đi xem bói không; thầy cúng hai dạy người cấp sắc nhảy; trong lễ cấp đèn cho người cấp sắc; tạo ra âm thanh để tống thần linh ra về...

Trong lễ cưới, thầy cúng cũng thường xuyên dùng dụng cụ này để xin ý kiến thần linh, tổ tiên về các nghi lễ: đi xin dâu, đón dâu về, cắt khẩu, nhập khẩu cho cô dâu...

   Khuôn in giấy cúng là hiện vật phụ trợ đi kèm, nó là dụng cụ để tạo ra hình con ngựa trên giấy dó và sử dụng trong thờ cúng. Khuôn được làm từ gỗ nghiến hoặc gỗ sồi. Nghệ nhân sẽ dùng dao chặt, dùng đục để tiện, đẽo khúc gỗ trở thành 1 khuôn hoàn chỉnh. Đầu bên trái làm 1 mẩu gỗ dài khoảng 3cm có đục lỗ luồn vải qua thành dây giúp treo khuôn lên tường.

   Khuôn có 6-8 hình con ngựa khắc trên 6-8 ô hình chữ nhật liên tiếp nhau. Khi sử dụng người ta sẽ bôi mực lên trên khuôn gỗ này sau đó đặt giấy dó ngay lập tức lên để in hình 6 con ngựa, mực bôi càng đều, lực ấn giấy càng mạnh thì hình khắc càng rõ ràng, đẹp mắt.

   Việc in hình ngựa lên giấy gió có ý nghĩa tâm linh sâu sắc, đây là hình ảnh quan trọng trong thờ cúng của người Dao, họ dùng giấy dó trong các lễ Cấp sắc, cúng ma nhà, đám giỗ. Giấy dó cũng là do người Dao tự làm từ trồng cây đến đổ khuôn phơi làm giấy, nghề làm giấy dó cũng là nghề rất nổi tiếng của họ.

   Như vậy bộ nhạc cụ của thầy cúng người Dao có 8 loại hiện vật, được sử dụng trong các nghi lễ quan trọng của đồng bào: lễ tịnh thân (cấp sắc), cúng nhà mới, giỗ,... Sau khi dùng xong họ cất lên nơi cao ráo, treo trên tường, tránh để dưới đất hoặc bước qua vì đây là đồ vật dùng trong các nghi lễ linh thiêng.

          Ảnh bộ nhạc cụ thầy cúng của người Dao Tiền (bản Sao Đỏ, xã Vân Hồ, huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La)

   Bộ nhạc cụ trong nghi lễ của người Dao được sử dụng để trợ giúp các thầy mo tiếp xúc được với thần linh, làm nhạc nền cho các điệu múa trong nghi lễ... là những loại nhạc cụ có giá trị, quan trọng trong đời sống tâm linh, tín ngưỡng, giữ gìn bộ nhạc cụ này góp phần giữ gìn nghi lễ của người Dao.

Lường Ngọc Ánh – phòng NV Bảo tồn – Bảo tàng

 

 

 

 


Các tin khác:

Thống Báo

Liên Kết Website

Video - Sự Kiện

Không có video - Upload lại link

Thống Kê

Hôm nay : 341
Hôm qua : 302
Tháng này : 19776
Tổng truy cập : 3720903
Đang trực tuyến : 4