Xã Long Hẹ, huyện Thuận Châu nằm giữa một thung lũng hẹp, bao bọc xung quanh bởi rừng cây nguyên sinh và các dãy núi đá vôi trùng điệp, thuộc huyện Thuận Châu. Với vị trí chiến lược quan trọng “Tiến khả dĩ công, thoái khả dĩ thủ” nơi đây sớm trở thành một trong những khu căn cứ cách mạng vững chắc của tỉnh Sơn La trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp (1945-1954). Dưới ánh sáng cách mạng soi đường, những người con ưu tú của đồng bào các dân tộc Long Hẹ thể hiện ý chí đấu tranh bất khuất, kiên cường, quyết một lòng theo Đảng, theo Bác Hồ kính yêu, đánh đuổi giặc Pháp xâm lược.
Cách mạng tháng Tám thành công, nước Việt Nam dân chủ cộng hoà ra đời. Nhưng dân tộc Việt Nam hưởng độc lập chưa được bao lâu thì thực dân Pháp lấy danh nghĩa quân đồng minh vào giải giáp quân Nhật để thực hiện âm mưu tái xâm lược nước ta một lần nữa. Tháng 11-1945, từ Vân Nam, Trung Quốc quân Pháp ồ ạt tràn xuống Lai Châu mở đầu cuộc tấn công xâm lược Tây Bắc. Tháng 4-1946 chúng mở rộng địa bàn về phía Đông Nam đánh chiếm huyện lỵ Thuận Châu, tổ chức càn quét vào các khu vực Muổi Nọi, Bản Lầm, Tranh Đấu, Bó Mười, Mường Khiêng, quyết tâm đánh chiếm tỉnh lỵ Sơn La. Trước tình hình đó, tỉnh bộ Việt Minh đã chỉ đạo huyện Thuận Châu nhanh chóng khôi phục phong trào cứu quốc, vận động nhân dân tăng gia sản xuất, củng cố khối đoàn kết dân tộc. Đồng thời gấp rút xây dựng lực lượng vũ trang, hình thành các đội du kích địa phương, tổ chức luyện tập sẵn sàng chiến đấu.
Thực hiện chủ trương của Đảng về việc đưa cán bộ vào hoạt động trong lòng địch để tuyên truyền, gây dựng cơ sở cách mạng. Đầu năm 1949, tại vùng cao Long Hẹ, đội xung phong Trung Dũng cùng các đồng chí cán bộ dân vận của tỉnh bí mật bắt liên lạc với các nhân sỹ địa phương như Thào Khua Chỉnh, Thào Ngọc Lương… tổ chức tuyên truyền, vận động nhân dân thành lập đội du kích Long Hẹ gồm hơn 30 đội viên, được tuyển chọn trong số thanh niên dân tộc Mông tại địa phương, có sức khỏe, mưu trí dũng cảm, có tinh thần cách mạng. Sau khi thành lập, đội du kích đã chọn bản Long Hẹ làm căn cứ địa hoạt động. Với địa thế chiến lược hết sức quan trọng, thuận lợi cho việc ẩn nấp và triển khai lối đánh du kích, khi cần thiết có thể rút lên vùng cao Cán Tỷ, Mường Bám và Điện Biên.
Những năm 1948-1949, dưới sự giúp đỡ của Đội xung phong Trung Dũng đội du kích Long Hẹ đã tổ chức chặn đánh, bẻ gãy nhiều cuộc càn quét của địch, gây tiếng vang lớn đối với quần chúng nhân dân trong vùng. Tháng 12-1949 Ủy ban kháng chiến hành chính Thuận Châu được thành lập, đồng chí Lương Sơn được bầu làm chủ tịch. Một chi bộ độc lập hình thành gồm 7 đảng viên do tỉnh cử lên hoạt động gây cơ sở, lãnh đạo phong trào kháng chiến ở Long Hẹ, khu Tranh Đấu, Mường Khiêng…
Bước sang năm 1950-1951 Sơn La nói chung và Thuận Châu nói riêng bước vào cuộc chiến gay go, quyết liệt nhất. Địch tập trung tuyển mộ ngụy quân, củng cố công sự và tổ chức các cuộc càn quét có quy mô vào các khu du kích, khu căn cứ kháng chiến của ta. Thực hiện sự chỉ đạo của Tỉnh ủy Sơn La, Ban cán sự Thuận Châu đã chỉ đạo các đơn vị bộ đội địa phương phối hợp với Đội xung phong Trung Dũng và dân quân du kích trên địa bàn kiên quyết chống càn tại Muổi Nọi, Mường Khiêng, Long Hẹ, phá vỡ kế hoạch bao vây khủng bố của địch. Ngày 28-2-1950, Đội xung phong Trung Dũng phối hợp với đội du kích Long Hẹ đánh úp vọng gác Tênh Phông (Tuần Giáo), đột nhập nhà tên thống lý phản động tại Long Hẹ. Ngày 8-3-1950, một bộ phận của Đội xung phong Trung Dũng bất ngờ tấn công đồn Mường Bám và nhanh chóng làm chủ được tình hình.. Ngày 13-6-1950, địch huy động 200 tên, trang bị đầy đủ vũ khí từ Thuận Châu kéo lên càn quét Long Hẹ, É Tòng. Được sự giúp đỡ của đội xung phong Trung Dũng, bà con đã nhanh chóng sơ tán vào rừng, tránh sự khủng bố gắt gao của địch. 10 ngày sau, Tiểu đoàn 105 đã huy động 2 tiểu đội Trung Dũng và 926 về mai phục ở bản Pu Chiêng và Pu Chanh. Do có sự chuẩn bị chu đáo về lực lượng, vũ khí, ta đã nhanh chóng tiêu diệt một bộ phận địch, thu nhiều chiến lợi phẩm, bảo vệ cơ sở Long Hẹ.
Cảnh quan khu di tích Long Hẹ
Từ cuối năm 1951, đầu 1952 thực dân Pháp tập trung lực lượng mở nhiều cuộc hành quân càn quét, khủng bố ác liệt các cơ sở cách mạng trên địa bàn Thuận Châu, trong đó có căn cứ du kích Long Hẹ. Các cuộc càn quét của địch đã gây cho ta nhiều khó khăn và thiệt hại lớn về kinh tế. Trước tình hình đó, để tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với phong trào kháng chiến ở Thuận Châu, Tỉnh ủy Sơn La quyết định thành lập Ban liên huyện Mai – Thuận do đồng chí Đỗ Anh Châu làm Bí thư. Tiếp tục củng cố bộ máy chính quyền
từ huyện đến cơ sở, tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị chủ lực tiến công vào giải phóng quê hương.
Tháng 9-1952 Bộ Chính trị quyết định mở chiến dịch Tây Bắc. Tại Thuận Châu, Ban liên huyện Mai Thuận đã phát động rộng rãi phong trào thi đua lao động sản xuất, chuẩn bị lương thực, thực phẩm, vũ khí đạn dược cho chiến trường. Hưởng ứng phong trào này, đồng bào các dân tộc Long Hẹ đã bàn nhau lập các lũng, lán bí mật, theo dõi và cung cấp tình hình địch trên địa bàn, đưa đường cho bộ đội quân báo vào vùng địch hậu.
Sau gần 2 tháng chiến đấu, ngày 10-12-1952 chiến dịch Tây Bắc kết thúc thắng lợi. Năm 1953, sau khi giành được thắng lợi, ta đã nhanh chóng thiết lập bộ máy chính quyền nhân dân, Ủy ban kháng chiến hành chính Long Hẹ được thành lập gồm có 5 người do ông Thào Khua Chỉnh làm Chủ tịch. Cùng với các dân tộc Thuận Châu, đồng bào Long Hẹ phấn khởi bắt tay xây dựng cuộc sống mới, vận động nhân dân tăng gia sản xuất, tích cực đóng góp sức người, sức của cùng cả nước tiến lên làm nên chiến dịch Điện Biên Phủ 1954 lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu.
Phát huy truyền thống của quê hương cách mạng, trong những năm kháng chiến chống Mỹ, đồng bào các dân tộc Long Hẹ tiếp tục đóng góp nhân lực, vật lực cho chiến trường miền Nam với tinh thần “thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”. Lớp lớp con em các dân tộc Long Hẹ hăng hái lên đường tham gia bảo vệ Tổ quốc.
Cối đá công cụ dùng để chế tác thuốc súng
Ghi nhận những đóng góp quan trọng đó của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Long Hẹ trong công cuộc đấu tranh, giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc, ngày 20/12/1998 Đảng và Nhà nước đã phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân
Toàn bộ di tích Khu căn cứ du kích Long Hẹ hiện nay là một khu rừng tái sinh, được chính quyền và nhân dân địa phương quản lý, bảo vệ tốt. Dấu tích còn lại của khu căn cứ là những bức tường xây bằng đá, máng bằng đá, hang hốc trú ẩn của đội du kích. Đặc biệt tại khu di tích còn một chiếc cối đá, trước đây đội du kích đã sử dụng giã lá rừng, diêm sinh và phân dơi để làm thuốc súng.
Di tích lịch sử khu căn cứ du kích Long Hẹ đã được Ủy ban Nhân dân tỉnh Sơn La công nhận xếp hạng ngày 24/3/2008.
Phạm Quang Khải – Phòng nghiệp vụ BT-BT