Đường dây nóng: 0212.3850221

Di tích lịch sử tập đoàn cứ điểm Nà Sản

Cập nhật: 15:23:38 10 / 03 / 2020
Lượt xem: 4395

Nà Sản là một trong hai cao nguyên lớn nhất của tỉnh Sơn La, có diện tích khoảng 20 km2 thuộc các xã Chiềng Mung, Hát Lót, Chiềng Mai, Mường Bon, huyện Mai Sơn. Độ cao trung bình 600-700 m so với mực nước biển, địa hình tương đối bằng phẳng, là điều kiện thuận lợi cho việc phát triển kinh tế, giao thông và an ninh quốc phòng. Với vị trí đặc biệt thuận lợi đó, ngay từ những năm đầu quay lại đánh chiếm Sơn La, thực dân Pháp đã chọn Nà Sản để xây dựng sân bay vận tải, làm cầu hàng không vận chuyển để tiếp tế lương thực và các phương tiện chiến tranh phục vụ cho công cuộc chiếm đóng, cai trị của chúng ở Tây Bắc.

Trước những đợt tấn công ồ ạt của quân và dân ta trong chiến dịch Tây Bắc, thực dân Pháp đã bỏ nhiều vị trí quan trọng ở khu vực Tây Bắc rút chạy về co cụm tại Nà Sản, tập trung xây dựng nơi đây trở thành một trong những "Tập đoàn cứ điểm" mạnh và kiên cố nhất Đông Dương ở thời điểm đó. Tập đoàn có ý nghĩa chiến lược quân sự, lần đầu tiên được thử nghiệm tại Việt Nam mà chúng gọi là "Con đê ngăn sóng".

Tập đoàn cứ điểm Nà Sản được xây dựng chủ yếu thuộc địa phận xã Chiềng Mung, dọc theo quốc lộ 6, phân bố trên diện tích 10 km2, được bao quanh bởi hai dẫy núi: Pú Hồng và bản Vạy. Ở giữa là khu trung tâm nằm trong thung lũng trải rộng có sở chỉ huy, sân bay vận tải, hệ thống kho chứa lương thực, vũ khí. Tập đoàn được xây dựng theo mô hình như một vòng cung khép kín, có 24 cứ điểm liên hoàn, phía Bắc có các cụm Pú Cát, Pú Hồng, Nà Si; Phía Nam có cụm núi Na Sam, bản Cưởm, bản Vạy, Cừ Nhừn. Các dãy núi có độ cao trung bình khoảng 750 m, trong đó có núi Pú Hồng cao trên 1.000 m.

Khu trung tâm điều hành các cuộc hành quân, sở chỉ huy và sân bay vận tải được xây dựng tại bản Nà Sản, bản Lầu, bản Hời, bản Cưởm, cách đường 41 (Quốc lộ 6) khoảng 500-1.000 m.

          Để bảo vệ cho sở chỉ huy, sân bay cùng các kho tàng lương thực, vũ khí. Thực dân Pháp tiến hành xây dựng hệ thống đồn bốt, lựu pháo 105 mm cùng hệ thống giao thông hào kiên cố trên các cứ điểm trọng yếu là Pú Hồng, Nà Si, bản Vạy, Cừ Nhừn, bản Hời, bản Cưởm, bản Cút, bản Lầu để tạo thành vành đai khép kín, bảo vệ chung cho khu trung tâm Nà Sản. Có các binh chủng sau: 8D lính dù, 1D pháo binh, 8C độc lập, 1D công binh và 1 sân bay ở khu trung tâm.

          Khu trung tâm gồm: Sân bay vận tải có chiều dài 1.100 m, đầu của sân bay được nối liền vào sở chỉ huy, trung tâm liên lạc điều hành các cuộc hành quân các cứ điểm; Các cứ điểm trong sân bay được xây dựng kiên cố như: Các chiến hào nối liền với giao thông hào cơ động trong từng cứ điểm, được bảo vệ bằng những vòng dây thép gai dày đặc, gắn liền với trận địa pháo 105 mm, được bố trí theo hình tam giác, có ba trận địa pháo (3 đại đội, mỗi đại đội 4 khẩu pháo), mỗi khẩu cách nhau 20-30 m, có hầm chứa đạn, khu công sự ẩn nấp và chiến đấu của pháo thủ.

Tướng Jean Gilles tập đoàn cứ điểm Nà Sản

Sở chỉ huy được xây dựng nằm sâu dưới lòng đất hơn 3 m, do tướng Jean Gilles chỉ huy, dài 6,5 m, rộng 5 m, trên tường được vã và trát bằng vật liệu bê tông thô gồm đá vụn, cát và xi măng, nóc được lợp bằng tấm sắt ghi như đường băng sân bay cỡ 2,4 m x 0,55 m. Cửa hầm bằng gỗ được mở liền với hệ thống đường giao thông hào ra sân bay (sâu 2,5 m, rộng 8 m), đường này có tên gọi là "Đại lộ trung tâm dưới đất" nối với sở chỉ huy vào sâu bên trong là nơi làm việc của cơ quan tham mưu, nơi đây trần không lợp bằng tấm kim loại mà che bằng vải bạt dày như hình mái nhà, phía ngoài vòm mái của sở chỉ huy được đắp đất và các bao cát cao 1 m. Như vậy sở chỉ huy của tướng Jean Gilles ở Nà Sản về cơ bản cấu trúc như sở chỉ huy của Đờ-Cát Xtơ-ri ở Điện Biên sau này, chỉ khác nhau về diện tích và giao thông hào.

          Các cứ điểm xây dựng trên các điểm cao xung quanh được cấu trúc như sau: Công sự có từ 1-3 chiến hào đứt đoạn (mỗi đoạn dài khoảng 10-15 m), khoảng cách giữa các chiến hào từ 15-20 m, chỉ có cứ điểm Pú Hồng chiến hào được xây dựng khép kín thành một vòng tròn, không đứt đoạn trên đỉnh núi. Chiều rộng là 80-90 cm, sâu 1 m, bên trên có các ụ chiến đấu được đắp chủ yếu bằng đất hoặc bao cát, xung quanh được bao kín bằng hàng rào dây thép gai, phía ngoài chúng cho chặt cây tre, gỗ ngổn ngang để cản đường tiến công của quân ta.

          Chiến dịch Tây Bắc gắn với tên tuổi của các tướng lĩnh của quân đội ta như: Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Tổng Tư lệnh làm Tư lệnh chiến dịch kiêm Bí thư Đảng ủy chiến dịch, đồng chí  Hoàng Văn Thái, Tổng Tham mưu trưởng Ban tham mưu trưởng chiến dịch, đồng chí Nguyễn Chí Thanh, Chủ nhiệm chính trị chiến dịch.

          Chiến dịch Tây Bắc bắt đầu diễn ra từ ngày 14/10/1952 và kết thúc vào ngày 10/12/1952. Sau 3 đợt tấn công quyết liệt của quân và dân ta, chiến dịch nhanh chóng kết thúc so với dự kiến ban đầu đặt ra là 4 tháng. Ta đã tiêu diệt được nhiều quân địch và thu nhiều vũ khí đạn dược, địch đã rút về co cụm ở Tập đoàn cứ điểm Nà Sản, do chúng ta chưa nắm rõ và thiếu kinh nghiệm đánh địch ở dạng tập đoàn cứ điểm, trước tình hình chưa thuận lợi, bộ chỉ huy chiến dịch quyết định chuyển sang bao vây, cô lập Nà Sản và rút quân về củng cố vùng giải phóng rộng lớn và củng cố lực lượng chuẩn bị cho nhiệm vụ mới.

          Trước thế bị động, cô lập hoàn toàn, âm mưu và kế hoạch đặt ra có nguy cơ phá sản, nên chúng đã bí mật tháo chạy khỏi Tây Bắc bằng đường hàng không. Chiến dịch Tây Bắc đã kết thúc thắng lợi hoàn toàn. Bộ chỉ huy chiến dịch đã thẳng thắn nhìn nhận, đánh giá những yếu tố chủ quan, khách quan trong quá trình tham mưu, tác chiến chúng ta chưa đánh địch thất bại đến cùng, Nà Sản đã cho quân đội ta một bài học kinh nghiệm giá trị rất sâu sắc trong chiến lược quân sự, đặc biệt là cho chiến dịch Điện Biên Phủ. Như đồng chí Nguyễn Quốc Dũng, Phó Viện trưởng Viện Lịch sử quân sự đã viết: "Nhờ kịp thời tổng kết kinh nghiệm Nà sản, người chỉ huy cao nhất và tập thể Bộ chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ đã quyết định chính xác một cách vô cùng quan trọng đối với tư tưởng chỉ đạo, diễn biến và thắng lợi cuối cùng của chiến dịch Điện Biên Phủ đó là thay đổi cách đánh".

          Cảm nghĩ của 20 đồng chí là chỉ huy các trung đoàn, tiểu đoàn đánh trận Nà Sản đã viết: "Chiến thắng Tây Bắc năm 1952 đã đi vào lịch sử, đưa cuộc kháng chiến của ta lên một bước mới, đó là quyền chủ động chiến lược trên chiến trường, đẩy địch lún sâu vào thế bị động chiến lược, làm cho mâu thuẫn nội bộ của chúng ngày càng thêm gay gắt báo hiệu sự thất bại hoàn toàn của bọn xâm lược Pháp và can thiệp Mỹ vào Việt Nam, trong đó Nà Sản quý lắm, cho ta nhiều bài học kinh nghiệm bổ ích trên các mặt trận xây dựng, huấn luyện bộ đội để đánh tuyến phòng ngự cao nhất là Tập đoàn cứ điểm, vì thế mà ta đã chiến thắng Điện Biên Phủ mới thấy hết giá trị đích thực của Nà sản."

          Trải qua dòng chảy thời gian cùng với tiến trình lịch sử, Tập đoàn cứ điểm Nà Sản hiện nay chỉ còn là địa danh lịch sử, nhưng nơi đây mãi là chứng tích những năm tháng oanh liệt của quân và dân ta trong cuộc kháng chiến chống Pháp xâm lược tại chiến trường Tây Bắc. Cao nguyên Nà Sản đã trở thành địa danh bổ sung vào danh mục các di tích lịch sử của cả nước. Năm 1998 Bộ Văn hoá Thông tin xếp hạng Tập đoàn cứ điểm Nà Sản là di tích lịch sử cấp Quốc gia.

          Ngày nay, đến với cao nguyên Nà Sản du khách sẽ được tận mắt chứng kiến những đổi thay của vùng đất lịch sử này. Những bãi mìn, ụ pháo, hệ thống giao thông hào năm xưa nay đã được thay thế bằng những đồi chè, đồi mía ngút ngàn màu xanh. Nơi đây đã trở thành một trung tâm phát triển kinh tế, chính trị, quốc phòng an ninh và văn hoá, du lịch của huyện Mai Sơn nói riêng và tỉnh Sơn La nói chung. Đến thăm Nà Sản hôm nay, dạo bước qua những cung đường đã in đậm dấu chân, mồ hồi xương máu của các bậc cha anh, mỗi chúng ta không khỏi bồi hồi xúc động ôn lại chặng đường lịch sử hào hùng của dân tộc ta hơn 60 năm về trước. Lòng tự hào, tự tôn dân tộc trỗi dậy tạo thành mạch nguồn cảm xúc như nhắc nhở chúng ta về truyền thống đạo lý của dân tộc “Uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ người trồng cây”.

Nguyễn Thị Hồng Phương - Phòng GD-TT

 


Các tin khác:

Thống Báo

Liên Kết Website

Video - Sự Kiện

Không có video - Upload lại link

Thống Kê

Hôm nay : 399
Hôm qua : 353
Tháng này : 26157
Tổng truy cập : 3761441
Đang trực tuyến : 2