Đường dây nóng: 0212.3850221

Giỏ tra hạt của người Kháng tại Sơn la

Cập nhật: 15:28:06 10 / 03 / 2020
Lượt xem: 1380

GIỎ TRA HẠT CỦA NGƯỜI KHÁNG TẠI SƠN LA

(bản Puốn xã Chiềng Mai, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La)

Làng bản của người Kháng hiện nay cư trú rải rác dọc theo hai bên bờ sông Đà, mỗi bản chỉ chừng vài mươi nóc nhà với khoảng 20 – 30 hộ gia đình. Đây cũng là địa bàn sinh sống của các tộc người láng giềng như người Thái, người La Ha, người HMông… Sự cộng cư ấy tạo nên môi trường văn hóa khá đa dạng, dung hòa nhiều yếu tố văn hóa ngoại sinh tạo nên diện mạo mới, làm phong phú văn hóa truyền thống.

Người Kháng ở Quỳnh Nhai hiện nay nhớ khá rõ sự hình thành bản nhưng lại mơ hồ về nguồn gốc dân tộc. Họ chỉ còn lưu giữ ý thức về những tộc người ở vùng Xảm pa na thuộc Tây Tạng (Trung Quốc) như Kháng, La Ha… do không chịu được sự đè nén, áp bức cùng cực của chính quyền phong kiến tập quyền Trung Quốc nên trôi dạt theo đường thủy xuống phía nam. Cuộc di cư của người Kháng vào Việt Nam được nhớ từ thời “Hán Cờ Lương”, tức vào khoảng cuối thế kỷ 18, khi ấy người Kháng còn để đuôi tóc dài, gọi là “khọt soi”.

Người Kháng cư trú đơn độc, nhỏ lẻ được kêu gọi, co cụm lại, tập trung thành bản như ngày nay. Nhà ở truyền thống của người Kháng có mái hình mu rùa rất đặc trưng. Người Kháng sống xen kẽ với người Thái từ lâu đời và có văn hóa bị ảnh hưởng rất nhiều bởi người Thái. Họ vẫn giữ tiếng nói của mình và nói tiếng Thái thành thạo để thuận tiện cho việc giao lưu buôn bán, trao đổi hàng hóa.

Trong các nghề thủ công truyền thống của dân tộc Kháng, nghề đan lát mây, tre rất đặc sắc được truyền từ đời này qua đời khác. Chiếc giỏ tra hạt của người Kháng được dùng để lên nương rẫy, phục vụ lao động sản xuất của bà con.

Giỏ tra hạt (le be) của dân tộc Kháng do cả đàn ông và phụ nữ đan, chất liệu cơ bản từ tre. Tre được chặt vào tháng 9 đến tháng 11 để tránh mối mọt và không chọn tre cụt ngọn, sau đó, tre được chẻ nhỏ, vót mịn nan khoảng 1cm sau đó đan luôn thành giỏ hoặc nan được hong khô (giẳng xá) trên gác bếp vào những lúc nông nhàn mới đan.

Giỏ tra hạt được đan theo kiểu nong mốt, đan từ đáy giỏ lên. Người nghệ nhân sử dụng 2 thanh tre già hoặc bằng mây đặt chéo nhau từ đáy kéo lên miệng giỏ vào bên trong lòng giỏ để tạo độ đứng cho sản phẩm, giúp đáy giỏ cứng cáp, đặt đứng dưới đất không bị đổ. Đáy giỏ chính vì thế mà có độ cao hơn so với mặt đất, hạt giống trong giỏ khi để ở đâu cũng tránh được ẩm mốc. Trên 2 thanh tre này người nghệ nhân khéo léo tạo các điểm để có thể luồn được dây đeo qua.

Thân được đan nong mốt nhưng lại đan lật cật tre với nan tre nên có 2 màu xanh và trắng xen kẽ nhau rất đẹp mắt, sắc nét. Gần miệng giỏ cách khoảng 1cm có 1 nan tre già nhỏ được đan quấn tròn 2 vòng quanh giỏ tạo thành 2 đường nan trang trí miệng giỏ. Giỏ có độ phình tương đối nên rất hài hòa cân đối, người nghệ nhân thực sự đã dồn rất nhiều tâm huyết vào sản phẩm giỏ tra hạt này.

Dây đeo của giỏ được làm từ vỏ “Cọ po” là loại cây nhẹ, (cây được tước mỏng, phơi khô) được dùng nhiều trong đan lát, nhất là sử dụng làm dây kéo rất chắc chắn. Tùy to nhỏ mà dùng 2 – 3 dây xoắn lại với nhau. Vỏ cây được tước mỏng rồi xoắn lại, từ 2 dây dài khoảng 1,4m  xoắn lại với nhau thành 1 dây thật chắc chắn sau đó thắt nút lại ở 2 đầu nối với 1 đoạn dây làm từ miếng đan rộng thuôn nhỏ về 2 đầu những nan tre 2 đầu dây nan này được đan vắt lại tết thành 1 chùm hết sức khéo léo, che đi phần nối với dây kéo từ giỏ. Mục đích của phần nan tre này là để đeo lên vai không bị đau và có thể gùi lên đầu được nếu cần.

 

Hình ảnh: Giỏ tra hạt của dân tộc Kháng

Giỏ được đan tranh thủ lúc nông nhàn, thời gian hoàn thành 1 chiếc giỏ có thể từ 5 đến 10 ngày, có lúc đến cả 1 tháng tùy vào sự phức tạp của thân giỏ.

Giỏ tra hạt chính là để đựng các loại hạt giống mà đồng bào mang lên nương rẫy hoặc đựng rau rừng khi đi làm về. Giỏ được sử dụng để đựng nhiều đồ vật khác nhau nên rất tiện dụng, một gia đình người Kháng thường có 5 đến 7 chiếc giỏ. Chiếc giỏ không chỉ là vật dụng để phục vụ công việc làm nương rẫy mà còn trở thành đồ vật trang trí mang theo những nét văn hóa hết sức sinh động của cộng đồng dân tộc Kháng.

Lường Ngọc Ánh – phòng Nghiệp vụ Bảo tồn – Bảo tàng

 

 

 


Các tin khác:

Thống Báo

Liên Kết Website

Video - Sự Kiện

Không có video - Upload lại link

Thống Kê

Hôm nay : 83
Hôm qua : 144
Tháng này : 1348
Tổng truy cập : 184643
Đang trực tuyến : 2