Đường dây nóng: 0212.3850221

Di tích lịch sử Cây Me - Nơi thành lập Chi bộ đầu tiên của Đảng bộ tỉnh Sơn La

Cập nhật: 15:29:49 10 / 03 / 2020
Lượt xem: 1653

DI TÍCH LỊCH SỬ CÂY ME

NƠI THÀNH LẬP CHI BỘ ĐẦU TIÊN CỦA ĐẢNG BỘ TỈNH SƠN LA

          Ngược dòng lịch sử, Sơn La xưa kia được mệnh danh là nơi rừng thiêng nước độc, là mảnh đất biên cương phên dậu phía Tây của Tổ quốc. Sơn La có vị trí chiến lược quan trọng về chính trị, an ninh quốc phòng. Chính vì vậy, ngay từ những năm đầu thế kỷ 20 thực dân Pháp đã xây dựng một nhà tù ở đây nhằm củng cố thêm sức mạnh cho bộ máy thống trị ở vùng rừng núi Tây Bắc. Từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời cho đến năm 1945, hàng ngàn chiến sĩ cách mạng đã bị giam cầm và đày ải tại nơi đây. Nhưng cũng chính tại nhà tù tăm tối này những người chiến sỹ cách mạng Việt Nam đã biến nhà tù đế quốc thành trường học. Ánh sáng cách mạng từ đây đã lan toả ra ngoài nhà tù đến các bản làng xa xôi. Đặc biệt từ năm 1940, khi chi bộ nhà tù Sơn La được chính thức thành lập, từ đó dưới sự lãnh đạo của chi bộ nhà tù, các cơ sở cách mạng ở Sơn La dần được thành lập và lan toả rộng khắp các địa phương trong tỉnh, để chuẩn bị cho cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền cùng với nhân dân cả nước.

          Trước tình hình thế giới và trong nước có nhiều biến động, tháng 3/1945 thực dân Pháp chuyển tù nhân chính trị ở nhà tù Sơn La đến nhà tù Nghĩa Lộ. Dưới sự lãnh đạo của chi bộ nhà ngục, sự khôn khéo thuyết phục cai ngục nhiều tù nhân đã được giải thoát trở về tham gia phát triển cách mạng.

 

Di tích lịch sử Cây me

 

          Để củng cố và xây dựng phong trào cách mạng ở Sơn La, xứ ủy Bắc Kỳ đã cử đồng chí Lê Trung Toản, từng là đảng viên chi bộ nhà tù Sơn La quay trở lại Sơn La để chỉ đạo phát triển cách mạng, chuẩn bị cho khởi nghĩa giành chính quyền ở Sơn La.

 

          Sau khi giành chính quyền ở các huyện thành công, ngày 26/8/1945, nhân dân các dân tộc Sơn La đã giành được chính quyền ở tỉnh lỵ. Chính quyền được thành lập nhưng chưa có Đảng bộ. Tỉnh Sơn La với đặc điểm các cơ sở cách mạng phát triển mạnh dưới sự chỉ đạo của Chi bộ nhà tù Sơn La, hoạt động bên ngoài nhà tù duy nhất chỉ có Chu Văn Thịnh. Trung ương Đảng cử đồng chí Dương Văn Ty phái viên của Chính phủ dẫn đoàn cán bộ gồm 11 người lên giúp Sơn La củng cố chính quyền, bồi dưỡng cán bộ địa phương, xây dựng khối đoàn kết toàn dân đó là yếu tố cơ bản tạo nên sức mạnh đánh thắng kẻ thù.    

Năm 1946, thực dân Pháp quay lại đánh chiếm nước ta. Tháng 4/1946 chúng từ Tuần Giáo đánh xuống Thuận Châu. Trước tình hình diễn biến của chiến sự, Sơn La gặp nhiều khó khăn khi chưa có Đảng bộ trực tiếp lãnh đạo nhân dân kháng chiến, do vậy công tác xây dựng đảng được đặt ra hết sức cấp bách nhưng vẫn phải đảm bảo chất lượng.

          Tháng 6/1946, Trung ương Đảng cử đồng chí Trần Quyết lên Sơn La thay đồng chí Dương văn Ty và trực tiếp làm Bí thư Tỉnh ủy. Tháng 7/1946 Tỉnh bộ Việt Minh tổ chức hội nghị cán bộ do đồng chí Trần Quyết chủ trì diễn ra tại bản Hát Lót, để nhận định và đánh giá phong trào cách mạng trong toàn tỉnh. Vừa làm nhiệm vụ chăm lo, đảm bảo đời sống cho nhân dân, vừa phải xây dựng lực lượng vũ trang.

          Thực hiện nghị quyết Hội nghị cán bộ Trung ương ngày 1/8/1946, công tác xây dựng Đảng tiến hành hết sức khẩn trương và thận trọng. Những cán bộ Việt Minh, đội viên đội tự vệ chiến đấu và những thanh niên trung thực, có nhiệt huyết cách mạng, được chọn làm đối tượng phát triển đảng, được thử thách qua thực tế đấu tranh cách mạng và cao trào khởi nghĩa tháng Tám, những ngày đầu giành chính quyền và đấu tranh quyết liệt để giữ và củng cố chính quyền. Đội ngũ đối tượng Đảng ngày càng trưởng thành. Đầu tháng 10/1946, 4 quần chúng ưu tú được kết nạp vào đảng, như vậy là đủ điều kiện để thành lập chi bộ.

          Vào trung tuần tháng 10/1946, tại ngôi nhà sàn nhỏ vắng chủ bên cạnh cây me, thuộc bản Hát Lót, Hội nghị thành lập chi bộ Đảng được tổ chức bí mật dưới sự chủ trì của đồng chí Trần Quyết. Chi bộ được thành lập gồm có 8 đồng chí: Trần Quyết, Bùi Thọ Chuyên, Đại Liên, Động Lực, Lò Văn Mười, Sơn Nhân, Nguyễn Văn Đức, Cầm Văn (Ngọc Tình). Hội nghị đã đề ra nhiệm vụ cấp bách trước mắt, phải trực tiếp lãnh đạo toàn diện trên các mặt chính trị, kinh tế, đấu tranh chống giặc ngoại xâm.

          Sự kiện thành lập chi bộ đầu tiên của Đảng bộ Sơn La đánh dấu bước trưởng thành của phong trào cách mạng Sơn La, nhân dân các dân tộc Sơn La từ đây có sự lãnh đạo, dìu dắt trực tiếp của Đảng bộ tỉnh, cùng nhân dân cả nước phát huy truyền thống đoàn kết, yêu nước, sẵn sàng bước vào giai đoạn cách mạng mới đấu tranh giải phóng dân tộc, giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.

          Ngày nay, ngôi nhà sàn nơi tổ chức Hội nghị thành lập Chi bộ Đảng không còn nữa, nhưng cây me cổ thụ vẫn phát triển theo năm tháng chứng kiến sự ra đời và trưởng thành của Đảng bộ tỉnh Sơn La. Năm 2004 di tích Cây Me được UBND tỉnh Sơn La xếp hạng di tích lịch sử.

                                                                     Nguyễn Thị Hồng Phương


Các tin khác:

Thống Báo

Liên Kết Website

Video - Sự Kiện

Không có video - Upload lại link

Thống Kê

Hôm nay : 321
Hôm qua : 302
Tháng này : 19756
Tổng truy cập : 3720883
Đang trực tuyến : 5