Vân Hồ là huyện mới thành lập năm 2013 trên cơ sở một phần diện tích và dân số của huyện Mộc Châu. Vùng đất này có vị trí địa lý quan trọng, là cửa ngõ của tỉnh Sơn La, là căn cứ cách mạng của tỉnh. Bên cạnh đó Vân Hồ là vùng đất giàu tài nguyên thiên nhiên; nhân dân có truyền thống yêu quê hương, đất nước; đoàn kết, gắn bó chống giặc ngoại xâm và xây dựng quê hương ngày càng giàu mạnh.
Xã Quang Minh là xã vùng sâu, vùng xa cách trung tâm huyện lỵ Vân Hồ hơn 40 km về phía Đông. Địa hình của xã phức tạp và hiểm trở, núi non bao quanh trùng điệp, núi nhấp nhô nằm gối lên nhau chạy theo hướng Tây Bắc- Đông Nam, xen lẫn những bãi bằng, lòng chảo là những khe vực, suối nhỏ, làm cho địa hình trở nên đa dạng
Đền Chúa Hang Miếng nằm ven hồ thủy điện Hòa Bình, thuộc bản Nà Bai, xã Quang Minh, huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La. Vào cuối mùa xuân năm 1431, sau khi dẹp xong giặc Đèo Cát Hãn ở Lai Châu, Lê Lợi cùng đoàn quân sĩ xuôi thuyền dọc Sông Đà để trở về kinh đô Đông Kinh, nhưng khi đến khúc sông ở Hang Miếng thì gặp trời mưa to, gió lớn nước lũ dâng cao không thể đi tiếp. Biết nhà vua và quân sĩ gặp nạn, bà Đinh Thị Vân, người dân tộc Mường tại địa phương đã vận động nhân dân trong vùng quyên góp lương thực, cùng mọi người dũng cảm chèo thuyền vượt thác, ghềnh để đem lương thảo đến tiếp tế cho nhà vua và quân sĩ. Sau nhiều chuyến vận chuyển lương thảo thành công, đến chuyến cuối, giông bão nổi ẩm ầm, thuyền của bà chở đầy lương chòng chành đã bị đắm ở khúc sông thuộc địa phận Hang Miếng, xác của bà đã trôi dạt vào vùng Thác Bờ. Để tỏ lòng tôn kính và tưởng nhớ công lao to lớn của bà, cuối năm 1431 nhân dân trong vùng đã lập đền thờ bà ở Hang Miếng. Dân gian thường gọi là Đền Chúa Hang Miếng. Trong thời gian Lê Lợi lưu lại nơi đây, ông đã dùng thanh kiếm thần khắc một bài thơ. Bài thơ được khắc trên vách của cửa Hang Miếng. Tại Thác hang Miếng về bờ bên phải có một hang nằm sát mép sông, hang này có thể chứa gần 1.000 người. Phía trên cửa hang có phiến đá phẳng Vua Lê lợi đã khắc chữ vào đó. Bài thơ đó có nội dung khích lệ tinh thần chiến đấu quả cảm của quân lính và sự anh dũng của người dân nơi đây:
Gập ghềnh đường hiểm chẳng e xa
Dạ sắt khăng khăng mãi đến già
Lẽ phải quét quang mây phủ tối
Lòng son san phẳng núi bao la
Biên cương cần tính mưu phòng thủ
Xã tắc sao cho vững thái hoà
Ghềnh thác ba trăm lời cổ ngữ
Từ nay xem chẳng nổi phong ba
Đền Hang Miếng lúc đầu chỉ được dựng bằng gianh tre, vách nứa, trên đỉnh hang Miếng. Cửa đền quay về hướng Đông trước mặt là dòng sông Đà, tựa lưng vào núi tạo thế “tay ngai” vững chắc. Theo quan niệm “phong thủy” trong tín ngưỡng truyền thống, đây là thế đất “tụ thủy” có nghĩa là “tụ linh, tụ phúc” hội tụ tất cả những điều may mắn.
Ngoài ra, ở Thung Nai, nơi xác bà trôi dạt về, người ta cũng đã lập nên đền thờ Bà (ngày nay còn gọi là Đền Bà Chúa Thác Bờ) để cầu mong Bà che chở cho những chuyến thuyền bè xuôi ngược sông Đà an toàn và phù hộ cho nhân dân làm ăn, buôn bán thuận lợi.
Toàn cảnh di tích lịch sử Đền Hang Miếng
Đến khoảng thế kỷ XIX, khi nước thuỷ điện Hoà Bình ngập qua ngôi Đền cũ người dân đã cho xây dựng Ngôi Đền mới cao hơn so với Đền cũ khoáng 100m như hiện nay. Đền gồm 3 gian, tường xây bằng gạch chỉ, mái đền lợp bằng tôn, được thiết kế theo kiểu vòm cuốn và kiến trúc mặt bằng hình chữ đinh gồm: nhà Đại bái và nhà Hậu cung, phía trước đền gồm 5 cửa (ngũ quan). Hiện nay tại ngôi Đền này còn lưu giữ được một quả chuông đồng được đúc vào tháng 2, năm Thành Thái thứ 6. Ngoài thờ bà Chúa Thác Bờ, đền hiện nay còn thờ các vị thần, thánh trong tín ngưỡng dân gian người Việt như: Công đồng quan lớn, Ngũ vị Tôn ông; bà chúa Sơn Trang (Động Sơn Trang); Tứ phủ Thánh cô, Tứ phủ Thánh cậu; Đức Đại vương Trần Quốc Tuấn; Tứ phủ Chầu bà; Tam toà Đức Thánh Mẫu... Lễ hội Đền diễn ra từ ngày 7 tháng giêng và kéo dài tới hết tháng 3 âm lịch. Tuy nhiên, ngay từ tháng Chạp, nơi đây đã tấp nập dòng người đổ về lễ tạ, khiến tàu thuyền đậu kín bến cảng
Đền được xây dựng theo hình chữ nhật. Phía sau được thông ra bàn thờ Chúa Bà và Nhà thờ Tam Bảo, hai bên và phía trước có hành lang. Đền được xây dựng theo nguyên tắc “sơn chầu, thủy tụ”. Mặt Đền hướng ra Sông Đà, phía sau là mỏm "Đồi Rồng". Mỏm Đòi Rồng này có con suối Thìn Vìn uốn quanh. Tạo nên cho Đền một thế đứng vững chãi. Đền gồm ba gian, có chiều dài 12m, chiều rộng 6 m, mái đền bằng bê tông cốt thép, được thiết kế theo kiểu vòm cuốn. Nền lát gạch đá hoa đã cũ (20x20cm), tường cao 4,1m; dày 40-50cm; xây bằng gạch chỉ. Phía trên cửa chính của Đền có 1 bức ghi tên Đền Chúa Hang Miếng, được làm bằng gỗ có viền làm bằng thép màu vàng, nền gỗ màu đỏ đậm, chữ màu vàng. Không gian chính của Đền được chia làm 4 phần: Nhà Đại Bái, Hậu Cung, Nhà Thờ Tam bảo, sân Đền.
Nhà Đại Bái có diện tích khoảng 72m2 gồm có 3 gian, tường và mái được xây bê tông cốt thép. Nhà Đại Bái có 3 cửa ra vào, cửa được làm bằng gỗ (có 2 cánh cửa), rộng khoảng 1m, cách nhau khoảng 1,2m. Bốn phía có các cột bằng gỗ tạo dựng đỡ cho phần mái. Từ cửa nhìn vào khoảng 2m có 2 cột bằng xi măng được tạo dựng đỡ cho phần mái, cột có 2 câu đối (hình chữ nhật), được khắc chữ Nho nổi, nền gỗ màu đen bóng, chữ được thiếp vàng.
Tiếp đến là ban thờ chính, ban thờ hình chữ nhật bằng xi măng, có kích thước dài 1,25m; rộng 0,85m; cao 1,2m. Trên ban thờ có đặt một lư hương bằng sứ, 2 đèn bằng gỗ và 2 mâm đựng lễ bằng gỗ. Phía sau ban thờ có đặt tượng của 5 dinh quan lớn trên 1 bệ bằng gỗ cao khoảng 2,1 m. Trên bệ có đặt 2 đèn và hai con hạc bằng đồng. Phía trước ban thờ có đặt 1 bài vị được che bởi một tấm vải đỏ. Hai bên ban thờ có đặt hai bình hoa cao 1,8m, được trạm trổ hình rồng phượng. Hai bên ban thờ có 4 câu đối, 2 câu đối phía trước được trạm trổ chữ Nho nổi, phần gỗ màu đen bóng, chữ được thiếp vàng, xung quanh được trạm trổ hoa văn hình rồng phượng; 2 câu đối phía sau được trạm trổ chữ Nho nổi màu vàng, phần nền gỗ cũng màu vàng bóng.
Bên trái là ban thờ Hoàng Bảy, Hoàng Bơ, Hoàng Mười. Ban thờ hình chữ nhật có kích thước dài 1m; rộng 0,75m; cao 1m. Trên ban thờ có đặt tượng của ba vị Hoàng Bảy, Hoàng Bơ, Hoàng Mười, bên cạnh đặt hai mũi giáo. Phía trước là lư hương, mâm đựng đồ lễ bằng sứ và hai đèn bằng gỗ. Hai bên ban thờ có đặt hai bình hoa cao 1m được trạm trổ hình hoa lá.
Bên phải là ban thờ Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn. Ban thờ hình chữ nhật có kích thước dài 1m; rộng 0,75m; cao 1m. Trên ban thờ có đặt tượng của Đại vương Trần Quốc Tuấn, tượng được đặt trên một tấm vải bằng nhung đỏ có hình hai con rồng màu vàng, hai bên có đặt 4 đèn bằng gỗ, phía trước là lư hương, mâm đựng đồ lễ bằng sứ. Phía sau ban thờ có treo 1 tấm vải màu đỏ tươi, hai bên có in hình hai còn rồng màu vàng, ở giữa là hình mặt trời. Phía trước ban thờ có hai bình hoa cao 1m, trạm trổ hình hoa lá. Hai bên ban thờ có 2 câu đối, được trạm trổ chữ Nho nổi, phần gỗ màu đen bóng, chữ được thiếp vàng, xung quanh được trạm trổ hoa văn hình rồng phượng
Nối liền với Nhà Đại Bái là hậu cung. Hậu cung chỉ có 1 gian, được xây theo hình chữ nhật, có chiều dài 7m, rộng 4m. Nền được lát đá hoa đã cũ, mái được làm bằng bê tông cốt thép. Hậu cung có một cửa nách bên phải, có 2 cửa bằng gỗ. 1 cửa từ tiếp giáp với Nhà Đại Bái, 1 cửa thông ra phí sân sau. Hậu cung là nơi thờ Tam tà đức thánh mẫu. Phần hậu cung có mái được trang trí cầu kỳ, với các loại đèn giấy treo trên phần mái. Hai bên ban thờ có hai quả chuông đặt hai bên. Bệ thờ bằng xi măng, có kích thước dài 1,3m; rộng 1m cao 1,2m. Trên ban thờ có tượng Tam tà đức thánh mẫu, phía dưới tượng là các lư hương và mâm đựng đồ lễ bằng sứ.
Tiếp đến phía sân sau Đền có Nhà thờ Tam Bảo. Nhà thờ có kích thước rộng khoảng 5m, dài 6 m, cao 3,2m. Nhà thờ Tam bảo chỉ có 1 cửa chính bằng gỗ màu nâu (có hai cánh cửa).
Toàn cảnh Nhà thờ Tam Bảo
Phía sân sau của Đền có một bàn thờ nhỏ thờ Mẫu thượng thiên và Quan Bản Thổ.
Trước Nhà Đại Bái là sân đền bê tông, có diện tích khoảng 150m2, tường rào bao quanh sân đền thấp khoảng 50cm. Từ sân Đền phóng tầm mắt ra xa chúng ta có thể thấy những dãy núi lô nhô giữ sóng nước sông Đà.
Phía trước sân Đền khoảng 50m là dòng sông Đà với bến thuyền tấp nập. Từ đây xuôi theo dòng sông Đà khoảng 50km là đến Đền Thác Bờ, nơi thờ Bà Đinh thị Vân đã trôi dạt.
Khi đến với huyện Vân Hồ chúng ta còn có thể được tận mắt chứng kiến những nét đặc trưng về phong tục tập quán, những giá trị bản sắc văn hóa truyền thống của các dân tộc xã Chiềng Yên nói riêng và của miền đất Sơn La nói chung. Ngoài ra du khách còn được thưởng thức những đặc sản của vùng đất Chiềng Yên với quýt, khoai sọ, măng rừng, cơm nếp nương,…Sự kết hợp hài hòa giữa kiến trúc nhân tạo và cảnh quan thiên nhiên đã hình thành những giá trị cảnh quan, nhân văn độc đáo, đưa địa danh này trở thành một trong những điểm đến du lịch quan trọng của Sơn La và khu vực Tây Bắc.
Với những giá trị to lớn về mặt lịch sử, văn hoá tín ngưỡng, ngày 08/01/2016, Ủy ban nhân dân tỉnh Sơn La đã ban hành Quyết định số: 46/QĐ-UBND, công nhận xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa Đền Hang Miếng, xã Quang Minh, huyện Vân Hồ là di tích cấp tỉnh
Mai Thúy Loan - Phòng Giáo dục - Truyền thông