BẢO TÀNG TỈNH SƠN LA TRONG CÔNG TÁC
GIÁO DỤC TRUYỀN THỐNG CHO HỌC SINH
Sơn La là một vùng đất có truyền thống văn hóa, lịch sử lâu đời; những dấu ấn lịch sử đó phần nào được ghi dấu lại qua những hiện vật được trưng bày tại Bảo tàng tỉnh Sơn La. Với sự đa dạng của các hiện vật, hình ảnh tại Bảo tàng là điều kiện thuận lợi cho việc tuyên truyền nhằm phát huy những giá trị mà chúng mang lại đến với quần chúng nhân dân, đặc biệt là học sinh - thế hệ trẻ tương lai của đất nước.
Cũng như các bảo tàng khác, bên cạnh chức năng sưu tầm, bảo quản, nghiên cứu khoa học,…một nhiệm vụ trọng tâm của Bảo tàng tỉnh Sơn La xuyên suốt trong quá trình hoạt động, đó chính là chức năng giáo dục truyền thống và tuyên truyền tại cơ sở. Bảo tàng là nơi lí tưởng để giảng dạy trực quan cho học sinh thông qua việc tạo lập nên không gian văn hóa lịch sử sinh động. Hàng năm Bảo tàng tỉnh Sơn La đã thu hút một lượng sinh viên, học sinh nhất định đến tham quan, học tập, tìm hiểu về quá trình đấu tranh của dân tộc, của địa phương và những nét văn hóa đặc trưng của vùng đất, con người Sơn La. Đến đây, đa số các em lần đầu được tận mắt quan sát những hiện vật bằng đá, đồng của các thời kỳ Tiền sử - Sơ sử tại Sơn La.Qua các hiện vật trưng bày như các công cụ lao động, đồ trang sức… cùng với sự hướng dẫn của thuyết minh viên, các em hình dung được một phần đời sống lao động và sinh hoạt của người tiền sơ sử, nhiều đặc trưng văn hóa khác thuộc về cộng đồng các dân tộc ở Sơn La qua quá trình giao lưu văn hóa cách đây hàng ngàn thế kỷ. Với việc tiếp xúc hiện vật thực như vậy đã giúp các em cảm thấy hứng thú và dễ tiếp thu hơn những kiến thức lịch sử xa xưa.
Bảo tàng tỉnh Sơn La tổ chức tuyên truyền lịch sử tại cơ sở cho học sinh
tại huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La.
Ngoài hình thức trưng bày cố định, Bảo tàng còn thực hiện hình thức giáo dục qua các trưng bày chuyên đề lưu động trên địa bàn tỉnh nhân các sự kiện lớn của tỉnh và đất nước. Đặc biệt trong những năm qua, Bảo tàng tỉnh Sơn La đã phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo, phòng Giáo dục - Đào tạo thành phố và phòng Giáo dục – Đào tạo các huyện trong tỉnh tổ chức công tác giáo dục truyền thống tại cơ sở bằng hình thức cử cán bộ Bảo tàng trực tiếp đến các trường học để tuyên truyền giới thiệu về lịch sử dân tộc nhằm giúp các em củng cổ thêm kiến thức về lịch sử, văn hóa, xã hội của địa phương, qua đó khơi dậy niềm tự hào, tình yêu quê hương đất nước đối với thế hệ học đường, có thể kể đến như: Chuyên đề “Bác hồ với nhân dân các dân tộc Sơn La”; “ Di tích Quốc gia đặc biệt Nhà tù Sơn La”; “ Hoàng Sa – Trường Sa của việt Nam – Những bằng chứng lịch sử và pháp lý”; “ Thời kỳ tiền sử - sơ sử Sơn La”…Qua công tác trưng bày, phần nào đã cho thấy năng lực và sự đầu tư khá bài bản trong việc đưa hoạt động bảo tàng về với cơ sở. Những tư liệu, hình ảnh trưng bày là nguồn thông tin hữu ích cho các em học sinh bổ sung vào kiến thức lịch sử mà các em học ở nhà trường. Trong điều kiện nội dung và chương trình sách giáo khoa Lịch sử vẫn chưa bổ sung kịp thời thì việc tuyên truyền qua trưng bày đã thu hút rất lớn lượng học sinh đi tham quan và đem lại hiệu quả thiết thực.
Cán bộ thuyết minh Bảo tàng tỉnh Sơn La đang giới thiệu với các em học sinh tại triển lãm “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam - Những bằng chứng lịch sử và pháp lý”.
Với những công chúng là thế hệ trẻ còn ngồi trên ghế nhà trường thì việc tạo nên không gian văn hóa hấp dẫn và phát huy được tính sáng tạo là rất cần thiết. Căn cứ vào quy mô thiết kế tổng thể thì không gian ngoài trời sẽ là địa điểm lí tưởng để tổ chức các hoạt động trải nghiệm, ngoại khóa, các cuộc thi cho học sinh tại bảo tàng như các hoạt động trải nghiệm “Sắc màu văn hóa Thái Sơn La”; “Vui têt trung thu”; Sắc màu Văn hóa dân tộc Dao tỉnh Sơn La”… Bên cạnh đó, thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, trang website để quảng bá hình ảnh và hoạt động của Bảo tàng tỉnh Sơn La. Các chương trình triển lãm được thông tin nhanh chóng và rộng rãi đến nhà trường để trường tạo điều kiện sắp xếp thời điểm và lượng học sinh đến tham quan phù hợp, có thể xây dựng thêm các cuộc triển lãm lưu động đến các trường học để các em có được điều kiện tiếp xúc với nội dung các chuyên đề lịch sử sâu sắc hơn.
Các bé trường Mầm non Ngọc Linh, tỉnh Sơn La
tham quan phòng trưng bày tại Bảo tàng tỉnh Sơn La. Ảnh: Sưu tầm
Trong quá trình hoạt động, công tác tuyên truyền - giáo dục ở Bảo tàng tỉnh Sơn La ngày càng được chú trọng và được hoàn thiện. Tuy nhiên, Bảo tàng vẫn chưa thật sự thu hút công chúng, đặc biệt là lứa tuổi học sinh. Công tác tuyên truyền, giáo dục đôi khi còn thiếu tính hấp dẫn và chưa phát huy hết giá trị của Bảo tàng mang lại. Trong tương lai, với sự hoàn thiện dần của hệ thống trưng bày và đội ngũ nhân viên, Bảo tàng sẽ có giải pháp để phát triển công tác giáo dục hiệu quả và hấp dẫn đối với học sinh.
Để phát huy tốt chức năng giáo dục của bảo tàng, vai trò của người cán bộ thuyết minh, hướng dẫn có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Cán bộ thuyết minh cần được học tập và nâng cao năng lực để nâng cao hiệu quả trong công tác giáo dục. Nội dung thuyết minh phải súc tích, cô đọng và có tính gợi mở. Các em đến Bảo tàng không chỉ được nghe một bài thuyết minh sẵn có và mang tính một chiều mà các em còn có nhu cầu được đối thoại, khám phá nên đòi hỏi cán bộ thuyết minh phải tìm tòi, linh hoạt và sáng tạo trong công tác hướng dẫn. Tùy theo lứa tuổi học sinh và nhu cầu tìm hiểu mà người hướng dẫn có thể đưa lượng thông tin, những câu hỏi trao đổi phù hợp cũng như tổ chức các hoạt động vui chơi, sinh hoạt lí thú. Để bộ môn Lịch sử không còn khô khan và để bảo tàng thật sự là một điểm đến hấp dẫn đối với học sinh thì sự liên kết giữa nhà trường và bảo tàng càng chặt chẽ, cụ thể sẽ càng đem lại hiệu quả đối với công tác giáo dục văn hóa, lịch sử cho học sinh.
Có thể nói, thực hiện tốt công tác giáo dục – tuyên truyền, đặc biệt là lứa tuổi học sinh sẽ góp phần nâng cao nhận thức của thế hệ trẻ về truyền thống cách mạng, văn hóa lịch sử địa phương, góp phần tích cực vào công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa của tỉnh Sơn La. Công tác giáo dục không chỉ giúp tăng cường hiệu quả công tác chuyên môn của bảo tàng mà còn giúp hình ảnh của bảo tàng được quảng bá rộng rãi đến công chúng./.
Quàng Tố Quyên – Phòng GDTT