Các món ăn có nguồn gốc thực vật của người Thái thị xã Sơn La rất phong phú và đa dạng. Các món ăn có nguồn gốc thực vật của người Thái Đen gồm các sản phẩm từ cây lúa, từ những cây có lượng chất bột cao và các loại rau, củ, quả trồng trọt hay thu trái từ tự nhiên. Cũng như nhiều dân tộc ở Việt Nam, đối với người Thái Đen, lúa nếp là loại lương thực quan trọng. “Trồng lúa nếp và dùng gạo nếp làm nguồn lương thực chính đã hình thành như một truyền thống trong sinh hoạt kinh tế và ăn uống của người Thái”. Từ gạo họ chế biến thành nhiều loại khác nhau. Trước đây, xôi đóng vai trò chủ đạo trong bữa ăn hằng ngày của hầu hết các gia đình.
Khảu nửng (xôi) đảm bảo một chất lượng kalo hàng ngày quan trọng nhất đối với người địa phương. Xôi được chế biến từ gạo nếp, loại gạo được nhiều dân tộc ở nước ta đánh giá cao về chất lượng. Tập quán ăn nếp từ bao đời nay của người Thái Đen giải thích nguồn gốc những cách thức ăn xôi khá độc đáo của họ. Bái khảu là cách ăn được nhiều người dân ưa thích nhất. Các thức ăn bái tạo cho xôi có hương vị đậm đà hơn, ngon hơn. Người địa phương tạo ra nhiều loại bái khảu khác nhau, như bái khảu mák khảu lắm (xôi với quả gấc), khảu qua mák ngá lắm (vừng đen trộn với xôi), và đối với họ, ngon nhất vẫn là kin khảu cắp nhứa cáy (xôi với thịt gà).
Người Thái ở Sơn La có thể chế biến gần chục loại xôi chỉ để kin ỉn (“ăn vui”, “ ăn chơi”) như xôi sắn, hoặc làm cho trẻ nhỏ (khảu chí) trong những dịp tổ chức nghi lễ. Ăn xôi không cầu kỳ về thức ăn kèm, chỉ cần thêm đĩa rau đồ hoặc một bát thức chấm (chéo) là cả nhà đã có bữa ăn ngon, hoặc “sang” hơn là với thịt gà, cá nướng. Nhưng ngay cả khi không có thức ăn nào khác, xôi vẫn có thể kin lạ (“ ăn không”).
Khảu lam (cơm lam) là những nét độc đáo của của các món ăn chế biến từ gạo nếp. Lam là thuật ngữ chỉ phương thức chế biến bằng cách cho gạo nếp vào ống tre tươi rồi đem đốt chín trên lửa củi. Khảu lam là món ăn truyền thống của người Thái, dùng trong các dịp lễ hội, cưới hỏi, cho các bà mẹ mới sinh con, món quà dành cho trẻ nhỏ…
Hiện nay, khảu lam không những vẫn được người Thái ưa thích mà còn trở thành món ăn được nhiều du khách thưởng thức. Một số bản Thái ở thị xã Sơn La, như: Bản Mòng (xã Chiềng Cơi) bản bó, bản Cá (xã Chiềng An), bản Tông (xã Chiềng Xôm)…, thường làm khảu lam theo sự đặt hàng của một số cơ quan trên địa bàn thị xã, của các trung tâm dịch vụ du lịch tỉnh Hà Nội. Hơn nữa, ở một số địa bàn ở Hà Nội. Hơn nữa, ở một số nhà hàng ở Hà Nội, như: Nhà hàng Bắc Bó và nhà hàng Tây Bắc, đều có món cơm lam. Tuy nhiên, hương vị của những món cơm lam của các nhà hàng này được “ thay vị” bởi hương vị của các phụ gia khác chứ không như khảu lam truyền thống của người Thái.
Khảu ly tổm phon (ngô bung) thường được dùng phụ vào các bữa ăn hàng ngày, hoặc ăn thay cơm trong nhiều gia đình vào thời kỳ giáp hạt, những ngày đói kém. Như đã nêu ở trương trên, ngô là lương thực quan trọng sau gạo. Ngô nếp chủ yếu được chế biến thành món ngô bung. Người ta thường bung một nồi để ăn hết cả ngày. Để có món ngô bung ngon, người địa phương bung kèm với đậu nho nhe, lúc đó ngô bung sẽ có màu tím đen, vị đậm và ngon hơn.
Khảu mắn co (xôi sắn) thường được chế biến để ăn lúc thiếu đói hay “ăn chơi” khi nhàn rỗi. Người ta nạo sắn thành sợi nhỏ, trộn với gạo nếp rồi đồ chín. Xôi sắn có mùi của gạo nếp và củ sắn hòa quyện với nhau rất hấp dẫn.
Khảu tôm (bánh chưng) được dùng vào những dịp đặc biệt, như: tết, xên hươm, xên bản, xên mường, để dâng tổ tiên hoặc thần linh (phi).Bánh chưng của người thái ở đây thường làm bằng các giống nếp cấy ở ruộng, như khảu bong, khảu pọm, khảu tan lương, là những loại lúa nếp dịa phương được coi là ngon nhất. Kiểu bánh phổ biến đc gói dài như bánh moóc của người Tày hoặc như bánh tày của người Việt. Trước đây, nhân bánh làm bằng đậu nho nhe, hiện nay chủ yếu làm bằng đậu xanh.
Phắc nửng (rau đồ) là món ăn rất điển hình của người Thái nói chung và người Thái Đen nói riêng. Phắc nửng là món ăn hằng ngày của mọi gia đình làm thức ăn. Người Thái ở thị xã Sơn La, họ thường khai thác các loại rau mọc hoang làm thức ăn. Tất cả mọi loại rau, thu hái từ rừng hay từ ruộng và rau trồng, đểu có thể đồ để ăn hoặc đồ chín làm nộm.
Cay pho (rêu vùi tro bếp) là món rất phù hợp với “ăn nếp”, trong bữa ăn thường ngày, món rêu này được ăn cùng với xôi. Pho là từ chung dùng để chỉ một kỹ thuật chế biến thức ăn bằng cách băm nhỏ thực phẩm, gói vào lá rồi vùi tro nóng. Người Thái làm nhiều món pho bằng các loại nguyên liệu khác nhau, như: thịt (nhứa pho), cá (pa pho)… Món cay pho thường dành cho các cụ già và trẻ nhỏ. Canh rêu là món ăn ngày thường, hầu như người Thái Đen nào cũng rất thích. Rêu sống trong nước suối, nên theo quan niệm của người địa phương, đây là loại rau sạch và ăn mát. Canh rêu nấu trong nước luộc gà được coi là ngon nhất, ăn với cơm tẻ.
Keng bon (canh khoai nước) là một món ăn đặc trưng của người thái ở thị xã Sơn La. Canh bon có hương rất riêng khiến cho những người Thái ở nơi xa luôn nhớ về bản mường. anh Lò Văn Chanh, người Thái (công ty xe khách Sơn La) tâm sự “dù ăn gì tôi vẫn nhớ món canh bon, nó có hương vị riêng, rất ngon, nó làm mình luôn nhớ tới bữa ăn ở bản trước đây”. Các gia đình thường nấu canh bon nhân dịp tiếp khách, lễ xên hươn, hay lên nhà mới…
Keng nó xổm (canh măng chua) là món ăn của nhiều dân tộc ở các tỉnh miến núi phía bắc nước ta. Canh chua thường nấu với cá, ếch, nhái, hoặc thịt gà, vịt, lợn… canh măng là món ăn ngày thường hoặc sự dụng trong những dịp lễ tết. Người Thái thị xã Sơn La dùng măng tươi để nấu canh, gọi là món keng Nó pửng, quyện mùi sả và có hương vị rất riêng.
Phắc chụp (nộm rau) là món nộm hỗn hợp của nhiều loại rau như: Rau cải, rau giền, rau bợ, hoa đu đủ… và các gia vị như lá gừng, lá tỏi, ớt và muối. Nộm rau cũng được làm từ nhiều loại rau mọc tự nhiên ở đồng ruộng. Nộm rau có thể sử dụng trong các bữa ăn hàng ngày hoặc cho những dịp cưới hỏi, lên nhà mới… Người Thái ở đây còn làm món xổm phắc (rau nộm chua), từ quả đu đủ xanh hoặc rau cải muối, cùng với các loại giá sống, bì lợn muối chua và nước măng chua; nộm có vị chua thanh và dậy mùi nước măng.
Nguyễn Thị Hồng Phương - Phòng Giáo dục - Truyền thông