Đường dây nóng: 0212.3850221

Hoạt động của đồng chí Kay Sôn Phôm Vi Hản tại Ban xung phong Lào Bắc

Cập nhật: 08:58:48 26 / 10 / 2020
Lượt xem: 2995

         Ban Xung phong Lào Bắc được thành lập theo chỉ thị của Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương ngày 07/02/1948, có 12 thành viên, trong đó có 4 người Lào và 8 người Việt Nam, đồng chí Kayson Phomvihan giữ trọng trách đội trưởng, đồng chí Hoàng Đông Tùng là Chính trị viên kiêm Đội phó. Nhận định vai trò quan trọng của Ban Xung phong Lào Bắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thiệp động viên và nhấn mạnh “Kiến lập căn cứ địa Lào Độc lập là nhiệm vụ cần kíp. Ban xung phong Lào Bắc phải ra sức gây dựng cơ sở quần chúng trong vùng địch kiểm soát. Tôi chúc Ban xung phong Lào Bắc thành công. Khu Giải phóng Lào Độc lập chóng thành lập”

          Việc đồng chí Kayson Phomvihan được trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương tín nhiệm và giao trọng trách chỉ huy Ban Xung phong Lào Bắc căn cứ vào quá trình hoạt động bền bỉ, nhiệt huyết của đồng chí từ khi còn đang là học sinh trường Bưởi, sau đó là sinh viên trường Đại học Đông Dương đã tích cực tham gia các phong trào học sinh, sinh viên chống đế quốc Pháp.  

          Ngày 09/3/1945, nhân sự kiện Nhật đảo chính Pháp, đồng chí trở về quê hương Sa Văn Na Khệt (Lào) tham gia vào việc giành chính quyền (23/8/1945) và được cử làm Chỉ huy trưởng Lực lượng vũ trang của tỉnh Sa Văn Na Khệt, sau đó được cử làm Giám đốc Sở Tuyên truyền của tỉnh. Cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền của đất nước Lào đã thắng lợi sau hơn một tháng đấu tranh (10/1945). Với uy tín và khả năng dân vận, đồng chí Kayson vận động 2000 dân Sa Văn Na Khệt ủng hộ Hoàng Thân Xuphanuvông từ Việt Nam trở về Viên Chăn tham gia Chính phủ lâm thời Lào Độc lập. Mặc dù vậy, nước Lào chưa được Liên hợp quốc công nhận là quốc gia độc lập, chỉ duy nhất Việt Nam đặt quan hệ ngoại giao và công nhận độc lập, chủ quyền của nước bạn Lào và thực dân Pháp đã tái chiếm Đông Dương, vì vậy đồng chí Kayson phải tiếp tục hành trình gian nan ghi danh đất nước mình trên bản đồ thế giới.

          Đầu năm 1946, Kayson quay lại Hà Nội làm việc tại Đài Phát thanh Tiếng nói Việt Nam, phát thanh tiếng Lào kêu gọi người Lào đang sinh sống và học tập tại Việt Nam quay về tổ quốc tham gia công cuộc kháng chiến chống Đế quốc Pháp, giải phóng các bộ tộc Lào. Cũng trong thời gian này, với vai trò là Đặc phái viên Chính phủ lâm thời Lào Độc lập tại Việt Nam nhận 360.000 đồng Đông Dương (tương đương với 720 cây vàng) của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa giúp đỡ chính phủ Lào.

Ngôi nhà 228 Bà Triệu, Hà Nội (nay là Ngân hàng Công thương) nơi đồng chí Kayson 

nhận tiền của Chính phủ Việt nam giúp đỡ cách mạng Lào

         Kháng chiến chống Pháp bùng nổ, chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến (19/12/1946), đồng chí Kayson rời khỏi Hà Nội lên khu XII chuyên tâm nghiên cứu tài liệu, học tập kinh nghiệm kháng chiến của Việt Nam. Sau khi tích lũy được một số vốn kiến thức, đồng chí di chuyển đến Liên khu I nhận nhiệm vụ tại phòng tuyên truyền tiếp nhận tin tức bằng tiếng Pháp, dịch và in ấn để tuyên truyền.

          Giai đoạn 1946 - 1948 là giai đoạn chuyển hướng chiến lược quan trọng của cách mạng Lào trong cuộc kháng chiến chống Pháp. Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ thực tiễn, ngày 27/2/1948, Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương quyết định thành lập Đội xung phong khu Bắc Lào, nhằm bổ sung thêm lực lượng kháng chiến cho cách mạng Lào, đồng chí kayson được cử làm Đội trưởng, đội đóng quân tại Phú Thọ. Kế hoạch thành lập được đồng chí Lê Trọng Tấn, nhận nhiệm vụ từ Trung ương Đảng, thảo luận kỹ lưỡng với đồng chí Kayson tại Đền Chu Hưng (Phú Thọ) nằm trong an toàn khu X[1].  Nội dung xoay quanh 3 vấn đề lớn:

  1. Cách tổ chức xây dựng Đội Vũ trang như thế nào?
  2. Tổ chức hoạt động của Đội Vũ trang ra sao?
  3. Vai trò, nhiệm vụ của Đội Vũ trang với phong trào Cách mạng Lào.

          Với tinh thần thống nhất cao, sau một thời gian ngắn Đội Vũ trang đầu tiên của nước Lào Độc lập được thành lập. Trong ghi chép cá nhân về lịch trình hoạt động của mình, đồng chí Kayson viết như sau: “Trong thời gian 15 ngày tôi đã chỉ huy Ban Xung phong vượt qua khu vực địch kiểm soát tiến về xây dựng cơ sở địch hậu tại vùng huyện Xiềng Khọ - Xầm Nưa, tỉnh Hủa Phăn. Trước tình hình lùng soát gắt gao của địch, lực lượng phải di chuyển qua nhiều địa điểm tại  Mộc Châu (Chiềng Khừa, Chiềng Ve), biên giới Lào (My Lai, Sốp Hao, Mường Ẹt, Then Luông). Xây dựng cơ sở cho đến 12/1948, địch mở các cuộc càn quét ác liệt, cán bộ và cốt cán hoang mang, tôi đã xuống để củng cố lại tư tưởng các cán bộ và cốt cán, sau đó phong trào mới vững trở lại. Tôi đã xây dựng và củng cố khu vực du kích Lao Hùng và Lao Măng. Đến tháng 01/1949, phát triển cơ sở ra toàn khu vực tản ngạn sông Mã. Đến tháng 4/1949, tôi đã lãnh đạo lực lượng vũ trang nhân dân chiến đấu thu dược 70 khẩu súng, vận động thanh niên và và lính Pạc Ti Găng (Lính khố xanh) 30 người vào bộ đội, sau đó địch lại mở các cuộc càn quét, tôi đã kịp thời lãnh đạo nhân dân phân tán lực lượng để nắm nhân dân tại khu vực Guộc Văn. Tháng 8/1949 đã phát triển cơ sở đến khu vực hữu ngạn Sông Mã (huyện Xiêng Khọ, Mường Loong, Mường Hôm, Sốp Săn)[2].

          Từ tháng 1/1950 đến tháng 6/1950 đồng chí Kay sỏn Phôm Vi Hản là ủy viên Thường vụ Ban Chấp hành mặt trận Sông Mã. Sau khi chiến dịch Sông Mã thắng lợi. Tôi được giao trách nhiệm trực tiếp xây dựng khu Xiêng Khọ trở thành căn cứ địa. Tôi đã lãnh đạo tổ chức Hội Phụ nữ, Hội Nông dân; xây dựng chính quyền cấp huyện,  xã, bản, tổ chức một đội Du kích Xiềng Khọ, một đơn vị bộ đội địa phương được 20 người, tổ chức hội thanh niên, phát triển bộ đội được 2 trung đội, phát triển cơ sở sang đền Mường Xôm, Pạc Xeng”[3]

          Trong quá trình nghiên cứu về thân thế và sự nghiệp của đồng chí Kayson Phomvihan, Ban Phụ trách Bảo tàng Kayson Phomvihan đã sưu tầm được hồi ký của các lãnh đạo và cán bộ lão thành đã từng hoạt động cùng đồng chí Kayson thời kỳ 1948 - 1950 tại huyện Xiềng Khọ (tỉnh Hủa Phăn). Trong đó có hồi ký đồng chí Sisavat Keobunphan (nguyên Ủy viên Bộ Chính Trị, Đại tướng Quân đội nhân dân Lào), người đồng chí gần gũi và trực tiếp thực hiện sự chỉ đạo của đồng chí Kayson Phomvihan: “Từ năm 1948đến năm 1949, đồng chí Kayson Phomvihan là Đội trưởng Đội Xây dựng cơ sở chính trị bí mật ở vùng Săn Kang dọc Sông Mã (xã Phiêng Xa, Pa Bua, xã Lao Hùng, khu Phông Ban, Phông Tạ Lang). Trong đội có đồng chí Kayson Phomvihan, có tôi là Sisavat Keobunphan, có đồng chí Khăm Mun là người Lào và một số đồng chí Việt Nam nữa. Đồng chí Kayson Phomvihan đã lãnh đạo Đội Xây dựng cơ sở bí mật ,phát triển cơ sở chính trị và khu du kích ở xã Phiêng Xa,Pa Bua, xã Lao Hùng, khu vực Phông Ban, Phông Tạ Lang thuộc xã Mường Hung. Sau khi xây dựng được cơ sở chính trị và khu du kích bí mật rồi thì tiến đánh giải phóng huyện Xiêng Khọ để mở rộng khu kháng chiến tại khu vực huyện Xiêng Khọ, tiến tới thành lập đội Lạt Xa Vông vào ngày 20/01/1949 do đồng chí Kayson Phomvihan trực tiếp chỉ huy”

          Sau khi Đội xung phong Lào Bắc thành lập, tháng 6/1948, đội hành quân lên Yên Châu, Sơn La. Đóng quân tại đây xong đồng chí Kayson Phomvihan cử đồng chí Sisavat Keobunphan cùng một đồng chí Việt Nam bắt liên lạc với ông Lao Khô ở giáp biên giới Lào - Việt, sau đó tiếp tục đi móc nối cơ sở với ông Lao Măng, tộc trưởng dòng họ người H’Mông, bên đất Lào, cơ sở do ông Lao Khô gây dựng. Không may ông Lao Măng vắng nhà, người liên lạc đưa đoàn đến nhà Lao May, cháu của ông Lao Khô, cũng là người có tinh thần cách mạng, đã làm lán bí mật cho cán bộ cách mạng ở lại hoạt động, sau đó đồng chí Sisa vạt Keobunphăn đã trở lại đón đồng chí Kayson Phomvihan và di chuyển Ban đến cơ sở mới trên đất Lào. Ông Lao Khô mổ lợn làm lễ chúc phúc, tiễn đưa đoàn rất long trọng.

          Sau khi thâm nhập được vào đất Lào, đồng chí Kayson Phomvihan nhanh chóng triển khai các tổ công tác hoạt động sâu vào vùng địch hậu. Đồng chí Lao May(đại tá Quân đội Nhân dân Lào) đã kể lại: “Đồng chí Kayson Phomvihan đến bản Hin Hùng, xã Moong Năm, huyện Xiêng Khọ, tỉnh Hùa Phăn để gặp anh Lao Lu và tôi tại nhà[4]. Sau khi được tuyên truyền vận động “Anh em chúng tôi quyết tâm và thề với đồng chí Kay Sỏn Phôm Vi Hản rằng: Anh em chúng tôi sẽ kề vai sát cánh phấn đấu trở thành người cách mạng chiến đấu bên cạnh đồng chí Kay Sỏn Phôm Vi Hản. Anh em chúng tôi đã dựng lều nhỏ trong rừng cách bản hin Hùng khoảng 1 cây số để làm nơi che dấu đồng chí Kay Sỏn Phôm Vi Hản; anh Lao Lu đã lấy một bộ quần áo H’Mông đen truyền thống để cho đồng chí Kay Sỏn Phôm Vi Hản mặc cải trang. Đồng chí Kayson Phomvihan đã bảo chúng tôi dẫn đường đi Phiêng Sa”

          Có thể nói rằng, thời kỳ hoạt động tại Ban Xung phong Lào Bắc là giai đoạn gian nan nhưng kiên cường của người chỉ huy Kayson Phomvihan. Dưới sự dẫn dắt của đồng chí ban Xung phong Lào Bắc đã lớn mạnh không ngừng, gây dựng và phát triển được các đội du kích, đội vũ trang nhân dân rộng khắp vùng Thượng Lào, sau đó lan rộng ra cả nước, góp phần quan trọng cho đất nước Lào cùng nhân dân Đông Dương hoàn thành cuộc cách mạng giải phóng dân tộc khỏi ách thống trị của Thực dân Pháp và tiếp tục anh dũng chiến đấu chống đế quốc Mỹ, lực lượng diệt chủng Pôn Pốt, đưa đất nước Lào bước sang trang lịch sử mới.

Di tích lịch sử cách mạng Việt Nam - Lào, Yên Châu, Sơn La,

nơi ông Lao Khô nuôi giấu đồng chí Kayson Phomvihan và Ban Xung phong Lào Bắc



[1] Lý lịch Đền Chu Hưng, Phú Thọ, 1996.

[2] Thuộc địa phận Lào.

[3] Tài liệu lưu trữ tại Bảo tàng Kayson Phomvihan, Lào.

[4] Lao Lu - Thượng tá anh hùng dân tộc, người H’Mong.

Nguyễn Thị Ngọc Tú - Phòng Giáo dục - Truyền thông


Các tin khác:

Thống Báo

Liên Kết Website

Video - Sự Kiện

Không có video - Upload lại link

Thống Kê

Hôm nay : 311
Hôm qua : 302
Tháng này : 19746
Tổng truy cập : 3720873
Đang trực tuyến : 7