Đường dây nóng: 0212.3850221

Di tích lịch sử cách mạng Cây đa bản Hẹo (Tổ 2, phường Tô Hiệu, thành phố Sơn La)

Cập nhật: 08:57:40 26 / 10 / 2020
Lượt xem: 5217

         Đầu thế kỷ XX, thực dân Pháp thiết lập bộ máy cai trị của chúng tại vùng Tây Bắc. Đồng thời với việc xây dựng các công trình tòa sứ, nhà giám binh, trại lính, công sở, năm 1908 thực dân Pháp xây dựng Nhà tù Sơn La để giam cầm, đày ải, thủ tiêu ý chí đấu tranh của các chiến sĩ cách mạng và những người Việt Nam yêu nước, thực dân Pháp đã thực hiện một chế độ cai trị rất hà khắc nhưng từ trong ngục tù tăm tối, những chiến sỹ cộng sản vẫn luôn động viên nhau tiếp tục đấu tranh trong môi trường mới. Tháng 12/1939, những tù nhân chính trị tại nhà tù đã họp bí mật và quyết định thành lập Chi bộ lâm thời. Từ khi ra đời, chi bộ đã lãnh đạo anh em tù nhân thực hiện công tác xây dựng cơ sở cách mạng, tạo tiền đề cho việc bắt liên lạc với Trung ương Đảng. Chi bộ đã chọn cây đa bản Hẹo làm địa điểm liên lạc bí mật với cơ sở cách mạng bên ngoài nhà tù và với Trung ương Đảng.

          Hàng ngày tù nhân chính trị Nhà tù Sơn La đến khu vực cây đa lấy củi. Những người tù cộng sản thấy cây đa là địa điểm vừa có thể che mắt kẻ thù, vừa là chỗ an toàn để cất giấu tài liệu nên đồng chí Nguyễn Lương Bằng đã đặt một hòm thư bí mật, để bà Quàng Thị Khiên (dân tộc Thái) có nhiệm vụ chuyển tài liệu bí mật đến đồng chí Chu Văn Thịnh - Tổ Thanh niên Thái cứu quốc. Nội dung của những tài liệu đó chủ yếu là các văn bản chỉ thị, nghị quyết của Trung ương Đảng, những bản tổng kết, bài học kinh nghiệm, nhận định tình hình, những nhiệm vụ cần được thực hiện trước mắt của phong trào đấu tranh tại địa phương Sơn La. Trong đó có những chỉ thị quan trọng trong việc tổ chức vượt ngục cho những đảng viên ưu tú cung cấp cán bộ cho phong trào cách mạng.

          Năm 1942 - 1943, tình hình cách mạng trong nước và thế giới có nhiều biến động, Trung ương Đảng chỉ đạo khu căn cứ Yên Bái, Phú Thọ phải lập đường dây liên lạc với Chi bộ nhà tù Sơn La. Đồng chí Hoàng Quốc Việt, Ủy viên thường vụ Trung ương Đảng trực tiếp giao nhiệm vụ cho đồng chí Bình Phương tìm mọi cách bắt liên lạc với Chi bộ nhà tù Sơn La, tuyên truyền và gây cơ sở cách mạng bên ngoài nhà tù và truyền đạt một số chủ trương quan trọng của Trung ương như:

          - Những nhận định của Trung ương về triển vọng cuộc Chiến tranh thế giới lần thứ Hai và tình hình cách mạng Việt Nam: Sớm muộn Nhật – Pháp sẽ bắn nhau, Đảng ta phải chuẩn bị lực lượng đón thời cơ nổi dậy giành chính quyền.

          - Về cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn, Trung ương chủ trương rút cán bộ vào hoạt động bí mật, ra sức khôi phục, củng cố phong trào quần chúng, phát triển chiến tranh du kích rộng khắp.

          - Chú trọng phát triển Việt Minh ở những địa bàn có điều kiện tương đối thuận lợi.

          - Chi bộ nhà tù Sơn La tổ chức cho một số đồng chí có điều kiện vượt ngục càng sớm càng tốt để bổ sung đội ngũ cán bộ ở bên ngoài.

          Theo kế hoạch đã định, tháng 11 năm 1943, cùng với một nhóm thương nhân (do đồng chí Lê Đăng Thưởng bố trí) đồng chí Bình Phương rời Nang Sa lên đường đi Sơn La. Qua 10 ngày đêm trèo đèo lội suối, vượt khó khăn, gian khổ, đồng chí Bình Phương đã bắt được liên lạc với Chi bộ nhà tù. Đồng chí Trần Quốc Hoàn và đồng chí Lê Thanh Nghị đã bố trí gặp đồng chí Bình Phương tại cây đa Bản Hẹo. Đồng chí Bình Phương đã báo cáo tình hình và ý kiến chỉ đạo của Trung ương, trao những “tấm thẻ thuế thân” và sơ đồ Nang Sa – Thanh Bằng – Thượng Bằng La – Cửa Nhì – Gia Hội – Tú Lệ - Ngọc Chiến – Sơn La; đồng thời cùng thống nhất kế hoạch hoạt động của đồng chí tại Sơn La. Sau khi tiếp nhận những chỉ thị của Trung ương Đảng, Chi ủy chi bộ nhà tù Sơn La nhận thức rõ vấn đề cốt tử là phải tổ chức cho một số đồng chí vượt ngục. Nhưng thời cơ và phương thức hành động như thế nào cho có hiệu quả thì cần phải suy nghĩ, cân nhắc kỹ, không thể lặp lại kinh nghiệm vượt ngục tháng 8/1943. Sau khi cân nhắc kỹ, chi ủy nhất trí phương án vượt ngục theo đường Sơn La - Tạ Bú - Nghĩa Lộ - Nang Sa như dự kiến của đồng chí Hoàng Quốc Việt. Ngoài ra chi bộ phải lo bố trí cho đồng chí Lê Thanh Nghị trốn được an toàn vào đầu năm 1945 và bố trí cho đồng chí Chu Văn Thịnh về cơ quan Trung ương Đảng để bồi dưỡng chính trị, kinh nghiệm hoạt động cách mạng, sau đó sẽ đưa anh trở lại hoạt động.

          Chi bộ nhà tù Sơn La đã bố trí cho đồng chí Bình Phương đến ở nhà chị Chắt và gặp đồng chí Chu Văn Thịnh. Qua đồng chí Chu Văn Thịnh, đồng chí Bình Phương được biết Chi bộ nhà tù đã tổ chức một số cơ sở quần chúng và tổ chức cách mạng ở Mường La và Mường Chanh. Đồng chí đã được đồng chí Chu Văn Thịnh đưa đến một số cơ sở để nắm tình hình địa phương, cùng nhau bàn việc phát triển cơ sở cách mạng ở một số nơi như Mộc Châu, Phù Yên… Hàng ngày, mọi thông tin liên lạc giữa đồng chí Bình Phương với Chi bộ nhà tù đều được đặt tại hòm thư bí mật ở cây đa bản Hẹo. Quản Mười, lính khố xanh ở nhà tù Sơn La, một cơ sở cách mạng trong nhà tù nhận nhiệm vụ chuyển những bức thư ấy đến đồng chí Nguyễn Lương Bằng.

          Sau nhiều năm tự hoạt động, lần đầu tiên có liên lạc và nhận được sự chỉ đạo trực tiếp của Trung ương đến Chi bộ nhà tù Sơn La nói riêng và phong trào cách mạng toàn tỉnh nói chung. Như vậy, trong suốt thờ kỳ đấu tranh chống thực dân Pháp xâm lược, cùng với các địa điểm liên lạc khác, cây đa bản Hẹo, nơi đặt hòm thư bí mật, nơi gặp gỡ, liên lạc giữa các chiến sỹ cộng sản thuộc Chi bộ nhà tù với lãnh đạo Trung ương - đã thực sự giữ vai trò quan trọng, góp phần tạo nên một mạng lưới thông tin vững chắc, che mắt được mạng lưới mật thám dày đặc của kẻ thù, phục vụ cho sự phát triển của cách mạng và góp phần to lớn vào thắng lợi của phong trào đấu tranh giành chính quyền ở Sơn La nói riêng và cả nước nói chung.

          Cây đa bản Hẹo nay là một di tích lịch sử cách mạng trong quần thể di tích Quốc gia đặc biệt Nhà tù Sơn La, do Bảo tàng tỉnh quản lý. Hàng năm, di tích đón hàng trăm nghìn lượt khách đến tham quan, tìm hiểu, nghiên cứu. Dù đã trải qua bao thăng trầm của lịch sử, cây đa vẫn còn đó như một minh chứng cho một thời kỳ lịch sử cách mạng thế kỷ XX.

 

Cây đa Bản Hẹo – địa điểm liên lạc của tù nhân chính trị ở Sơn La với Trung ương Đảng

 

                                                               Cầm Thị May - Phòng Giáo dục – Truyền thông

 


Các tin khác:

Thống Báo

Liên Kết Website

Video - Sự Kiện

Không có video - Upload lại link

Thống Kê

Hôm nay : 83
Hôm qua : 144
Tháng này : 1348
Tổng truy cập : 184643
Đang trực tuyến : 5