Đường dây nóng: 0212.3850221

Bảo tàng tỉnh Sơn La cùng chuyên gia tổ chức điều tra, khảo sát điền dã thực tế tại thành phố Sơn La, huyện Sông Mã, Sốp Cộp và Mai Sơn

Cập nhật: 08:56:47 26 / 10 / 2020
Lượt xem: 1981

           Thực hiện Đề án đổi mới, nâng cao chất  lượng hoạt động Bảo tàng tỉnh Sơn La gắn với phát triển Du lịch, giai đoạn 2020-2025, tầm nhìn 2030, Bảo tàng tỉnh Sơn La đã mời PGS.TS Nguyễn Văn Huy - chuyên gia đầu ngành về lĩnh vực Bảo tàng làm chuyên gia tư vấn về chuyên môn, nội dung trưng bày tương lai. Trong tháng 7, tháng 8 vừa rồi Phó Giáo sư và đoàn chuyên gia phối hợp với bảo tàng Sơn La thực hiện 02 cuộc khảo sát điền dã, sưu tầm tư liệu xây dựng ý tưởng cho trưng bày. Đây là một bước hết sức quan trọng tạo tiền đề cho các  trưng bày chuyên đề hấp dẫn khách du lịch, và mục tiêu chính là sự đổi mới trong nhận thức, tư duy của người làm bảo tàng rằng không chỉ có hiện vật là trung tâm của trưng bày mà phải gắn hiện vật với môi trường, con người tạo ra nó và các câu chuyện của con người làm nên sức sống của hiện vật.

         Đợt khảo sát tại Thành phố Sơn La, Bảo tàng tỉnh Sơn La đã tổ chức lớp tập huấn về công tác trưng bày bảo tàng cho cán bộ với sự giúp đỡ của PGS.TS Nguyễn Văn Huy, TS Võ Thị Thường và Ths Phạm Kim Ngân. Các chuyên gia đã giới thiệu trưng bày: “Cuộc sống ở Hà Nội thời bao cấp” (1975-1986), “Làng thuốc Đại Nam”, “Gánh Hàng rong” để từ đó hướng dẫn cán bộ Bảo tàng Sơn La tiếp cận dần với phương pháp làm việc mới, cách tiếp cận trưng bày mới.

         Sau khi được tập huấn, cán bộ Bảo tàng tiếp tục tham gia các cuộc khảo sát điền dã cùng chuyên gia, tại thành phố Sơn La, huyện Sông Mã, Sốp Cộp, Mai Sơn. Trong mỗi cuộc khảo sát điền dã, phương pháp làm việc chuyên nghiệp của chuyên gia đã giúp cán bộ bảo tàng được học hỏi, rút kinh nghiệm, bổ sung kĩ năng làm việc và thêm yêu nghề.

           Để tìm ý tưởng, nội dung trưng bày, đoàn công tác đã phỏng vấn các nhân vật có sự gắn bó sâu sắc với tỉnh Sơn La, với mỗi lĩnh vực mà họ cống hiến và hiểu biết: cụ Vũ Đình Nhuần, ông Trần Quang Ân và nền giáo dục từ 1959 đến nay; ông Hà Long, ông Cà Chung là lịch sử hình thành và phát triển của thành phố Sơn La; ông Trần Chương và ông Hồ Ngọc Toàn là những ngày tháng gắn bó với di tích lịch sử quốc gia Ngã Ba Cò Nòi; ông Lò Văn Hặc là câu chuyện về bản Bó và những viên ngói đầu tiên của Sơn La; ông Phạm Hồng Thái là những câu chuyện về các công trình thủy lợi của Sơn La; ông Nguyễn Ngọc Dũng với câu chuyện về HTX Hoa Ngọc Lan và nông nghiệp chất lượng cao,...

Cụ Trần Chương, 88 tuổi, cựu TNXP tại Ngã Ba Cò Nòi chia sẻ với đoàn công tác

về những ngày bom đạn đánh phá ác liệt tại Ngã ba Cò Nòi (ngày 04/7/2020).

         Tại huyện Sông Mã, Sốp Cộp, Mai Sơn, đoàn công tác đã đến khảo sát các hộ dân khai hoang từ 1963, 1975 để thấy được phần nào bức tranh về những người đã rời quê hương lên Sơn La xây dựng kinh tế mới, làm giàu cho tỉnh nhà: ông Phạm Thế Bằng (bản Thống Nhất, xã Chiềng Khương), ông Nguyễn Minh Đức (bản Hưng Mai, xã Nà Nghịu).

PGS. Nguyễn Văn Huy và đoàn công tác phỏng vấn ông Phạm Thế Bằng lên khai hoang từ năm 1975,

Chiềng Khương, Sông Mã (19/8/2020)

         Đặc biệt, bà con không chỉ phát triển cây nhãn, phủ kín Sông Mã cây nhãn quê hương Hưng Yên mà còn có nghề nuôi ba ba rất tốt, có lợi nhuận cao.

Ông Nguyễn Minh Đức, 72 tuổi, bản Hưng Mai, xã Nà Nghịu giới thiệu về mô hình nuôi ba ba của gia đình

với 500m2 bể nước thu nhập khoảng 100-200 triệu/năm (ngày 20/8/2020)

         Theo gợi ý của PGS Nguyễn Văn Huy, đoàn công tác đến khảo sát tại cây cầu treo cũ của thị trấn Sông Mã nối liền 2 bờ sông. Đ/c Minh - cán bộ phòng Văn hóa huyện cho biết: cầu được xây dựng năm 1983, năm 2013-2014 cầu được sửa cáp mới. Hiện nay cầu chuẩn bị dỡ bỏ. Từ câu chuyện cây cầu, PGS.TS Nguyễn Văn Huy nói về việc sưu tầm biển chỉ dẫn rẽ vào cầu, chụp những hình ảnh của cầu, những thứ sắp tới sẽ chỉ còn trong kí ức của người dân Sông Mã. Cây cầu trước đây là một phần hết sức quan trọng đối với đời sống kinh tế, giao thương kết nối 2 bờ sông Mã. Trước đây 2 bên cầu là chợ buôn bán sầm uất nay chỉ còn khoảng 3 cửa hàng bán đồ ba lô, dép, tạp hóa ở bên phải đường vào, khu vực bên trái đang giải toả để quy hoạch lại.

         Cầu thị trấn Sông Mã sắp dỡ bỏ (ngày 20/8/2020)

         Ngoài chủ đề khai hoang, đoàn công tác tiếp tục di chuyển đến Sốp Cộp vào xã Mường Và khảo sát cuộc sống của đồng bào người Khơ Mú và Lào, thăm công trình Kiến trúc Nghệ thuật tháp Mường Và. Tại bản Tặc Tè, xã Mường Và, đoàn đã gặp gia đình nhà anh Seo Văn May, chị Pít Thị Nga người dân tộc Khơ Mú và hỏi về cuộc sống, văn hóa của bà con tại đây. Bản Tặc Tè cách trung tâm xã khoảng 10km, đường đã được bê tông hóa, bà con trồng lúa, ngô, cây hoa màu, đời sống bà con khó khăn, trong bản còn nhiều hộ nghèo, học sinh trong bản thường bỏ học sớm.

Đoàn công tác chụp ảnh tại di tích Nghệ thuật Kiến trúc tháp Mường Và bản Mường Và, xã Mường Và, huyện Sốp Cộp (ngày 20/8/2020)

          Rời bản Tặc Tè, đoàn đến bản Mường Và, bản nằm ngay cạnh trung tâm xã, bà con có đời sống kinh tế ổn định, phát triển. Đoàn gặp bà Lò Thị Toàn, sinh năm 1962, bà đang se sợi tơ tằm để dệt vải. Theo bà kể, 1 tấm vải thổ cẩm dài khoảng 2m bà bán được với giá 5.000.000đ/tấm vải. Bà đã làm nghề dệt vải thổ cẩm Lào để bán khoảng 6-7 năm.

Mảnh vải thổ cẩm dân tộc Lào của cô Lò Thị Toàn bản Mường Và đang dệt (ngày 20/8/2020)

        Tại xã Huổi Một, theo người dẫn đường là chị Lò Thị Nhung, cán bộ xã, đoàn đến bản Nặm Pù. Đi lên đường dốc, đã được bê tông hóa, đoàn thấy nhà dân bên cạnh sát đường, có nhiều nhà không có người lớn ở nhà, chỉ có trẻ con, bà con đã đi làm nương rẫy. Đoàn đến nhà anh Quàng Văn Lun, sinh năm 1981, người Khơ Mú. Vợ anh là chị Lò Thị Ương, sn 1987. Anh Lun đã chia sẻ với đoàn về cuộc sống văn hóa của người Khơ Mú và việc người Khơ Mú cũng ghép nhãn rất giỏi, năng suất cao, anh là một trong những người Khơ Mú đầu tiên đi học ghép cây ở Lạng Sơn. Qua lời kể của anh đoàn được biết chị dâu của anh là người kinh Hưng Yên, bố mẹ chị là người khai hoang, chị nói tiếng Khơ Mú rất giỏi.

         Tiếp theo, đoàn đến bản Pá Công khảo sát, bản của người Xinh Mun, nằm sát đường cái. Đường lên bản chưa được bê tông hóa mà còn là đường đất, bùn, cát. 2 bên cạnh đường bà con nuôi thả gia súc trửa cửa nên rất mất vệ sinh. Trong bản một vài gia đình đã có mô hình xây nhà chính để ở thành nhà cấp 4, còn bếp cũ vẫn giữ lại. Đoàn phỏng vấn anh Lò Văn Bơ, dân tộc Xinh Mun, gia đình anh có kinh tế gia đình khó khăn. Ngôi nhà sàn của anh nhỏ mà có tới 6 người sinh sống: 2 vợ chồng anh Bơ và 2 vợ chồng con trai, 2 cháu nội. Sàn ngoài nhà anh gỗ đã mục nát, trong nhà tối, nhỏ, góc bàn uống nước có dán rất nhiều ảnh của những năm khoảng 1999-2005, đây là góc nhà mà một thời rất thịnh hành. Đoàn phỏng vấn anh Bơ về văn hóa dân tộc Xinh Mun và về góc củi, thùng đựng thóc lúa.

         Đoàn đến nhà em Lò Thị Thiện, sinh năm 1998. Gia đình em đã xây lại nhà sàn thành nhà cấp 4, giữ lại gian bếp cũ. Mô hình này khá phổ biến ở đây. Theo TS. Võ Thị Thường khu vực nuôi dê, bò, lợn của gia đình còn mất vệ sinh và chưa hợp lý về việc sắp xếp chuồng trại. Gia súc không được tắm rửa, không dọn dẹp chuồng trại, phân dê, lợn, bò tràn cả ra ngoài chuồng.

PGS.TS Nguyễn Văn Huy hỏi chuyện em Lò Thị Thiện, dân tộc Xinh Mun bản Pá Công, xã Huổi Một (ngày 21/8/2020)

         Tại huyện Mai Sơn, đoàn đã khảo sát điền dã tại Công ty cổ phần nông nghiệp Chiềng Sung- một doanh nghiệp có nền tảng là nông trường quốc doanh quân đội. Công ty là một trong top 10 doanh nghiệp lớn của Việt Nam, hiện nay công ty sản xuất mạnh về ngô giống, xuất khẩu cung cấp ngô giống cho thị trường Lào, Mianma và trong nước. Ông Lộc Mậu Triển - Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty cho biết: công ty luôn chăm lo cho đời sống của công nhân và chủ trương không thay đổi công nghệ vì muốn tạo công ăn việc làm cho bà con và giữ chất đốt từ lõi ngô để người dân dùng. Ngoài nông trường Chiềng Sung, đoàn còn gặp ông Nguyễn Văn Thiết - nguyên Phó Giám đốc Nông trường Tô Hiệu, ông là người gắn bó với nông trường và ông đã kể rất nhiều câu chuyện hay về sản xuất, định hướng nông nghiệp của nông trường mà hiện nay là Công ty TNHH Nông nghiệp Tô Hiệu.

Công nhân Công ty Cổ phần Nông nghiệp Chiềng Sung đang tẽ ngô (ngày 22/8/2020)

         Đoàn kết thúc đợt khảo sát thứ 3 bằng buổi tổng kết tại Bảo tàng tỉnh Sơn La. Đoàn chuyên gia đã đưa ra các phương án trưng bày trong đề án đổi mới, phân công nhiệm vụ trong giai đoạn tiếp theo và nhấn mạnh sự khả thi, nhất định sẽ đổi mới nâng cao chất lượng của Bảo tàng tỉnh Sơn La.

         Qua các chuyến điều tra, khảo sát điền dã, dưới sự chỉ bảo tận tình của các chuyên gia, cán bộ Bảo tàng tỉnh Sơn La được học hỏi từ cách phỏng vấn, đặt câu hỏi, cách tìm hiểu, khâu nối với địa phương, cách khai thác thông tin của người dân một cách hết sức tự nhiên, cách quay video, cách quan sát đến cách hỏi như không hỏi của các chuyên gia hàng đầu Bảo tàng học tại Việt Nam. Sau mỗi cuộc điền dã là hứa hẹn những ý tưởng mới, những trưng bày mới sẽ được hình thành từ nền móng, đó là câu chuyện “đi một ngày đàng học một sàng khôn” của cán bộ Bảo tàng sau hơn 30 năm thành lập và phát triển.

                                      Lường Ngọc Ánh - Phòng Nghiệp vụ Bảo tồn - Bảo tàng

 

    

 

 


Các tin khác:

Thống Báo

Liên Kết Website

Video - Sự Kiện

Không có video - Upload lại link

Thống Kê

Hôm nay : 160
Hôm qua : 281
Tháng này : 2552
Tổng truy cập : 3834353
Đang trực tuyến : 6