Từ ngày 28 đến ngày 30 tháng 9 năm 2020, tại thành phố Hải Phòng, Viện Hàn Lâm Khoa học Xã hội Việt Nam phối hợp với Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng tổ chức Hội nghị Thông báo Khảo cổ học toàn quốc lần thứ 55. Đây là hoạt động khoa học hàng năm của ngành Khảo cổ học cả nước nhằm thông báo, chia sẻ các kết quả nghiên cứu, những phát hiện mới về khảo cổ học giới thiệu đến công chúng, nhân dân, nhà khoa học trên khắp mọi miền cả nước.
Toàn cảnh khai mạc Hội nghị thông báo Khảo cổ học toàn quốc lần thứ 55
Dự khai mạc Hội nghị PGS.TS Trần Đức Cường- Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, PGS.TS Tống Trung Tín- Chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam, GS.TS Phạm Quang Đức- Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, TS. Nguyễn Gia Đối- Quyền Viện trưởng Viện Khảo cổ học cùng đại diện lãnh đạo các Sở, ban ngành Trung Ương, địa phương và hơn 300 đại biểu là các nhà khoa học, khảo cổ học, quản lý văn hóa trên toàn quốc.
Phát biểu khai mạc hội nghị, GS.TS Phạm Văn Đức- Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam nhấn mạnh: “Khảo cổ học bên cạnh việc nghiên cứu lịch sử, nhân học còn gắn chặt với hoạt động nghiên cứu, đánh giá giá trị các di sản văn hóa. Ngành khảo cổ học tư vấn cho các cơ quan quản lý văn hóa và một số địa phương tiến hành công tác quy hoạch, bảo tồn, phát huy các giá trị của di tích khảo cổ và di sản văn hóa”.
Thay mặt Ban biên tập Tạp chí khoa học PGS.TS Bùi Văn Liêm đã báo cáo đánh giá về hoạt động nghiên cứu khảo cổ học toàn quốc năm 2019-2020. Tại hội nghị đã nhận được 341 bài viết, của hơn 800 tác giả và nhóm tác giả. Trong đó 105 bài về khảo cổ tiền sử, 166 bài khảo cổ học Lịch sử, 48 bài khảo cổ học Champa- Óc Eo, 16 bài khảo cổ học dưới nước và 6 bài về các hoạt động chung của các cơ quan nghiên cứu khảo cổ. Trong đó đặc biệt chú ý là báo cáo khai quật di tích khảo cổ bãi cọc Cao Quỳ tại xã Liên Khê, huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng. Những nghiên cứu khoa học này đã bổ sung tư liệu mới và quý trong nghiên cứu quá trình hình thành và phát triển của dân tộc Việt Nam, góp phần vào việc bảo tồn, tôn tạo và phát huy các giá trị lịch sử văn hóa của dân tộc. Sau phiên khai mạc, hội nghị tiếp tục thảo luận tại các tiểu ban.
Tham dự Hội nghị tiểu ban Tiền sơ sử, đồng chí Phạm Văn Tuấn- Phó Giám đốc Bảo tàng tỉnh Sơn La thay mặt nhóm tác giả trình bày “Báo cáo tóm tắt về kết quả khảo sát các di tích tiền sử vùng lòng hồ Thủy điện Hòa Bình tháng 5/2020”. Bài báo cáo đã thu hút được sự chú ý của toàn thể hội nghị và nhận được những ý kiến đóng góp bổ ích cho công tác nghiên cứu khảo cổ học ở Sơn La trong giai đoạn tiếp theo. Trong khuôn khổ Hội nghị, các đại biểu đã tham quan Di tích bãi cọc Cao Quỳ (xã Liên Khê, Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng) và Khu di tích Bạch Đằng Giang.
Đồng chí Phạm Văn Tuấn- Phó Giám đốc Bảo tàng Sơn La (ngồi thứ 4 từ trái vào)- trình bày báo cáo tại hội nghị khảo cổ học
Tiểu ban Tiền sơ sử nghe báo cáo khảo cổ học của nhóm tác giả Bảo tàng Sơn La
Di tích khảo cổ bãi cọc Cao Quỳ, xã Liên Khê, huyện Thủy Nguyên,thành phố Hải Phòng.