Đường dây nóng: 0212.3850221

Bảo tàng tỉnh Sơn La tổ chức Hội nghị Báo cáo sơ bộ kết quả thám sát và khai quật di tích Mái đá Bản Mòn

Cập nhật: 10:16:40 09 / 05 / 2021
Lượt xem: 1006

Bảo tàng tỉnh Sơn La tổ chức Hội nghị Báo cáo sơ bộ kết quả thám sát và khai quật di tích Mái đá Bản Mòn

Ngày 05/5/2021, Bảo tàng tỉnh Sơn La đã tổ chức Hội nghị Báo cáo sơ bộ kết quả thám sát và khai quật di tích Mái đá Bản Mòn, xã Thôm Mòn, huyện Thuận Châu. Dự hội nghị có TS Phạm Văn Thủy - Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Sơn La; đại diện lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; các nhà khoa học thuộc Viện Khảo cổ học và Hội Khảo cổ học Việt Nam; giảng viên và sinh viên trường ĐH Tây Bắc; cán bộ, viên chức Bảo tàng tỉnh và Phòng Văn hóa Thông tin huyện Thuận Châu.

(Toàn cảnh hội nghị)

Hội nghị đã nghe TS Lê Hải Đăng (Viện Khảo cổ học Việt Nam) chủ trì cuộc khai quật báo cáo kết quả sơ bộ quá trình thám sát và khai quật di tích Mái đá Bản Mòn. Theo đó từ năm 1927, nữ khảo cổ người Pháp là Madelen Colani đã tiến hành khai quật di chỉ Bản Mòn và phát hiện nhiều công cụ đá, đồ trang sức, vỏ ốc suối. Đến tháng 4/2021, được sự cho phép của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Sở VHTT&DL, Bảo tàng tỉnh Sơn La phối hợp với Viện Khảo cổ học Việt Nam tiến hành khai quật di tích phát hiện 02 mộ người tiền sử và trên 1000 hiện vật đá, gần 2000 mảnh gốm, trong đó có nhiều di vật đặc trưng cho các giai đoạn văn hóa sớm (từ 10.000 - 5.000 năm). Sang giai đoạn muộn (từ 4.000 năm đến 3.000 năm) xuất hiện đồ gốm, đồ đá phát triển đỉnh cao với công xưởng chế tác rìu đá mài toàn thân. Những phát hiện mới nêu trên đã chứng tỏ Mái đá Bản Mòn vừa là nơi cư trú, vừa là công xưởng chế tác rìu đá và nơi để mộ táng. Dấu tích cư trú là liên tục, bằng chứng là sự có mặt với số lượng lớn công cụ đá đã qua sử dụng, đồ gốm có vết đen dấu đun nấu, mảnh xương động vật có vết chặt, chẻ, các vỏ các loài ốc có dấu chặt chôn. Các tàn tích động vật này là do con người săn bắt, hái lượm mang về hang ăn và bỏ lại. Trong hang có vết tích than tro bếp, xác nhận Mái đá Bản Mòn là di tích cư trú nhiều giai đoạn, từ khoảng 10.000 năm đến 3000 năm cách ngày nay.

(TS Lê Hải Đăng báo cáo kết quả sơ bộ quá trình khai quật)

(PGS.TS Nguyễn Khắc Sử phát biểu tại hội nghị)

Mái đá Bản Mòn có ý nghĩa lịch sử đặc biệt quan trọng đối với ngành khảo cổ học nước ta nói chung và tỉnh Sơn La nói riêng, đây là di chỉ khảo cổ được phát hiện sớm nhất của khu vực Tây Bắc. Tuy nhiên, hiện nay di tích đang bị xâm hại, lấn chiếm bởi một số hộ dân sinh sống xung quanh, điều này đang ảnh hưỏng nghiêm trọng đến thực trạng và tính nguyên gốc của di tích, gây khó khăn trong công tác bảo vệ và phát huy giá trị.

(Đồng chí Trần Tân Phong – Phó giám đốc Sở VHTT&DL phát biểu tại hội nghị)

(Đồng chí Phạm Văn Thủy – Phó chủ tịch UBND tỉnh Sơn La chỉ đạo tại hội nghị)

Đồng chí Phạm Văn Thủy kết luận văn hóa tiền sử và sơ sử Sơn La là một trong những mảng màu văn hóa đặc sắc của cư dân cổ ở miền Tây Bắc của Việt Nam, những phát hiện khảo cổ học cho thấy vết tích cư trú rõ nhất của người Việt cổ ở Sơn La tại Mái đá Bản Mòn. Di tích chứa đựng nhiều giá trị nổi bật mang tính quốc gia về lịch sử văn hoá và khoa học liên quan đến cộng đồng đã từng sinh sống trên mảnh đất này. Đồng chí Phó chủ tịch UBND tỉnh đề nghị Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bảo tàng tỉnh có kế hoạch bảo tồn và phát huy giá trị di tích; đồng thời giao UBND huyện Thuận Châu tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục cho nhân dân địa phương về ý nghĩa lịch sử của di tích, xây dựng phương án bảo vệ di tích, đưa diện tích đất của di tích vào quy hoạch tổng thể của huyện Thuận Châu.

(các đại biểu tham quan trưng bày hiện vật được phát hiện trong quá trình khai quật)

Tác giả: Dương Thế Sơn – Bảo tàng tỉnh

5/5/2021

 

 

 

 

 


Các tin khác:

Thống Báo

Liên Kết Website

Video - Sự Kiện

Không có video - Upload lại link

Thống Kê

Hôm nay : 83
Hôm qua : 144
Tháng này : 1348
Tổng truy cập : 184643
Đang trực tuyến : 6