Đường dây nóng: 0212.3850221

Trần Quý Kiên Chiến sỹ Cộng sản ba lần bị đày lên ngục Sơn La

Cập nhật: 01:55:48 21 / 06 / 2021
Lượt xem: 1202

            Đồng chí Trần Quý Kiên 18 tuổi tham gia hoạt động trong phong trào yêu nước, 19 tuổi nếm trải đủ ngón đòn tra tấn tàn bạo của đế quốc và từng ba lần bị thực dân Pháp đày lên ngục Sơn La. Gông cùm đế quốc không những không khuất phục nổi ý chí Trần Quý Kiên mà trở thành thứ lửa thử vàng, rèn luyện người Cộng sản càng trở lên cứng rắn.

           Đồng chí Trần Quý Kiên (1911-1965) tên thật là Đinh Xuân Nhạ, còn bí danh khác là Dương Văn Ty, quê ở thôn Thượng Vũ, Xã Nguyễn Huệ, huyện Phú Xuyên, tỉnh Hà Đông (nay thuộc Thành phố Hà Nội). Năm 1929, khi đang là thợ máy ở Hà Nội, đồng chí Trần Quý Kiên hào hứng bước vào phong trào quần chúng lao động . Sau sự kiện Đảng Cộng sản Việt Nam thành lập,Trần Quý Kiên trở thành thành viên Đội xung phong tuyên truyền (Tổ chức tiền thân của Ban Tuyên giáo thành ủy Hà Nội) cùng các đồng chí Lê Đình Tuyển, Hoàng Văn Năng… thực hiện cuộc vận động nhân dân Hà Đông tham gia vào các đoàn thể ủng hộ phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh, mở rộng và phát triển cơ sở cách mạng không chỉ ở địa bàn Hà Nội mà còn sang vùng lân cận. Tháng 3/1930, đồng chí Kiên được kết nạp vào Đảng Cộng sản. Dưới sự chỉ đạo của đồng chí Trần Văn Lan thực hiện nhiệm vụ tái lập thành ủy Hà Nội, giữa năm 1930, nhiều đồng chí lãnh đạo thành ủy đảng viên, quần chúng trung kiên  bị bắt bớ, trong đó có đồng chí Trần Quý Kiên, Đặng Xuân Khu, Nguyễn Ngọc Vũ... Đòn tra tấn tàn bạo của kẻ thù không khuất phục nổi ý chí của những người Việt Nam yêu nước, đồng chí Nguyễn Ngọc Vũ đã hy sinh dũng cảm , đồng chí Trần Quý Kiên bị kết án 10 năm tù và đày đi Côn Đảo.

          Đoàn tù nhân chuẩn bị đưa đi Côn Đảo được đưa về tập trung tại nhà tù Hải Phòng, nhưng do vấp phải cuộc đấu tranh lưu huyết quy mô lớn của tù nhân nhà tù Hải Phòng chống lại chế độ cùm kẹp, thực dân Pháp đã phải đổi hướng đưa Trần Quý Kiên cùng Trường Chinh, Lê Duẩn, Trần Văn Lan, Khuất Duy Tiến ….tổng số 210 tù nhân lên ngục Sơn La.

          Lần thứ nhất bị đày lên ngục Sơn La

          Tù nhân bị đưa đến tập trung tại nhà tù Hỏa Lò (Hà Nội), sau 2 ngày đi ô tô từ Hà Nội đến Chợ Bờ (Hòa Bình), từ đây bắt đầu hành trình đày ải gian khổ, tù nhân tay bị cùm, chân mang xích sắt, lê bước trèo đèo, vượt dốc, đi bộ 12 ngày đêm mới đến được Sơn La. Đây cũng là lần đầu tiên Trần Quý Kiên bước chân lên Sơn La nhưng được giám ngục đưa vào nhóm những người có hạnh kiểm bình thường hoặc xấu, thậm chí còn nêu rõ đây là phần tử nguy hiểm cầm đầu các phong trào chống đối. Với âm mưu lợi dụng vùng rừng thiêng nước độc, chế độ khổ sai, thực dân Pháp sẽ thủ tiêu dần lực lượng cách mạng Việt Nam, Trần Quý Kiên đã may mắn hơn nhiều đồng chí đã gửi thân lại nghĩa địa Gốc Ổi[1]: Trần Văn Lan, Ngô Đình Mẫn, Cao Văn Minh… Tù nhân tại ngục Sơn La án cao nhất là chung thân, nhưng số lượng nhân chết nhiều, lo sợ bị báo chí lên án, thực dân Pháp đã di chuyển một bộ phận tù nhân trở lại nhà tù Hỏa Lò. Trần Quý Kiên đã bị giam cầm tại ngục Sơn La từ 2/1933 đến 17/11/1933, thực dân Pháp đưa về nhà tù Hỏa Lò.

          Thời gian bị giam cầm tại ngục Sơn La không lâu nhưng đã cho Trần Quý Kiên thấy rõ bản chất chế độ thực dân với những người Việt Nam yêu nước, tích lũy kinh nghiệm đấu tranh với kẻ thù, trực tiếp là bọn cai ngục Sơn La trong những lần bị đày giam tiếp theo.

 

Danh sách tù nhân chính trị chuyển từ ngục Sơn La về nhà tù Hỏa Lò “không được quyền bãi nại” do có những hành vi nguy hiểm đến chính quyền. Sơn La, 31/10/1933

(Đinh Xuân Nhạ tức Trần Quý Kiên, số thứ tự 7, số tù 289)

          Lần thứ hai bị đày lên ngục Sơn La, thoát án tử hình “sốt rét”

          Trần Quý Kiên tiếp tục tham gia vào hoạt động bí mật trong tù, quản lý thư viện sách của chi bộ huấn luyện đảng viên. Được tiếp xúc và rèn luyện cùng những tấm gương Cộng sản ưu tú: Trường Chinh, Lê Duẩn, Vũ Thiện Chân, Mai Lập Đôn … đã tiếp thêm niềm tin cách mạng cho Trần Quý Kiên. Với các hoạt động “chống đối có tổ chức”, đồng chí bị cai ngục đưa vào danh sách phần tử cứng đầu. Bị giam giữ tại nhà tù Hỏa Lò đến tháng 5/1935, Trần Quý Kiên bị đưa ngược lên nhà tù Sơn La.

                   Thời điểm này, bọn thống trị càng lợi dụng triệt để bệnh sốt rét rừng như bản án tử hình đối với tù nhân. Vì vậy, vừa đặt chân lên đến ngục Sơn La, chỉ sau nửa tháng tù nhân sốt rét liểng xiểng, công việc lao động khổ sai nặng nhọc, chế độ ăn chỉ có một nắm cơm nếp nhão lẫn trấu và sạn, sức khỏe anh em giảm sút nghiệm trọng. Trước tình hình nguy cấp, những đồng chí từng tham gia chi bộ nhà tù Hỏa Lò đã họp nhau đưa ra phương án cải thiện tình hình, quan trọng là bảo toàn lực lượng cách mạng của ta trước âm mưu thâm độc của kẻ thù.

          Ngay trong năm 1935, Hội đồng Thống nhất đã bí mật thành lập, đồng chí Trường Chinh được bầu làm chủ tịch hội đồng, quy tụ được cả tù nhân Quốc dân đảng (khi ấy đang chiếm 1/3 số lượng tù nhân) và tù nhân thường phạm. Lãnh đạo Hội đồng có 8 đồng chí, trong đó có đồng chí Trần Quý Kiên và Bùi Vũ Trụ - em rể đồng chí Kiên[2]. Được phân công trực tiếp phụ trách ban Hợp tác xã, đồng chí Trần Quý Kiên đã thương thuyết thành công với cai ngục, ngoài giờ lao động khổ sai được trồng rau xanh bên bờ suối Nặm La, đem vào cải thiện bữa ăn trong tù, tranh thủ làm hàng thủ công mỹ nghệ đem bán, gây dựng quỹ Hội đồng. Tình hình trong ngục khá phức tạp, cai ngục cài mật thám theo dõi nhất động của những tù nhân trong danh sách cần kiểm soát gắt gao và đã phát hiện tổ chức cộng sản thành lập trong ngục, vì vậy Hội đồng Thống nhất linh hoạt hình thức hoạt động, các buổi văn nghệ được tiến hành tổ chức một mặt để động viên tinh thần anh em tù nhân Cộng sản, lôi kéo tù nhân đảng phái Quốc dân đảng, một mặt ngầm tuyên truyền tư tưởng, đường lối hoạt động của tổ chức. Đồng chí Trần Quý Kiên được coi là “hạt nhân” của các buổi diễn. Trong 4 tháng, Hội đồng Thống nhất tổ chức được 3 buổi diễn thành công, đạt được mục tiêu tổ chức đề ra[3].  

          Hội đồng thống nhất là tổ chức Đảng đầu tiên tại ngục Sơn La nói riêng và trên địa bàn tỉnh Sơn La nói chung. Dưới sự dẫn dắt có tổ chức, đời sống của tù nhân đã được cải thiện, đòi lại được một số quyền lợi, quan trọng là từ đó đồng bào dân tộc địa phương đã bắt đầu biết thế nào là “cộng sản”, thế nào là “thực dân”, nhen lên ngọn lửa cách mạng giữa núi rừng Tây Bắc.

          Năm 1936, tình hình thế giới có nhiều biến chuyển mạnh mẽ, mặt trận Bình dân Pháp với nòng cốt là Đảng Cộng sản Pháp giành thắng lợi trong cuộc tổng tuyển cử tháng 5/1935 và lên cầm quyền. Trước sức ép của phong trào đấu tranh của nhân dân Pháp và các nước thuộc địa, buộc chính phủ Pháp phải ân xá tù chính trị ở các nước thuộc địa. Tháng 7/ 1936, đồng chí Trần Quý Kiên, Đặng Việt Châu, Trường Chinh, Bùi Vũ Trụ, Nguyễn Văn Năng và hàng nghìn tù chính trị ở Đông Dương đã được thả tự do.

 

Chân dung đồng chí Trần Quý Kiên (Đinh Xuân Nhạ) trong hồ sơ chính quyền Pháp trước khi ân xá tháng 7/1936        

          Đông đảo lực lượng đảng viên, quần chúng kiên trung được trở về địa phương, mặc dù dưới sự quản thúc của chính quyền song đặt ra nhiệm vụ cấp thiết đó là tái lập cơ quan lãnh đạo cách mạng từ Trung ương đến cơ sở đã bị phá vỡ, nhưng cũng phải đề cao cảnh giác với một bộ phận cán bộ đã biến chất làm mật thám cho địch. Sau một tháng về Hà Nội, đồng chí Trần Quý Kiên đã bắt liên lạc với đồng chí Nguyễn Văn Cừ, Nguyễn Văn Minh hẹn gặp tại Gia Lâm bàn bạc thành lập ra Ủy Ban Sáng Kiến làm nhiệm vụ khôi phục Xứ ủy Bắc Kỳ và Thành ủy Hà Nội. Tháng 3/1937, Xứ ủy được tái lập, quy tụ được nhiều hạt giống đỏ như: Tô Hiệu, Hoàng Quốc Việt, Trường Chinh, Lương Khánh Thiện, Hoàng Tú Hưu… Đồng thời thành ủy Hà Nội cũng được tái lập và đi vào hoạt động, do đồng chí Lương Khánh Thiện làm bí thư. Đồng chí Trần Quý Kiên là ủy viên Xứ ủy Bắc Kỳ trực tiếp làm nhiệm vụ trong thường vụ thành ủy Hà Nội.

          Từ 1937-1938, đồng chí Trần Quý Kiên được Trung ương Đảng cử tăng cường về Hải Phòng và tái lập thành công thành ủy, tham gia thành lập liên xứ ủy Bắc Kỳ và Trung Kỳ, đảm nhận vai trò ủy viên Xứ ủy Bắc Kỳ trực tiếp làm bí thư thành ủy Hà Nội.

          Lần thứ hai bị bắt và cuộc đấu tranh tại đề lao Bắc Giang

          Bước sang năm 1939, Mặt trận Bình dân Pháp đã kết thúc không còn cản trở chính quyền thực dân đàn áp các phong trào đấu tranh của nhân dân các nước thuộc địa. Đặc biệt sau sự kiện thế chiến thứ hai bùng nổ, với những chính sách và hành động đàn áp của chính quyền thuộc địa đã gây tổn thất lớn cho Đảng Cộng sản Đông Dương. Đồng chí Trần Quý Kiên bị bắt khi đi công tác tại Bắc Giang tháng 6/1940.

          Tại đề lao Bắc Giang, rất nhiều đồng chí hoạt động có uy tín đang bị giam cầm: Trần Quốc Hoàn, Chu Đình Xương, Chu Đình Khoa … đây là điều kiện thuận lợi giúp cho cuộc đấu tranh của tù nhân chính trị chống lại chế độ tù đày do đồng chí lãnh đạo đi đến thành công, đòi lại được một số quyền lợi cho tù nhân.

          Bị đày lên ngục Sơn La lần thứ 3

          Tháng 02/1944, Trần Quý Kiên có tên trong danh sách đoàn tù nhân 150 người đày giam lên ngục Sơn La. Lại bắt đầu một hành trình gian nan đi bộ 220 cây số và cuộc chiến đấu với sốt rét rừng. Nhưng do đã có kinh nghiệm từ hai lần trước bị đày lên Sơn La, đồng chí đã lãnh đạo anh em giao dịch với lính áp giải và nhân dân địa phương các vùng đoàn tù đi qua, vừa tranh thủ làm công tác tuyên truyền vừa tranh thủ cảm tình để được đáp ứng các nhu cầu nghỉ ngơi, đi vệ sinh, ăn uống duy trì sức khỏe lên đến Sơn La an toàn[4].

          Hội đồng Thống nhất do đồng chí Trường Chinh thành lập và lãnh đạo, có sự tham gia đắc lực của đồng chí Trần Quý Kiên trong ban lãnh đạo từ năm 1935 nay đã phát triển thành chi bộ Nhà tù Sơn La, hoạt động rất hiệu quả và gây dựng được cả hội Thanh niên yêu nước trong đồng bào dân tộc địa phương.

          Đầu năm 1945, sự kiện Nhật đảo chính Pháp làm cho bộ máy cai trị của Pháp ở Đông Dương nao núng, thông tin được công sứ Sơn La gắng sức bưng bít để tránh sự nổi dậy của các lực lượng yêu nước tại địa phương và lực lượng cách mạng trong ngục Sơn La. Nhưng các từ các tổ chức yêu nước bên ngoài nhà tù do chi bộ giác ngộ bí mật báo cáo, chi bộ đã nắm bắt được tình hình, cùng với chủ trương của trung ương đảng đã kịp thời chỉ đạo đến Sơn La, kế hoạch sẵn sàng cho cuộc thoát ngục giải phóng nhà tù Sơn La được vạch ra.

          Đồng chí Trần Quý Kiên và đoàn tù nhân bị Pháp đưa sang Nghĩa Lộ dọc đường áp giải đã nổi dậy chiến đấu với đội cai ngục, lính canh, bọn chúng phải chạy thoát thân. Nhà tù Sơn La chính thức được giải phóng. Theo sự phân công của chi bộ, đoàn tù chia thành các nhóm trở về với phong trào. Đồng chí Trần Quý Kiên theo nhóm đi đường Bắc Yên, Phù Yên về Phú Thọ, nhanh chóng bắt được liên lạc với Trung ương Đảng và tham gia cuộc cách mạng Tháng Tám cùng toàn dân tưng bừng trong cả nước.

          Từ đó, cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí Trần Quý Kiên bước sang giai đoạn mới nhưng những năm tháng tù đày gian khổ tại các nhà tù đế quốc là cơ hội được gặp gỡ, học tập những Cộng sản tiền bối có vai trò quan trọng của cách mạng Việt Nam, đó cũng là “một thứ lửa thử vàng” có vai trò quyết định tư tưởng, bản lĩnh người cộng sản Trần Quý Kiên. Đồng chí được đảng tín nhiệm giao lần lượt các trọng trách Bí thư tỉnh ủy Quảng Yên (nay là Quảng Ninh); Phụ trách Ban Căn cứ địa Trung ương (Việt Bắc); Thứ trưởng phó Văn phòng phủ thủ tướng; Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương Đảng … Với những công hiến lớn lao trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng đất nước, ông được tặng thưởng Huân chương Sao vàng, Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Lao động hạng nhất, Huân chương kháng chiến hạng nhất cùng nhiều phần thưởng cao quý khác.

          Những năm tháng bị bắt bớ, tra tấn, tù đày ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, đồng chí ốm nặng và qua đời ở tuổi 54. Cuộc đời hoạt động cách mạng của ông liên quan đến nhiều chiến sỹ ưu tú của Đảng và nhiều sự kiện quan trọng của cách mạng Việt Nam, nhưng ông không để lại hồi ký, bởi vậy hoạt động chiến đấu của ông trong nhà tù đế quốc chủ yếu được sưu tầm từ hồi ký của các nhà cách mạng cùng hoạt động, còn thiếu nhiều chi tiết để có thông tin đầy đủ và liên tục về thời kỳ hoạt động gian khổ nhưng hào hùng của người cộng sản Trần Quý Kiên.



[1] Nghĩa địa của ngục Sơn La

[2] Tài liệu mật thám Pháp lưu trữ tại Bảo tàng tỉnh Sơn La

[3] Hồi kí “Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng”, Đặng Việt Châu – nguyên Phó Thủ tướng chính phủ

[4] Hồi kí củađồng chí Lê Thành về nhà tù Sơn La

 


Các tin khác:

Thống Báo

Liên Kết Website

Video - Sự Kiện

Không có video - Upload lại link

Thống Kê

Hôm nay : 76
Hôm qua : 144
Tháng này : 1341
Tổng truy cập : 184636
Đang trực tuyến : 2