Đường dây nóng: 0212.3850221

NHỮNG KÝ ỨC KHÔNG QUÊN VỀ “TỌA ĐỘ LỬA” NGÃ BA CÒ NÒI

Cập nhật: 03:09:30 22 / 06 / 2021
Lượt xem: 3185

Ông Trần Chương kể về những ngày tháng chiến đấu

tại Ngã ba Cò Nòi.

Với tinh thần cả nước phục vụ cho chiến dịch Điện Biên Phủ, có những người lính, thanh niên xung phong tham gia chiến đấu, vận chuyển lương thực, phá đá mở đường, phá bom nổ chậm dũng cảm làm nhiệm vụ, đảm bảo mạch máu giao thông vẫn chảy đều trên tuyến lửa, có người gửi lại ước mơ, tuổi thanh xuân nơi chiến trường, có người may mắn được trở về, được sống trong hòa bình và tiếp tục cống hiến sức lực, trí tuệ cho công cuộc xây dựng đất nước.

Những ngày đầu tháng 5 lịch sử, chúng tôi tìm về ngôi nhà ở số 02, ngõ 60, đường Lý Tự Trọng, thành phố Sơn La (Sơn La), nơi ông Trần Chương - Đại đội C406, Đội 40 đoàn TNXP Trung ương năm xưa đang vui hưởng tuổi già sau khi cống hiến phần lớn cuộc đời mình cho cách mạng. Người cựu thanh niên xung phong năm nay đã qua tuổi 90, mắt đã mờ, chân đã yếu nhưng những ký ức về một thời hoa lửa vẫn còn in trong tâm trí. Những ngày tháng chiến đấu tại Ngã ba Cò Nòi là chuỗi kỷ niệm mà ông không thể nào quên. Những dòng ngắn ngủi ông kể ra đều được chắt lọc từ dòng hồi ức những ngày đêm chiến đấu.

 

Ông Trần Chương bồi hồi nhớ lại: Tôi sinh ra và lớn lên ở Phú Thọ. Tháng 7/1950, lực lượng Thanh niên xung phong Việt Nam ra đời. Lực lượng này có nhiệm vụ sửa chữa cầu đường, làm đường mới, đảm bảo giao thông liên lạc, vận chuyển vũ khí, nhu yếu phẩm cho các mặt trận, xây dựng các điểm kho tàng, lán trại cho bộ đội, rà phá bom mìn…

Với tinh thần cả nước tham gia kháng chiến, tôi cũng như các anh em khác ở Cẩm Khê(1) hăng hái lên đường tham gia thanh niên xung phong. Chúng tôi phục vụ chiến dịch Tây Bắc. Năm 1953 phục vụ chiến đấu tại bến Âu Lâu(2) xong qua đèo Lũng Lô(3) rồi đèo Chẹn(4). Cuối năm 1953 hành quân lên phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ tại Ngã ba Cò Nòi.

Trong chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ năm 1954, Ngã ba Cò Nòi là nút giao thông quan trọng bậc nhất, được ví như “yết hầu” trên tuyến lửa mà địch quyết liệt ngăn chặn hòng cắt đứt con đường vận tải, tiếp tế về mọi mặt của hậu phương miền Bắc cho chiến trường Điện Biên Phủ

Ngã ba Cò Nòi là nơi giao nhau giữa hai tuyến quốc lộ 13A (quốc lộ 37 hiện nay) và đường 41 (quốc lộ 6 hiện nay), thuộc địa phận xã Cò Nòi, huyện Mai Sơn. Địa hình nơi đây hiểm trở, được bao bọc bởi những dãy núi trùng điệp tạo thành một thung lũng hẹp và sâu, có chiều dài hơn 2km. Các tuyến chi viện của quân và dân ta từ hậu phương lên Điện Biên đều phải đi qua ngã ba trọng yếu này. Ngã ba Cò Nòi trở thành một “tọa độ lửa”, hàng ngày phải hứng chịu hàng nghìn tấn bom đạn, nơi diễn ra cuộc đấu trí, đấu lực, cuộc chiến đấu quyết liệt giữa ta và địch trên đường tới Điện Biên Phủ. Đây cũng chính là nơi ghi dấu ấn oanh liệt của lực lượng Thanh niên xung phong Việt Nam và các lực lượng làm nhiệm vụ chiến đấu, phục vụ chiến đấu trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược với tinh thần “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”.

Nhớ những ngày hành quân lên Cò Nòi đêm đi ngày nghỉ, anh em giữ nghiêm kỷ luật không gây tiếng động để tránh đồn bốt của địch. Từ Lũng Lô qua đèo Chẹn có nhiều đoạn một bên vách đá dựng đứng, một bên là vực sâu, máy bay địch ném bom dồn dập, rải bom nổ chậm ở những đoạn đường hiểm trở. Đến Ngã ba Cò Nòi đường hành quân bắt đầu tấp nập, hành quân từ Phú Thọ sang gặp những dòng người từ Yên Bái, Thanh Hóa....

Từ sau đợt tiến công thứ nhất của quân ta vào Điện Biên Phủ cho đến lúc kết thúc chiến dịch, địch huy động mọi phương tiện chiến tranh hiện đại nhất để liên tục ném bom nhằm chặt đứt con đường tiếp tế của ta từ hậu phương qua Ngã ba Cò Nòi lên chiến trường Điện Biên Phủ, cứ 10 đến 13 phút địch lại đánh phá một lần, có ngày chúng thả xuống Ngã ba Cò Nòi 300 quả bom phá, bom nổ chậm, bom napan, bom bướm với trọng lượng 19 tấn thuốc nổ.

Ông Trần Chương kể: Không ngày nào không có bom đạn, không quân Pháp điên cuồng thả bom hòng chặt đứt huyết mạch giao thông của ta lên Điện Biên Phủ. Địch cho rằng mặt trận xa hậu phương hàng 500 kilomet, Việt Minh chỉ có đôi chân với bộ quang gánh, với cách vận chuyển lương thực thủ công thì tới được chiến trường cũng ăn gần hết chẳng còn để đưa vào kho, bộ đội không có lương thực ăn thì sao đánh được? Nhưng ở ngã ba Cò dưới mưa bom, bão đạn, lực lượng thanh niên xung phong vẫn hiên ngang trực diện với kẻ thù, dũng cảm làm nhiệm vụ phá bom nổ chậm, thông đường, vận chuyển lương thực, vũ khí ra mặt trận, đảm bảo mạch máu giao thông vẫn chảy đều trên tuyến lửa.

Các tổ quan sát, đếm bom, cắm tiêu, rà phá bom, ứng cứu đường, điều hành xe được hình thành. Tổ quan sát bom ở trên núi cao, địch thả bom ở đâu chưa nổ thì thanh niên xung phong phải cắm cờ để buổi tối đi đào phá bom. Mà khi ấy dụng cụ phá bom cũng chỉ có sào tre, sau này anh em còn có sáng kiến tìm những cột điện bị bom Pháp đánh đổ, đục lấy lõi về làm thuốn(5) dài quãng độ 2-3m để chọc phá bom. Cũng chỉ nhờ sáng kiến ấy mà chúng tôi phá được đủ loại bom, đúng là trong gian khổ, khó khăn nhưng quyết làm tròn nhiệm vụ.

Ông Trần Chương kể tiếp: Ban ngày chúng tôi vào rừng chặt cây, đục đá để làm đường chống lầy, 6 giờ tối vác cuốc, xẻng ra mặt đường san lấp hố bom. Dù địch ném bom thế nào, tối hôm đó phải thông đường, đảm bảo giao thông thông tuyến để bộ đội hành quân, kéo pháo, dân công vận chuyển lương thực, thực phẩm tiếp tế cho Điện Biên. Đêm đến ở Cò Nòi tấp nập, mỗi khi bộ đội, dân công đi qua lại vang tiếng hát, ai nấy đều quên hết mệt mỏi. Cứ như vậy đến 3 - 4 giờ sáng anh em mới về lán nghỉ.

Ngày ấy ở Cò Nòi anh em thanh niên xung phong chẳng có khẩu hiệu gì to tát mà sáng nào cũng vậy, trước khi làm nhiệm vụ chúng tôi tập hợp, quân trang nghiêm chỉnh, đồng thanh hát 4 câu của Bác Hồ tặng Thanh niên xung phong, nói tới đây ông Trần Chương xúc động, tự hào hát:

“Không có việc gì khó

Chỉ sợ lòng không bền

Đào núi và lấp biển

Quyết chí ắt làm nên.”

Để lại những năm tháng thanh xuân ở chiến trường, con đường đi đến Chiến dịch Điện Biên Phủ được xây đắp bằng biết bao xương máu, mồ hôi và nước mắt của những chiến sỹ, lực lượng TNXP. Tất cả họ đều là những anh hùng, cùng chung lý tưởng, sẵn sàng hi sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc. Ông Chương trầm giọng: Đồng đội tôi ở Ngã ba Cò Nòi nhiều người hi sinh, anh em chúng tôi chôn cất đồng đội bằng phên nứa thay áo quan, với tấm chăn bông mỏng, gốc cây vạt phẳng viết bằng mực tím làm mộ chí.

Năm 1954 chiến dịch Điện Biên Phủ kết thúc thắng lợi, thanh niên xung phong là lực lượng nòng cốt không những làm nhiệm vụ vận tải mà đảm bảo giao thông trên bộ, trên sông ở các điểm nóng của địch. Góp phần cống hiến xứng đáng vào thắng lợi của chiến dịch. Tiếp đó theo chỉ thị của Hồ Chủ tịch, Đại đội C406, Đội 40 đoàn TNXP Trung ương lại hành quân mở đường chiến lược biên giới Việt - Trung từ biên giới Ma Lù Thàng(6) đến thị xã Lai Châu.

Ông Trần Chương (thứ tư từ trái sang) cùng đồng đội khi đóng quân tại Lai Châu, 1955

Hoàn thành nhiệm vụ, ông Trần Chương được đào tạo về ngành giao thông rồi nhận công tác tại Ty Giao thông Sơn La, với tất cả lòng nhiệt huyết và trách nhiệm ông Trần Chương quyết định ở lại, gắn bó với mảnh đất Sơn La, quê hương thứ hai, nơi đã ghi dấu một thời ông chiến đấu kiên trung, góp phần giành lại độc lập cho quê hương, đất nước.


Giấy chứng nhận Đoàn viên Thanh niên xung phong của ông Trần Chương

1. Huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ.

2. Bến Âu Lâu (bến phà Âu Lâu) nay nằm trên địa bàn xã Âu Lâu và phường Nguyễn Phúc, thành phố Yên Bái, là nơi góp phần quan trọng vận chuyển cán bộ, bộ đội, dân công, lương thực và vũ khí phục vụ các chiến dịch lớn thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp.

3. Đèo trên Quốc lộ 37 ở ranh giới huyện Phù Yên tỉnh Sơn La và huyện Văn Chấn tỉnh Yên Bái.

4. Đèo trên quốc lộ 37 ở vùng giáp ranh giữa huyện Mai Sơn và huyện Bắc Yên tỉnh Sơn La.

5. Thường làm bằng một ống kim loại, nhọn đầu, dùng xiên vào lòng vật gì để lấy hay thăm dò những thứ ở bên trong.

6. Ma Lù Thàng thuộc xã Ma Li Po, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu, giáp với xã Na Phà huyện Kim Bình tỉnh Vân Nam, Trung Quốc.

 


Các tin khác:

Thống Báo

Liên Kết Website

Video - Sự Kiện

Không có video - Upload lại link

Thống Kê

Hôm nay : 405
Hôm qua : 353
Tháng này : 26163
Tổng truy cập : 3761447
Đang trực tuyến : 7