Dân tộc Thái ở Sơn La (ngành Thái trắng) còn bảo tồn được nhiều phong tục tập quán truyền thống, đặc biệt là các nghi lễ của những người làm nghề mo chang trong kho tàng văn hóa dân tộc, trong đó, Nghi lễ Kin Pang Then, một nét đẹp văn hóa cần được bảo tồn và phát triển. Đây là dịp con nuôi tạ ơn thầy mo, người đã có công chữa khỏi ốm cho người bệnh và nhận làm con nuôi; cầu phúc lộc cho gia đình, mọi người luôn khỏe mạnh, mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, vạn vật sinh sôi, nảy nở.
Lễ Kin Pang Then được tổ chức hàng năm hoặc 2,3 năm/lần, thường tổ chức từ ngày 2 - 10 tháng Giêng âm lịch tùy thuộc vào từng Then (thầy mo). Tuy nhiên, không được tổ chức sau rằm tháng Giêng vì họ quan niệm sau Rằm trên mường trời mọi người cũng phải đi làm không xuống dự lễ được.
Nghi lễ xuất hiện từ lâu đời mang tính cộng đồng và có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, góp phần vun đắp tình đoàn kết bản, mường. Nghi lễ gồm 2 phần lễ và hội đan xen nhau.
Phần lễ: Then (thầy mo) cúng khấn và mời các vị tổ tiên, các vị thần linh và Then ở trên trời về dự lễ, chơi vui, hưởng lộc của các con nuôi, phù hộ cho các con nuôi khỏe mạnh, nuôi được nhiều gia xúc, gia cầm, cầu mong cho bản làng không bị dịch bệnh, con người gặp nhiều may mắn, bình an.
Sau khi người nhà Then chuẩn bị lễ vật xong, Then và Sao Chay (người phụ nữ lắc quả nhạc) sắp lễ rồi bắt đầu tiến hành các nghi lễ cúng. Lúc này, các con nuôi cũng bắt đầu đến đặt lễ (người ở xa có thể đến từ đêm hôm trước). Khi làm lễ cúng, Then mặc trang phục truyền thống của người Thái, quấn một chiếc thắt lưng, đội mũ vải thêu hoa văn rực rỡ.
Đầu tiên là Lễ cúng tổ tiên để xin phép tổ chức lễ Kin Pang Then được thuận lợi, xin tổ tiên phù hộ cho con cháu khỏe mạnh, làm ăn phát đạt, năm mới nuôi lợn gà đều tốt, mùa màng bội thu…
Then cùng Sao Chay, Báo Khỏa (người đàn ông gảy đàn trợ giúp) đi lên Mường Trời mời Then trên trời và các vị thần linh trên trời xuống vui chơi và hưởng lộc của các con nuôi. Then vừa hát cúng đi lên mường trời, vừa quạt liên tục, vừa uống nước và hút thuốc. Lời hát của Then lúc trầm, lúc bổng, có lúc rất mệt nhọc, có lúc rất vui vẻ, thể hiện các trạng thái cảm xúc của Then trong quá trình đi mời.
Trong Lễ cúng cho các con nuôi, mỗi mâm lễ không thể thiếu các sợi chỉ được se lại để Then làm phép cầu may cho các con nuôi. Cúng cầu xong, Then mời con nuôi mỗi người một chén rượu, rồi lấy sợi chỉ trên mâm buộc vào cổ cho từng người, sau đó lại ngậm 1 ngụm rượu, phun nhẹ vào sợi dây chỉ để cầu phúc cho họ.
Bên cạnh ý nghĩa tâm linh sâu sắc, nghi lễ Kin Pang Then còn nhắc nhở con người phải biết sống đúng đạo lý, gắn bó với tình làng, nghĩa bản. Trong bài cúng của ông Then có đoạn nhắc nhở và khuyên nhủ các con cháu như:“…Được ăn ngon đừng quên mình. Được đi ngựa đừng quên thời đi bộ…”.
Phần hội là các trò diễn tái hiện lại cuộc sống hàng ngày, lao động sản xuất, các điệu múa nghi lễ, múa tập thể để nhằm làm cho Then và các vị thần linh được vui.
Các trò diễn: Trò mưa đá, trò ong đốt, trò cày ruộng, trò chặt cây hái nấm,... miêu tả các thao tác về sản xuất nông nghiệp, bảo vệ mùa màng, dăn dạy mọi người chăm chỉ công việc nhà nông, biết ơn tổ tiên, thần linh đã làm cho con người ấm no; là cầu nối để các thầy mo gặp gỡ được các thần linh, nhắc nhở các thầy mo nhớ về tổ nghề, đồng thời tạo ra tiếng cười vui vẻ, thoải mái cho những người tham gia nghi lễ, tạo sự gần gũi, xua tan nỗi mệt nhọc của cuộc sống thường nhật.
Buổi tối, mọi người cùng ăn cơm tối, uống rượu cần và tham gia các điệu múa nghi lễ gọi là Xe then, các điệu múa này được cho là hình thành rất nhiều các điệu múa biểu diễn sau này. Khi chiêng, trống nổi lên, mọi người vừa uống rượu cần vừa múa. Có rất nhiều điệu múa trong phần lễ: Múa khăn, múa quả nhạc (mák hính), múa chọi gà (tó cáy),... đặc biệt, múa tăng bu, xòe vòng là điệu múa tập thể mà tất cả mọi người đều có thể tham gia.
Các điệu múa theo tiếng nhạc rộn ràng của các loại nhạc cụ truyền thống: trống, chiêng, chũm chọe, tăng bu, tính tẩu, quả nhạc… mọi người say sưa với các điệu múa nghi lễ và múa tập thể, vừa tạo không khí vui tươi, đón mừng các thần linh, vừa tạo không khí hào hứng cho những người tham gia.
Đây là dịp các đôi trai gái trong bản, trong mường gặp gỡ và thể hiện tài năng của mình qua những câu hát, điệu múa. Bên cạnh ý nghĩa tâm linh sâu sắc, Nghi lễ Kin Pang Then còn nhắc nhở con người phải biết sống đúng đạo lý, thương yêu nhau gắn bó tình bản, nghĩa xóm.
Đến với lễ hội chúng ta còn được thưởng thức những món ăn dân gian truyền thống của người Thái như: Cơm lam, rau gai, cà rừng, cá bống nướng, ve sầu, bọ xít, dế mèn... mang đậm hương rừng Tây Bắc. Đồng thời, ta cũng thấy được đôi bàn tay tảo tần khéo léo, đức tính hy sinh của người phụ nữ Thái.
Nghi lễ Kin Pang Then là một nét văn hóa tín ngưỡng mang đậm bản sắc của cộng đồng người Thái trắng ở Sơn La, thể hiện sâu sắc tính chất linh thiêng, đồng thời thể hiện tính thẩm mỹ, nhân văn, tinh thần đoàn kết, tương trợ lẫn nhau, được gìn giữ và phát huy, góp phần làm giàu hơn nền văn hóa của cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Nghi lễ Kin Pang Then của ngươi Thái trắng được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia ngày 30 tháng 9 năm 2020.
Bàn thờ Then (Hỉnh một)
Báo Khỏa và Sao Chay phụ giúp Then trong lễ cúng cho các con nuôi
Các con nuôi chờ đợi đến lượt dâng lễ
Diễn trò hái nấm (vặt tai)trong nghi lễ Kin Pang Then
Điệu múa khăn trong nghi lễ Kin Pang Then