Đồng chí Lê Thanh Nghị tên thật là Nguyễn Khắc Xứng hay Nguyễn Văn Xứng, sinh ngày 6/3/1911, ở làng Thượng Cốc, nay thuộc xã Gia Khánh, huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương. Đồng chí sinh ra trong gia đình nho giáo, có truyền thống yêu nước, tham gia hoạt động cách mạng từ năm 18 tuổi. Năm 1926 đồng chí đi làm thợ sửa điện ở xưởng hóa cất Simi Hải Phòng, sau đó làm công nhân ở vùng mỏ Đông Bắc. Đời sống công nhân giúp ông hiểu rõ hơn về những đau khổ, bất công trong xã hội thực dân, phong kiến. Từ đó ông sớm giác ngộ cách mạng và gia nhập hội Việt Nam cách mạng thanh niên năm 1929. Tháng 2/1930 đồng chí được tín nhiệm bầu vào Thường vụ Xứ ủy Bắc Kỳ và được kết nạp vào Đảng cộng sản Đông Dương trở thành lớp đảng viên đầu tiên của đảng. Trong lần hoạt động cách mạng tại Hải Phòng đồng chí đã bị Thực dân Pháp bắt và kết án tù khổ sai trung thân và đày đi Côn đảo. Trong tù đồng chí tiếp tục rèn luyện ý chí, tích cực học tập, rèn luyện, đấu tranh để chờ ngày được trở về hoạt động cách mạng. Năm 1936 khi cao trào dân chủ lên cao, thực dân Pháp buộc phải ân xá cho nhiều tù chính trị, trong đó có đồng chí Lê Thanh Nghị. Mặc dù bị quản thúc nghiêm ngặt, nhưng vẫn bí mật tìm cách bắt liên lạc với Đảng, hăng hái hoạt động cách mạng, được Xứ ủy Bắc Kỳ cử tham gia Liên tỉnh ủy B (gồm Hải Phòng, Hưng Yên, Hải Dương, Kiến An và vùng mỏ Quảng Ninh), được giao trực tiếp phụ trách tổ chức Đảng ở Hải Dương.
Chiến tranh thế giới thứ 2 bùng nổ, thực dân Pháp tăng cường đàn áp phong trào cách mạng, chúng khám xét, bắt bớ nhiều nơi trong cả nước vì vậy hầu hết các cơ quan, cán bộ chủ chốt của Đảng phải rút vào hoạt động bí mật. Lúc này đồng chí Lê Thanh Nghị đang ở Hà Nội được Xứ ủy Bắc Kỳ điều xuống Hải Phòng để tham gia lãnh đạo chung. Tuy nhiên trên đường ra bến ô tô Giá Nứa đồng chí bị thực dân Pháp bắt và tạm giam tại Nhà tù Hỏa Lò. Tại đây đồng chí bị tra tấn dã man bằng mọi hình thức kể cả điện, nước trong nhiều ngày liên tiếp nhằm mục đích moi thông tin để bắt các đồng chí của Đảng ta. Nhưng với tinh thần kiên cường, bất khuất ông nhất quyết không khai một thông tin nào, sự kiên cường của đồng chí khiến anh em trong tù nể phục và tìm cách giúp đỡ chăm sóc.
Cuối năm 1939 ông bị kết án 5 năm tù khổ sai và đày lên Nhà tù Sơn La cùng 40 tù chính trị khác, tinh thần đấu tranh được rèn luyện ngay trên đường bị áp tải. Theo hồi kí “Trọn môt cuộc đời” của đồng chí Lê Thanh Nghị đã viết “Chúng tôi bị áp tải đi liên mấy ngày trên đường rừng gập ghềnh, heo hút. Đường dài mấy trăm cấy số qua nhiều đồi cao, dốc đứng mà người tù bị xiềng chân, xích tay, ăn thì mỗi bữa được một nắm xôi và vài con cá mắm. Dọc đường đi, nhiều đồng chí yếu đã ngã quỵ Trước tình hình ấy, đồng chí Lê Thanh Nghị và anh em đảng viên trong đội áp tải tập hợp nhau lại đấu tranh tại chỗ với khẩu hiệu “Tháo xiềng xích và cho ăn uống tử tế ...” Anh em đã đề nghị với hai tên quan Pháp một cách từ tốn và có lý “Chúng tôi phải đi đường dài và bị xiềng sắt cứa vào ống chân, bị loét và đau không thể đủ sức đi tới Sơn La”. Tinh thần đấu tranh kiên quyết, khéo léo của anh em tù nhân đã khiến chúng đồng ý cho tháo xiềng. Thậm chí anh em tù chính trị còn đề nghị cho đi vào sáng sớm để buổi tối được nghỉ sớm. Cuối cùng hai yêu cầu được thỏa mãn, cuộc hành trình của những người tù diễn ra yên ổn.
Khi đến Nhà tù Sơn La, đồng chí nhanh chóng tìm cách liên lạc với các đồng chí Nguyễn Lương Bằng, Tô Hiệu, Phiếm Chu (Đỗ Ngọc Du), … để nắm bắt tình hình trong nhà tù Sơn La, tích lũy kinh nghiệm và tham gia hoạt động trong Chi bộ Nhà tù Sơn La. Gần 4 năm bị giam cầm, đồng chí đã trực tiếp tham gia lãnh đạo, tổ chức đấu tranh đòi quyền lợi nhằm cải thiện đời sống vật chất, tinh thần, cho anh em tù nhân, đồng thời tổ chức học tập theo chủ chương biến nhà tù đế quốc thành trường học cách mạng, làm kinh tế như trồng rau, nuôi lơn, đan rổ rá, đẽo guốc mộc,… đem bán cho nhân dân phố chợ Chiềng Lề để gây quỹ tiết kiệm, cải thiện bữa ăn. Vì vậy anh em ở đây tín nghiệm bầu giữ chức vụ Bí thư Chi bộ Nhà tù Sơn La (7/1941 - 1943).
Mặc dù bị giam cầm với chế độ ăn uống kham khổ, lao động khổ sai nặng nhọc thậm chí đồng chí Lê Thanh Nghị từng bị sốt rét nhiều phen nguy kịch song vẫn giữ cho mình tinh thần lạc quan cách mạng, không bao giờ nghĩ mình sẽ chết, luôn thể hiện tinh thần kiên cường, bất khuất và dành niềm tin tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng sẽ sớm đưa cách mạng Việt Nam giành thắng lợi.
Từ tháng 10/1941 - 6/1943 đồng chí là nhân tố tích cực xây dựng nhà tù Sơn La trở thành trường học cách mạng. Trong vai trò là bí thư Chi bộ đồng chí đã quyết định tổ chức tết trong tù nhằm cải thiện bữa ăn và tăng niềm tin của anh em tù chính trị với sự lãnh đạo của chi bộ. Ban tổ chức Tết được thành lập và gồm các tiểu ban giúp việc như tiểu ban khánh tiết, tiểu ban văn nghệ, tiểu ban vật chất,… Tết năm đó được trang hoàng đẹp đẽ với cành đào, câu đối. Món ăn ngày tết có bánh chưng, giò lụa, thịt lợn, thịt gà, … những thứ này một phần là của gia đình anh em dưới xuôi gửi lên, một phần do ban kinh tế của nhà tù làm được. Trong ba ngày tết ta đã mổ 9 con lợn, 3 con bò, nhiều gà, nhiều gà,… bánh chưng mỗi người một chiếc”. Trong mấy ngày tết, chi bộ đã tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ. Thông tin nhà tù tổ chức tết được lan đi nhanh chóng, đã thu hút nhân dân phố chợ Chiềng Lề và binh lính đến xem, các hoạt động này không chỉ nâng cao tinh thần cách mạng của tù nhân mà còn là điều kiện để chi bộ giác ngộ cách mạng với binh lính người Việt.
Ngoài ra, đồng chí Lê Thanh Nghị rất chú trọng đến việc tuyên truyền trong tù. Báo Suối Reo được lưu hành bí mật, là cơ quan ngôn luận của Chi bộ. Ngoài việc tuyên truyền, giác ngộ binh lính, đồng chí trực tiếp tuyên truyền cho người dân địa phương về tội ác của thực dân, đế quốc, đồng thời kêu gọi, khích lệ nhân dân đứng lên đấu tranh giải phóng khỏi áp bức, bóc lột của đế quốc.
Khi bị giam cầm ở Nhà tù Sơn La, đồng chí được giao phụ trách huấn luyện quân sự, ông xây dựng chương trình huấn luyện quân sự cho anh em, áp dụng những kiến thức đã học được từ anh em tù chính trị ở Nhà tù Hỏa Lò lên. Những buổi đi lấy củi xa đã trở thành những buôi tập quân sự, đặc biệt dưới sự giúp sức của đồng chí Tô Quang Đẩu, Bạch Nhất đồng chí Lê Thanh Nghị đã chế tạo thành công lựu đạn để chuẩn bị cho các cuộc đấu tranh sau này. Đây là hoạt động tích cực, đã biến nhà tù Sơn La thành một trường huấn luyện quân sự, đào tạo cán bộ, đây là kỹ năng hữu ích cho các đồng chí sau này tham gia khởi nghĩa giành chính quyền, góp phần vào cách mạng tháng Tám thành công trên cả nước. Việc học quân sự trong tù đã được Chi bộ Nhà tù Sơn la đánh giá cao, đồng chí Tô Hiệu từng kết luận “Nay mai nếu nổ ra tổng khởi nghĩa thì Đảng ta đã có một số cán bộ chỉ huy quân sự đủ sức điều khiển súng và lựu đạn đánh du kích”, đồng chí Nguyễn Lương Bằng từng nói vui rằng: “Và anh Nguyễn Khắc Xứng sẽ là người chỉ huy anh em chúng ta đấy”.
Năm 1942, Hồng quân Liên Xô trên đà phản công phát xít Nhật, tình hình cách mạng thế giới chuyển biến có lợi cho cách mạng Việt Nam. Nhưng hầu hết các đồng chí cốt cán của Đảng đang bị giam cầm tại nhà tù của đế quốc. Vì vậy, Đảng ta có chủ chương phải đưa cán bộ ở các nhà tù ra lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Lúc này Chi bộ Nhà tù Sơn La dưới sự chỉ đạo của đồng chí Lê Thanh Nghị và cố vấn của đồng chí Tô Hiệu đã quyết định xây dựng kế hoạch và tổ chức vượt ngục cho 4 đồng chí: Nguyễn Lương Bằng, Lưu Đức Hiểu, Trần Đăng Ninh, Nguyễn Văn Trân và chọn anh Lò Văn Giá người dân tộc Thái ở địa phương dẫn đường. Cuộc vượt ngục diễn ra trong 9 ngày đêm đi bộ vất vả, thực dân pháp, bọn phìa tạo truy lùng khắp nơi, nhưng dưới sự lãnh đạo, chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng của Chi bộ cuộc vượt ngục thành công tốt đẹp, các đồng chí nhanh chóng bắt liên lạc với Trung ương Đảng, tham gia lãnh đạo cách mạng tiến tới giải phóng dân tộc năm 1945.
Đầu năm 1945, ra tù đồng chí được chỉ định vào thường vụ Xứ ủy Bắc Kỳ tiếp tục hoạt động và cống hiến cho Đảng, cho đất nước. Tháng 4/1945, tại Hội nghị quân sự Bắc Kỳ, Trung ương Đảng quyết định thành lập ủy ban Quân sự Bắc Kỳ. Đồng chí Lê Thanh Nghị được cử làm ủy viên thường trực ủy ban, trực tiếp phụ trách chiến khu Trần Hưng Đạo, đồng thời trực tiếp chỉ đạo phong trào cách mạng ở Bắc Giang cho đến ngày Cách mạng tháng Tám thành công.
Trong những năm cả nước tiến hành cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ, đồng chí đảm nhiệm các chức vụ công tác lãnh đạo từ Trung ương đến địa phương như: Bí thưu Khu ủy, kiêm Chủ tịch ủy ban kháng chiến - hành chính khu III; Phó Bí thư liên khu ủy III, kiêm Chủ tịch Ủy ban kháng chiến - hành chính khu III, Chính ủy quân khu III, Bí thư thành ủy Hà Nội,… Tại Đại hội II, IV của Đảng, đồng chí được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương, Ủy viên Bộ Chính trị. Năm 1960 đồng chí được cử làm Phó thủ tướng Chính phủ, kiêm Chủ nhiệm Văn phòng Công nghiệp. Trong những năm kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược, đồng chí đã có nhiều đóng góp to lớn trong công tác ngoại giao. Năm 1980 đồng chí được bầu làm Thường trực Ban Bí thư trung ương Đảng. Từ tháng 7/1981 đến tháng 121986 đồng chí giữ chức vụ Phó Chủ tịch Quốc hội, kiêm Tổng thư ký Hội đồng Nhà nước.
Trong 78 năm cuộc đời, đồng chí Lê Thanh Nghị là lớp đảng viên đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam, trải qua 60 năm cống hiến cho cách mạng đồng chí luôn là tấm gương sáng, thể hiện tinh thần kiên cường, bất khuất, mẫu mực, trọn đời trung thành với Đảng, cống hiến cho nhân dân, đất nước. Với công lao to lớn trong suốt chặng đường hoạt động cách mạng, đồng chí đã vinh dự được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao Vàng, Huân chương cao quý nhất của Đảng, Nhà nước ta.