Đường dây nóng: 0212.3850221

Tô Hiệu và những hoạt động đào tạo các chiến sĩ cách mạng trong nhà tù Sơn La

Cập nhật: 04:37:27 01 / 03 / 2022
Lượt xem: 1428

Đồng chí Tô Hiệu sinh năm 1912 trong một gia đình nho học, yêu nước, nhiều đời khoa bảng ở làng Xuân Cầu, xã Nghĩa Trụ, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên. Phát huy truyền thống của quê hương và gia đình, đồng chí tham gia hoạt động cách mạng từ khi mới 14 tuổi (năm 1926). Năm 1930, đồng chí bị thực dân Pháp bắt và đày đi nhà tù Côn Đảo. Sau khi mãn hạn tù năm 1934, đồng chítiếp tục hoạt động cách mạng tại các tỉnh Bắc bộ vàbị thực dân Pháp bắt,đày lên nhà tù Sơn La đầu năm 1940. Do chế độ tù đày hà khắc cộng với căn bệnh lao phổi quái ác, đồng chí hy sinh ngày 07/3/1944 tại  nhà tù Sơn La lúc mới 32 tuổi.

Tô Hiệu (1912 - 1944)

Tháng 5-1940, đại hội lần thứ nhất Chi bộ nhà tù Sơn La đã bầu đồng chí Tô Hiệu làm bí thư, đại hội đề ra 5 công tác lớn,trong đó công tác “Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, huấn luyện đảng viên về lí luận Mác-Lênin và phương pháp đấu tranh cách mạng trong nhà tù”trở thành nhiệm vụ then chốt của Chi bộ. Để xây dựng Chi bộ vững mạnh, đồng chí Tô Hiệu đã quan tâm lựa chọn những đảng viên kiên trung, cùng chí hướng cách mạng, tiêu biểu như Nguyễn Lương Bằng, Văn Tiến Dũng, Trần Huy Liệu, Trần Đức Quảng, Bùi Đình Đống, Ngô Minh Loan, Trần Đăng Ninh….Đồng thời, tổ chứcgiáo dục tinh thần cách mạng cho đảng viên và quần chúng,quan tâm chăm lo đời sống cho anh em, tổ chức tuyên truyền, vận động, gây dựng cơ sở cách mạng bên trong và bên ngoài nhà tù, tiến tới giải phóng tù nhân.Trong cuốn“Tinh thần Tô Hiệu” Đại tướng Văn Tiến Dũng viết “… Dưới sự lãnh đạo của chi bộ… tổ chức nhiều cuộc đấu tranh thắng lợi, tuyên truyền cách mạng cho binh lính và đồng bào địa phương, nhen nhóm phong trào cách mạng ở tỉnh Sơn La. Điều đáng quý nhất, quan trọng nhất là đã đào tạo, bồi dưỡng được nhiều đảng viên và cảm tình đảng sau này trở thành cán bộ ưu tú của Đảng. Công đầu thuộc về đồng chí Tô Hiệu, người mà chúng tôi coi là linh hồn của nhà tù, của chi bộ”.

Trong công tác đào tạo, huấn luyện cán bộ, đồng chí Tô Hiệu chủ trương học tập chính trị và văn hóa là yêu cầu cấp bách nhất, giúp cho anh em hiểu được các chủ trương của chi bộ đề ra.Ngoài ra, để đấu tranh trực diện với kẻ thù, Ban chi ủy chủ trương tổ chức tự học ngoại ngữ cho tù nhân, nhất là tiếng Anh và tiếng Pháp. Đồng thời nhằm tuyên truyền, giác ngộ và gây dựng cơ sở cách mạng trong hàng ngũ binh lính khố xanh và đồng bào các dân tộc thiểu số, Chi bộ Nhà tù Sơn La tổ chức cho anh em việc học tập tiếng dân tộc, chủ yếu là tiếng Mông, tiếng Thái. Thông qua những hoạt động này, Ban binh vận đã góp phần thức tỉnh một số lính khố xanh tại nhà tù Sơn La, nhiều quần chúng đã trở thành cơ sở cách mạng bên ngoài nhà tù, như Lò Văn Sôn, quản Mười, đội Thát...  đặc biệt qua công tác tuyên truyền, chi bộ đã cảm hóa đồng chí Bế Nhật Huấn thư ký của Tòa công sứ Sơn La đã lấy cắp 12 chiếc thẻ căn cước và một bản đồ hành chính, giúp cho cuộc vượt ngục của 04 tù chính trị tháng 8/1943 thành công để trở về với cách mạng.

Tháng 5/1941 chi bộ quyết định ra tờ báo Suối Reo để tuyên truyền, giáo dục tinh thần cách mạng cho tù nhân. Mặc dù bị kiểm soát gắt gao, các tuần san Báo Suối Reo vẫn bí mật được xuất bản đều đặn. Qua những bài thơ, những câu ca dao đăng trên báo Suối Reo đã góp phần bồi dưỡng lý tưởng cộng sản cho tù chính trị; cảm hóa binh lính, công chức làm việc trong bộ máy cai trị của Pháp, lôi kéo người dân có cảm tình về với cách mạng. 

Để chuẩn bị tham gia cuộc đấu tranh vũ trang thoát khỏi tù ngục, tham gia tổng khởi nghĩa giành chính quyền 1945, Ban chi ủy quan tâm công tác đào tạo, huấn luyện quân sự và chế tạo vũ khí. Đây được xem là nhiệm vụ cần kíp và tuyệt mật để tránh sự khủng bố gắt gao của kẻ thù. Ban Quân sự được thành lập do đồng chí Lê Thanh Nghị phụ trách, nhiệm vụ chuẩn bị tài liệu, hướng dẫn, tổ chức huấn luyện và sản xuất vũ khí... Chỉ trong một thời gian ngắn, 100 tù chính trị được trang bị những kiến thức cơ bản cả lý thuyết lẫn thực hành về quân sự. Có thể khẳng định từ thực tiễn đấu tranh, các chiến sỹ cộng sản nhà tù Sơn La đã nêu cao tinh thần đoàn kết, kỷ luật chặt chẽ, đón đầu thời cơ để biến khó khăn thành thuận lợi, giành thắng lợi trong đấu tranh. Các chiến sỹ cộng sản đã biến nhà tù đế quốc thành trường học cách mạng đúng như Hồ Chủ tịch nói “...biến cái rủi thành cái may, các đồng chí ta đã lợi dụng những ngày tháng ở tù để hội họp và học tập lý luận. Một lần nữa việc đó lại chứng tỏ rằng chính sách khủng bố cực kỳ dã man của kẻ thù chẳng những không ngăn trở được bước tiến của cách mạng, mà trái lại nó đã trở nên một thứ lửa thử vàng; nó rèn luyện cho người cách mạng càng thêm cứng rắn. Mà kết quả là cách mạng đã thắng, đế quốc đã thua...” . Từ trong phong trào đấu tranh này, nhà tù Sơn La đã trở thành nơi đào tạo bồi dưỡng, ươm mầm những “hạt giống đỏ” cho phong trào cách mạng Việt Nam những chiến sỹ cộng sản xuất sắc, góp phần quan trọng vào thành công của cao trào khởi nghĩa giành chính quyền cách mạng tháng Tám 1945 và thắng lợi vĩ đại của nhân dân ta trong công cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc. Trong đó, nổi bật là đồng chí Tô Hiệu, người bí thư chi bộ mẫu mực, người cộng sản kiên trung đã dâng trọn cuộc đời mình cho nền độc lập tự do của dân tộc. Nhớ về anh Tô Hiệu, đồng chí Trần Thanh Quang – Nguyên Phó chủ nhiệm ủy ban bảo vệ Bà mẹ và Trẻ em Trung ương, từng bị bắt giam tại nhà tù Sơn La năm 1941 viết “... có thể nói ở nhà ngục Sơn La dưới sự lãnh đạo của chi bộ mà linh hồn là đồng chí Tô Hiệu xứng đáng là lò lửa cách mạng bất khuất trước quân thù, một trường đào tạo cán bộ cách mạng. Thực tế đã chứng minh các chiến sỹ đã ở tù Sơn La sau Cách mạng tháng Tám dù công tác ở trong Nam, ngoài Bắc, trong quân đội cũng như ngoài nhân dân, vùng tự do cũng như vùng địch tạm chiếm, đều là những cán bộ cốt cán, cán bộ tốt của Đảng, trong đó nhiều đồng chí đã trở thành cán bộ cốt cán, trụ cột của Đảng, của quân đội cho đến ngày nay. Công lao ấy là của tập thể nhưng linh hồn của tập thể ấy là đồng chí Tô Hiệu... đồng chí xứng đáng là một học trò xuất sắc của Bác Hồ mà tất cả chúng tôi phải học tập, noi theo” . 

Những phẩm chất, nhân cách, ý chí và tinh thần lạc quan cách mạng của Tô Hiệu và các chiến sĩ cộng sản trong nhà tù Sơn La đã ghi vào trang sử vẻ vang của Đảng và dân tộc ta. Tinh thần ấy và phẩm chất ấy mãi mãi trường tồn cùng năm tháng, như một minh chứng cho sự bất diệt của một dân tộc chưa bao giờ khuất phục bất kỳ khó khăn, thử thách.

Tác giả bài viết: Phạm Văn Tuấn - Bảo tàng tỉnh


Các tin khác:

Thống Báo

Liên Kết Website

Video - Sự Kiện

Không có video - Upload lại link

Thống Kê

Hôm nay : 321
Hôm qua : 302
Tháng này : 19756
Tổng truy cập : 3720883
Đang trực tuyến : 2