Tô Hiệu sinh năm 1912, quê ở làng Xuân Cầu, xã Nghĩa Trụ, huyện Văn Giang, tỉnh Bắc Ninh (nay là thôn Xuân Cầu, xã Nghĩa Trụ, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên). Quá trình hoạt động cách mạng 18 năm, có thể khẳng định giai đoạn đồng chí bị giam cầm tại nhà tù Sơn La thể hiện rõ nét trí tuệ, nhân cách người Cộng sản. Thành quả cách mạng đồng chí gieo trồng, vun đắp cho ngôi trường cách mạng lớn trong ngục Sơn La, cho núi rừng Tây Bắc đã được ghi nhận, tôn vinh từ những ngày tháng gian khó của cách mạng cho đến mai sau.
Ảnh: Tô Hiệu - Hồ sơ Mật thám Hải Phòng năm 1939
Di tích Nhà tù Sơn La là di sản vô cùng quý giá của lịch sử Việt Nam. Trong cuộc trường chinh tìm lại tự do cho dân tộc, nơi đây, hơn một nghìn người Việt Nam yêu nước đã bị thực dân Pháp giam cầm, đày đoạ và chưa thống kê được con số chính xác chiến sỹ Cộng sản bị thủ tiêu tại đây. Nhưng cũng chính nơi ngục tù tối tăm, Tô Hiệu và chi bộ Nhà tù Sơn La đã xây dựng trường học bí mật, đào tạo lực lượng đông đảo cán bộ ưu tú cho cách mạng. Chính vì vậy, di tích Nhà tù Sơn La trở thành minh chứng cho lịch sử hào hùng trong công cuộc đánh đuổi đế quốc xâm lược và trở thành địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống cho các thế hệ trẻ Việt Nam.
Bảo tàng tỉnh Sơn La là đơn vị sự nghiệp thuộc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, được giao nhiệm vụ quản lý, phát huy Di tích nhà tù Sơn La, bảo tàng tỉnh và một số công trình văn hóa tâm linh. Về di tích Nhà tù Sơn La có các hạng mục bất động sản: Nhà tù Sơn La, toà Công sứ, nhà Giám binh và trại lính khố xanh, nhà quân y, giếng nước; nghĩa trang liệt sỹ, cây đa bản Hẹo. Cùng hệ thống tài liệu, hiện vật gốc: hồ sơ tù nhân, hồ sơ kiến trúc, hiện vật lưu niệm phục vụ công tác nghiên cứu, học tập, nhu cầu tham quan của công chúng trong và ngoài nước. Di tích nhà tù Sơn La được xếp hạng Quốc gia đặc biệt theo Quyết định số 2408/QĐ-TTg ngày 31/12/2014 của Thủ tướng Chính phủ.
Qua hệ thống tư liệu lịch sử của thực dân Pháp được lưu trữ tại Trung tâm Văn thư và Lưu trữ Quốc gia I - Bộ Nội vụ; Bảo tàng lịch sử Quốc gia; Bảo tàng tỉnh Sơn La, hồi ký tù nhân chính trị nhà tù Sơn La: Trường Chinh, Nguyễn Lương Bằng, Văn Tiến Dũng, Trần Đăng Ninh, Nguyễn Văn Trân, ... khẳng định giá trị về tư tưởng, cống hiến lớn lao của đồng chí Tô Hiệu với cách mạng Sơn La và cách mạng Việt Nam, đặc biệt giai đoạn động chí bị thực dân Pháp giam cầm tại nhà tù Sơn La (1940-1944).
Thứ nhất, đồng chí Tô Hiệu là tấm gương cộng sản mẫu mực. Thuộc thế hệ Đảng viên tiền bối của Đảng, đồng chí Tô Hiệu "có bản lĩnh chính trị kiên cường, tinh thần trách nhiệm cao, rất nhạy cảm với cái đúng, cái sai, giải quyết công việc thận trọng, chính xác, phẩm chất trong sáng, chí công, vô tư, tận tụy hy sinh vì công việc cách mạng, đồng chí Tô Hiệu đúng là người cộng sản mẫu mực, người lãnh đạo xuất sắc hiếm có" . Với 32 tuổi đời, 14 năm tuổi Đảng, trải qua những trận tra tấn tàn bạo của mật thám Pháp, 9 năm tù đày gian khổ tại các "địa ngục trần gian" đồng chí vẫn tuyệt đối trung thành với tổ chức, giữ vững khí tiết của người cộng sản. Cả cuộc đời đồng chí hy sinh cho lý tưởng, đặt quyền lợi của Đảng lên trên hết, hy sinh cả hạnh phúc cá nhân. Tô Hiệu là hiện thân của một nhân cách Cộng sản cao đẹp.
Thứ hai, đồng chí Tô Hiệu là tấm gương đạo đức cách mạng theo tư tưởng Hồ Chí Minh. Ngay từ khi được giác ngộ, thấm nhuần tư tưởng của Đảng Cộng sản, Tô Hiệu suốt đời học tập, thực hành theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Thật vậy, đối chiếu với cuốn "Đường Kách mệnh", Tô Hiệu đáp ứng các tiêu chí của một đảng viên Cộng sản, là người tiên phong cách mạng nước ta thực hiện theo tư tưởng Hồ Chí Minh. Tinh thần Tô Hiệu trở thành biểu tượng nhân văn sâu sắc của người chiến sỹ cộng sản, giàu tình yêu nước, sáng đầy tình đồng chí, giàu tình người. Điều đó đã được lịch sử Việt Nam ghi nhận, được sự tôn vinh của những nhà hoạt động cách mạng nổi tiếng cùng thời và sau này.
Thứ ba, đồng chí Tô Hiệu là nhân tố tích cực tạo ra bước ngoặt đấu tranh của tù nhân trong ngục Sơn La. Năm 1939, chi bộ lâm thời ra đời trong ngục Sơn La. Đầu năm 1940, đồng chí Tô Hiệu bị đày lên Sơn La, trở thành một trong 10 chiến sỹ Cộng sản có vai trò chủ chốt thành lập chi bộ chính thức, đây là tổ chức Đảng đầu tiên tại Sơn La, mang tính chất bước ngoặt quan trọng trong phong trào đấu tranh cách mạng của các chiến sỹ yêu nước. Đồng chí Tô Hiệu được tín nhiệm bầu làm Bí thư từ tháng 5/1950 đến tháng 10/1941, do sức khỏe đồng chí suy kiệt vì bệnh lao phổi nên lui về làm cố vấn chi bộ. Trong tình thế bị đế quốc cùm kẹp gian lao mà đồng chí Tô Hiệu và chi bộ vẫn tích cực xây dựng được mô hình hoạt động quy mô, toàn diện, bí mật mà hiệu quả cao. Chủ trương, nghị quyết hoạt động của chi bộ chi tiết, sáng suốt cho thấy nhận thức, tư duy mưu lược của đồng chí Tô Hiệu và tập thể chi ủy chi bộ nhà tù Sơn La có tầm ảnh hưởng không chỉ trong phạm vi lãnh đạo tù nhân trong nhà tù mà còn trở thành kim chỉ nam cách mạng trong nhân dân Tây Bắc.
Thứ tư, đồng chí Tô Hiệu có cách nhìn khách quan, sâu sắc trong công tác cán bộ. Theo quan điểm của Tô Hiệu, muốn xây dựng Đảng thì trước hết phải có lực lượng, cán bộ tốt không tự nhiên mà có, không phân biệt đối tượng mà quan trọng đó là người cùng chí hướng. Đồng chí nhấn mạnh: "Chúng ta phải thực hiện điều Lê Nin đã dạy, tức là phải biến nhà tù thành trường học cách mạng. Nhà tù là một trong những nơi đào tạo cán bộ của Đảng ta, lý luận phải kết hợp với thực tiễn cách mạng" . Nghị quyết đầu tiên của Chi bộ xác định nhiệm vụ cấp bách đó là công tác đào tạo cán bộ, anh em có nhiệt huyết hoạt động song không có kiến thức, không được trang bị lý luận thì khác nào sáng mắt nhưng đi mò mẫm trong đêm. Khi là Bí thư chi bộ hay đã lui về làm cố vấn cho chi bộ kiêm trưởng ban Huấn luyện đào tạo, Tô Hiệu đầu tư công sức, trí tuệ đấu trí với bọn cai ngục để bí mật tổ chức các lớp học Văn hóa, Lý luận, Dân vận, Diễn thuyết, Quân sự … Tô Hiệu trực tiếp soạn thảo tài liệu huấn luyện về vấn đề xây dựng đảng, công tác hoạt động quần chúng, công tác công vận, công tác hoạt động bí mật, chương trình huấn luyện phổ thông. Vì vậy, đã "ươm mầm" cho cách mạng Việt Nam những "hạt giống đỏ" như: Văn Tiến Dũng, Lê Thanh Nghị, Lê Đức Thọ, Trần Quốc Hoàn… "Nhờ những lớp học chính trị ở Sơn La, mỗi chúng tôi khi ra tù biết tự động công tác, tìm liên với Trung ương Đảng, cảnh giác với kẻ thù và nhất là khi có cách mạng Tháng Tám thành công có cái "gậy thần" ở Sơn La để hoàn thành nhiệm vụ trong tổ chức cướp chính quyền mới, tổ chức các hội quần chúng, lập mặt trận Việt Minh, chuẩn bị kháng chiến chống Pháp…". Đồng chí là hạt nhân trong công tác tổ chức, huấn luyện cán bộ, biến nhà tù Sơn La trở thành ngôi trường cách mạng lớn.
Thứ năm, đồng chí Tô Hiệu tiêu biểu cho nhận thức chính trị nhạy bén, tư duy cách mạng có tầm nhìn xa. Đồng chí là người định hướng cho chi bộ công tác phát triển tổ chức yêu nước trong công chức, binh lính, quần chúng Sơn La và bắt liên lạc với Trung ương để nhận được sự chỉ đạo đồng bộ, đúng hướng với các vùng cách mạng khác. Đây là nhận thức kịp thời và đúng đắn với thực tế nhân dân vùng Tây Bắc vẫn chưa có cơ sở cách mạng và chi bộ Nhà tù chưa nhận được sự chỉ đạo của Xứ ủy và Trung ương. Từ đó, cách mạng Sơn La phát triển nhanh chóng, xây dựng tiền đề mang tính nền móng cho sự thành lập Đảng bộ tỉnh Sơn La, góp phần quan trọng cho thành công của cách mạng Tháng Tám ở Tây Bắc và trong cả nước.
Trên cơ sở nhận thức đúng đắn, sâu sắc về giá trị tư tưởng, công lao của đồng chí Tô Hiệu, giá trị và ưu thế đặc biệt của di tích Nhà tù Sơn La trong việc tuyên truyền về truyền thống học tập, rèn luyện, cống hiến theo tấm gương của đồng chí Tô Hiệu và những người Việt Nam yêu nước tại nhà tù Sơn La, góp phần thực hiện nhiệm vụ chính trị của Đảng, Nhà nước. Bảo tàng tỉnh Sơn La thực hiện công tác tuyên truyền giáo dục về giá trị tư tưởng, đạo đức, cống hiến cảu đồng chí Tô Hiệu và giá trị di tích nhà tù Sơn La đã có những bước phát triển mới, được đánh giá cao trong công tác phục vụ công chúng, quảng bá kết nối du lịch, dịch vụ văn hóa. Xây dựng di tích nhà tù Sơn La trở thành điểm đến hấp dẫn trong sự lựa chọn nghiên cứu, tham quan của du khách, là địa điểm uy tín tổ chức các sự kiện lớn của tỉnh và các ban ngành trong tỉnh. Di tích Nhà tù Sơn La đồng thời là điểm đến có ý nghĩa quan trọng và thường niên, thường xuyên làm tốt công tác phối hợp đón các đoàn khách cao cấp của Đảng, Nhà nước, các nguyên thủ quốc gia và các đoàn khách quốc tế.
Nhận thức được tầm quan trọng của vị trí viên chức thuyết minh trong công tác phát huy giá trị di sản, được ví như những "cầu nối" của quá khứ với hiện tại, giúp cho lịch sử được sống động và thu hút. Trong những năm qua, Bảo tàng tỉnh Sơn La luôn chú trọng công tác tuyển dụng, đào tạo thường xuyên đội ngũ thuyết minh viên, hoàn thiện kỹ năng cứng, rèn luyện kỹ năng mềm ngày càng chuyên nghiệp hóa. Đội ngũ viên chức vị trí việc làm quản lý và phát huy di tích được tham gia các lớp tập huấn chuyên ngành, học tập kinh nghiệm tại các bảo tàng, di tích trong nước, mạnh dạn tiếp thu, học tập tại các nước bạn: Pháp, Trung Quốc, Lào. Mời các chuyên gia đầu ngành các lĩnh vực tư vấn du lịch, thiết kế bảo tàng, nghiên cứu văn hóa, … thực hiện tập huấn tại các điểm bảo tàng, di tích do đơn vị quản lý gắn với kiến thức, kỹ năng thực tế, nhiệm vụ hàng ngày để sát sao tối đa phát huy năng lực, sở trường viên chức, giá trị di tích, bảo tàng.
Các hình thức phát huy giá trị tích ngày càng đa dạng, hấp dẫn. Qua khảo sát của đơn vị, nhận thấy tỉ lệ khách tham quan trung, cao tuổi chiếm 80%, đối tượng khách dưới 35 chiếm 20%. Lý do cơ bản, đối tượng trẻ thường lựa chọn các điểm vui chơi giải trí, còn các điểm di tích, lịch sử, công trình văn hóa không được chủ động lựa chọn. Chính vì vậy việc xây dựng chương trình hướng đến thu hút thế hệ trẻ, học sinh trở thành đối tượng mục tiêu được chú trọng nhằm phát huy hiệu quả giáo dục truyền thống cho thế hệ nắm giữ tương lai của đất nước. Chính vì vậy, từ năm 1996, ngoài việc thực hiện nhiệm vụ thuyết minh phục vụ khách tham quan tại điểm di tích, đội ngũ giáo dục - truyền thông còn triển khai kế hoạch phối hợp với ngành Giáo dục - Đào tạo thực hiện công tác giáo dục truyền thống tại cơ sở trường học trên địa bàn tỉnh và thực hiện chương trình dạy học lịch sử địa phương, các chủ đề: Tinh thần Tô Hiệu, Di tích nhà tù Sơn La, Vượt ngục 1943, … Linh hoạt phối hợp các phương pháp: Thuyết trình, vấn đáp, đặt vấn đề - giải quyết vấn đề, kể chuyện, …. đặt học sinh vào trung tâm hoạt động, các em được tiếp nhận thông tin, được thể hiện quan điểm, được rèn luyện kỹ năng thuyết trình trước đông người. Hình thức tuyên truyền, giáo dục ngày càng đa dạng, hấp dẫn: Thi đối đầu, rung chuông vàng, hái hoa dân chủ, trả lời câu hỏi có phần thưởng, ….. đặc biệt, phương pháp tổ chức trải nghiệm văn hóa, lịch sử đạt kết quả thành công rực rỡ, tạo sân chơi lý thú, những bữa tiệc văn hóa được mong chờ của học sinh trong tỉnh, làm nên thương hiệu của Bảo tàng tỉnh Sơn La.
Đẩy mạnh công tác truyền thông, quảng bá đa phương diện để rộng rãi công chúng biết đến giá trị tinh thần, công lao đồng chí Tô Hiệu nói riêng và giá trị di tích nhà tù Sơn La nói chung. Dựa trên hệ thống tài liệu Bảo tàng tỉnh Sơn La đang lưu trữ liên quan đến đồng chí Tô Hiệu, di tích nhà tù Sơn La cùng với sự nỗ lực, tâm huyết của gia đình đồng chí Tô Hiệu, rất nhiều ấn phẩm văn hóa được phát hành, được công chúng đón nhận nhiệt tình: Tinh thần Tô Hiệu; Miếu Thành hoàng làng Xuân Cầu Hoa Kiều lang đại vương thượng đẳng thần; Giáo sư, anh hùng lao động Vũ Khiêu và những sáng tác tâm huyết tặng gia đình họ Tô; Di tích Nhà tù Sơn La; …. Cập nhật và ứng dụng công nghệ trong công tác truyền thông, quảng bá, thiết lập và duy trì hoạt động trang thông tin điện tử tổng hợp Website, mỗi năm hàng trăm tin, bài, hình ảnh được thông tin nhanh chóng, tiện ích đến công chúng trong và ngoài nước. Hàng năm, đơn vị thực hiện 6 chuyên mục di sản văn hóa phát trên sóng Phát thanh - Truyền hình tỉnh và sóng Truyền hình Việt Nam tập trung nội dung về nhân vật, sự kiện di tích Nhà tù Sơn La, di sản văn hóa tiêu biểu tỉnh Sơn La được đầu tư công phu nội dung, chau chuốt hình ảnh nhằm quảng bá hình ảnh, tiềm năng, con người và văn hóa Sơn La. Bên cạnh đó, thực hiện chỉ đạo của cấp trên, Bảo tàng tỉnh cung cấp số lượng lớn thông tin, tư liệu cho các đơn vị truyền thông Trung ương và các địa phương để thực hiện các bộ phim tài liệu về các nhân vật, các sự kiện lịch sử, cung cấp tư liệu cho các cơ quan có thẩm quyền làm căn cứ xem xét thực hiện chính sách cho người có công với đất nước.
Việc nâng cấp, chỉnh lý nhà trưng bày bổ sung tại di tích nhà tù Sơn La được xây dựng thành nhiệm vụ trọng tâm hàng năm, đã góp phần thông tin, tuyên truyền ngày càng đầy đủ với nhân dân trong nước và khách quốc tế về cuộc đời, sự nghiệp, tư tưởng, công lao của Nhà cách mạng, Liệt sỹ Tô Hiệu, giá trị di tích Nhà tù Sơn La. Trong những năm gần đây để đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học, Bảo tàng tỉnh Sơn La xây dựng tốt mối quan hệ với các bảo tàng bạn, các đơn vị lưu trữ tài liệu lịch sử của tỉnh và Trung ương, các cơ quan tuyên truyền thực hiện phối hợp sưu tầm tài liệu, tổ chức các hội thảo, tọa đàm khoa học, trưng bày chuyên đề, trưng bày cố định. Công tác nghiên cứu khoa học ngày càng chuyên sâu, bài bản, tạo lập hệ thống tài liệu thành các chuyên đề phục vụ hiệu quả công tác nghiên cứu, bảo tồn, phát huy di tích.
Di sản tinh thần, tư tưởng của đồng chí Tô Hiệu, những chiến sỹ Cộng sản và những người Việt Nam yêu nước để lại cho thế hệ sau, được Bảo tàng tỉnh Sơn La tuyên truyền rộng rãi đến các chi bộ, đảng viên, quần chúng bằng các hình thức đa dạng. Phối hợp với các chi bộ tổ chức học tập truyền thống tại Di tích Nhà tù Sơn La, tổ chức kết nạp đảng viên mới, tuyên thệ trước tượng đài các liệt sỹ, báo công, dâng hương thường niên, sinh hoạt chuyên đề: Học tập tinh thần Tô Hiệu; Học tập và rèn luyện theo gương chiến sỹ Cộng sản Nhà tù Sơn La…Được các chi bộ, cơ quan trong và ngoài tỉnh tin cậy, giao phó chịu trách nhiệm xây dựng nội dung và hình thức tổ chức, là điểm đến học tập uy tín, chất lượng.
Cán bộ chi cục Thi hành án Thành phố Sơn La tham quan di tích Nhà tù Sơn La, 2021.
Có thể khẳng định rằng, công tác phát huy giá trị tinh thần, vinh danh công lao của đồng chí Tô Hiệu và giá trị di tích nhà tù Sơn La đạt được nhiều kết quả tốt đẹp. Để đạt được kết quả đó, công tác bảo tồn được coi là nền móng, là khâu công tác "xương sống", quyết định chất lượng, hiệu quả của công tác phát huy. Công tác bảo vệ, bảo quản là nhiệm vụ hàng đầu, quan trọng, quyết định sự trường tồn của mỗi di tích nói chung và của Di tích Nhà tù Sơn La nói riêng.
Di tích nhà tù Sơn La thuộc loại hình di tích lịch sử cách mạng do Bảo tàng tỉnh Sơn La quản lý. Quần thể di tích 05 di tích bất động sản được quản lý và phát huy: Nhà tù Sơn La, xây dựng từ năm 1907, nơi thực dân Pháp sử dụng vào mục đích thống trị, đàn áp người dân Việt Nam; Toà Công sứ: nơi các đời Công sứ Sơn La và bộ máy công chức tay sai làm việc; Nhà Giám binh: Nơi làm việc của Giám binh Pháp và đội ngũ lính khố xanh; Nhà Quân y: phục vụ khám chữa bệnh cho bộ máy chính quyền, quân đội, cung cấp số lượng ít ỏi thuốc chữa bệnh cho nhà tù; Giếng nước: Giếng nước khoan đầu tiên của tỉnh lỵ, có tháp lọc nước, tù nhân phải dùng xe chở nước phục vụ cho công sứ, công chức; cây Đa bản Hẹo: Địa điểm cất giữ tài liệu và liên lạc của chi bộ Nhà tù Sơn La, tổ chức yêu nước địa phương, Trung ương Đảng.
Trong quần thể di tích, di tích Nhà tù Sơn La là hạt nhân giá trị lịch sử, là điểm đến của đem lại nguồn thu ngân sách chủ yếu của Bảo tàng tỉnh Sơn La. Diện tích nhà tù 2184 m2 với tổng số 49 phòng giam, nhưng do hậu quả của chiến tranh và chủ ý phá hoại của quân đội Pháp khi rút khỏi Sơn La xóa đi dấu tích tội ác với nhân dân ta nên di tích gốc chỉ còn lại chân móng các phòng giam, duy nhất xà lim ngầm hầu như còn nguyên vẹn. Bảo tàng tỉnh Sơn La đã thực hiện các dự án tôn tạo một phần hệ thống các phòng giam nhằm khôi phục lại quy mô và kiến trúc nhà tù, dựa trên hệ thống các bản đồ khảo sát mặt bằng, bản vẽ thiết kế tổng thể, bản vẽ chi tiết của Sở Kiến trúc thuộc Nha Công chính Bắc Kỳ chính quyền đô hộ mà Bảo tàng tỉnh sưu tầm được tại Trung tâm văn thư và Lưu trữ Quốc gia I- Bộ Nội vụ. Các hạng mục bất động sản khác: Tòa Công sứ, nhà Giám binh và Trại lính khố xanh, Nhà Quân y sau khi chính quyền cách mạng tỉnh Sơn La thành lập đến năm 2021 đã sử dụng làm trụ sở làm việc cho Ủy ban nhân dân tỉnh và một số cơ quan của tỉnh Sơn La nên đã qua chỉnh trang, xây mới, việc phát huy di tích hiệu quả không cao. Căn cứ hồi ký tù nhân chính trị nhà tù Sơn La và nhân chứng lịch sử, đồi Khau Cả còn nhiều hạng mục người Pháp xây dựng như: Trạm Bưu điện, Trường học, nhà Thuế vụ, … nhưng đến nay chưa sưu tầm được tài liệu liên quan, chưa tìm được điểm di tích gốc phục vụ công tác quy hoạch, bảo tồn và phát huy.
Năm 1959, Khu tự trị Thái Mèo thành lập, tỉnh Sơn La thuộc Khu tự trị, nhận thấy tính cấp thiết của việc giữ gìn và phát huy lâu dài giá trị các di tích, các tài liệu về các cán bộ cách mạng tiền bối, tài liệu lịch sử vô giá của nhân dân ta, di tích Nhà tù Sơn La được Bảo tàng Khu tự trị Thái Mèo quản lý và phát huy. Hệ thống các hạng mục bất động sản thuộc di tích được thống kê, khoanh vùng bảo vệ, tài liệu hiện vật được đăng ký vào sổ kiểm kê có đánh số kiểm kê, mở hồ sơ theo dõi.
Kho tư liệu về di tích nói chung và tư liệu riêng về đồng chí Tô Hiệu hiện nay có được do đơn vị đã triển khai sưu tầm trong nhiều năm qua tại Trung tâm Văn thư và Lưu trữ Quốc gia I, III - Bộ Nội vụ; Bảo tàng lịch sử Quốc gia; Bảo tàng Hồ Chí Minh, Thư viện Khoa học - Xã hội, Di tích nhà tù Hỏa Lò; Hội thảo khoa học, thân nhân tù nhân chính trị... Tính đến năm 2021, lập được danh sách 980 tù nhân (trong đó 460 tù nhân có hồ sơ, tài liệu) cùng hàng trăm tài liệu về nhà tù Sơn La, tỉnh Sơn La giai đoạn 1904-1945. Tài liệu, hiện vật liên quan đến đồng chí Tô Hiệu gồm có: 01 tài liệu của Ban Bảo vệ chính trị nội bộ Trung ương Đảng, 14 hồi ký cựu tù nhân nhà tù Sơn La ghi chép về hoạt động và công lao của đồng chí Tô Hiệu, 01 bia đá do chi bộ Nhà tù Sơn La bí mật làm và chôn giấu dưới mộ đồng chí Tô Hiệu năm 1944, 03 ảnh chân dung đồng chí Tô Hiệu năm 1926 và trong hồ sơ mật thám Pháp năm 1930, năm 1939; 01 ảnh đồng chí Tô Hiệu năm 1935-1937; 20 ảnh về gia đình và các hoạt động khác sau năm 1944. Trong những năm gần đây, Bảo tàng tỉnh Sơn La đã chú trọng áp dụng công nghệ thông tin vào việc số hóa tài liệu tiện ích cho công tác kiểm kê, tra cứu, quản lý. Đặc biệt, công tác sưu được chú trọng và đạt chất lượng cao, bổ sung kho lưu trữ hàng trăm tài liệu, hiện vật là những bức ảnh tư liệu, bản đồ, bản vẽ thiết kế, tư liệu cá nhân tù nhân, tư liệu về quá trình xây dựng, hoạt động của nhà tù Sơn La giai đoạn 1907 - 1945. Mặc dù, di tích Nhà tù Sơn La được tiếp quản từ sớm nhưng do thực dân Pháp tiêu hủy tài liệu liên quan đến tù nhân và hoạt động của bộ máy đô hộ tại Sơn La nên hệ thống tư liệu bị đứt quãng, kể cả ở các đơn vị lưu trữ, do lịch sử để lại nguyên nhân chủ quan và khách quan mà hệ thống tư liệu cũng không liên tục, gây khó khăn không nhỏ cho công tác nghiên cứu khó học, sưu tầm và phát huy di tích.
Truyền thống của Bảo tàng tỉnh qua nhiều thế hệ cán bộ đó là luôn giữ mối liên hệ mật thiết với thân nhân tù nhân chính trị. Gia đình các đồng chí đã cung cấp, hiến tặng được rất nhiều tài liệu, hiện vật quý làm cơ sở hoàn thiện hồ sơ tù nhân chính trị, làm giàu kho tư liệu di tích Nhà tù Sơn La. Đặc biệt, tiếp bước truyền thống dòng họ Tô, chủ trương khuyến học, khuyến tài của đồng chí Tô Hiệu, ông Tô Quyết Tiến (cháu ruột đồng chí Tô Hiệu) gây dựng quỹ học bổng Tô Hiệu tại Sơn La, giao cho Hội Khuyến học chủ trì quản lý quỹ, phối hợp với Bảo tàng tỉnh Sơn La xét và tổ chức trao tặng, khuyến khích, động viên các em học sinh có hoàn cảnh khăn vươn lên trong học tập, vinh danh học sinh có thành tích cao. Tính đến năm 2022, quỹ học bổng Tô Hiệu tại Sơn La lên đến hơn 2 tỷ đồng.
Về cảnh quan di tích, các công trình trên đồi Khau Cả được người Pháp quy hoạch và xây dựng bắt đầu từ năm 1904 với mục đích thiết lập bộ máy cai trị tập trung tại khu vực trung tâm tỉnh lỵ. "Khau Cả" trong tiếng dân tộc Thái có nghĩa là "đồi lớn", có tầm nhìn bao quát quan sát và khống chế toàn bộ khu vực dân cư khu lòng chảo (các bản Thái), tận dụng nguồn nước tự nhiên của suối Nặm La ngay sát chân đồi. Đồng thời đồi Khau Cả án ngữ tuyến giao thông đường bộ độc đạo đường 41(nay là quốc lộ 6), từ địa điểm này sang Sông Đà di chuyển đường sông thuận lợi, phòng thủ quân sự tối ưu cho vùng Tây Bắc Việt Nam, thượng Lào và đường biên giới với Trung Quốc. Đây vừa là tương quan cấu trúc không gian cũng vừa là tương quan chính trị xã hội và quân sự đặc thù của khu đồi Khau Cả - là đặc điểm đặc trưng không thể tách rời trong nghiên cứu đặc điểm, bảo tồn và phát huy giá trị của di tích Nhà tù Sơn La.
Tuy chưa thống kê cụ thể, đầy đủ số lượng, chủng loại cây xanh trong khuôn viên di tích, song tại các hạng mục di tích các cây xanh đặc trưng, có giá trị về lịch sử, văn hóa, sinh thái được đưa vào danh mục bảo vệ, chăm sóc.
Hạng mục di tích Nhà tù có cây đào Tô Hiệu trong khuôn viên, là biểu tượng gắn liền với di tích được công chúng quan tâm hàng đầu khi nghiên cứu, tìm hiểu, tham quan di tích. Chính vì vậy việc chăm sóc, bảo tồn cây đào Tô Hiệu được xây dựng trong nhiệm vụ trọng tâm công tác hàng năm. Do tuổi thọ của loài đào không cao nên cây đào Tô Hiệu hiện nay đã được trồng thay thế để đảm bảo tính biểu trưng, phục vụ hiệu quả khách tham quan.
Hạng mục di tích nhà Giám binh và trại lính khố xanh có 03 cây Mak Trai (họ Xoài núi) thuộc loại thân gỗ lâu năm, do thực dân Pháp trồng lấy bóng mát khi xây dựng công trình năm 1904. Cây phát triển tự nhiên, sức sống tốt, không có dấu hiệu thoái hóa, tán lá cao rộng che phủ toàn bộ khuôn viên sân nhà Giám binh và Trại lính khố xanh, trở thành địa điểm lý tưởng để tổ chức các hoạt động bảo tàng.
Hạng mục di tích cây Đa bản Hẹo nằm trên đồi bản Hẹo cách di tích nhà tù 1 km, liền kề trục giao thông chính của trung tâm thành phố Sơn La, cách đồi Khau Cả 1km, “Hẹo” tiếng Thái có nghĩa là “Cạm bẫy”. Cây đa mọc tự nhiên ở lưng chừng đồi, gốc cây có một hốc rỗng là nơi cất giấu tài liệu vừa là địa điểm liên lạc của Trung ương Đảng, chi bộ Nhà tù Sơn La và tổ chức yêu nước địa phương. Cây đa khoảng 200 tuổi, có 3 nhánh lớn, hiện nay một nhánh có hiện tượng thoái hóa. Bên cạnh ý nghĩa lịch sử to lớn, cây đa bản Hẹo còn góp phần làm đẹp môi trường sinh thái và cảnh quan của Thành phố.
Nghĩa trang Liệt sỹ nhà tù Sơn La là nơi yên nghỉ của những chiến sỹ cách mạng, những người Việt Nam yêu nước bị thực dân Pháp thủ tiêu, giết hại trong ngục Sơn La. Nghĩa trang nằm ngay chân đồi Khau Cả, thời Pháp thuộc là thung lũng ổi hoang, tù nhân gọi là nghĩa địa Gốc Ổi. Từ năm 1955, nghĩa trang được rào bao quanh chăm sóc, bảo vệ, năm 1980 được khai quật quy mô lớn, quy hoạch, xây dựng khang trang trên diện tích 42.860m2. Tại đây có 7 phần mộ, trong đó 6 mộ tập thể và mộ đồng chí Tô Hiệu. Đến nay, những quả ổi chín rụng xuống, cho cây mới thay thế những cây già, vẫn giữ nguyên được vườn cây ổi đã đi vào lịch sử nghĩa trang.
Liên đội Tiểu học Chiềng Lề viếng Nghĩa trang Liệt sỹ Nhà tù Sơn La, 2021.
Cảnh quan đồi Khau Cả được bao phủ màu xanh của hàng trăm cây nhãn cổ xen lẫn cây cây ban rừng, đến mùa hoa ban nở trắng đồi làm nên vẻ đẹp đặc trưng của núi rừng Tây Bắc. Đặc biệt con đường từ Quốc lộ 6 lên di tích Nhà tù có hàng cây Lát, Bạch đàn lâu năm kết thành tán vòm ôm theo cung đường uốn quanh đồi kiến tạo nên không gian tự nhiên mát dịu. Từ đỉnh đồi phóng tầm mắt ngắm nhìn được toàn cảnh Thành phố Sơn La, vào những ngày sương mù nhẹ hoặc vào ban đêm ánh đèn lung linh, cảnh đẹp vô cùng ấn tượng. Vì vậy, thu hút đông đảo khách tham quan, nhân dân đến thưởng ngoạn cảnh đẹp và chụp ảnh lưu niệm.
Bảo tàng tỉnh Sơn La, Di tích nhà tù Sơn La nằm tại trung tâm thành phố Sơn La, đường xá thuận lợi cho khách quan, nhân dân đến với địa điểm. Nhưng bên cạnh đó, việc phục vụ đông đảo công chúng đặt ra trọng trách cho cán bộ quản lý và người phục vụ đảm bảo an toàn cho tài liệu, hiện vật, đảm bảo vệ sinh, môi trường, cảnh quan của bảo tàng và di tích, đảm bảo an toàn cho khách tham quan, an ninh trật tự khu di tích.
Các điểm di tích nằm không tập trung nên việc liên kết tuyến điểm tham quan chưa phát huy đồng đều các hạng mục di tích. Trên đồi Khau Cả có nhiều cây cối, là điều kiện hết sức thuận lợi cho côn trùng mối, mọt, sâu bệnh hại hoạt động mạnh, xâm hại trực tiếp đến tài liệu, cây xanh di tích. Phần lớn tài liệu thuộc chất liệu giấy, chưa có không gian trưng bày, được lưu trữ trong kho, trong khi thiết bị bảo quản đơn giản, chủ yếu bảo quản thủ công nên nhiều tài liệu lâu năm bị giảm chất lượng, về lâu dài ảnh hưởng xấu đến hiệu quả công tác nghiên cứu, phát huy di tích. Công tác bảo quản không chỉ thực hiện đối với tài liệu, hiện vật mà còn đối với cảnh quan, môi trường di tích, hệ thống cây xanh có giá trị văn hóa, lịch sử nên phải phối hợp với đơn vị chuyên ngành khác, bảo tàng không có biên chế chuyên môn lĩnh vực này.
Việc áp dụng khoa học công nghệ vào số hóa tài liệu chưa nhiều, chỉ được phần nhỏ trong hệ thống tư liệu hiện có nên việc khai thác chủ yếu thao tác thủ công và công tác phát huy di tích bị hạn chế không nhỏ, nhất là đối với bộ phận công chúng có nhu cầu khai thác tiện ích qua mạng Internet. Chưa cập nhật được xu thế tiên tiến của hoạt động bảo tàng di tích như: triển lãm thực tế ảo, bảo tàng 3D, thiết bị cảm ứng, … do đó hạn chế sự tương tác, khám phá, môi trường trải nghiệm cho công chúng.
Để phát huy vị thế là Khu di tích lịch sử văn hoá quốc gia đặc biệt góp phần vào việc thực hiện mục tiêu chung phát triển du lịch trở thành kinh tế mũi nhọn của tỉnh đồng thời phù hợp xu thế phát triển chung hiện nay. Đặc biệt, công tác chỉnh trang cảnh quan, trồng và chăm sóc cây xanh, vệ sinh môi trường luôn đảm bảo sáng - xanh - sạch - đẹp ở các khu vực trong và ngoài di tích, các tuyến đường tham quan, tạo ấn tượng thân thiện, đánh giá cao của khách tham quan. Bảo tàng tỉnh Sơn La mong muốn phát triển đa dạng và đồng bộ hệ thống dịch vụ du lịch, thương mại, vui chơi giải trí và nghiên cứu khoa học, học tập truyền thống để thu hút đa dạng đối tượng khách tham quan và tăng nguồn thu sự nghiệp, đem lại giá trị kinh tế tương xứng tiếp tục góp phần vào sự nghiệp bảo tồn di sản.
Đến với di tích nhà tù Sơn La, được nghe, được nhìn, chứng kiến những chứng tích đã được gìn giữ và trải qua những hao mòn của thời gian chứa đựng bao gian khổ, hy sinh của các bậc tiền nhân, chan chứa bao tình cảm mến thương của đồng bào, du khách, để cảm nhận rõ hơn một tinh thần, nhân cách đồng chí Tô Hiệu và các chiến sỹ Cộng sản trong ngục đế quốc, lan tỏa ý chí kiên cường, sáng suốt cho dù trong hoàn cảnh bó buộc nhất, tình yêu thương đồng chí, đồng bào vô cùng cao cả. Vun đắp cảm xúc tích cực và dần trở thành động lực cho học sinh, du khách nhận thức sâu sắc về giá trị tư tưởng, tinh thần Tô Hiệu, giá trị di tích Nhà tù Sơn La.
Mỗi năm, Bảo tàng tỉnh Sơn La tiếp đón, phục vụ 220 nghìn lượt khách tham quan trong và ngoài nước đến làm việc, tham quan, nghiên cứu, học tập. Con số này phản ánh khách quan giá trị di sản tinh thần, lý luận, bằng chứng lịch sử mà đồng chí Tô Hiệu và thế hệ cách mạng tiền bối đã xây dựng, truyền lại đã và đang phù hợp với nhận thức, yêu cầu của xã hội. Đặc biệt, trong thực tế đất nước đang đẩy mạnh toàn diện sự nghiệp đổi mới và hội nhập quốc tế, chất lượng sống ngày càng được nâng cao, nhưng cũng đồng thời diễn biến khó lường, cùng những khó khăn, phức tạp trong đời sống xã hội, nhất là sự tác động từ mặt trái của cơ chế thị trường thì các giá trị đạo đức cốt lõi của đảng viên, của nhân dân ngày càng cấp thiết để xây dựng tổ chức Đảng trong sạch vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng.
Để xây dựng Di tích nhà tù Sơn La xứng đáng là địa chỉ đỏ của các hoạt động về nguồn, nơi hội tụ tình cảm của nhân dân trong nước và bạn bè quốc tế, trong thời gian tới, Bảo tàng tỉnh Sơn La xây dựng nhiệm vụ trong tâm trước mắt và lâu dài, đó là:
Một là, Xây dựng và thực hiện tối ưu đề án “Đổi mới, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của Bảo tàng tỉnh gắn với phát triển du lịch giai đoạn 2020-2025, tầm nhìn đến năm 2030. Huy động trí tuệ chuyên gia trong và ngoài nước, cập nhật kịp thời xu thế bảo tàng, di tích quốc tế, đáp ứng đa dạng nhu cầu khách tham quan.
Hai là, chú trọng công tác nghiên cứu khoa học phục vụ hiệu quả cho công tác bảo tồn, phát huy di tích gốc để làm nổi bật giá trị và tính hấp dẫn thuyết phục của di tích và làm sống động thêm nội dung trưng bày cả về hiện vật và cảnh quan di tích Nhà tù Sơn La, trong đó làm phong phú thêm tư liệu, hình ảnh về thân thế và sự nghiệp của Nhà cách mạng, liệt sỹ Tô Hiệu.
Ba là, chuyên nghiệp hóa công tác phục vụ, từ đội ngũ bảo vệ, bán soát vé tham quan đến đội ngũ thuyết minh viên. Thể hiện vừa có kiến thức chuyên môn, kỹ năng nghiệp vụ, trình độ chuyên môn, vừa có phong cách thái độ phục vụ văn minh, chuyên nghiệp xứng. Không chỉ cơ sở vật chất cơ bản, các cơ sở vật chất phụ trợ: phòng đón tiếp khách, công trình vệ sinh, biển chỉ dẫn di tích cũng cần được quan tâm, được nâng cấp, đầu tư xứng tầm là di tích Quốc gia đặc biệt.
Bốn là, đẩy mạnh công tác đa dạng hóa hoạt động tuyên truyền quảng bá thông qua các kênh thông tin: Internet, báo chí, truyền hình và các hội nghị, hội thảo chuyên đề trong nước, quốc tế; Tăng cường quảng bá giá trị nổi bật của Khu di tích tại các sự kiện văn hoá, thể thao và du lịch ở trong nước và nước ngoài với tư cách là biểu tượng của thương hiệu du lịch Sơn La; Đẩy mạnh liên kết với các trọng điểm du lịch Tây Bắc trong việc xây dựng sản phẩm và tuyên truyền quảng bá du lịch.
Thứ năm là, tập trung nâng cao chất lượng các sản phẩm văn hóa, dịch vụ văn hóa tại Bảo tàng tỉnh Sơn La.Trong đó tập trung xây dựng các sản phẩm mang tính đặc thù, có bản sắc riêng và giá trị nổi bật để thu hút khách trên cơ sở khai thác có hiệu quả giá trị văn hóa phi vật thể của di tích. Phát triển đa dạng các sản phẩm, hàng hóa lưu niệm cả về chất lượng và hình thức mẫu mã.
Đoàn viên tỉnh đoàn Sơn La học tập truyền thống dưới cây đào Tô Hiệu, 2022
Nguyễn Thị Ngọc Tú - Phòng Giáo dục - Truyền thông