Đường dây nóng: 0212.3850221

Đổi mới công tác nghiên cứu, sưu tầm tư liệu, hiện vật phục vụ trưng bày tại khu di tích lịch sử Quốc gia Ngã ba Cò Nòi

Cập nhật: 09:05:52 21 / 04 / 2022
Lượt xem: 938

Công tác sưu tầm hiện vật có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là công tác xuyên suốt kết nối 6 khâu, là nền tảng quyết định cho sự ra đời cũng như tồn tại và phát triển của mỗi Bảo tàng.

Di tích lịch sử Ngã ba Cò Nòi là nơi giao nhau giữa Quốc lộ 37 và Quốc lộ 6 thuộc địa phận xã Cò Nòi, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La. Nơi đây hơn 60 năm về trước là một “yết hầu” mà địch quyết liệt ngăn chặn hòng cắt đứt con đường vận tải, tiếp tế về mọi mặt cho chiến trường Điện Biên Phủ. Máu của hàng trăm cán bộ, chiến sĩ, thanh niên xung phong và nhân dân đã đổ xuống “túi bom” này, viết lên khúc tráng ca bất diệt cho thắng lợi lịch sử Điện Biên Phủ “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Di tích lịch sử Ngã ba Cò Nòi đã được Bộ Văn hoá - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng quốc gia ngày 29 tháng 4 năm 2004, nhân dịp kỷ niệm 50 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ

Để bảo vệ và phát huy tốt ý nghĩa và giá trị lịch sử to lớn của di tích lịch sử Ngã ba Cò Nòi, tỉnh Sơn La đã thành lập Ban Chỉ đạo Tôn tạo và phát huy giá trị di tích lịch sử Ngã ba Cò Nòi, giao nhiệm vụ cho Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, trực tiếp là Bảo tàng tỉnh Sơn La thực hiện công tác nghiên cứu, sưu tầm tư liệu, hiện vật phục vụ trưng bày tại Di tích lịch sử Ngã ba Cò Nòi. Từ tháng 3 năm 2020, bảo tàng tỉnh Sơn La triển khai xây dựng Kế hoạch Sưu tầm tư liệu, hiện vật, phỏng vấn nhân chứng lịch sử liên quan đến Ngã ba Cò Nòi.

Bảo tàng tỉnh Sơn La tổ chức tiếp nhận tư liệu, hiện vật tại Hội Cựu Thanh niên xung phong tỉnh Sơn La, năm 2021.

Bảo tàng tỉnh Sơn La tổ chức sưu tầm tư liệu, hiện vật tại Hội Cựu Thanh niên xung phong Việt Nam, Hà Nội, năm 2021.

Những nhân chứng lịch sử đã từng tham gia chiến đấu và phục vụ chiến đấu tại Ngã ba Cò Nòi năm xưa sống ở các tỉnh thành trên toàn quốc, từ Điện Biên, Sơn La, Hà Nội, Thái Nguyên, Hải Dương, Bắc Ninh… những người đều đã ở độ tuổi từ 85-90, đang âm thầm sưu tầm và lưu giữ các kỷ vật, ghi chép hồi ức như là những nỗ lực cuối cùng nhằm trao truyền cho các thế hệ sau rằng họ đã sống và chiến đấu ở “tọa độ lửa” Ngã Ba Cò Nòi, nơi thấm máu hàng trăm đồng đội của họ để làm nên chiến thắng.

Bảo tàng tỉnh Sơn La tổ chức phỏng vấn nhân chứng lịch sử, sưu tầm tư liệu hiện vật tại Hà Nội, năm 2020.

 Để trưng bày không còn đơn điệu, theo lối mòn, Bảo tàng Sơn La đã đổi mới phương pháp nghiên cứu, sưu tầm bằng cách phỏng vấn các nhân chứng lịch sử là thanh niên xung phong, bộ đội, dân công hỏa tuyến, bác sỹ, y sỹ, văn công tiền phương… đã từng tham gia chiến đấu và phục vụ chiến đấu trong chiến dịch Điện Biên Phủ tại Ngã ba Cò Nòi.

Công tác khai thác thông tin, tư liệu, phỏng vấn, ngoài việc ghi chép đã được sử dụng thiết bị công nghệ như máy quay phim, máy ảnh, máy ghi âm; đảm bảo sự tỉ mỉ, chi tiết cũng như khách quan, chân thực. Để làm được như vậy, đòi hỏi người cán bộ sưu tầm phải phát huy cao tri thức về văn hóa, lịch sử, nắm rõ những thông tin, lý lịch của nhân chứng, hiểu biết về chuyên môn nghiệp vụ, thông thạo kỹ năng sử dụng các phương tiện, ghi chép khoa học, làm tốt công tác dân vận, công tác quần chúng.

Bảo tàng tỉnh Sơn La tổ chức phỏng vấn nhân chứng lịch sử, sưu tầm tư liệu hiện vật tại Thái Nguyên, năm 2020.

Việc giao tiếp có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong quá trình sưu tầm. Sau mỗi chuyến điền dã, nghiên cứu sưu tầm, cán bộ bảo tàng tỉnh phải xây dựng: báo cáo phỏng vấn (trong vòng 48 giờ sau khi kết thúc phỏng vấn nhân chứng lịch sử), báo cáo tổng hợp chuyến điền dã, danh mục ảnh phỏng vấn, danh mục hiện vật sưu tầm, gỡ băng và hiệu đính ghi âm, xây dựng timeline video (nội dung phim theo trình tự thời gian).

Bảo tàng tỉnh Sơn La tổ chức phỏng vấn nhân chứng lịch sử, sưu tầm tư liệu hiện vật tại Hải Dương, năm 2020.

Trong năm 2021, được sự quan tâm, chỉ đạo, động viên kịp thời của Ban Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Ban Giám đốc Bảo tàng tỉnh, phòng Nghiệp vụ Bảo tồn - Bảo tàng đã thực hiện các đợt khảo sát, phỏng vấn nhân chứng lịch sử, sưu tầm tư liệu, hiện vật về Ngã ba Cò Nòi tại các trung tâm lưu trữ, các Bảo tàng ở Hà Nội, Điện Biên và các huyện trong tỉnh: Mai Sơn, Yên Châu, Mộc Châu, Thuận Châu, Sông Mã....

Tháng 7/2021 để kịp thời phục vụ Lễ Khánh thành Khu tưởng niệm tâm linh Ngã ba Cò Nòi giai đoạn I, dưới sự đôn đốc, chỉ đạo và quan tâm sát sao của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bảo tàng tỉnh Sơn La đã chỉnh lý trưng bày tại Nhà trưng bày tại Khu di tích lịch sử Ngã ba Cò Nòi, giới thiệu tới công chúng hơn 30 hiện vật, tư liệu, 14 pano với những hình ảnh, câu chuyện thu hút được sự quan tâm đông đảo khách tham quan, đặc biệt là giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ.

Các đại biểu tham quan Nhà trưng bày tại Di tích lịch sử Quốc gia Ngã ba Cò Nòi, tháng 7/2021.

Sau 1 năm tích cực nghiên cứu, sưu tầm, Bảo tàng tỉnh Sơn La đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần tôn vinh tấm gương chiến đấu, hy sinh vì nền độc lập dân tộc của các liệt sỹ thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến tại Ngã ba Cò Nòi, với 136 ảnh; 200 tư liệu, hiện vật, 04 hồ sơ của Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân là Thanh niên xung phong Đội 34-40; 44 hồ sơ của Liệt sĩ Thanh niên xung phong; 22 phim tài liệu. Gặp gỡ và phỏng vấn 35 nhân chứng lịch sử gồm 106 video ghi hình.

Đặc biệt đã khai thác được rất nhiều những tư liệu, hiện vật quý, cùng những câu chuyện, những ký ức, những trải nghiệm vô cùng sinh động thông qua các chất liệu phong phú như: sổ tay ghi chép, sổ công tác, các mẩu chuyện, nhật ký chiến trường và nhật ký hậu phương, hay các hiện vật như: quân phục, trang phục, di vật của các liệt sĩ, đồ dùng sinh hoạt tại chiến trường, chân dung các nhân chứng, sơ đồ, bản đồ các bức ảnh tư liệu quý từ mở đường, dân công vận chuyển lương thực, thanh niên xung phong đảm bảo giao thông, hát phục vụ bộ đội, những giây phút đồng đội ngồi lại bên nhau đọc thư nhà đến những người chiến sỹ trực tiếp chiến đấu trong mịt mùng lửa đạn khốc liệt của từng trận đánh.

Hơn một năm thực hiện công tác nghiên cứu, sưu tầm tư liệu, hiện vật liên quan đến di tích lịch sử Ngã ba Cò Nòi, cùng với các cựu TNXP, cựu chiến binh, dân công hỏa tuyến, bác sỹ hay văn công tiền phương, những cán bộ làm công tác sưu tầm được trở lại quá khứ của hơn nửa thế kỷ trước, được sống lại những vui buồn, được chia sẻ tiếng cười và những giọt nước mắt. Những câu chuyện của các nhân chứng lịch sử sinh động và chân thực, trong sáng và nhân văn. Rất nhiều nhân chứng luôn “lạc đề”, mải mê kể về đồng đội mà quên luôn chuyện của mình. Đó là sự khiêm nhường của những người đã tham gia một sự kiện lịch sử vĩ đại mà khiến họ chỉ nhớ về chuyện chung hơn là những “niềm riêng”. Thời gian, tuổi tác và sự xúc động đôi lúc cũng làm họ không đi hết được quãng đường tìm về hồi ức, nhưng sự mong muốn sẻ chia những kỷ niệm hào hùng của một thời tuổi trẻ cộng với niềm tự hào đã từng được góp một phần vào chiến thắng vĩ đại Điện Biên Phủ giúp cuốn sổ ghi chép ngày càng đặc chữ. Kho âm thanh, ảnh chụp, video phỏng vấn và tư liệu cũng đầy lên theo những chuyến công tác.

Tuy nhiên, về khách quan nhìn nhận qua các đợt sưu tầm, thu thập, bổ sung tư liệu, hiện vật cũng còn một số những bất cập, khó khăn:

Thứ nhất, khó khăn trong việc tiếp cận với nhân chứng, đặc biệt những nhân chứng là những cựu TNXP, cựu chiến binh, lão thành cách mạng. Các cụ tuổi đã cao, sức khỏe, trí nhớ giảm sút, điều đó đồng nghĩa với việc chúng ta ngày càng mất đi cơ hội gặp gỡ và nếu không tiến hành sưu tầm ngay, tài liệu, hiện vật sẽ mai một dần theo năm tháng.

Thứ hai, một thực tế khác là hiện nay hầu hết tư liệu, hiện vật đang được lưu giữ trong nhân dân đều chưa được áp dụng chế độ bảo quản khoa học mà hoàn toàn bảo quản trong điều kiện tự nhiên nên dẫn đến nhiều hiện vật đang đứng trước nguy cơ mai một, hư hỏng.

Thứ ba, việc sưu tầm những tư liệu, hiện vật liên quan đến Thanh niên xung phong trong kháng chiến chống thực dân Pháp đã được các Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, Bảo tàng Tuổi trẻ… thực hiện từ những năm 1990 - 2000. Do đó, Bảo tàng Sơn La gặp vô cùng nhiều khó khăn khi sưu tầm hiện vật trong giai đoạn này.

Thứ tư, những tư liệu, hiện vật được hiến tặng và tiếp nhận hầu hết không có thông tin để xây dựng lý lịch hiện vật.

Thứ năm, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid - 19 nên công tác điền dã, khảo sát, nghiên cứu sưu tầm tư liệu, hiện vật tại các tỉnh thành còn chậm tiến độ hoặc không thể thực hiện được.

Để làm tốt hơn nữa công tác sưu tầm tư liệu, hiện vật phục vụ trưng bày tại di tích lịch sử Ngã ba Cò Nòi trong năm 2022 và những năm tiếp theo cần thực hiện một số giải pháp nhằm nâng cao chất lượng trong công tác sưu tầm:

Một là, cần đào tạo, xây dựng đội ngũ cán bộ sưu tầm có trình độ và năng lực chuyên môn nghiệp vụ chuyên sâu, đặc biệt cần được trau dồi kiến thức nhiều hơn để có khả năng tiếp cận và làm việc với nhiều nguồn tri thức lớn, phong phú đang ngày càng đổi mới ở trong và ngoài nước.

Hai là, xây dựng cơ sở dữ liệu phục vụ công tác sưu tầm. Ứng dụng công nghệ thông tin vào việc quản lý tư liệu hiện vật là việc làm cấp thiết ngay lúc này.

Ba là, do lực lượng cán bộ sưu tầm của Bảo tàng có hạn, để có thể sưu tầm hiện vật, phát hiện nhiều nguồn hiện vật hơn nữa cần xây dựng mạng lưới cộng tác viên cơ sở giúp tìm được nhiều nhân chứng lịch sử và các nguồn tài liệu, hiện vật có giá trị./.

 

 Quàng Tố Quyên - Phòng Nghiệp vụ Bảo tồn - Bảo tàng

 


Các tin khác:

Thống Báo

Liên Kết Website

Video - Sự Kiện

Không có video - Upload lại link

Thống Kê

Hôm nay : 83
Hôm qua : 144
Tháng này : 1348
Tổng truy cập : 184643
Đang trực tuyến : 1