Di tích khảo cổ Mái đá bản Mòn (xã Thôm Mòn, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La) là di chỉ khảo cổ học được phát hiện sớm nhất của khu vực Tây Bắc do nữ học giả người Pháp M.Conali thực hiện năm 1927. Bảo tàng tỉnh Sơn La đã chủ trì tiến hành nhiều đợt khảo sát, điều tra, khai quật đã thu thập được hàng nghìn hiện vật là công cụ lao động, đồ trang sức có niên đại khoảng 3000 năm cách ngày nay. Đặc biệt, cuộc khai quật năm 2021 tìm được 02 bộ di cốt người tiền sơ sử.
Cán bộ Bảo tàng tỉnh Sơn La thực hiện chỉnh lí hiện vật di chỉ Mái đá bản Mòn
Năm 2022, Bảo tàng tỉnh Sơn La tiếp tục phối hợp với các chuyên gia Viện Khảo cổ học Việt Nam tiến hành chỉnh lí chuyên sâu hiện vật như đo, vẽ, chụp ảnh, miêu tả hiện vật; dập hoa văn hiện vật gốm; thống kê, phân loại, phân tích, so sánh kỹ thuật chế tác các công cụ để làm rõ hơn thông tin lịch sử, giá trị và ý nghĩa di khảo cổ Mái đá bản Mòn trong hệ thống di tích khảo cổ vùng Tây Bắc và khảo cổ học Việt Nam.
PGS. TS Nguyễn Khắc Sử xây dựng hồ sơ khoa học cho hiện vật khai quật tại di chỉ Mái đá bản Mòn
PGS. TS Nguyễn Lân Cường giới thiệu bộ di cốt người khai quật tại di chỉ Mái đá bản Mòn
Các hiện vật nằm trong lòng đất cách ngày nay hàng nghìn năm, do vậy khi tiến hành chỉnh lí cần phải làm sạch, phục dựng hình dáng, xác định công dụng cho hiện vật. Nhằm phục vụ công tác lập hồ sơ khoa học cho hiện vật, đảm bảo tính khoa học, thẩm mỹ và nghiên cứu, trưng bày hiệu quả hiện vật của Bảo tàng.
Cán bộ Viện khảo cổ học chỉnh lí hiện vật khai khai quật tại di chỉ Mái đá bản Mòn
Cán bộ Bảo tàng tỉnh dập hoa văn trên hiện vật gốm khai khai quật tại di chỉ Mái đá bản Mòn
Kết quả bước đầu sau khi nghiên cứu, chỉnh lý các nhà khảo cổ học cũng xác định di chỉ mái đá bản Mòn là một công xưởng chuyên hóa, chế tác công cụ lao động và đồ trang sức, gắn liền với hoạt động kinh tế trồng trọt. Thông qua hình thức mai táng phản ánh văn hóa ứng xử nhân văn của người tiền sử với người đã khuất . Đây được xem như là nguồn sử liệu hiện vật quan trọng, phục vụ trưng bày thành tựu văn hóa cổ xưa của tổ tiên ta tại Bảo tàng tỉnh, góp phần biên soạn địa chí địa phương cũng như nghiên cứu văn hóa tiền sử vùng Tây Bắc của Tổ quốc, góp phần bảo vệ và phát huy giá trị di sản khảo cổ.
Lê Thị Liên - Phòng NV BTBT