KHU CĂN CỨ CÁCH MẠNG VIỆT NAM – LÀO BIỂU TƯỢNG CỦA TÌNH ĐOÀN KẾT ĐẶC BIỆT, THỦY CHUNG, TRONG SÁNG
Trong lịch sử quan hệ quốc tế từ xưa tới nay, quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam là một điển hình về sự gắn kết bền chặt, thủy chung, trong sáng giữa hai dân tộc, cùng nhau đấu tranh vì độc lập, tự do và tiến bộ xã hội. Mối quan hệ đặc biệt đó được phát triển từ quan hệ truyền thống, do Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Cay-xỏn Phôm-vi-hản xây dựng nền móng cùng với các thế hệ lãnh đạo hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước dày công vun đắp. Chính nhờ tình đoàn kết đặt biệt này, hai dân tộc đã kề vai sát cánh, chiến đấu, đồng cam cộng khổ, giành thắng lợi trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và Đế quốc Mỹ xâm lược, hoàn thành sự nghiệp giải phóng dân tộc.
Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Cay-xỏn Phôm-vi-hản tại Hà Nội, ngày 07/2/1966
Khu căn cứ cách mạng Việt Nam - Lào tại bản Phiêng Sa (nay là bản Lao Khô I), xã Phiêng Khoài, huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La là nơi ghi đậm dấu ấn thời kỳ hoạt động cách mạng của Ban Xung phong Lào - Bắc. Từ năm 1948 - 1950, với sự giúp đỡ của bà con nhân dân bản Phiêng Sa, đặc biệt là gia đình cụ Tráng Lao Khô, đồng chí Cay-xỏn Phôm-vi-hản và Ban Xung phong Lào - Bắc đã gây dựng được cơ sở cách mạng quan trọng tại tỉnh Sơn La, tạo tiền đề cho sự ra đời và phát triển của Quân đội Lào Ítxala (năm 1949), là nhân tố đảm bảo cho sự thắng lợi của cách mạng Lào trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và Đế quốc Mỹ.
Để giúp Lào có được căn cứ địa kháng chiến của Trung ương làm chỗ dựa lâu dài cho cơ quan lãnh đạo công cuộc kháng chiến cả nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ thị cho đồng chí Võ Nguyên Giáp nghiên cứu xây dựng Sầm Nưa thành căn cứ chiến lược cho cách mạng Lào. Đồng chí Võ Nguyên Giáp chỉ đạo phải tìm cho được một số anh em Lào có tinh thần yêu nước, hình thành một đội công tác xung phong để đưa về hoạt động vùng Bắc Lào.
Gửi thư cho Ban xung phong Lào - Bắc, Bác Hồ viết: "Kiến lập căn cứ địa Lào độc lập là nhiệm vụ cần kíp. Ban xung phong Lào - Bắc phải ra sức gây cơ sở quần chúng trong vùng địch kiểm soát. Tôi chúc Ban xung phong Lào - Bắc chóng thành công, khu giải phóng Lào độc lập chóng thành lập".
Các đồng chí trong Ban Xung phong Lào – Bắc năm 1948
Đồng chí Cay-xỏn Phôm-vi-hản (ngoài cùng bên trái) và Hoàng thân Xu-pha-nu-vông, Nu-hắc- phu-xa-hẳn với cán bộ quân tình nguyện Việt Nam năm 1949
Đồng chí Cay-xỏn Phôm-vi-hản nói chuyện thân mật với các cán bộ chuyên gia Việt Nam
Xuất phát từ yêu cầu lịch sử của cách mạng Lào, cùng với sự cần thiết của liên minh chiến đấu Việt - Lào trong cuộc đấu tranh chống kẻ thù chung là thực dân Pháp. Khu căn cứ cách mạng Việt Nam - Lào là nhân tố quan trọng của chiến tranh nhân dân đồng thời là nền tảng cho sự phát triển của cách mạng Lào. Từ khu căn cứ kháng chiến Phiêng Sa, cách mạng Lào đã có bước phát triển vượt bậc dẫn tới sự ra đời của Quân đội Lào Ít-xa-la (1949), Chính phủ kháng chiến Lào (1950) và Đảng Nhân dân Cách mạng Lào (1955), đó là những nhân tố đảm bảo cho sự thắng lợi của cách mạng hai nước Việt Nam - Lào trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1945 - 1954) và Đế quốc Mỹ (1954 - 1975).
Khu căn cứ cách mạng Việt Nam - Lào có giá trị lịch sử quan trọng đối với cả hai nước Việt Nam - Lào
Trước hết, giá trị nổi bật của Khu di tích chính là biểu tượng cho mối quan hệ “hữu nghị vĩ đại” giữa hai dân tộc Việt Nam - Lào, mà quan trọng hơn cả di tích là bằng chứng vật chất và lịch sử phản ánh tinh thần quốc tế trong sáng của Đảng và Nhà nước, một trong những yếu tố quan trọng quyết định thắng lợi của cách mạng Việt Nam và Lào. Theo tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tinh thần quốc tế trong sáng có các đặc trưng nổi bật sau đây:
Thứ nhất, quan điểm về đoàn kết quốc tế của Chủ tịch Hồ Chí Minh là xuyên suốt và nhất quán, bởi Người sớm nhận ra, cuộc cách mạng giải phóng dân tộc theo con đường cách mạng vô sản muốn đi đến thắng lợi thì phải huy động và tập hợp được sức mạnh đoàn kết quốc tế. Trong hành trình tìm đường cứu nước, lý tưởng cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ dừng lại ở giải phóng dân tộc mình, mà còn vì sự nghiệp giải phóng các dân tộc và nhân loại khỏi ách áp bức, bóc lột của thực dân, đế quốc. Thực tiễn lịch sử cho thấy, dân tộc Việt Nam chiến thắng được những kẻ thù hùng mạnh cũng bởi nhờ toàn dân luôn đoàn kết một lòng; đồng thời, đã nhận được sự đoàn kết, ủng hộ, giúp đỡ quý báu cả về tinh thần và vật chất của các nước anh em, của bạn bè yêu chuộng hòa bình trên toàn thế giới. Sự hợp tác, giúp đỡ lẫn nhau giữa các quốc gia, dân tộc; giữa giai cấp vô sản của các nước Châu Á với phong trào cách mạng vô sản của thế giới. Sự hợp tác, giúp đỡ và học hỏi lẫn nhau tạo nên sức mạnh giải phóng dân tộc của từng quốc gia. Tinh thần quốc tế trong sáng góp phần gắn kết keo sơn các nước anh em theo tinh thần “bốn phương vô sản đều là anh em”, tạo nên tình đoàn kết trong nội bộ nhân dân của các nước thuộc địa và đoàn kết giữa nhân dân lao động của các nước thuộc địa và nhân dân lao động ở các chính quốc. Tình đoàn kết quốc tế giữa ba nước Đông Dương trong đó tình đoàn kết Việt Nam - Lào là tấm gương sáng và mẫu mực nhất về tinh thần quốc tế trong sáng. Có thể coi đây cũng là giá trị hạt nhân, giá trị cốt lõi hàm chứa trong khu di tích.
Chủ tịch Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam Nguyễn Sinh Hùng cùng Chủ tịch Quốc hội nước CHDCND Lào Pa-ny Ya-tho-tu bấm nút động thổ xây dựng Khu di tích lịch sử cách mạng Việt Nam - Lào, ngày 24/4/2012
Thứ hai, Khu di tích là nơi hình thành và hoạt động của Ban Xung phong Lào - Bắc tại Phiêng Sa đã góp phần thúc đẩy sự phát triển của phong trào cách mạng của nhân dân Lào dưới sự lãnh đạo của đồng chí Cay-xỏn Phôm-vi-hản và sự giúp đỡ, che chở bảo vệ của đồng bào các dân tộc tỉnh Sơn La. Đây cũng là tiền đề cho việc xây dựng căn cứ địa Lào độc lập, tạo điều kiện cho sự ra đời của đơn vị Lát-xa-vông tiến tới thành lập Quân đội Lào Ít-xa-la (tiền thân của Quân đội nhân dân Lào). Từ đây, Ban xung phong Lào - Bắc đã xây dựng một địa bàn vững chắc, vừa bảo toàn lực lượng, vừa làm bàn đạp phát triển, mở rộng căn cứ cách mạng vào sâu trong đất Lào. Với sự giúp đỡ của nhân dân Phiêng Sa và Quân tình nguyện Việt Nam, căn cứ cách mạng Phiêng Sa không ngừng được củng cố, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho đồng chí Cay-xỏn Phôm-vi-hản và Ban xung phong Lào - Bắc hoạt động, từ đó tiến sâu vào đất Lào, từng bước xây dựng, mở rộng hệ thống căn cứ địa liên thông từ Thượng Lào đến Trung Lào và Hạ Lào.
Thứ ba, sự phát triển của cách mạng Lào mà đặc biệt là chiến thắng Chiến dịch Thượng Lào đã cổ vũ tinh thần và sự hỗ trợ trực tiếp giúp Quân đội nhân dân Việt Nam tiêu diệt hoàn toàn Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ của thực dân Pháp. Với thắng lợi của chiến dịch Thượng Lào, quân và dân Lào có điều kiện thuận lợi xây dựng, phát triển Sầm Nưa trở thành trung tâm căn cứ địa Trung ương, hậu phương kháng chiến của cả nước Lào, nối thông với nhiều vùng tự do của Việt Nam. Thế phối hợp tác chiến giữa quân đội hai nước trên chiến trường Thượng Lào và Bắc Đông Dương có điều kiện phát triển thuận lợi, góp phần đưa cuộc kháng chiến của quân và dân hai nước giành thắng lợi to lớn trong Chiến cuộc Đông - Xuân 1953 - 1954, mà đỉnh cao là chiến dịch Điện Biên Phủ, tiến tới kết thúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân ba nước Đông Dương. Rõ ràng chiến thắng Điện Biên Phủ không chỉ là yếu tố quyết định buộc thực dân Pháp phải ký hiệp định Gieneva làm cho miền Bắc hoàn toàn được giải phóng mà còn là sự cổ vũ lớn lao cho phong trào giải phóng dân tộc của nhiều nước thuộc địa trên thế giới, kéo theo sự sụp đổ hoàn toàn chủ nghĩa thực dân kiểu cũ của các nước đế quốc. Đây cũng đã thể hiện vai trò lịch sử của khu di tích là củng cố và phát triển tình đoàn kết keo sơn hai nước Việt Nam - Lào.
Thứ tư, trên cơ sở các khu giải phóng của Lào ngày càng được mở rộng đã tạo điều kiện giúp Việt Nam xây dựng tuyến đường huyền thoại mang tên Hồ Chí Minh chạy dọc theo dãy Trường Sơn theo hình nan quạt tạo nên dãy Đông Trường Sơn của Việt Nam và dãy Tây Trường Sơn của Lào. Với sự giúp đỡ và tinh thần quốc tế trong sáng của nhân dân Lào đã đảm bảo hậu cần, vận chuyện vũ khí, lương thực và con người phục vụ cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, góp phần giúp Việt Nam giải phóng miền Nam thống nhất đất nước. Tuyến đường đã trở thành tài sản vô cùng quý giá của nhân dân hai nước, vừa trở thành một chiến trường thu hút và tiêu diệt một lực lượng lớn sinh lực địch, vừa thành chỗ "đứng chân" và là "bàn đạp" xuất phát của các binh đoàn chủ lực hùng mạnh tiến xuống giải phóng các tỉnh ven biển miền Trung, tham gia chiến đấu, giải phóng Sài Gòn, góp phần xứng đáng vào thắng lợi vĩ đại mùa Xuân 1975. Đây là những bước tiến có tính chất đột biến trong lịch sử dân tộc Việt Nam là minh chứng kết quả của tinh thần đoàn kết Việt Nam - Lào. Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và Đế quốc Mỹ xâm lược, tuyến đường Hồ Chí Minh là biểu tượng của tình đoàn kết, lòng dũng cảm, ý chí kiên cường và tinh thần "giúp bạn là tự giúp mình" của nhân dân ba nước Đông Dương, đặc biệt là sự sẻ chia, cùng sát cánh bên nhau của quân dân Việt Nam và Lào.
Thứ năm, trong bối cảnh giai đoạn lịch sử hiện đại, một trong những lợi ích cốt lõi của Việt Nam là giữ vững độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia. Tạo nên sự hòa bình, thịnh vượng cho nhân dân hai nước Việt Nam - Lào, biên giới phía Tây của Việt Nam có vai trò đặc biệt quan trọng và phụ thuộc không nhỏ vào tình đoàn kết quốc tế Việt - Lào được khởi nguồn từ Khu căn cứ cách mạng Phiêng Sa trên đất Sơn La lịch sử.
Với những đóng góp quan trọng của Khu căn cứ cách mạng Phiêng Sa đối với cách mạng Lào, ngày 19/3/2010, đồng chí Sủ-thon Xây-nha-chác - Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước CHDCND Lào tại Việt Nam đã trao Huân chương Tự do hạng Ba và Huân chương Hữu nghị cho bản Lao Khô và gia đình ông Tráng Lao Khô. Trong buổi lễ, đồng chí Sủ-thon Xây-nha-chác phát biểu: “Việc Đảng và nước CHDCND Lào quyết định trao tặng Huân chương Tự do hạng Ba và Huân chương Hữu nghị cho tập thể bà con bản Lao Khô và gia đình của ông Tráng Lao Khô lần này là biểu dương thành tích và cống hiến to lớn của các đồng chí, của bà con, thể hiện sự biết ơn sâu sắc, sự cảm ơn chân thành của Đảng, Nhà nước và nhân dân Lào chúng tôi đối với Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam anh em, các đồng chí chiến sĩ và nhân dân tỉnh Sơn La nói chung, bản Lao Khô nói riêng đã dành sự ủng hộ, giúp đỡ to lớn cho sự nghiệp cách mạng của nhân dân Lào trong suốt hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ...Sự hy sinh và cống hiến to lớn đó của các đồng chí đã góp phần quan trọng vào việc thắt chặt và tăng cường hơn nữa tình hữu nghị vĩ đại, tình đoàn kết đặc biệt và sự hợp tác toàn diện giữa hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước Lào - Việt Nam mà Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Cay-xỏn Phôm-vi-hản kính yêu đã xây dựng và dày công vun đắp...”
Khu căn cứ cách mạng Việt Nam - Lào có giá trị khoa học nổi bật
Thứ nhất, lòng yêu nước, sự thống nhất mục tiêu, lý tưởng, tinh thần quốc tế vô sản, phẩm chất và nhân cách vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Cay-xỏn Phôm-vi-hản là những nhân tố nền tảng quan trọng. Quan hệ đặc biệt của hai lãnh tụ chính là xuất phát từ chiều sâu và tầm cao nhận thức về quy luật; tầm quan trọng của quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào; đây cũng là nhân tố chính khởi đầu cho sự gặp gỡ rồi gắn bó thủy chung của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Cay-xỏn Phôm-vi-hản.
Nhà trưng bày tại Khu di tích lịch sử cách mạng Việt Nam - Lào
Thứ hai, từ quá trình nghiên cứu lý luận, khảo sát thực tiễn thế giới, cùng với quá trình hình thành con đường cách mạng giải phóng dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sớm nhận thấy tầm quan trọng đặc biệt của việc gắn kết vận mệnh và phong trào cách mạng của ba nước Đông Dương nói chung và của hai dân tộc Việt Nam và Lào nói riêng, để từ đó xây dựng nền tảng lý luận của quan hệ đặc biệt Việt Nam và Lào. Trên hành trình trở về tổ quốc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến Lào để tìm hiểu phong trào cách mạng nơi đây. Những luận điểm trong cương lĩnh chính trị đầu tiên do Người soạn thảo thấm đậm tinh thần dân tộc chân chính hòa quyện với chủ nghĩa quốc tế cao cả được Hội nghị hợp nhất thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam đầu năm 1930 thông qua đã hàm chứa cả những vấn đề lý luận của công cuộc giải phóng, giành độc lập, tự do cho dân tộc Lào.
Thứ ba, trong lý luận về chiến tranh cách mạng của chủ nghĩa Mác - Lênin, hậu phương, căn cứ địa giữ vai trò hết sức quan trọng. Bởi hậu phương, căn cứ địa là nơi huy động sức mạnh nhân dân, nơi gây dựng, phát triển lực lượng vũ trang cách mạng, là bàn đạp để tiến công thực hiện nhiệm vụ cách mạng. Thấm nhuần quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin, kết hợp với truyền thống đấu tranh của dân tộc, lãnh đạo nhân dân ta tiến hành đấu tranh giành chính quyền, chiến đấu giải phóng dân tộc, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh hết sức coi trọng xây dựng hậu phương, căn cứ địa, coi đó là một trong những yếu tố quan trọng để làm nên chiến thắng. Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, ngay từ đầu Đảng đã chỉ đạo xây dựng các căn cứ địa rộng lớn, làm chỗ dựa cho cuộc kháng chiến lâu dài. Đó là, căn cứ địa Việt Bắc - được coi là căn cứ địa Trung ương, là căn cứ địa các khu, các tỉnh,... Nhờ những căn cứ địa ngày càng vững chắc, quân và dân ta sớm vượt qua giai đoạn đầu của cuộc kháng chiến, đánh bại âm mưu tái thôn tính Đông Dương của thực dân Pháp, buộc quân xâm lược thực dân phải chấp nhận một cuộc chiến tranh kéo dài, hao người, tốn của, không rõ ngày kết thúc.
Thứ tư, cùng với lãnh đạo nhân dân Việt Nam tiến hành kháng chiến, Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh xác định trách nhiệm quốc tế với Lào và Campuchia, hai quốc gia láng giềng có mối quan hệ hữu nghị, đang bị thực dân Pháp xâm lược. Để đánh bại kẻ thù chung, đối với nước bạn Lào, Đảng xác định “hai nước sẽ giúp đỡ nhau về mọi mặt, nhất là trên lĩnh vực quân sự để cùng nhau tiến tới cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, giành độc lập cho mỗi nước”. Cùng với thành lập liên quân Lào - Việt, cử các đoàn quân sang giúp nhân dân Lào chiến đấu chống thực dân Pháp, Đảng xác định phải tiến hành xây dựng các căn cứ địa, phát triển lực lượng chính trị, lực lượng vũ trang cho nước bạn, tức là tạo nên những yếu tố căn bản nhất cho cuộc kháng chiến của liên minh các bộ tộc Lào. Trong khi đó, với các tỉnh Bắc Lào, nơi có địa hình hiểm trở, đường sá từ Việt Nam sang không thuận lợi, nhưng lại là địa bàn chiến lược. Bởi vậy, Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương, Bộ Tổng chỉ huy Quân đội quốc gia và Dân quân Việt Nam đã quyết định tăng cường lực lượng giúp cho Mặt trận Lào Bắc, dẫn đến sự ra đời của Ban xung phong Lào - Bắc. Cơ sở đầu tiên để hình thành, xây dựng và phát triển của Quân đội Cách mạng Lào.
Tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Cay-xỏn Phôm-vi-hản bên trong nhà trưng bày di tích
Với giá trị lịch sử quan trọng, giá trị khoa học nổi bật, ý nghĩa to lớn về chính trị, nhân dịp Kỷ niệm 35 năm Ngày ký Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác Lào - Việt Nam (18/7/1977 -18/7/2012), 50 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Lào (05/9/1962 - 05/9/2012), Khu căn cứ cách mạng Việt Nam - Lào được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam xếp hạng Di tích quốc gia. Ngày 24/4/2012, Chủ tịch Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam Nguyễn Sinh Hùng và Chủ tịch Quốc hội nước CHDCND Lào Pa-ny Ya-tho-tu đã bấm nút khởi công xây dựng, tôn tạo Khu di tích lịch sử cách mạng Việt Nam - Lào tại bản Lao Khô I, xã Phiêng Khoài, huyện Yên Châu.
Nhân dịp Kỷ niệm 40 năm Ngày ký Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác Lào - Việt Nam (18/7/1977 -18/7/2017) và 55 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Lào (05/9/1962 - 05/9/2012), ngày 06/7/2017, Khu di tích lịch sử cách mạng Việt Nam - Lào được Chủ tịch Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam Nguyễn Thị Kim Ngân và Chủ tịch Quốc hội nước CHDCND Lào Pa-ny Ya-tho-tu cắt băng khánh thành.
Để tiếp tục tuyên truyền, phát triển mối quan hệ đoàn kết, thủy chung của 2 dân tộc Việt Nam - Lào lên một tầm cao mới. Hướng tới kỷ niệm 45 năm Ngày ký Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác Lào - Việt Nam (18/7/1977 -18/7/2022) và 60 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Lào (05/9/1962 - 05/9/2022). Năm 2021, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Sơn La đã chỉ đạo ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch lập hồ sơ khoa học và đã được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt tại Quyết định số 93/QĐ-TTg ngày 18/01/2022. Năm 2022, được chọn là “Năm đoàn kết, hữu nghị Việt Nam - Lào”, tháng 9/2022, tỉnh Sơn La sẽ tổ chức lễ kỷ niệm 60 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Lào và đón nhận Bằng xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt Khu căn cứ cách mạng Việt Nam - Lào.
Di tích lịch sử Khu căn cứ cách mạng Việt Nam - Lào được Đảng, Nhà nước Việt Nam quan tâm đầu tư, tôn tạo. Nơi đây, đã trở thành địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống cho nhân dân về tình đoàn kết đặc biệt, hữu nghị vĩ đại của nhân dân hai nước Việt Nam - Lào trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước. Đồng thời, trở thành điểm hấp dẫn du khách đến thăm quan và trải nghiệm./.
Dương Thế Sơn – Bảo tàng tỉnh Sơn La