Đường dây nóng: 0212.3850221

Hoa văn trên vải của người Thái ở Sơn La

Cập nhật: 04:51:33 07 / 07 / 2022
Lượt xem: 2243

Hoa văn trên vải của người Thái ở Sơn La

Ở Sơn La, người Thái có dân số đông nhất, chiếm tới 53,6% dân số của tỉnh, họ cư trú hầu khắp 12 huyện, thành phố (có huyện người Thái chiếm tới hơn 70% dân số), chủ yếu ở các vùng thung lũng, phiêng, bãi, gần nguồn nước. Người Thái có văn hóa truyền thống đậm đà bản sắc, được gìn giữ qua bao thế hệ đến ngày nay vẫn được bảo tồn đậm nét, trong đó có văn hóa trang phục và hoa văn trên vải.

Theo nhà nghiên cứu văn hóa Thái Hoàng Trần Nghịch, đã dịch từ cuốn sách cổ “Quam bók mạy son côn” (Hoa cây, dạy người) của người Thái, có câu: “Làm người phải lo ăn, ở, mặc, lúa ngô phải lo trồng, bông vải phải lo dệt, nhà cửa lo tu bổ” (Dệt côn đảy khống hảu mí kin, ti dú, ăn nung. Khảu phải đảy khống púk, phải húk đảy khống dệt, hướn dảo khống xảng panh). Vì vậy, ngoài trồng cây lương thực thì việc trồng bông, dệt vải, trồng dâu, nuôi tằm cũng đã được người Thái coi trọng từ xa xưa.

Người Thái cổ quan niệm tượng trưng của các màu: Màu trắng là trời (đón lỏ phạ); màu đen là đất (đăm lỏ đin); màu đỏ là lửa (đanh lỏ pháy); màu xanh là cây cỏ, sự sống (kheo lỏ mạy tók, đang nhắng); màu tím là tối, bầm (màu cắm lỏ căm mựt); màu vàng là sáng, ánh nắng (màu đương lo hung, hưa đét).

Người Thái cổ quan niệm về thổ cẩm: Trước hết là để trừ tà ma. Vì vậy, trang phục của người Thái thường có ít nhất một mảnh vải thổ cẩm làm nẹp áo, gấu quần, chân váy, thắt lưng, khăn piêu…Thứ hai để đuổi thú, nhìn thấy thổ cẩm, màu sặc sỡ thú rừng hoảng sợ, bỏ chạy, không làm hại người. Đắp chăn thổ cẩm nằm trong rừng không sợ hổ, sói ăn thịt. Thứ ba, làm đẹp cho đời, người dùng thổ cẩm biểu hiện sự giàu sang, phú quý.

Người Thái thể hiện các loại hình hoa văn thổ cẩm: Có hình vật; con vật; cây, hoa lá mang tính biểu tượng cao.

Hình vật gồm: (1) Hình móc (hún ngók), hình cong (hún cột), hình gợn sóng (hún phóng  nặm)…với hàm ý nhắc nhở con người, cuộc sống không phải thẳng tắp, trái lại nó ghồ ghề, lên xuống, rộng hẹp, cuộc đời có 9 chỗ thắt, chín chỗ phình (chua con cảu pỏng kíu, cảu pỏng ê); (2) Hình nạng (hún kặm pe), hình này không những ở hoa văn vải thổ cẩm, người ta còn xăm vào cánh tay với dụng ý có đủ sức mạnh chống đỡ tai ương, sức đè nén, chèn ép của người khác; (3) Hình răng cưa (hún nhính) tượng trưng cho mồm rộng, răng nhọn để đuổi tà ma, dọa thú; (4) Hình hạt trám (hún kén cưởm) nói lên vật nhọn 2 đầu, ma quỷ, thú dữ không đường nào vào để hại chủ; (5) Hình đan chéo (hún khuối tin tắng) tượng trưng cho hàng rào che chở.

       Hoa văn hình quả trám được thêu trên Khăn Piêu

của người Thái đen Yên Châu

       Hoa văn hình quả trám lồng trong ngôi sao tám cánh

trên Khăn piêu của người Thái đen Thuận Châu

Hình con vật (hún to xắt) gồm: (1) Con nhện (tô cú), (2) con cua (tô pu), (3) con khỉ (tô linh) là 3 hình khởi nguồn phổ biến trên vải dệt hoặc hình thêu của người Thái. 3 con vật này hàng ngày tiếp xúc với con người, ở nhà, ra đường, lên rừng, đều thấy con nhện, ra đồng gặp con cua, lên nương thấy con khỉ. Đây cũng là 3 con vật ở 3 môi trường khác nhau làm cho con người phiền toái nhất, đồng thời cũng là 3 loài vật có ích trong đời sống con người. Con nhện giăng tơ làm cho nhà cửa bẩn thỉu, nhưng con nhện cũng là một vị thuốc chữa rắn, rết cắn, chữa đinh râu…Con cua hay đục bờ làm cho ruộng cạn, nhưng con cua cũng là một trong những vị thuốc giải độc cung tên…Con khỉ hay phá hoại hoa màu, con người rất ghét, nhưng cũng chính con khỉ là vị thuốc giúp con người chữa suy nhược cơ thể. Qua quá trình phát triển, sau này mới có hoa văn hình chim bay, ngựa chạy, voi thồ…thậm chí trong thời kỳ kháng chiến có cả hình máy bay.

Hình hoa (hún bók) gồm: Hoa dưa, hoa bầu, hoa bí, hoa bấc…(bók tảu, bók tanh, bók ứt, bók tảng…). Những loại hoa này gần gũi với con người, ra khỏi cửa là thấy màu trắng, vàng, da cam…đó là những loại cây vươn lên trong chông gai, vật cản, có nhiều quả bụ bẫm, có tuổi thọ cao mang lại lợi ích thiết thực cho người nông dân.

Hình vằn (hún lái): Hình văn mo dừa (lái káp pạo); hình vằn quả mây (lái bai); hình vằn hạt bầu (lái kén tảu); hình vằn hạt dưa (lái kén tanh). Hình vằn ngoài ý làm đẹp thêm cho hoa văn thổ cẩm, còn có ý khác nữa là đuổi tà ma, đuổi thú. Khi đem con nhỏ đi thăm họ hàng, bạn bè nơi khác, người Thái thường lấy nhọ nồi kẻ mặt, vẽ mũi cho trẻ con, rồi nói “Mặt vằn như mặt cáo, hổ gấu thấy tránh xa, ma quỷ thấy hoảng loạn chạy trốn” (ná lái xướng nả nhên, phi nhên, phi khỉ giản, xưa xang hên vện ník).

Nghệ thuật tạo hoa văn trên vải, màu sắc của vải được người Thái thể hiện chủ yếu bằng kỹ thuật dệt, thêu, ghép vải, nhuộm.

Hoa văn hình cây guột được thêu trên Khăn Piêu

của người Thái đen

Đồ án hoa văn rậm rạp, rực rỡ được thêu trên Khăn Piêu

của người Thái đen

Kỹ thuật dệt: Người Thái thường trồng bông cỏ, với 2 màu, đó là bông trắng (phải đón), bông nâu nhạt (phải náy). Tằm là con nuôi rất khó, phải nuông chiều mới có được tơ, người Thái gọi con tằm là Nàng Tằm (náng mọn), gọi cây dâu là cây ước mơ (co món). Tơ tằm cũng cho con người 2 màu tự nhiên: tơ trắng và tơ vàng (đại đương). Vải, tơ dệt đầu tiên cũng chỉ có 3 màu: màu trắng, màu nâu nhạt, màu vàng tơ. Trong quá trình phát triển, người Thái tìm thấy được cây chàm (co chám) để nhuộm đen, cánh kiến (chăng) nhuộm màu đỏ, củ nâu (mák bau) nhuộm màu nâu, củ nghệ (háu hản) nhuộm màu vàng… Từ đó, người Thái dệt nhiều thứ vải, tự sản, tự cung, thông thường như: Vải trắng (phải đón), vải đen (phải đăm), vải đỏ (phải đanh), vải kẻ ka rô, vải hoa (phải lái), vải thổ cẩm (phải khít).

Vải thổ cẩm dệt có 2 loại: (1) Vải thổ cẩm trắng, đen (phải lái) sợi canh (dọc) màu trắng, sợi dệt (ngang) màu đen hoặc vải kẻ, karo. Đó là sự kết hợp giữa trời và đất, tạo nên những hình hoa lá, chim muông, ô kẻ dọc, ngang (ngày nay, người ta còn dùng sợi canh nhiều màu khác: màu xanh da trời, màu đỏ, tím...); (2) Vải thổ cẩm màu đỏ rực (phải khít) sợi canh màu đỏ, sợi dệt ngũ sắc, đó là sự kết hợp giữa trời, đất, con người và sự sống. Để dệt thổ cẩm, ngoài bộ go chính thì cần có các go phụ được cài sẵn theo các loại hình hoa văn mà người dệt muốn tạo nên. Nếu dệt thổ cẩm trắng, đen (phải lái) thì chỉ cần một bộ go chính và một vài bộ go phụ được cài sẵn theo các hình hoa văn trên khung dệt mà người dệt có ý định tạo hình. Đối với loại vải có hoa văn càng phức tạp, càng tinh xảo, nhiều màu sắc thì càng cần nhiều go phụ và đòi hỏi người dệt thổ cẩm cần phải có kinh nghiệm, có hoa tay, đồng thời hoa văn dệt càng đẹp, càng phức tạp thì yêu cầu tay nghề của người dệt càng cao, tốn nhiều thời gian và công sức.

Vải thổ cẩm dệt chủ yếu để làm mặt chăn, cạnh đệm, đính ghép vào để trang trí cho các sản phẩm khác như: áo dài của phụ nữ, địu trẻ em, mũ trẻ em, túi đeo, riềm màn, riềm gi đô...và đặc biệt không thể thiếu trong các nghi lễ cúng, tang ma của người Thái. Ngoài ra, người Thái trắng ở Phù Yên dùng vải kẻ ka rô để may áo cóm cho phụ nữ và trang phục cho đàn ông cũng tạo nên bản sắc, dấu ấn riêng về trang phục của nhóm Thái trắng địa phương này.

Kỹ thuật thêu: Người Thái đen thường thêu đếm sợi ở mặt trái, đồ án hoa văn hiện lên ở mặt phải, mang tính biểu tượng cao; người Thái trắng thường thêu đè lên mẫu đã có sẵn, mang tính tả thực nhiều hơn.

Sản phẩm thêu độc đáo, tiêu biểu nhất của người Thái đen là chiếc khăn Piêu đội đầu của người phụ nữ. Phụ nữ Thái đen thêu Piêu từ mặt trái, các hoa văn với đồ án và màu sắc phức tạp lại hiện lên ở mặt phải, đó là lối thêu truyền thống với trí tưởng tượng của kỹ thuật và mỹ thuật dân gian tài tình. Piêu được tạo theo lối luồn chỉ hay đan chỉ màu vào vải, nhưng cái khó là phải tính toán theo một nguyên tắc nhất định để luồn chỉ vào mặt trái và hoa văn lại hiện lên chính xác ở mặt phải. Hoa văn Piêu không đơn giản, điểm xuyết mà là một hệ thống đồ án có bố cục nội dung phức tạp, đòi hỏi người phụ nữ Thái phải nắm chắc nguyên tắc kỹ thuật, phải thuộc đồ án hoa văn với hai mặt phải, trái của nó. Ngoài khăn Piêu, người Thái đen còn thêu hoa văn lên khăn mặt bằng vải bông trắng, hoa văn chủ yếu hình cây, cỏ (khau cút, rau rớn).

Người Thái trắng cắt các loại hoa văn bằng vải, giấy bản, giấy bạc đặt lên tấm vải rồi thêu đè lên mẫu. Có người tự cắt được mẫu để thêu nhưng cũng có người phải nhờ người khác cắt mẫu cho. Các loại mẫu này không cố định mà dựa vào tay nghề của người cắt mẫu, thường có mẫu hình con rồng, con chim, bông hoa, dây leo...Người Thái trắng còn hay dùng chỉ kim tuyến để thêu hoa văn tạo sự óng ánh. Các loại vải thêu thường dùng để làm riềm màn, riềm gi đô, gối, đặc biệt là để làm mũ, thắt lưng cho thầy mo.

Người Thái đen và Thái trắng đều có kỹ thuật tạo hoa văn bằng cách ghép vải. Người Thái đen ghép các loại vải màu thành hoa văn hình học: quả trám, hình tam giác, sao tám cánh...chủ yếu để làm riềm gi đô, gối. Người Thái trắng lại dùng vải thêu để làm riềm gi đô, gối, chủ yếu ghép vải trên trang phục.

Kỹ thuật nhuộm để tạo nên các loại chỉ, sợi phục vụ cho kỹ thuật dệt, thêu và may trang phục, góp phần làm phong phú thêm màu sắc và hoa văn trên vải.

Hoa văn được trang trí riềm di đô, chăn, đệm

của người Thái trắng

Hoa văn trên mũ và thắt lưng của Then (thầy cúng)

người Thái trắng

Người Thái trắng Phù Yên dùng vải thổ cẩm để may áo Dệt hoa văn trên vải của người Thái trắng Mộc Châu

Vải và hoa văn trên vải có vai trò quan trọng trong văn hóa của cộng đồng người Thái. Tuy nhiên, cũng như các tộc người khác, văn hóa của tộc người Thái đã có sự giao thoa, biến đổi và tiếp nhận văn hóa của các dân tộc khác để làm giàu bản sắc văn hóa dân tộc mình. Và trong quá trình đó, một số nét văn hóa của tộc người Thái đang bị mai một, trong đó có vải và hoa văn trên vải. Vì vậy, cần có các giải pháp bảo tồn và phát huy loại hình nghệ thuật này, góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa đẹp trong cộng đồng người Thái./.

 

HẢI YẾN

        Nguồn:

       - Đề tài khoa học cấp tỉnh “Bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc Thái trong thời kỳ hội nhập quốc tế”;

       - Kết quả điền dã, nghiên cứu dân tộc học của tác giả.

 


Các tin khác:

Thống Báo

Liên Kết Website

Video - Sự Kiện

Không có video - Upload lại link

Thống Kê

Hôm nay : 687
Hôm qua : 687
Tháng này : 8970
Tổng truy cập : 137707
Đang trực tuyến : 1